CÙNG
DÂNG LỄ
(LM Anphong Trần Đức
Phương)
Đã có rất nhiều tài liệu nói về sự cao cả và ơn
ích của Thánh Lễ. Trong bài này, chúng
ta cùng nhau bàn về một số điểm thực hành khi chúng ta đến Thánh Đường dâng Lễ.
Khi tôi mới lớn lên, Thánh Lễ còn được dâng
bằng tiếng La Tinh. Tuy nhiên, có những lời suy ngắm để giáo dân cùng đọc để
hiểu và và hiệp ý với chủ tế. Lời dẫn giải rất đơn sơ dễ hiểu và thường đọc
theo các cung điệu “ngắm nguyện”. Tỉ dụ:
Khi Thầy Cả bước lên (phản) Bàn Thờ thì ta phải
nguyện rằng…
Khi Thày Cả lở (trở) mặt ra thì ta phải nguyện
rằng…
Cũng có
các bài hát hợp với từng phần trong Thánh Lễ và nhạc điệu bình ca rất thánh
thiện, cao siêu để “nâng tâm hồn lên tới Chúa.” Hầu hết các bài thánh ca lúc đó
còn bằng tiếng La Tinh, vì thế mới có câu vè:
Các
Thày hát tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng…
Từ sau Công Đồng
Vaticanô II, Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng của các nước. Tại Việt Nam, dần
dần Thánh Lễ cũng được dâng bằng tiếng Việt Nam và có nhiều bản thánh ca rất
hay bằng tiếng Việt Nam để hát trong các Thánh Lễ; vì thế, giáo dân có thể nghe hiểu và đáp lại các lời
thưa với Chủ Tế, hoặc hát chung các bản Thánh Ca.Như vậy, cộng đoàn dân Chúa
khi dâng Lễ có thể tham dự một cách tích cực hơn.
Điều trên đây rất
quan trọng, vì khi chúng ta ‘đi Lễ’ không phải chỉ để “xem Lễ” như xem phim hay
xem kịch; hoặc “dự Lễ” như dự một bữa tiệc hoặc dự một cuộc “biểu tình” hoàn
toàn thụ động. Trái lại, chúng ta cùng
nhau dâng Lễ hợp với Chủ Tế. Hợp với Chủ Tế, chúng ta cùng nhau dâng
lên Chúa là Cha chúng ta chính bản bản thân chúng ta, cuộc sống và lao công
hàng ngày, những nỗi vui buồn, đau khổ,
kết hiệp với của lễ là chính Chúa Giêsu Kitô tự hiến thân trên bàn thờ.
Chúa Giêsu đã dâng
một Thánh Lễ hiến tế trọn hảo lên Chúa
Cha, đủ để đền tội toàn thể nhân loại, khi Ngài hiến mình chịu chết trên Thập
Giá. Ngài chính là vị Chủ Tế, là Của Lễ và Bàn Thờ là Thánh Gía. Mọi Thánh Lễ
được dâng lên qua mọi không gian và thời gian đều có giá trị cứu rỗi và thánh
hóa, nhờ tham dự vào Thánh Lễ Chúa Giêsu đã dâng trên Bàn Thờ Thập Giá năm xưa.
Vì thế, Thánh Lễ
luôn có tính “phổ quát”, dù được dâng tại những Thánh Đường nguy nga tại các
thành phố lớn hay tại một Nhà Nguyện nhỏ bé nơi hẻo lánh ở các vùng rừng núi xa xôi. Dù được dâng long
trọng do Đức Giáo Hoàng, các vị Giám Mục
và có nhiều vị đồng tế, hay chỉ do một linh mục âm thầm dâng một mình trong một
phòng biệt giam (như trường hợp Đức Hồng Y
Nguyễn Văn Thuận trước đây trong tù đày của Cộng Sản). Như vậy, khi chủ
tế và cộng đoàn cùng nhau dâng lễ hay khi chỉ một chủ tế dâng lễ âm thầm một
mình đều cùng hợp với toàn thể Giáo Hội, hợp với toàn thể “Triều Thần Thiên
Quốc,” và luôn có giá trị tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá toàn thể nhân loại, cũng
như đem ơn cứu rỗi đến cho các linh hồn nơi luyện tội, và cùng vinh danh Thiên
Chúa hợp với Mẹ Maria và các thần thánh trên Thiên Quốc.
Có nhiều bản “Thưa
Kinh” hay “Thánh Ca” nói lên điều đó khi chúng ta đọc hoặc hát trong Thánh Lễ; thí
dụ:
Như trăm ngàn hạt lúa miến kết thành một tấm bánh…
Muôn trái nho tươi ép nên ly rượu nho
thơm…
Chúng con cùng hiệp nhất nên một,
Qua
Của Lễ Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ…
Hay như bài thánh ca:
Nếu con dâng lên Chúa
làm lễ vật hèn,
Thì
con xin dâng tình yêu nhỏ bé trong trái tim con.
Nếu
con dâng lên Cha của lễ hy sinh,
thì
con dâng lên nghìn giọt mồ hôi của cả
nhân loại!...
(Nguyễn
Văn Trinh)
Phải công nhận có nhiều bản Thánh Ca như bản
“Thân Lúa Miến” hát trong Thánh Lễ, nhạc rất “hay” và ý của “lời” cũng rất đẹp và cao
siêu. Mong là khi chúng ta hát, chúng ta hát với tất cả tâm hồn và ý thức vào
lời ca và giòng nhạc…
Như vậy khi chúng ta cùng dâng Lễ là chúng ta cùng nhau hiệp với Chủ Tế chính là Chúa
Giêsu và vị chủ tế hữu hình là “Thày Cả” để “cùng thưa lại các lời mời gọi, để
cùng hát chung các bản thánh ca hợp với ca đoàn
(ca đoàn giữ vai trò hướng dẫn) và cùng đứng, cùng ngồi hay quỳ gối với
cả cộng đoàn.
Chúng ta cùng nhau sám hối xin ơn tha thứ, cùng
lắng nghe và suy niệm Lời Chúa qua các Bài Đọc Sách Thánh và chia sẻ Lời Chúa
(bài giảng) . Rồi cùng dâng Của Lễ, cùng thờ lạy Chúa Thánh Thể trong phần
Truyền Phép, cùng nhau dâng lời Kinh Lạy Cha, cùng chúc bình an cho nhau, và
cùng lên rước Mình và Máu Thánh Chúa, cảm tạ Chúa và lãnh phép lành để trở về
cuộc sống giữa đời và đem Chúa đến cho mọi người trong môi trường sống hằng ngày.
Hiểu được nguồn sống sâu xa và ý nghĩa cao đẹp
của từng phần trong Thánh Lễ, chúng ta
sẽ vui mừng mỗi khi đi dâng Lễ, như chúng ta thường hát bài Ca Nhập Lễ: “Con
Hân Hoan Bước Lên”(Kim Long) hay “Con Hân Hoan” (Nguyễn Duy) hay như bài Thánh Vịnh “Tôi vui mừng khi
nghe tiếng nhủ rằng: nào ta tiến về Nhà Chúa…”
Trong Thánh Lễ cũng như trong mọi việc phụng vụ
khác của Giáo Hội, đều bao gồm bốn ý sau đây: trước hết là để Thờ Phượng Chúa,
sau là để Cảm Tạ, Đền Tội, và Xin Ơn.
Chúng ta dâng Thánh Lễ là để Thờ Phượng Chúa là Đấng Cực Thánh
thiêng liêng cao cả, Đấng Tạo Hóa và là Cha chúng ta; để tạ ơn Chúa đã luôn yêu thương chúng ta, đã dựng nên chúng ta,
cứu chuộc chúng ta, đưa chúng ta vào gia đình Giáo Hội, hằng ban muôn ơn lành
hồn xác cho chúng ta; để đền tội
chúng ta đã hằng xúc phạm đến Chúa và tha nhân, và đền tội cho toàn thể nhân
loại; sau đó chúng ta mới cầu xin Chúa
ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho chúng ta, cho gia đình, Giáo Hội, thế
giới, cho những người đã xin chúng ta cầu nguyện và các linh hồn nơi luyện tội.
Sau khi đã tìm hiểu những điều trên đây, chúng
ta mới nhận ra Thánh lễ là một việc đạo đức, việc phụng tự
quan trọng và siêu việt hơn hết, cũng ích lợi hơn hết mọi việc đạo đức,
phụng tự khác. Chính vì thế mà cha ông chúng ta và các tâm hồn đạo đức ở mọi
nơi, mọi thời đại đều có lòng sùng mộ việc dâng Thánh Lễ. Ở Hoa Kỳ và nhiều
thành phố lớn trên thế giới thường có giờ dâng Lễ tại các Thánh Đường trong thị
xã vào khoảng 12 giờ trưa để những người công nhân, công chức làm việc tại các
nơi trong thành phố dùng giờ nghỉ ăn trưa để đến dâng Thánh Lễ. Tôi đã có dịp
làm việc mục vụ tại các Nhà Thờ như vậy và rất cảm động thấy nhiều người đã hy
sinh giờ nghỉ ăn trưa để đến tại các Nhà Thờ gần nhất để dâng Thánh Lễ hàng
ngày rất sốt sáng.
Cố gắng trình bày một cách đơn sơ, giản lược và
dễ hiểu những điều trên đây, chúng tôi mong có thể góp một phần nhỏ bé nào đó
để giúp việc dâng Thánh Lễ có ý thức hơn, tích cực hơn và để chúng ta thêm lòng
yêu mến và sùng mộ hơn việc dâng Thánh Lễ vào cuối tuần hay hàng ngày.
Hơn nữa, cũng để các bậc phụ huynh nhắc nhở các
con em chúng ta về việc cao cả của Thánh Lễ và lòng sùng mộ và tôn kính đối với
Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Vì lòng thương yêu chúng ta, Chúa Giêsu
chẳng những đã nhập thể, sống như một người nghèo khổ để chia sẻ kiếp sống lầm
than của loài người, đã rao giảng ơn Cứu Độ qua Tin Mừng Tình Thương, đã chịu khổ
nạn, chịu chết để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, và mở đường đưa chúng ta đến cuộc
sống trường sinh trên Nước Trời, Ngài còn lập Bí Tích Thánh Thể để hiện
diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu
làm của nuôi linh hồn chúng ta, làm của Lễ hiến dâng lên Chúa Cha qua các Thánh
Lễ và hiện diện thật sự giữa chúng ta
mọi ngày cho đến Tận Thế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện
thực sự (chứ không phải tượng trưng như một số giáo phái chủ trương). Khi chúng
ta rước “Lễ” là rước lấy Chúa Giêsu thực sự ngự đến lòng chúng ta. Vì thế,
chúng ta, những người Công Giáo, phải có lòng tôn sung Chúa Giêsu Thánh Thể cho
xứng đáng.
Mỗi khi đi dâng Thánh Lễ, chúng ta hãy nhắc nhở
con em chúng ta ăn mặc cho xứng đáng, dù giản dị nhưng kín đáo, chỉnh tề. Đến
Nhà Thờ là nhà Chúa ngự, chúng ta hãy lấy Nước Thánh (Nước Phép) kính cẩn làm
dấu Thánh Giá, cung kính bái quỳ thờ lạy Chúa. Nên ngồi chung với cả cộng đoàn
trong Nhà thờ, chứ không nên ngồi riêng rẽ, không nên đứng tại các xó xỉnh cuối
Nhà thờ, hay đứng ở ngoài Nhà Thờ trò chuyện như khi đi xem kịch, xem hát.
Trong giờ Thánh Lễ nên cùng hợp dâng Thánh Lễ
với mọi người hiện diện, cùng thưa kinh, cùng hát với cộng đoàn, chứ không nên
ngồi riêng lẻ, hoặc đọc kinh, lần chuỗi một mình, giống như mình chỉ lo dâng Lễ
cho chính mình. Cố gắng chú ý lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và đem áp dụng vào
đời sống, cùng kính thờ lạy Chúa ngự đến trong Bí Tích Thánh Thể qua hình Bánh
và hình Rượu trong phần kinh nguyện Thánh Thể. Cung kính lên rước Mình và Máu
Thánh Chúa. Và cùng thờ lạy Chúa Giêsu thật sự ngự vào lòng chúng ta. Tạ ơn
Ngài đã ngự đến tâm hồn chúng ta, và muôn ơn lành hồn xác ngài đã ban cho chúng
ta. Dâng lên Ngài hồn xác và mọi niềm vui nỗi buồn, sự thành công, thất bại và
mọi lời cầu xin chúng ta muốn dâng lên Ngài.
Chúng ta cũng nên cộng tác vào các phần việc
trong Thánh Lễ mà giáo dân có thể làm được, như “giúp Lễ” (thường nên khuyến
khích các em nhỏ làm công việc này), “Thừa Tác Viên Thánh Thể” “Thừa Tác Viên
Đọc Sách Thánh, “Ca Đoàn”, “Nhân Viên Chào Đón và Xếp Chỗ” (Ushers) v.v…Mỗi
người đều phải đóng góp phần mình vào công việc Nhà Chúa và giúp cho việc phụng sự Chúa đượctrang nghiêm và thánh
thiện, sốt sáng, và trật tự. Chúng ta cũng hãy vui vẻ hợp tác với các người có
nhiệm vụ hướng dẫn chúng ta để mọi sự được tốt đẹp trong nhà Chúa như: vui lòng
ngồi vào chỗ được mời đến, đi theo hàng lối được hướng dẫn khi lên Rước Lễ.
Tuyệt đối tránh những thái độ, lới nói có tính cách tiêu cực khi ở trong Nhà
Chúa như đứng với vẻ chán nản ở cuối Nhà Thờ, hoặc cười nói vô lối, ăn mặc lố
lăng . Nên nhớ khi chúng ta vào nơi thờ phượng của nhiều Tôn Giáo khác, chúng
ta thấy mọi người đều phải bỏ giầy và bỏ mũ. Ngày xưa, dù các vị vua quan rất
uy quyền, khi đi qua các Đình, Chùa… đều phải “xuống ngựa” (hạ mã), dù chỉ đi
qua mà thôi…
Nhà Chúa là “Nhà Cha” chúng ta, là Đền Thờ của
Đấng “Chí Thánh, Ngàn Trùng Chí Thánh”, mỗi tín hữu phải có nhiệm vụ gìn giữ,
bảo trì Đền Thờ Chúa sạch sẽ, trang nghiêm, trật tự. Phải luôn xứng đáng khi ở
trong Đền Thờ Chúa, ăn mặc chỉnh tề, cử chỉ cung kính. Trách nhiệm của các bậc
chủ chăn và các bậc phụ huynh là phải dạy bảo, giáo dục cho con em biết giữ cho xứng đáng khi ớ trong Nhà Chúa,
nhất là khi cùng dâng Lễ Tế thờ phượng Chúa.
Một điều nữa cũng cần lưu ý là việc “Giữ ngày
Chúa Nhật và Lễ Buộc”. Đây là một điều răn của Giáo Hội để nhắc nhở bổn phận
thờ phượng Chúa là Điều Răn thứ nhất trong Mười
Điều Răn Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, việc chúng ta đi dâng Lễ ngày Chúa
Nhật và “Lễ Buộc” cần phải làm với ý
thức Đức Tin và Lòng Mến. Với Đức tin và lòng mến yêu Chúa như Cha Nhân Từ,
chúng ta sẽ vui mừng mỗi khi đến ngày Chúa Nhật, cùng cả gia đình
hân hoan đến “Nhà Cha” để cùng với các tín hữu trong cộng đồng Giáo Xứ dâng Lễ
thờ phượng Chúa là Cha chúng ta và chia sẻ tình thương với nhau. Chúng ta sẽ
không còn mang tâm trạng “bó buộc” phải “đi
Lễ nếu không thì phạm tội trọng!” Việc
thờ phượng Chúa là một “ơn huệ” chứ không phải chỉ là bổn phận. “Chúng ta vui
mừng mỗi khi nghe nhủ rằng: nào chúng ta cùng tiến về Nhà Chúa…Nhà Cha chúng
ta…”
Sau cùng, chúng ta thường nghe nói đến việc “Rước
Lễ thiêng liêng” khi chúng
ta nhớ đến Chúa và “giục lòng” yêu mến Chúa và ước ao được Chuá ngự vào
lòng chúng ta. Chúng ta có thể “Ruớc Lễ thiêng liêng” bất cứ lúc nào, nơi nào:
Khi làm việc ở nhà, ở sở làm, nơi xưởng thợ, hay trường học, lúc đi đường,lúc lái
xe…v.v…
Chúng ta cũng có thể “dâng Lễ thiêng liêng”
vào bất cứ lúc nào khi chúng ta hợp ý với các vị Chủ Tế đang dâng Thánh Lễ tại
một nơi nào đó trên thế giới. Có thể là Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng đang dâng tại
Rôma, hay một vị Giám Mục đang dâng tại một Nhà Thờ Chánh Tòa, hay do một cha
Dòng tại một Tu Viện, hay do một Linh Mục truyền giáo đang dâng tại một vùng
rừng núi, hay trong một sa mạc khô cằn, hay trong một phòng biệt giam.Vì thời
giờ khác nhau theo từng vùng trên địa cầu (chỗ này còn là 5 giờ sáng,
chỗ khác đã là 5 giờ chiều...v.v…) ; vì thế , kể như lúc nào cũng có Thánh Lễ đang
được dâng ở một nơi nào đó trên thế giới, và vì thế chúng ta có thể ‘dâng Lễ thiêng’ với một vị nào đó đang dâng
Thánh Lễ ở một nơi nào đó trên thế giới.
Hơn nữa, mọi Thánh Lễ dù dâng ở đâu đều là một việc thờ phượng chung dâng lên Chúa và có
giá trị “cứu rỗi” cho toàn thể nhân loại, những người còn sống cũng như những
người đã qua đời; cũng có thể cầu nguyện cho một người tội lỗi ăn năn trở lại,
hay một người sắp “qua đời”… như kinh chúng ta thường đọc: “Lạy Chúa con, bao
nhiêu Lễ làm ngày hôm nay khắp cả và
thiên hạ, thì xin dâng lên Chúa con, có ý cầu cho kẻ có tội hấp hối sẽ sinh thì trong ngày hôm nay.
Chớ gì Máu cực trọng Đức Chúa Giêsu, là Đấng chuộc tôi chúng con, ban cho các
kẻ ấy được làm lành (trở về) cùng Chúa con. Amen.”