Sự đau đớn thể xác là : «  ẩn ngữ hay là huyền bí », đàm thoại với Đức Cha Follo (phần 2).

Cuộc hội thảo được tổ chức ở UNESCO bởi vị Đại Diện của Tòa Thánh.

VATICANÔ, thứ Ba ngày 20 tháng 1 năm 2004 (zenit.org/french) – Trong viễn tượng của sự bế mạc của năm Âu Châu cho những người tàn tật, Đức Cha Francesco Follo, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở UNESCO, đã thực sự  tổ chức một cuộc hội thảo ngày 10 tháng 12, tại Paris, trụ sở của tổ chức này, về đề tài sự đau đớn thể xác.

Trang trên màng lưới điện tử của giới trẻ của Hội Thánh Công Giáo nước Pháp www.inx16.cef.fr (*) đề nghị cuộc đàm thoại của Thoma Gueydier với Đức Cha Follo. Chúng tôi đã đăng tải phần 1 ngày 07 tháng 01 vừa qua. Sau đây là phần thứ hai mà chúng tôi đăng trong viễn tượng lễ cử hành Ngày Thế Giới của Bệnh Nhân, ngày 11 tháng 02 tới.

Chúng tôi đã ấn hành bài diễn văn, trong đại hội này, của ĐHY Javier Lozano Barragan, Chủ Tịch cơ quan Giáo Hoàng Mục Vụ cho ngành y tế.

Thomas Gueydier : Hiểu được sự đau đớn phải chăng là một phương tiện để chiến thắng sự đau đớn ? Những nhà tâm lý học tuyên bố cho chúng ta biết là những người chịu đựng khá hơn sự đau khổ tâm thần trong những trại tập trung chẳng hạn là những người có lòng tin vì họ cho sự hiện diện của họ trong một nơi như thế cũng như cho sự đau đớn, đau khổ một ý nghĩa.

ĐC Follo : Vâng, đúng thế. Nhưng cũng chưa đủ, người ta không thể thấu hiểu tất cả. Sự trả lời cho ẩn ngữ của nỗi đau, khi người ta không thể phấn đấu chống lại sự đau đớn, đó là điều huyền bí. Điều bất trắc là thu nhỏ Đức Tin lại thành một loại thuốc át-pi-rin thiêng liêng để uống mỗi khi bị đau khổ. Và rồi điều đó không phải là máy móc, các thánh cũng chết trong những trại tập trung, như Cha Kolbet chẳng hạn. Hãy coi, như hôm nọ, khi tôi ở Los Angeles, nơi mà Giáo Hội phải đương đầu với vấn đề các đạo rối. Thái độ của các kitô hữu ở bên đó không dựa vào việc phải tuyên bố là Giáo Hội tốt hơn, hoặc hay hơn những đạo rối. Các kitô hữu đứng ở một trình độ khác với khái niệm hữu dụng của linh đạo. Cũng như tôi có quen một Mục Sư Tin Lành phải đối phó với một vấn đề tranh chấp giữa xưng tội và phân tâm học. Cũng trong trường hợp đó, ông ta đứng ở một vị trí khác bằng cách cắt nghĩa rằng mặc cảm mang lỗi, gây ra bởi những người khác hay bởi chính mình chống lại chính bản thân mình là một chuyện, và tội lỗi chống lại Thiên Chúa lại là một chuyện khác. Nói như thế xong, Đức Tin thì tốt cho sức khỏe. Niềm Cậy Trông giúp cho sống tốt hơn, giúp cho sống trong chân lý và trong tình yêu. Vả lại, sứ điệp của kitô giáo chủ yếu là tuyên bố rằng phần thưởng không phải chỉ được ban cho sau khi chết nhưng là trước khi chết. Sau khi đã nhận phần thưởng tối hậu của Phục Sinh, Chính Đức Kitô đã không rời bỏ trần gian ngay lập tức nhưng Ngài đã trở về gần các tông đồ của Ngài, dùng cơm với họ. Đức Tin cho sức mạnh để sống. Đức Tin là sự Sống. Tất cả những thầy thuốc đều nói rằng những bệnh nhân có lòng tin thì mau khỏi bệnh hơn và cảm thấy ít đau đớn hơn.

Thomas Gueydier : Tâm thần và thể xác sau đó trở thành lớn mạnh hơn nhờ kinh nghiệm của niềm tin hay sao ?

ĐC Follo : Như Triết Học kitô giáo nói, nhân vị là một tổng thể. Người ta không thể phân biệt được một bên là linh hồn một bên là thể xác. ĐGH GP II đã khai triển cả một khoa thần học về thể xác, tiếp theo thánh Tô-ma A-ki-nô, người đã cho là trên Thiên Đàng, những người trong lúc chờ đợi sự phán xét cuối cùng chỉ là những bán-nhân (=nửa người thôi) vì họ để thể xác của họ trên trần gian. Thánh Tô-ma đã hiểu rằng một khoa Thần Học mà quên thể xác là một thần học giảm thiểu con người xuống còn một nửa của chính mình.

Thomas Gueydier : Ngày nay, nhất là bên Pháp, người ta ít nghe nói đến giá trị cứu rỗi của sự đau đớn. Theo Đức Cha, đó có phải là một sự quyết định khôn ngoan để tránh cho chúng ta rơi vào thuyết thích thống khổ không ?

ĐC Follo : Sự từ chối đau đớn là một vấn đề của xã hội. Hồi tôi còn trẻ (nghĩa là hôm qua ! ), thời mà tôi còn là Giáo Sư Triết, tôi đã tin chắc là phải chứng minh tính duy lý của Đức Tin. Sự được thua là phải chứng tỏ rằng hành vi đức tin là một phương pháp hợp lý vận dụng trí khôn và ý chí, nghĩa là một phương pháp hoàn toàn nhân bản. Ngày hôm nay, tôi tin rằng sự loan báo Đức Tin phải đương đầu với một vấn đề khác, vấn đề của sự tìm kiếm thoải mái. Người ta không để ý trước hết về lý do chính đáng của điều này hay điều kia nhưng về sự thoải mái mà điều đó có thể đem lại cho chúng ta. Nếu tôi gặp một người nào đó chẳng hạn, khi nói cho anh ta là tôi biết điều gì có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa, anh ta sẽ chẳng muốn biết. Người ta trốn tránh điều cốt yếu. Phương pháp của phật giáo có đầy ý nghĩa về phương diện này. Sự tìm kiếm thoải mái thực là một vấn đề của thế giới tây phương. Người ta không muốn nghe nói đến đau đớn vì người ta không muốn đương đầu với cảm giác đó. Mục đích duy nhất là làm sao giảm nỗi đau để khỏi phải nhìn thấy, nhưng, như Bác Sĩ Mirabel giải thích, sự kiện là nỗi đau thể xác càng giảm bao nhiêu thì lỗi diễn tả của sự đau đớn càng tăng cách ngược đời. Đó là một vòng lẩn quẩn. Cuối cùng những người cùng thời với chúng ta lầm lẫn giữa sự-thoải-mái (le bien-être) với « chủ-thể-tốt » (l’être bien).

Thomas Gueydier : Làm thế nào Giáo Hội có thể đóng góp vào việc biến hóa một xã hội có một quan niệm coi đời sống như một sự thoải mái sang một xã hội mang quan niệm đời sống của một chủ thể tốt ?

ĐC Follo : Trước hết cho phép tôi định nghĩa chữ « quan niệm ». Phải trở lại ý nghĩa vật lý mà những phụ nữ đã đem cho chữ này. Tôi xin giải thích : khi tôi nói rằng tôi có quan niệm (conception) này hay quan niệm khác về đời sống, cho dù tôi theo trường phái Kant, Nietzsche hay Sartre, thì tôi luôn quy chiếu đến khoa nhân loại học. Ngược lại khi một phụ nữ nói « tôi thụ thai .. » (j’ai conçu ..), thì hoàn toàn có nghĩa khác ! Và chính trong nghĩa này chúng ta phải « cưu mang » những vấn đề một cách xác thịt và cụ thể. Ngày nay, khuynh hướng là « sự phá nhập thể ». Nhưng trong Giáo Hội, Đấng mà chúng ta trung thành với, chẳng phải là ai khác hơn là Đức Kitô nhập thể. Để trả lời cách chính xác cho câu hỏi của ông, tôi tin rằng Giáo Hội phải đóng cách trọn vẹn vai trò giáo huấn của mình trong lãnh vực này. Nhà giáo dục là người dẫn nhập vào thực tại. Xin ông hiểu cho là thực tại trọn vẹn. Giáo huấn là dẫn dắt vào sự sống như một người mẹ dẫn dắt con mình vào đời sống bằng cách cầm tay hướng dẫn. Như thế, Giáo Hội phải giáo huấn bằng cách dìu dắt. Thánh Au-gút-ti-nô đã hiểu, trước hơn cả khoa sư phạm tân thời, rằng nhà giáo dục không chỉ là người cho những bài học nhưng là kẻ mở cửa vào cuộc sống. Nhà giáo dục khơi dậy, đúng thế, những sự so sánh qua những khái niệm để giúp học trò tìm ra những điểm mốc, nhưng nhà giáo dục trước hết là người đan nối một sự liên quan bằng cách nói với những nhân vị. Về phần tôi, tôi không còn nhớ gì cả về điều mà các giáo sư của tôi đã nói, nhưng ngược lại tôi còn nhớ rất rõ về nhân cách của các vị. Giáo Hội phải đóng vai trò một nhà giáo dục về ý nghĩa của sự đau đớn bằng cách dậy dỗ nhưng cũng dìu dắt cùng một lúc.

Thomas Gueydier : Đức Cha trả lời thế nào cho những người khẳng định rằng Thiên Chúa đã được phát minh ra bởi con người vì sự đau đớn đã thúc đẩy họ tìm kiếm những nguồn an ủi tưởng tượng ?

ĐC Follo : Hãy bắt một đứa trẻ 2 hay 3 tuổi và bỏ nó vào trong một căn phòng rồi tắt đèn đi. Nó sẽ nói gì ? « Mẹ ơi ! » hiển nhiên rồi. Theo ý ông, chính là ánh sáng đã tạo dựng nên bà mẹ ? Chắc chắn là không rồi ! Người mẹ, mà đứa trẻ đòi khi bị cho vào bóng tối, hiện hữu trước khi căn phòng có đứa trẻ bị bóng tối bao phủ. Sự đau đớn cũng giống như thế. Những người cầu khẩn Thiên Chúa trong cơn thử thách của sự đau đớn cũng không phát minh ra Thiên Chúa hơn là đứa trẻ không phát minh ra mẹ nó khi kêu gào « mẹ ơi ! » trong lúc sợ hãi. Trong cả hai trường hợp, sự đau đớn cũng như bóng tối làm cho thoát ra, trào ra tình yêu. Đúng thế, sự đau đớn đôi khi làm lộ diện tình yêu. Nhưng thỉnh thoảng thôi, vì sự đau đớn có thể là căn nguyên của phẫn nộ.

Thomas Gueydier : Đúng thế, sự đau đớn làm mất đức tin cho một số người …

ĐC Follo : Ông đụng tới đúng vấn đề của vô tín ngưỡng. Tôi nghĩ rằng phải hết sức rõ ràng về đề tài này. Thời nay, vấn đề không còn liên quan tới sự hiện hữu của Thiên Chúa hay đúng hơn câu nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa không còn được đặt dưới những từ ngữ thuộc hữu-thể-học. Thực thế, khi một người nêu ra câu hỏi : « Thiên Chúa có hay không ? », là trong thực tế anh ta hỏi : « Ngài có hiện hữu cho tôi không » hay « Sự hiện hữu của Thiên Chúa có lợi ích gì cho tôi không ? » và để kết thúc : « làm thế nào tôi có thể gặp được Ngài ? ». Nếu câu hỏi chỉ nằm trong lãnh vực hữu-thể học, thì chỉ cần dùng đến 5 quy luật của Thánh Tô-ma, những bằng chứng của Thánh Ăng-sen-mô (Anselme) v.v… Cuối cùng, vấn đề chẳng phải là vô thần thuyết cũng chẳng phải là tôn thờ ngẫu tượng. Rốt cuộc, người ta luôn tin vào một điều gì đó : vào tiền bạc, vào thú vui xác thịt, vào sự thành công, vào tử vi. Nói thế chứ tôi thấy tin vào tử vi thì còn khó hơn là tin vào Đức Kitô ! Giáo Hội vì thế phải đề nghị một cuộc Gặp Gỡ chân thật với Đức Kitô. Mà sự đau đớn nằm chính giữa cuộc gặp gỡ. Không phải chỉ cống hiến một bài diễn văn mà thôi. Tôi luôn nói là Đức Kitô đã phán rằng : « Hãy đến và hãy nhìn » chứ không phải : « Hãy đến và hãy nghe ».

Thomas Gueydier : Sự chiêm ngưỡng Đức Kitô trên thập tự có thể giúp đỡ được những người bị đau đớn ?

ĐC Follo : Đúng thế. Tôi có biết một người phụ nữ, qua đời vì một căn bệnh ung thư, mà tôi hay đem Mình Thánh Chúa đến cho bà ta tại bệnh viện. Bà ta bị liệt giường và thường nói với tôi : « chỉ có một điều mà con có thể làm nổi khi con đau đớn là ngắm nhìn Thánh Giá … ». Trong thánh đường thánh Cờ-lê-men-tê (St Clément) ở La-mã có một bức tranh trên tường tượng trưng một cây Thánh Giá mà từ đó có nhiều ngành trổ hoa. Thánh Giá mầu đen vì tượng trưng cho sự chết, sự đau khổ nhưng những nhánh cây thì xanh tươi và đầy nhựa sống. Thánh Giá là một chìa khóa. Thật là đầy ý nghĩa khi Kitô giáo đã chọn thập tự như một biểu tượng. Người ta đã có thể chọn biểu tượng của sự phục sinh chẳng hạn. Nếu người ta đã không chọn biểu tượng này, theo ý tôi, ngoài vấn đề kỹ thuật để diễn tả sự phục sinh, chính là bởi vì Thánh Giá không tượng trưng cho sự phục sinh, và vì Thánh Giá mở cửa về một « Nơi Khác » mà cuối cùng giải thoát chúng ta khỏi nỗi thống khổ, khỏi sự đớn đau và khỏi sự chết.

 

Xem Phần 1

Trần văn-Toàn

(*) www.inx16.cef.fr là một trang mạng lưới điện tử của Hội Thánh Công Giáo Pháp.

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà