SỐNG ĐỜI CẦU NGUYỆN

“Phaûi caàu nguyeän luoân…”. (Lc 18, 1)

 

        Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng hay một hệ thống luân lý, nhưng trước hết và trên hết là bước vào mối quan hệ yêu thương với Đấng mình tin. Vì thế, khi chúng ta tuyên xưng các chân lý đức tin, cử hành niềm tin và sống niềm tin, chúng ta phải luôn có một quan hệ sống động và cá nhân với Thiên Chúa. Mối quan hệ yêu thương này chính là cầu nguyện[1].

        “Chính ở nơi Chúa mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17, 28). Đức tin dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Chúa là sự sống và là tất cả của chúng ta. Vì thế, phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí, nghĩa là phải cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18, 1). Nhưng ta không thể cầu nguyện liên lỉ nếu không có những giây phút cầu nguyện đặc biệt mà dư âm được kéo dài trong suốt từng ngày sống.

        Cần xác định rằng, cầu nguyện trước hết là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Chính Thiên Chúa đang khao khát và tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời trước với con người (x. Ga 4, 7). Đồng thời Ngài khơi dậy nơi lòng người nỗi khát khao sâu thẳm, giúp con người khám phá ra Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy nỗi khát khao đó (x. Ga 4, 10). Do đó, khi cầu nguyện, ta phải đến với Chúa bằng tất cả con người mình: tâm tình, tư tưởng, thái độ, lời nói, cử chỉ… đặc biệt nhất là tấm lòng: nơi sâu kín nhất để gặp gỡ Chúa. Thiếu tấm lòng thì mọi hình thức và phương cách cầu nguyện đều vô ích. Vì cầu nguyện là sự kết hợp thân mật giữa ta với Chúa, là đi vào quan hệ giao ước yêu thương với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, bởi Chúa Thánh Thần. Chính nhờ vậy, mà tác dụng diệu kỳ của cầu nguyện là đưa ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

          Theo định nghĩa thời xưa, “cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa”. Ta có cảm tưởng Chúa ở quá cao xa, vượt ra bên ngoài của cuộc sống đời thường, quá thiêng liêng và mang tính nhị nguyên, vì chỉ còn là tinh thần. Thật ra, thể chất và tinh thần đều cùng là đơn vị chủ yếu giúp ta cảm nhận sâu xa rằng, Chúa không phải là Đấng bên ngoài mình. Chúa là nguồn cội của sự sống, là thực tại của bản thể vô cùng, và Ngài muốn nắm bắt chúng ta vừa một cách chung vừa một cách riêng tư. Đó là một Thiên Chúa không thể dò tìm được, nhưng cũng là một Thiên Chúa rất gần gũi, sinh động ngay trong toàn thể con người ta, luôn đang chờ đợi ta, và muốn để ta “sờ chạm” đến Ngài trong sự kết hợp thâm sâu nhờ cầu nguyện.

1. Chúa Giêsu cầu nguyện[2]

      Vào thời niên thiếu, cũng như những trẻ Do thái khác, Con Thiên Chúa làm người cũng phải học cầu nguyện từ Mẹ Maria và Thánh Giuse, từ lời kinh của Dân Chúa nơi hội đường và Đền thờ. Đặc biệt biến cố năm 12 tuổi, Đức Giêsu đã bộc lộ suối nguồn thầm kín trong cầu nguyện bằng tâm tình hiếu thảo với  Chúa Cha (x. Lc 2, 49).

        Bước vào cuộc sống công khai, Đức Giêsu cho ta thấy Người thường xuyên cầu nguyện hầu như mọi nơi mọi lúc: nơi cô tịch, trên núi cao, giữa đêm khuya, ngay khi rao giảng và chữa lành bệnh tật. Đặc biệt Người cầu nguyện trong những thời điểm có tính quyết định trong sứ vụ của mình: chịu phép rửa, chọn 12 tông đồ, biến hình… Lời nguyện của Người luôn là tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn Chúa Cha trong sự nồng thắm tình yêu và hiệp thông sâu xa. Tính cách, hành động, thái độ và nội dung rao giảng tuyệt vời của Người cho ta thấy Người bộc lộ những gì sâu kín nhất trong cầu nguyện, bởi vì Người cầu nguyện thế nào, thì Người cũng sống và thể hiện như vậy.

        Trong thời gian cuối cuộc sống, việc cầu nguyện của Đức Giêsu đạt tới đỉnh cao khi mà cầu nguyện và tự hiến chỉ còn là một. Người đã chu toàn ý định yêu thương của Cha cho đến cùng, bằng cách mang vào mình mọi lo âu thống khổ và tội lỗi của nhân loại, cũng như mọi lời van xin và chuyển cầu sâu thẳm nhất trải dài trong toàn thể lịch sử cứu độ. Trong giây phút cuối cùng Người đã hoàn toàn phó thác vào tay Cha và dâng lên Cha tất cả. Chúa Cha đã đón nhận Người trong vinh quang, vượt quá mọi niềm hy vọng khi cho Người sống lại từ cõi chết.

        Quả thật, trọn đời sống Chúa Giêsu là cầu nguyện. Người sống đời cầu nguyện trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha trong tình yêu, một tình yêu hiến tế chính thân mình để làm giá cứu chuộc con người. Hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá luôn mãi là tư thế cầu nguyện, mời gọi chúng ta bước vào đời sống cầu nguyện với Người, nhờ Người và trong Người để được thông phần vào sự sống mới trong vinh quang của Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện[3]

        Chúa Giêsu không chỉ dạy ta bằng Kinh Lạy Cha, mở ra cho ta ý hướng và tâm tình cầu nguyện, mà còn bằng cả thái độ và cách thế khi cầu nguyện.

        - Thái độ đầu tiên phải có để cầu nguyện là việc hoán cải tâm hồn, nghĩa là sẵn sàng làm hòa, yêu thương tha thứ cho kẻ thù, cả những kẻ bách hại mình (x. Mt 5, 23). Cầu nguyện phải phát xuất từ đáy lòng, với tâm hồn chân thật và tha thiết tìm kiếm Chúa.

        - Đi liền với việc hoán cải là lòng tin táo bạo đầy tình con thảo vượt trên những gì ta cảm thấy và hiểu biết, vì “mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9, 23).

        - Lời cầu nguyện trong niềm tin không dừng lại ở miệng lưỡi: “Lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng là sẵn sàng thi hành thánh ý Cha (Mt 7, 21). Đồng thời biết cảnh giác mình trước những cám dỗ để luôn qui hướng về Chúa trong mọi sự.

        - Chúa Giêsu còn dạy chúng ta phải cầu nguyện nhân danh Người: Bất cứ điều gì anh em xin Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 16).

        Ba dụ ngôn chính về việc cầu nguyện đã được thánh Luca ghi lại là:

        - Người bạn quấy rầy (Lc 11, 5-13). Ý nghĩa dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa không thể không ban ơn cho những ai thành tâm và tha thiết kêu cầu Ngài. “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?" (Lc 11, 13). Nếu ta không nhận được điều mình xin, không phải vì Chúa không sẵn lòng ban ơn, nhưng Ngài ban theo cách thức của Ngài hơn là theo dự định của ta, và Ngài có ơn phúc tốt hơn để dành cho ta. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa là Cha từ ái, Ngài biết Ngài phải làm gì, và biết ta thật sự cần gì hơn hết để làm triển nở cuộc đời ta.

        - Bà góa phụ quấy rầy (Lc 18, 1-8). Dụ ngôn này dạy ta phải biết cầu nguyện luôn, kiên trì trong đức tin không mệt mỏi, và đừng bao giờ nản chí trước mọi tình thế. Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn trì hoãn hay đòi ta phải van lơn như một kẻ ăn mày, nhưng Ngài là Cha hết lòng yêu thương con cái, và luôn có một dự định rất tuyệt vời cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Tâm ý cầu nguyện lớn lao nhất của đời ta là “ý Cha được nên trọn” trong cuộc đời mình, chứ không dừng lại ở những thỏa mãn riêng tư và nhỏ nhoi trong cuộc đời này.

        - Người biệt phái và người thu thuế ( (Lc, 18, 9-14). Dụ ngôn này dạy ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người kiêu ngạo và khinh dể anh em mình thì không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ những ai biết quỳ gối xuống mới vào được. Cần nhớ rằng mình là thành phần của nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quỳ gối trước nhan thánh Chúa. Người biệt phái đã quá cao ngạo khi tự cho mình là người tốt. Không thể có cái tốt trong một vài việc làm, mà là cái tốt của một con người đang sống trong Chúa. Cũng không thể có con người tốt trong việc đưa mình lên, nhưng luôn có cái tốt trong con người khiêm hạ. Chỉ có cầu nguyện thật khi ta biết đặt đời sống mình bên cạnh Chúa. Vấn đề không phải là “Tôi có tốt như người khác không? Nhưng là “Tôi có tốt như Chúa không?”.

        Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu làm cho ta tuyệt đối vững tin vào Ngài khi nói: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5). Ở lại trong Chúa Giêsu chính là ý nghĩa thâm sâu của đời sống cầu nguyện. Mọi chương trình hành động, mọi dự phóng của việc tông đồ, cũng như mọi nỗ lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống sẽ là một thất bại và nhiều khi là một sức nặng đè bẹp đời sống ta, nếu chúng không phát xuất từ việc đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống. Đừng ảo tưởng về bản thân và những công việc của mình, nếu không ta sẽ trở thành trò hề cho ma quỉ, và gây đổ vỡ công trình của Thiên Chúa trên đời sống của mình và mọi người. Trước tiên bản thân ta phải được thấm nhập con người của Đức Kitô và chìm sâu trong tình yêu Người, để chính Người sẽ khởi đầu, tiến hành và hoàn thành tất cả nơi ta. 

3. Những suối nguồn cầu nguyện[4]

      a. Lời Chúa. Lời Chúa giúp ta “học biết Chúa Kitô” (Pl 3, 8). Nhờ đọc, học, suy, chiêm, mà cầu nguyện thực sự trở thành cuộc tìm kiếm, gặp gỡ, đối thoại và khám phá ra thánh ý Chúa trong cuộc đời. Lời Chúa không nói một cách chung chung, mà nói trực tiếp với ta. Điều quan trọng không phải là suy nghĩ về Lời Chúa cho bằng để Lời Chúa thấm sâu trong ta, để Lời ấy tỏa lan vào mọi cảm xúc khiến ta cảm động, thêm tin tưởng và tươi vui hẳn lên. Hãy để Lời Chúa vang dội trong ta, chữa lành hồn xác, làm ta phấn khởi và bừng sáng lên.   

      b. Bí tích. Bí tích công bố, hiện tại hóa và chuyển thông ơn cứu độ cho ta. Nếu biết cử hành bí tích với tất cả tấm lòng thành thì chính tấm lòng ta trở nên như bàn thờ, trên đó mầu nhiệm cứu độ được tái diễn từng giây phút trong đời ta.

      c. Các nhân đức đối thần. Đức Tin giúp ta đón nhận Chúa qua Lời Chúa và Bí tích. Đức Cậy cho ta chan chứa niềm hy vọng và Đức Ái giúp ta đạt tới tình yêu mến Chúa thẳm sâu, tới sự kết hợp mật thiết làm một với Chúa, là đỉnh cao cầu nguyện.

     d. Các kinh nguyện. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Giáo Hội như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân. Đây là cách thế chúng ta có thể thân thưa với Chúa và Chúa nói với chúng ta[5].

     e. Mọi hoàn cảnh trong đời thường. Chính trong những hoàn cảnh của đời thường hôm nay mà ta đón nhận Thánh Linh là dòng nước hằng sống, mà ta gặp được Chúa: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người! Đừng cứng lòng!” (TV 95, 7-8). Việc cầu nguyện như thế trở thành tấm men làm cho cả nắm bột cuộc đời dậy lên một sức sống mới.

Những giờ cầu nguyện là những nhịp mạnh của đời sống, nhưng tinh thần cầu nguyện phải được trải dài qua mọi giây phút để làm nên cuộc sống. Chúa không chỉ ở trong nhà thờ, trong các giờ kinh nguyện hay trong các bí tích. Chúa không hiện diện ở một lúc nào đó, mà hiện diện trong toàn thể, trong mọi môi trường và mọi sinh hoạt đời thường. Giới hạn sự hiện diện của Chúa trong giờ cầu nguyện thôi là giới hạn chính cuộc sống của mình trong một ngõ ngách.

Thiên Chúa là chất liệu của đời sống ta, là hơi thở của tâm hồn ta. Ngài luôn kêu gọi ta ngày càng mở rộng lòng ra với cuộc sống để nhận ra Ngài, để hòa nhịp với Ngài trong mọi giây phút sống, biết lắng nghe Ngài trong mọi tình huống hầu luôn tạo nên một bầu khí thiêng liêng trong trái tim mình (một trái tim chất chứa những tình tiết ngổn ngang và những chuyện phù du bên ngoài, với các đòi hỏi đủ loại, có những khi quay cuồng vì ganh tị và tham vọng), để làm sao cho Chúa sống trọn vẹn trong ta, để Thần Khí của Ngài làm sinh động con người của ta.

4. Những cách diễn tả cầu nguyện[6]

        Có nhiều cách diễn tả tâm tình cầu nguyện, nhưng truyền thống Kitô giáo thường nói đến 3 hình thức:

        a. Khẩu nguyện (bằng lời).

          “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6,18). Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng lời nói với Cha (x. Mt 11, 25-26; Mc 14, 36), và dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện tha thiết nhất là lời khẩn cầu với cả tâm hồn và thân xác. Lời kinh đích thực phải phát xuất từ đáy thẳm của tâm hồn, từ một đức tin cá vị. Thiên Chúa muốn mọi người phải thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật, nghĩa là phát xuất tự đáy lòng: “Lời kinh của ta có được nhận lời hay không, không tùy thuộc ở số lượng, mà tùy thuộc vào nhiệt tình của tâm hồn”. (Gioan Kim Khẩu).

        b. Trí nguyện (bằng suy niệm)

          “Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng, nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa” (1Cr 14,15). Để suy niệm phải vận dụng trí tuệ, trí tưởng tượng, cảm xúc, ước muốn, với chủ đích đào sâu đức tin, hoán cải con tim và quyết tâm theo Chúa. Ngoài những yếu tố khác, thì Lời Chúa là chủ yếu giúp ta đi vào suy niệm. Suy niệm là đem những điều mình đọc đối chiếu với bản thân và cuộc sống, đồng thời đi vào sự hiệp thông với Chúa Kitô trong tình yêu.

        c. Tâm nguyện (bằng chiêm niệm)

        Chiêm niệm là đỉnh cao của cầu nguyện, trong sự kết hiệp mất thiết với Chúa trong tình yêu: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”. Cái nhìn chiêm ngưỡng của trái tim đầy lòng yêu mến; cái nhìn không ý đồ, khiến ta quên đi chính mình, không còn muốn níu giữ điều gì ngoài một mình Chúa. Đó là cảm nhận hạnh phúc được ở bên Đấng mà mình luôn tìm kiếm và khao khát.

        “Chiêm niệm chẳng là gì khác hơn sự chia sẻ thân tình giữa hai người bạn, là thường xuyên dành thời gian ở lại một mình với Đấng mà Ta biết là Ngài yêu thương ta” (Têrêsa Avila). Tình yêu ấy không quá mang nặng cảm tính theo từng lúc nhưng chủ yếu là vẫn luôn trung thành trong mọi lúc khó khăn và thử thách.  Không phải lúc nào cũng có thể suy gẫm tốt, nhưng lúc nào cũng có thể chiêm ngắm Chúa ở ngay trong lòng mình: một tấm lòng khao khát được chìm sâu trong Chúa. “Cách thế duy nhất để cầu nguyện liên lỉ là lòng khao khát. Lòng khao khát liên tục cũng chính là lời kinh nguyện triền miên” (Augustinô).

        Phân biệt ba hình thức trên để ta biết vận dụng từng khả năng để đi vào cầu nguyện, nhưng trong thực tế cả ba thường luôn hòa hợp với nhau làm một. Vì cầu nguyện là đi vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa bằng tất cả con người của mình: linh hồn, trí khôn, thân xác, và để cuộc gặp gỡ ấy chi phối toàn bộ cuộc đời ta.

5. Tiến bước trong cầu nguyện

        Cầu nguyện không chỉ là một bộc phát nội tâm hay những kiến thức bên ngoài, mà còn đòi hỏi phải suy gẫm, nghiền ngẫm, học hỏi và cảm nghiệm những thực tại thiêng liêng. Đó là điều mà chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ, mở lòng, soi sáng cho chúng ta trong cầu nguyện. Phần chúng ta là luôn trung thành và nỗ lực không ngừng để tìm hiểu, khám phá và đi sâu vào cầu nguyện.

      Cầu nguyện là một tiến trình lâu dài và chậm rãi. Theo ngày tháng, người ta có kinh nghiệm gặp Chúa hơn trong cầu nguyện. Chẳng ai dám nói mình biết cầu nguyện (thâm sâu và hữu hiệu), vì chẳng ai có thể nắm bắt Chúa theo một số cách thức nào đó. Tất cả đều hệ tại vào lòng khao khát của ta và ân ban của Chúa (x. Rm 8, 26-27). Vì thế, mà cứ phải xin Chúa Giêsu dạy cho ta biết cách cầu nguyện như các tông đồ xưa (x. Lc 11, 1).

        Theo Thánh Augustinô, con người đã được tạo dựng cho sự cao cả, cho chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, tâm hồn con người thì quá nhỏ bé so với sự cao cả đó, nên cần được mở rộng ra. Cầu nguyện chính là làm cho trái tim ta “giãn nở”, rộng mở để có thể đón nhận chính Chúa. Bởi vậy “Khi trì hoãn [ban ân huệ], Thiên Chúa củng cố lòng muốn của chúng ta; qua lòng muốn Ngài nới rộng linh hồn chúng ta và khi mở rộng, Ngài gia tăng sức chứa của nó [để đón nhận Ngài]”. Augustinô đã sử dụng một hình ảnh rất đẹp để mô tả tiến trình mở rộng và chuẩn bị tâm hồn con người như sau[7]:

a. Đổ bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới: “Giả dụ Thiên Chúa muốn lấp đầy tâm hồn bạn bằng mật ong [một biểu tượng về sự dịu dàng và lòng tốt của Thiên Chúa]; nhưng nếu lòng bạn đầy dấm chua, bạn đổ mật ong vào nơi nào?”

Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng, tâm hồn ta trước tiên phải được nới rộng và sau đó rửa sạch, không còn dấm và mùi vị của nó nữa. Điều đó đòi phải làm việc cật lực và gây đau đớn, nhưng chỉ theo cách ấy thì chúng ta mới có khả năng đón nhận và chứa đựng Thiên Chúa, đồng thời mở rộng lòng tiếp nhận mọi người. Điều đó cho ta hiểu rằng, cầu nguyện không phải là đi ra khỏi lịch sử và rút lui vào góc hạnh phúc riêng mình, nhưng là trải qua một tiến trình thanh luyện bên trong. Sự thanh luyện đó mở lòng ta ra với Thiên Chúa và với tha nhân.

b. Thanh luyện lương tâm để lắng nghe sự Thiện: Trong cầu nguyện ta phải biết điều ta có thể xin Thiên Chúa - điều xứng đáng với Thiên Chúa. Ta không thể cầu nguyện chống lại người khác, cũng như không thể cầu xin những điều nông cạn và những tiện nghi như mình mong muốn, vì niềm hy vọng nghèo nàn, giả tạo dẫn ta xa lìa Thiên Chúa. Phải biết thanh luyện ước muốn và khát vọng của mình, cũng như phải biết tự giải thoát khỏi những giả dối ẩn khuất gây nên thất vọng. Thiên Chúa thấy rõ chúng, và khi ta đến trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị bắt buộc nhận ra chúng. Vịnh gia đã cầu nguyện: “Nhưng nào ai thấy rõ lầm lỗi mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19,12 ).

Thất bại trong việc nhìn nhận lầm lỗi của mình, ảo tưởng về sự vô tội của mình không làm tôi nên công chính và không giải thoát tôi. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, có lẽ tôi cần tìm nơi trú ẩn trong những lọc lừa ấy, bởi vì không ai có thể tha thứ cho tôi; không ai là tiêu chuẩn đích thực. Tuy nhiên sự gặp gỡ với Thiên Chúa thức tỉnh lương tâm của tôi, vì nó không còn nhắm đến sự công chính hoá bản thân, không còn là một suy nghĩ đơn thuần của tôi và của những người đương thời đang uốn nắn suy nghĩ của tôi, nhưng nó trở thành một khả năng lắng nghe chính sự Thiện.

6. Những trở ngại và khó khăn trong việc cầu nguyện[8]       

        Cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng luôn đòi hỏi một sự đáp trả quyết liệt. Bước vào đời cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu: chiến đấu với chính mình, với dư luận chung quanh, và nhất là chiến đấu chống lại Tên Cám Dỗ muốn tìm mọi cách để ta không còn muốn cầu nguyện nữa.

        a. Những trở ngại.

        Trước hết là những quan niệm sai lạc về cầu nguyện. Có người cho đó chỉ là hoạt động tâm lý đơn thuần, hay chỉ là nỗ lực tập trung tư tưởng để đạt tới trạng thái chân không thanh tịnh. Vẫn có những Kitô hữu coi cầu nguyện như là chuyện phụ thuộc, thậm chí còn mất giờ và cảm thấy vô ích. Tất cả đều bộc lộ một thiếu sót cơ bản  là họ quên rằng, cầu nguyện không chỉ là việc của con người, nhưng còn là của Thánh Thần Thiên Chúa.

        Thêm vào đó là những não trạng của thời đại chi phối như: não trạng duy lý và thực nghiệm; não trạng sản xuất và tiêu thụ; não trạng dựa vào giác quan và tiện nghi như tiêu chuẩn để đánh giá Chân Thiện Mỹ; Não trạng duy hoạt động; và cuối cùng là những thất bại trong đời cầu nguyện vì thấy không đưa tới đâu.

        Để vượt qua những trở ngại trên, cần phải khiêm tốn, kiên nhẫn và tín thác vào Chúa.

        b. Những khó khăn.

        Nỗi khó khăn thường gặp là sự chia trí, thiếu tập trung vào lời cầu nguyện và vào Đấng mà mình phải hướng tới. Sự chia trí cho thấy tâm hồn mình đang nghiêng chiều và gắn bó với cái gì. Muốn vượt qua khó khăn này, cần tỉnh thức nhận diện vấn đề mà mình đang mắc phải để khiêm tốn quay về với Chúa, và tin rằng Chúa đang đến với ta trong lúc này để sẵn sàng đón tiếp Ngài.

      Nỗi khó khăn khác là tình trạng khô khan, không cảm thấy được niềm an ủi và dịu ngọt trong cầu nguyện. Đây là thách đố thiêng liêng cần phải kiên trì vượt qua với Chúa Giêsu hấp hối và chịu mai táng trong mồ, để tin rằng hạt lúa có bị chôn vùi và thối đi thì mới sinh nhiều bông hạt ( x. Ga 12, 24).

        Cơn cám dỗ thường xuyên là thiếu đức tin. Ta có thể làm rất nhiều việc đạo đức, rất hăng say và nhiệt thành trong việc tông đồ, nhưng ẩn khuất bên trong là sự thiếu vắng đức tin chân thật, thiếu lòng khiêm tốn sâu xa để nhận ra rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

        Có thể là sự nguội lạnh, một hình thức lười biếng thiêng liêng phát sinh từ sự buông thả không tỉnh thức và lơ là chểnh mảng việc đạo đức. Cần thay đổi lối sống và bắt đầu lại trong ơn thánh Chúa.

7. Hiệu quả đời sống cầu nguyện

Biến đổi đời sống nên giống Chúa hơn là kết quả của cầu nguyện hằng ngày. Biến đổi một phần, biến đồi dần dần hay biến đổi tận căn thì còn tùy thuộc ơn thánh và lòng khao khát chìm sâu trong Chúa. Dù sao, cầu nguyện vẫn luôn là một cuộc hành trình tìm kiếm, gặp gỡ và khám phá không ngừng Đấng ở trong ta, nhưng cũng là Đấng ở trong mọi sự, nơi mọi người.

Cầu nguyện không phải để có được điều gì, nhưng là để sống với điều gì mình đang có; cũng không phải để trở nên điều mình mong ước, nhưng là mong ước điều mình sẽ trở nên. Việc cầu nguyện đích thực không bao giờ trông mong kết quả. Vì trong cầu nguyện chính Chúa mới là Đấng có thật, và là Đấng làm nên tất cả, không phải như ta mong, nhưng như Ngài muốn.

Đừng coi Chúa như là người đứng đó để ban phát mọi thứ ơn, nhưng là Đấng khao khát ta trước khi ta khao khát Ngài. Cầu nguyện là để học sống với sự hiện diện của Chúa, để thấm nhập sự hiện diện này vào trong trong lòng cho đến khi ta chìm sâu trong thinh lặng hoàn toàn, và cảm thấy sự hiện diện của Chúa lấp đầy lòng ta.

Kết quả là tâm hồn an vui, con tim đầy tình yêu mến, trí óc được thông thoáng và chiếu sáng, phấn khởi đi vào cuộc sống dấn thân phục vụ bằng sự hiện diện khiêm tốn, cảm thông, chia sẻ, và trở nên thân cận với mọi người. Cầu nguyện như vậy giúp ta dần dần xóa đi cái “tôi” cứng cỏi, mang nặng hư danh và ảo tưởng, để thay vào đó sự hiện diện tràn đầy của Chúa trong tâm tình, tư tưởng và lối sống, nghĩa là để cho Chúa được thành hình và lớn lên trong ta, cho ta được bước vào chính Sự Sống.

Cầu nguyện như vậy giúp ta đặt hy vọng vào Chúa, không còn quá hy vọng vào mình hay vào những công việc của mình. Nên nhớ rằng, ngay cả cái tốt cũng có thể làm quả tim ta chai cứng và tắc nghẽn, nhất là khi ta làm việc tốt không phải vì nó tốt, nhưng vì nó đem đến danh thơm tiếng tốt, khiến ta tự mãn và cảm thấy an toàn. Lúc đó, ta tin vào mình chứ không tin vào Chúa.

Chỉ có cầu nguyện đích thực mới giúp ta bước ra khỏi con người dầy đặc chính mình, không buông mình vào những tự mãn thiêng liêng, không cho mình là người Chúa chọn riêng, không mong có được tài năng hay đức độ sâu rộng, không tìm cách thể hiện mình dưới mọi góc độ của cuộc sống, cũng không chứng minh nơi mình điều chi hết. Đơn giản một điều là làm những gì phải làm, nhất là làm sao để đắm mình trong sự hiện diện của Chúa cho tới khi tất cả trở nên trong Chúa, hay Chúa trở nên tất cả.

Vì thế, không thể dựa vào một số điều gì đó để khẳng định về bản thân mình. Mọi khẳng định như thế đều là đánh lừa mình. Sự khẳng định nào cũng phải qui hướng về Chúa để có thể phủ bỏ cái tôi ưa chiếm đoạt của mình. Ta không phải là những gì ta đạt được hay chiếm được, mà chỉ là những gì ta đón nhận thôi. Bao lâu ta còn mãi quanh quẩn có khẳng định mình, hoặc để người khác khẳng định mình, thì ta vẫn còn mù quáng đối với Đấng đã yêu ta trước, Đấng vẫn đang ở trong lòng ta, và đang thực sự là bản ngã đích thật của ta.

Thiên Chúa thì bừng cháy, sung mãn hơn tất cả mọi sự. Không thể tìm kiếm mình nơi những gì bên ngoài Chúa, vì tất cả đều thô thiển, tạm bợ và quá nhỏ nhen. Chúng không thể khỏa lấp một tâm hồn khao khát sự sống đích thực là chính Chúa. Nói thế cũng không có nghĩa là đi tìm mình nơi Thiên Chúa, mà là tìm Chúa nơi chính mình, Đấng mà nhờ Ngài ta hiện hữu và sống phong phú. Trong đời sống cầu nguyện, cái tuyệt đối mà ta đi tìm chỉ duy nhất là Chúa.

Chính trong sự tịnh tâm để chìm sâu trong Chúa mà ta nhận ra con người thật của mình, để ta không còn bị lệ thuộc vào lời khen tiếng chê của những người chung quanh, và càng được tự do để hành động trong tình yêu mà Chúa đã yêu ta. Ta không còn lo sợ trước những phê phán của người đời và ngay cả những người có “bề thế” bên cạnh ta, vì trong cầu nguyện ta dần dần nhận ra rằng, giá trị đích thực của ta là ở nơi Chúa. Ta không mong tìm được vị thế hay tốt đẹp trước mặt người khác, nhưng chỉ mong được hòa nhập và bén rễ sâu trong Đấng đã làm cho ta hiện hữu.

Chỉ trong cầu nguyện ta mới nhận ra rằng, mình không thuộc về thế gian này: một thế gian xây dựng trên những tiêu chuẩn tạm bợ, những ước lệ nông cạn và tình cảm nông nổi của con người nay còn mai mất, chứ không đặt trên nền tảng là Thiên Chúa, Đấng sẽ thâu hóa mọi sự, và mọi sự phải kết thúc trong Ngài. Quả thật, cầu nguyện là chết đi đối với thế gian này để ta có thể sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn. Chính nhờ cầu nguyện mà ta được nâng lên sự sống vĩnh cửu của Đấng Hằng Hữu muôn đời.

          Việc sống đời cầu nguyện đem lại niềm hy vọng và bình an cho ta biết bao giữa cuộc đời đầy những nhiễu nhương, đổi thay, lo âu và bất trắc. Đức Bênêđíctô XVI đã nói lên điều đó như sau:

“Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi”[9].

Đức Thánh Cha còn nêu lên trường hợp cụ thể của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, bị 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng nhờ việc ngài có thể lắng nghe và chuyện vãn với Chúa đã trở nên một sức mạnh hy vọng ngày càng gia tăng, khiến ngài sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho mọi người trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm tối của cô đơn.

“Cầu nguyện là sự hô hấp của tâm hồn” (Martino). Khi không còn ham muốn cầu nguyện nữa là dấu chỉ của một tâm hồn suy giảm sự sống. Sự chết chỉ có thể hoành hành nơi những ai đã đánh mất đời cầu nguyện.

Tâm hồn cũng chỉ được nuôi dưỡng, lớn lên và sống trong sự an toàn nhờ cầu nguyện. Chính vì vậy mà “Sự cầu nguyện là thành lũy lớn nhất của tâm hồn” (Augustino). Trong thành lũy đó chất chứa “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Cv 13, 52). Tương lai của thành lũy đó là chính Đức Kitô: là niềm vui bất tận và sự sống sung mãn muôn đời cho ta trong Thiên Chúa (x. Ga 10, 28).

Lạy Chúa!

Cuộc sống con sẽ đi về đâu nếu từng ngày đời con vắng Chúa?

Bao công việc con làm có ý nghĩa gì nếu lòng con xa Chúa?

Bao điều con đạt được có giá trị gì nếu tâm con thiếu Chúa?

Bao điều con hiểu biết có ích chi nếu trí con bên ngoài Chúa?

Bao điều con tìm kiếm có lợi gì nếu bản thân con không gặp Chúa?

……………………………………………………………..?

Tất cả chỉ là trống rỗng nếu không có Chúa ở trong con.

Mọi cái chỉ là hư vô nếu con không ở trong Chúa.

Ai sẽ cứu độ con ngoài một mình Chúa?

Lạy Chúa!

Một mình Chúa con mãi đợi trông…

Một mình Chúa luôn khát mong…

Tâm hồn con tháng năm mỏi mòn…

Như đất đai khô cằn trông trời mưa rơi.

Mỗi ngày xin cho con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ con. Amen.

Lm. Thái nguyên

         

 

 

 



[1] Nguyễn Mạnh Đồng, Cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu, tr. 3

[2] Giáo Lý Công Giáo, số 2599-2606.

 

[3] Giáo Lý Công Giáo, số 2607-2615.

[4] Giáo Lý Công Giáo, số 2653-2660.

[5] Đức Bênêđíctô XVI, Spe Salvi, Thông Điệp Niềm hy vọng Kitô giáo, số 34.

[6] Giáo Lý Công Giáo, số 2700-2719.

[7] Đức Bênêđíctô, Spe Salvi, Thông Điệp Niềm hy vọng Kitô giáo, số 33.

[8] Giáo Lý Công Giáo 2725-2733.

 

 

[9] Đức Bênêđíctô, Spe Salvi, Thông Điệp Niềm hy vọng Kitô giáo, số 32.