THIÊN CHÚA VÀ THA NHÂN

“Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em.” (1Ga 4, 20)

        

         Có hai giới luật tình yêu và hai đối tượng khác nhau của tình yêu ấy: Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng thực tế, đó luôn luôn là vấn đề yêu. Yêu là sinh hoạt duy nhất đòi buộc con người: ở nơi con người chỉ có một tình yêu duy nhất, phát sinh từ cùng một khả năng. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, người chuyên môn nói về “yêu”, mà không luôn luôn phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa, và đâu là yêu tha nhân.

1. Thiên Chúa nơi tha nhân

         Đối với người Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau. Điều này có giá trị trên bình diện hành động, nhưng không được lẫn lộn trên bình diện nhân vị. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Con người là con người. Con người không phải là phương tiện để yêu mến Thiên Chúa. Con người có giá trị ở tự mình, là một cứu cánh tự tại, và Thiên Chúa siêu việt được tôn thờ ở tự chính Ngài. Nhưng vì Thiên Chúa đã làm người, nhờ mầu nhiệm Nhập thể, đã thực hiện một sự hiệp thông nhân-thần, nên yêu Ngài là yêu trong chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự đồng hóa với các môn đệ Ngài: “Ai tiếp nhận anh em là tiếp nhận Thầy, và ai tiếp nhận Thầy là tiếp nhận Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40).

         Những lời trên được lặp lại trong dụ ngôn ngày chung thẩm, vượt qua quĩ đạo hạn hẹp gồm các môn đệ, và trải rộng ra toàn thế giới, vì chính Chúa đồng hóa với những người nghèo khó, bé mọn nhất, và người ta đã sững sờ: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 44-46).

         Thật ra, đây là một cách nói thâm sâu, vì theo sự chính xác của từ ngữ, chúng ta chẳng thể làm gì cho Chúa. Đức Kitô phục sinh chẳng cần trợ giúp hay nâng đỡ. Ngài luôn viên mãn trong vinh quang vĩnh hằng, nên chúng ta chẳng thêm điều gì hơn cho Ngài. Nhưng phải hiểu rằng, sự phục sinh của Ngài đã đem lại cho nhân loại một khả năng siêu việt thời gian, và một phổ quát tính siêu việt mọi không gian, nghĩa là Đức Kitô vẫn đang hiện diện trong thế giới của chúng ta, với chúng ta và bởi chúng ta. Cũng vậy, trong tiềm thể, chính chúng ta cũng đã được thông phần vào mầu nhiệm phục sinh của Ngài, và chúng ta có thể gặp Ngài, đồng thời cũng gặp điều mà Ngài có thể làm cho người lân cận bởi chúng ta. Vì thế, mỗi khi ta biết sống cho người lân cận là một cách sống cho Chúa; mỗi khi nhiệt tâm giúp đỡ người anh em là nhiệt tâm với chính Chúa. Ngài ẩn mình, hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người, qua những người hèn kém đáng thương nhất, như cảm nhận của R. Tagore:

         “Ngài ở với nông dân đang cày bừa.

         Ngài ở với người công nhân đang đập đá.

         Ngài đang đổ mồ hôi dưới nắng mưa từng ngày.

         Và chân bùn tay lấm trong tấm áo tả tơi”. (Số 11)

         Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích, mà còn nơi những người đang cần đến ta. Mỗi người khốn cùng đều là một “bí tích”, là nơi ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu. Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như vị vua giả trang làm người hành khất, vì thiếu một tấm lòng đại độ nên ta không nhận ra Ngài, để rồi ngày chung thẩm ta phải giật mình ngạc nhiên thì đã quá muộn. Ta sẽ không bị xét xử dựa vào điều gì khác ngoài tình yêu. Tội lớn nhất là tội thiếu sót, nghĩa là không làm điều đáng lẽ phải làm cho người anh em: “Quả thật, ai không yêu anh em nhìn thấy trước mắt thì không thể yêu Thiên Chúa mà họ không thấy” (1 Ga 4, 19). Đứng trước sự thật này, Freud cũng đã lên tiếng: “Ở đây, lý tưởng được đặt ra là phải yêu mến tha nhân như chính mình, một lý tưởng mà sự minh giải đích thực về nó không có gì trái ngược với bản tính con người nguyên thủy”.

2. Đức Giêsu luôn ở thì hiện tại  

         Cũng như xưa trong tiệc cưới Cana, để có rượu ngon thì con người phải cung cấp nước; để cho một số lượng năm ngàn người có thể ăn no, phải cần đến sự góp phần của con người từ năm chiếc bánh và hai con cá. Cũng vậy, ngày nay Đức Giêsu vẫn luôn hành động qua chính chúng ta như thế. Lời Ngài vẫn vang lên: “Anh em hãy cho họ ăn”. Vai trò của mỗi người chúng ta lớn lao và cao đẹp biết bao! Chính qua chúng ta mà Đức Giêsu thi thố quyền năng của Ngài. Nhờ quyền năng phục sinh, Ngài làm cho mọi nghĩa cử phàm nhân của chúng ta mang tầm phổ quát. Ngài vừa là nguyên nhân siêu việt, vừa là chủ tối cao của mọi hành động thiện hảo, đồng thời cũng chính là đối tượng nhận lãnh hành động đó trong việc Ngài đồng hóa với mọi kẻ khốn cùng.

            Đức Giêsu luôn nói với chúng ta trong thì hiện tại: “Ta đói khát... Ta là khách lạ... Ta trần truồng... Ta đau yếu... Ta bị tù đày...”

         - Đói khát cũng không hẳn là thiếu cơm nước, nhưng còn là còn đói khát tình thân hữu, thiếu thốn sự cảm thông và nâng đỡ. Những người đói khát của ăn thường chỉ mong no thỏa vật chất mà không cần biết gì khác (x. Ga 6, 26). Còn những người đói khát tình thân thường chỉ mong sở hữu người khác để tựa nương, bám víu (x. Mt 11, 17). Những người như thế mang nhiều mặc cảm. Cảm thức về sự phi lý làm họ mất đi nhân nghĩa; cảm nghĩ về sự bất công làm họ chống lại cuộc đời; cảm nhận về sự khước từ làm họ bất mãn. Ta tưởng là có thể giúp họ ra khỏi chính họ, nhưng cuối cùng họ vẫn sống khép kín. Xem ra họ rất “đáng thương” nhưng “thương không đáng”? Dù sao, họ cũng chính là đối tượng đáng phục vụ nhất mà Chúa Giêsu đã nêu lên, đòi hỏi nơi ta lòng từ tâm và kiên nhẫn không ngừng. Khi sống cho họ tất nhiên chúng ta bị mất mát, và còn có nguy cơ “bị ăn”, bị phá sản. Nhưng rồi đối với người Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa nơi họ không nằm ngoài qui luật vượt qua: chết và sống lại. Đây là cái chết cho chính mình để cho sự sống có thể nảy sinh.

         - Khách lạ không chỉ là những người xa lạ cần sự cứu giúp, hoặc những người khác biệt với ta về màu da, ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo... mà còn là những người khác biệt với ta về chính kiến, cách thái, tính tình, quan điểm, lập trường và đường hướng sống. Dám tiếp nhận họ với tình anh em là dám vượt thắng tính lo sợ bị mất mát của mình, để vượt thoát khỏi những thành kiến và nghi kỵ, để họ siêu nhiên hóa ta bằng cách khám phá nơi họ dung nhan Đức Kitô.

         Điều cản trở ta là chủ nghĩa kỳ thị, đó là một cám dỗ thường xuyên ẩn náu nơi mỗi người, khiến ta có những hành vi và thái độ bất nhẫn cách vô thức. Chúng ta không phủ nhận mặt trái và sự phức tạp của những người quá khác biệt và xa lạ với mình, nhưng điều này thách đố ta dám nhìn xa hơn để thấy được mặt tích cực. Chính lúc tận dụng nét phong phú của sự khác biệt nơi người khác mà ta trở thành chính mình cách trọn vẹn. Nếu không dám đặt con tim mình vào nỗi đau và niềm vui của người khác, không dám chạm đến bản thân họ, thì bản thân mình vẫn tầm thường, chẳng có ích gì.

         Điều này làm ta nhớ lại phản ứng của thánh Tôma tông đồ: Nếu tôi không chạm vào vết thương cạnh sườn Ngài, tôi không tin Đức Giêsu phục sinh (x. Ga 20, 25). Khi gặp Chúa Giêsu hiện ra, ông không còn dám chạm vào Ngài nữa, mà chỉ bàng hoàng thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. (Ga 20, 28). Ông không còn dám chạm vào bên ngoài để kiểm nghiệm về một sự thật nữa, vì Chúa đã chạm đến trái tim ông và linh hồn ông. Nhiều khi Chúa đến qua người khác một cách nào đó mà ta không hay, không biết. Ta đi tìm Chúa mà không thấy, đang khi Chúa đến tìm ta mà không gặp. Chúa vẫn ẩn mình nơi anh em như người xa lạ mà ta không muốn gặp. Ngài vẫn đến như người quấy rầy  mà ta không muốn thấy.

         Đối với kẻ phàm tục, người lạ là một mối đe dọa. Nhưng đối với những ai sống chiêm nghiệm, người lạ là một tài nguyên phong phú, vì họ thấy được nơi người khác những gì mình thiếu. Chính nơi người lạ mà Lời Chúa dọi sáng hơn cho những ai biết nhìn đàng sau vóc dáng bề ngoài, để thấy được phức xạ huyền nhiệm của Chúa trong một thế giới đôi khi “quá là người”.

         Với cái nhìn chiêm nghiệm, người lạ là thiên thần của ông Tôbia; là người khách đến lều của ông Abraham và bà Sara, là lời kinh “Kính mừng Maria” trong ngôi nhà nghèo hèn. Cái nhìn đó đưa ta vào một đời sống mới mà ta không ngờ. Chính người lạ hóa giải các thành kiến của ta về đời sống, đồng thời hủy diệt các khuôn mẫu của ta khi nhìn hay nói về người khác. Chính người lạ làm điều tự nhiên thành siêu nhiên, giúp ta xem lại và thanh lọc cách thức tương giao của mình, mở đường cho việc hoán cải bản thân. Việc hoán cải chính mình là điều cần phải thực hiện liên tục, nếu ta muốn thấy được ý thức về lòng tốt của Thiên Chúa nơi người khác.

         Qua người lạ, lời Chúa vẫn luôn sống động, và làm chấn động trái tim ta. Tha nhân dù trong tình trạng hèn kém hay tội lụy như thế nào, thì hoạt động sự Thiện nơi họ vẫn không hề giảm sút, cũng tràn đầy Chúa giống chúng ta, nếu không muốn nói có khi còn hơn. Vì “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Chỉ có điều là tình trạng ân sủng có thể ở trong giai đoạn ngưng trệ, vì lý do nào đó của bản thân họ, hay do chính bối cảnh xã hội đã phủ lấp đi. Chỉ cần một chút khơi động nào đó qua những cử chỉ và thái độ của tình thân ái, là lòng họ có thể tuôn tràn thánh ân, như khu vườn nở rộ ngàn hoa khi gió xuân về. 

         - Trần truồng không hẳn là thiếu quần áo, mà còn là trần truồng trong tâm hồn, nhân vị bị tước bỏ, hy vọng không còn, sống trong cô đơn và trống rỗng do sự khinh thị của người đời, do sự áp bức và bất công của xã hội. Ta cần đến với họ trong tương quan cá vị và bình đẳng để nhận ra nơi họ hình ảnh của Đức Kitô, Đấng đã bị bóc lột tận cùng và phơi mình ra trên thập giá. Đó cũng là cách khám phá và tiếp nhận chính mình, nhất là những khi cảm thấy mình trơ trọi giữa những thử thách và đau thương. Sự trần truồng thiếu thốn của họ có thể phản ảnh sự trống rỗng trong tâm hồn ta, khi ta lo chạy theo công việc và chức vụ mà thiếu thốn một tình yêu; khi ta chỉ sống theo theo luật lệ, theo lề thói xã hội và lo chu toàn bổn phận theo những hình thức bên ngoài, để củng cố thể diện và danh giá của mình.

         - Đau yếu vì những cơn bệnh ngặt nghèo quả là một thảm trạng. Tuy nhiên, cái chết không làm cho họ sợ bằng bị bỏ rơi, bị quên lãng, bị xa lánh. Sự thất vọng mới là điều làm họ đau đớn nhất, vì không còn cảm nhận gì về một Thiên Chúa nhân hậu, mà đáng lẽ chúng ta phải là một hiện thân sống động. Phải đi tới mức độ nào để giúp những người như thể “vong thân” khỏi ngã lòng?  Điều cần ghi nhận là đau yếu thể xác có thể dẫn tới suy sụp tinh thần, nhưng vì biết rõ từ bên ngoài nên có thể cứu chữa. Điều khổ nỗi là sự đau yếu tinh thần mới thật sự trầm kha. Sự thiếu ý thức về tâm hồn và nhân cách của họ  là nguyên nhân gây suy vong, đáng sợ hơn nhiều so với những cơn bệnh nặng nề về thể lý. Sự cứu giúp đòi ta phải hướng đến tâm trạng hơn là bệnh trạng, cũng như chính bản thân ta vậy.

         - Tù đày trong tình trạng nào cũng cần ta thăm viếng giúp đỡ để họ khỏi ngã lòng, nhưng rồi có khi kẻ tù đày lại là chính là người chống báng và muốn sát hại ta thì sao? Với tinh thần siêu tưởng của đức tin Kitô giáo, Đức Gioan Phaolô II đã không ngần ngại đi vào nhà tù thăm kẻ ám sát mình. Ngài đã triệt để sống Tin Mừng: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27). Đức tin Kitô giáo mời gọi: “Hãy chúc phúc cho người bách hại anh em” (Rm 12, 14).  Thăm viếng Đức Giêsu là giúp giải thoát người anh em khỏi những gì làm cho họ trở thành tù nhân của chính họ và của chính ta. Đó là đón nhận những lầm lỗi của họ, và cả những giới hạn nơi cấu trúc tâm linh của họ, hoặc do giáo dục, cảnh sống và định kiến đã làm nên con người họ. Sự đón nhận đó trở thành huynh đệ khi ta không thất vọng, không đòi hỏi người khác phải cho đi những gì họ không thể, mà vẫn kiên trì giúp đỡ, không phê phán và kết tội họ.  

3. Thiên Chúa và tha nhân trong đời sống tôi  

         Đời sống giữa xã hội

         Sống yêu thương chân thật không phải là chuyện tự nhiên, nhưng là chuyện siêu nhiên, như chính Thiên Chúa trong sự chia sẻ giữa Ba Ngôi. Tình yêu đó được ngoại tại hóa nơi mầu nhiệm Nhập thể là Đức Kitô, hình ảnh tròn đầy của Thiên Chúa, và là Anh Cả của chúng ta. Ngài muốn phục sinh mọi người trong cái chết tràn đầy yêu thương của Ngài. Vì vậy, yêu mến người khác cách huynh đệ giả thiết ta phải biết thâu hóa các phẩm tính nhân sinh trong thái độ tiếp nhận như qui luật của Phục sinh: là chấp nhận tiêu hủy mọi ngăn cách, hay những gì ngăn cản ta yêu mến người khác như chính Thiên Chúa yêu thương họ (x. Cl 3, 9-15). Điều đó đòi hỏi ta cứ phải mở lòng ra không ngừng, như câu chuyện sau:

Có một người kia sau khi ăn chay bảy mươi tuần, thì xin Chúa cho mình được hiểu ý nghĩa của một vài câu trong Sách Thánh, nhưng Chúa không trả lời. Cuối cùng, người đó tự nhủ:

- “Tôi đã cố gắng rất nhiều mà chẳng có một chút tiến bộ nào. Bây giờ tôi đành phải đi hỏi người anh em để xin họ giải thích”.

Khi người đó lên đường, Chúa gởi một thiên thần xuống nhắn nhủ như sau:

-“Bảy mươi tuần ăn chay của con cũng không làm cho con đến gần Chúa. Nhưng bây giờ con đã có lòng khiêm tốn đến với người anh em, nên ta được Chúa gởi đến để nói cho con ý nghĩa các lời thánh”. Sau khi giải thích các lời trong Sách Thánh, thiên thần biến mất.

         Nhân danh lòng tin vào Chúa để rồi không mở lòng mình ra với tha nhân, với mọi tầng lớp người, thì quả là một loại kiêu ngạo thiêng liêng. Đó không phải là tin vào Chúa mà là tin vào sự thánh thiện của mình, một đức tin bị tù hãm và bế tắc nơi chính mình. Đó là một đức tin không biết nghe Chúa nói với mình qua đời sống, qua khôn ngoan và nhãn quan thiêng liêng của người khác. Mở lòng mình trước sự hiện diện và lời nói của Chúa nơi người khác mới thật sự giúp ta hiểu điều mình muốn hiểu. Tiếng nói của Chúa trong ta không phải là tiếng nói duy nhất của Chúa. Vì thế, cần mở lòng ra để đón nhận các tư tưởng mới, các khả năng mới. Khép kín với bất cứ một cái gì, hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình.

      Luật thánh Bênêđictô dạy, khi có ai gõ cửa thì phải nói: “Benedicite”. Nói cách khác: cảm tạ Chúa vì có người đến làm phong phú lương tri của ta, chỉ dẫn ta cách suy nghĩ, cách sống và làm cho ta vượt ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Mỗi ngày ta cần mở lòng để đón tiếp một kinh nghiệm mới, một tư tưởng mới không quen thuộc với mình, học hỏi một cái gì đó nơi người khác và ở chính họ. Lúc đó bản thể vô cùng của Thiên Chúa, là Đời Sống bên kia đời sống có thể đến với ta cách mới mẻ và sâu rộng lạ thường.

         Có một câu chuyện khác của các tu sĩ người Ái Nhĩ Lan, kể về một giai thoại sau đây:

Một đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy vị thiên thần đang ngồi viết vào cuốn sách vàng. Vị tu sĩ vui mừng, rón rén tới gần và lên tiếng hỏi:

      - Ngài đang viết gì trong quyển sách này?

      Không buồn nhìn vị tu sĩ, thiên thần trả lời:

      - Ta đang ghi tên những ai yêu mến Chúa.

Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, ông hỏi tên mình có trong quyển sách đó không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên của ông. Dù vậy, câu trả lời của thiên thần không làm cho ông thất vọng. Ông nài nỉ thiên thần rằng:

- Xin Ngài ghi tên tôi như một người lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều theo ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra một lần nữa, và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy dòng chữ đầu tiên là câu trích dẫn từ thư 1Ga 4,20: “Nếu ai nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”.

         Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu thương tha nhân đến vô cùng. Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong cuộc đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa ta về với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để múc lấy nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao, một sự hiến trao vô hạn. Cuối cùng tình yêu ấy phải quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21...)

         Đời sống trong cộng đoàn

         Có một sự kiện như sau, Cha Gioan là viện trưởng của một tu viện lớn, ngài đến thăm cha Paestius là người đã sống từ 40 năm nay trong sa mạc. Hai người rất quí mến nhau, và trong buổi nói chuyện đó, cha viện trưởng hỏi thẳng người bạn rằng:

      - “Anh rút tỉa được lợi ích gì khi anh sống lâu trong một nơi mà không ai đến làm phiền anh hết?” Cha Paestius trả lời:

      - “Từ khi tôi sống trong cô đơn, tôi không hề suy yếu”.

         Cha viện trưởng cũng cho người bạn biết rằng:

      - “Phần tôi, khi tôi sống với kẻ khác, tôi không bao giờ nổi giận”.

         Phát triển con người toàn diện để có một mức độ trưởng thành thiêng liêng mà không cần đời sống cộng đoàn, là một hy vọng không thể thực hiện được. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm Chúa. Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy mặt Chúa qua anh em, biết ý Chúa trong ý muốn người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng việc phục vụ tha nhân. Trong cộng đoàn, sống chung là chất liệu thử thách thiêng liêng cho chính mình.

         Cộng đoàn là nơi đào luyện bản thân ta hữu hiệu nhất. Chính khi quan tâm đến nhu cầu của người khác mà ta thấy mình phải từ bỏ những  gì, để rồi ta mới thật sự giải thoát mình. Chính khi ta đụng chạm đến tính không lay chuyển của người khác mà ta hiểu được các yếu đuối của mình. Sống vui vẻ hòa hợp với mọi người trong mọi tình trạng là thước đo phẩm chất tâm hồn của ta. Nếu cơn giận dữ dày vò ta, khiến ta muốn tránh né hay loại bỏ người anh em, chẳng còn muốn nói hay đến với ai nữa, chỉ muốn thu mình lại cho yên thân, thì chính những lúc đó ta từ chối không muốn thấy công cuộc tạo dựng. Khi không còn biết nghe ai nữa thì Chúa chẳng còn cách nào để nói với ta.

         Hầu hết những cảm nhận thiêng liêng của ta đều thông qua người khác. Lòng tôn kính người khác nói lên nhận thức của ta về những công trình của Chúa. Việc hướng đến người khác thể hiện cảm nhận của ta về tầm mức lớn lao của vũ trụ, và tầm vóc sâu rộng của mọi sự vượt ra ngoài ta. Thấy sự dấn thân của người khác là động lực giúp ta tiếp tục tin tưởng giữa những bất trắc làm ta thất vọng. Việc ta tùy thuộc người khác ở mức độ nào đó cho ta sự khôn ngoan. Việc sống gắn bó với những người khác giúp ta khám phá tình yêu muôn màu. Chỉ thực sự đạo đức khi mỗi ngày ta biết đón nhận người khác trong giới hạn nhỏ bé của mình, dù với vai trò rất tầm thường, nhưng trong tâm hồn ta lại có một sức sống phi thường nhờ tình yêu.

         Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong tương quan tình yêu, nên phải yêu mến Thiên Chúa hết tình và yêu thương tha nhân như chính mình. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi” : dimidium animao meao (Horace), là hội nhập con người của tha nhân và con người của tôi đến độ cả hai hữu thể chúng tôi chỉ còn là một đối tượng của tình yêu duy nhất và một tâm hồn duy nhất (x. Cv4, 32). Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô là Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).           

     

      Lạy Chúa, Chúa là Đấng hằng hữu và hằng luôn hiện diện. Chúa hiện diện ở trong sự hiện diện của người này cho người khác. Đó là sự hiện diện trong hành động chia sẻ với tất cả tình yêu.

      Con cảm nhận được điều này khi con chân thành và hăm hở đến với mọi anh em; khi con tận tâm và tận tình phục vụ họ; khi con tinh tế và nhạy bén đáp ứng nhu cầu của họ; khi con âm thầm lặng lẽ ban tặng thời giờ, sức khỏe và tâm trí của mình cho họ; khi con kín đáo mang nặng những thao thức và khắc khoải về những vấn đề của họ; khi con lo âu tìm một phương hướng hóa giải trước sự đa đoan và bế tắc trong đời sống của họ... Khi sống như vậy con cảm thấy tràn trề Chúa.

      Nhưng rồi nhiều khi tha nhân là một ông chủ rất khó tính, thô thiển, võ đoán, cực đoan, có khi chứa chấp đầy những mưu mô, hận thù và xảo trá. Nên khi sống cho họ, bản thân con nhiều khi lãnh lấy tai ác hơn là nhân nghĩa, họa hơn là phúc. Những lúc như vậy con chẳng thấy Chúa đâu, con chỉ thấy một mình con bị phản bội, bị coi là khờ dại. Trái tim con rỉ máu và đau xót trước thế thái nhân tình.

      Nhưng rồi khi chìm sâu trong Chúa, con mới thấy mình được gột rửa, được an ủi, được lớn lên trong sự quảng đại, bao dung. Con lại cảm thấy vui hơn trong sự biến chuyển này, vì thấy mình giống Chúa hơn. Tình yêu Chúa làm con no thỏa, nhưng đòi con phải trả giá. Vâng! Yêu thương là như thế.

      Thật ra, nhiều khi con cũng vô tâm vô tình, cũng đầy những khuyết điểm và gây xúc phạm đến anh chị em con. Con lãnh lấy đau thương cũng phải thôi.

      Với Chúa cũng vậy, có những khi con cảm thấy mệt mỏi, nặng nề vì “Chúa tới và luôn luôn thường tới”. Chúa tới làm cuộc đời con bị xáo trộn: có những dự định và kế hoạch phải đặt lại; bao nhiêu công việc phải tạm dừng; chương trình và tính toán của con phải dở dang... Chúa tới làm con cảm thấy bị mất mát, có khi bị thương tổn, vì cứ phải mở lòng để cho đi.

      Chúa tới làm con phải bước ra khỏi con người mình: ra khỏi một vị thế đã được thiết lập; ra khỏi một não trạng đã yên ổn; ra khỏi một tính cách đã được định hình; ra khỏi một lối sống và hoàn cảnh đang êm ả ...

      Nhưng rồi con lại thấy rất vui khi cảm nhận Chúa đang ở với con để định hướng lại đường đời của con; để xếp lại trật tự trong con; để xóa đi những ngăn cách dùm con; để phá vỡ tính hẹp hòi ích kỷ cho con; để đưa sự thông tuệ của Chúa vào trí não con, để thấm nhập  tấm lòng nhân hậu của Chúa vào tâm khảm con. Con xin cảm tạ và chúc tụng Chúa, Đấng đang tiếp tục sáng tạo và khai mở cuộc đời mỗi người chúng con:

      Con tin Ngài là Tình Yêu tuyệt đối

      Ấp ủ con bằng nắng sớm chiều hôm

      Con cậy Ngài Nguồn Sống mới tuyệt vời

      Đỡ nâng con bằng chính Lời hằng sống

      Con mến Ngài là Ân Ban tuyệt diệu

      Đưa bước con vào cảnh vực huyền siêu.

 

Lm Thái Nguyên

     


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu