Vatican ngày 25/4/2004
ĐHY Renato Raffaele Martino giải thích trên đài Radio
Vatican rằng phải để Liên Hiệp Quốc có thời gian, do đó lúc này mà rút quân Ý
khỏi Irak là điều « thiếu thận trọng ».
Chủ tịch uỷ ban giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình nhắc lại
lập trường « không thay đổi » của Giáo Hội Công Giáo về chiến tranh
tại Irak vào lúc mà tình cảnh của những con tin người Ý làm rung động người dân
Ý mà phần đông đã rất chống lại chiến tranh trước khi cuộc chiến bắt đầu.
Cựu đại diện Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc giải
thích : « Trong lúc này, rút quân khỏi Irak là điều thiếu thận
trọng, bởi vì điều đó có nghĩa là bỏ rơi Irak với một cuộc nội chiến, và thật
bất cẩn khi muốn thúc dục Liên Hiệp Quốc, khi quyết định ngay từ bây giờ rằng
LHQ sẽ không thành công khi lãnh trách nhiệm về tình trạng Irak từ nay cho đến
30 tháng sáu. Phải để cho LHQ có thời gian. Và chúng ta biết rằng việc đi đến
những giải pháp đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và một khả năng thương lượng lớn theo
như kinh nhiệm 16 năm của tôi tại LHQ ».
Về tình cảnh những con tin người Ý tại Irak, ĐHY Martino
trả lời : « Một cách chung, tôi là một người lạc quan. Sự sợ hãi
và sự bi quan chẳng giúp được gì. Phải luôn luôn tin tưởng và tiếp tục cầu
nguyện ».
Ngài nhắc lại lập trường của Giáo Hội : « Lập
trường của Giáo Hội đã luôn luôn rõ ràng và được nhắc nhở nhiều lần bởi ĐGH,
ĐHY Sodano, ĐHY Tauran và chính tôi. Trước cuộc chiến, ĐGH Gioan Phaolô II đã
nài nỉ đừng lao mình vào một cuộc mạo hiểm không trở lại được và sẽ là một thất
bại của nhân loại. Bất hạnh thay, những sự kiện đã chứng minh điều đó. Trong
cuộc chiến, ĐTC đã ao ước nó kết thúc sớm và ngài đã hành động theo hướng này.
Sau đó ngài đã ao ước người ta chuyển tới sự dân chủ hoá và việc xây dựng lại
đất nước. Đó là lập trường của Toà Thánh, trước sau như một. Trước cuộc chiến,
ĐGH đã ước muốn sự can thiệp của LHQ, nhưng người ta không nghe ngài. Bây giờ
mọi người đều nghĩ rằng không có LHQ thì không thể có một nước Irak dân chủ và
tự do, trong đó người dân Irak là những người thủ công của tương lai nước họ.
Chúng ta hy vọng rằng lần này, người ta nghe những gợi ý của ĐTC ».
Ngày 16/04 vừa qua, cũng trên đài Radio Vatican, cũng về
vấn đề những con tin người Ý, ĐHY Martino đã xác định : « Toà Thánh
luôn luôn sẵn sàng, như đã từ bao thế kỷ qua, cống hiến hành động hoà bình và
trung gian nếu có lời yêu cầu. Bởi đó tôi chắc rằng trong tình trạng này, nếu
có lời yêu cầu, Toà thánh sẽ không từ chối. Cũng chính điều đó thúc đẩy chúng
tôi yêu cầu một cách khẩn khoản để cộng đồng quốc tế can thiệp để biến đổi loại
hiện diện hiện nay sang sự hiện diện hoà bình của mọi phần tử của xã hội
Irak ».
Ngài thêm : « LHQ lúc đầu đã không đi vào
cuộc tranh chấp thì bây giờ phải can thiệp với một vai trò hoà bình. Sự hiện
diện này sẽ được chấp nhận một cách tự nhiên bởi người dân Irak ».
ĐHY ước mong một sự chuyển tiếp từ « quân chiếm
đóng » sang « quân của xây dựng ». « Tôi nghĩ đó là con
đường an toàn nhất cho sự sống dậy của một quốc gia đã trải qua bao khốn
khổ ».
Thông tấn
Zenit
Lang Biang dịch