Những bất công của sự toàn cầu hoá đòi hỏi một câu trả
lời đạo đức
Vatican ngày 2/5/2004
ĐGH nhận xét rằng khoảng cách giữa
những nước giầu và những nước nghèo vẫn tiếp tục sâu hơn với sự toàn cầu hoá và
ngài nhấn mạnh tầm quan trọng qui hướng hiện tượng này bởi « những giá trị
đạo đức ».
Ngài nhận định : « Tiến
trình toàn cầu hoá đang xẩy ra hiện nay cần phải được hỗ trợ bởi những giá trị
đạo đức căn bản và được hướng dẫn đến một sự phát triển toàn diện của mọi người
».
ĐGH đã đọc một thông điệp cho những
người tham gia hội nghị được tổ chức bởi Hội « Centesimus Annus - Pro Pontefice
» với đề tài « Đối đầu với sự toàn cầu hoá : điều hành thế giới và
những chính sách phát triển », được diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5.
ĐGH khẳng
định : « Trong tiến trình toàn cầu hoá, khoảng cách giữa những
nước giầu và những nước nghèo vẫn tiếp tục sâu hơn. Đối diện với những người
dân có những hoàn cảnh sống không thể chấp nhận được, trước những người sống
trong hoàn cảnh đói khát, nghèo nàn và những bất công xã hội ngày càng lớn, can
thiệp để bảo vệ nhân phẩm con người và ích lợi chung là điều khẩn cấp ».
Ngài nhận định tầm quan trọng của
việc đặt câu hỏi ngày hôm nay « làm sao sự toàn cầu hoá và sự liên đới có
thể dung hoà với nhau để gây nên những động lực cho một sự tăng trưởng kinh tế
hài hoà và một sự phát triển công bằng ». Ngài xác định rằng « điều thách
thức là làm nẩy sinh ra một sự toàn cầu hoá liên đới bằng cách xác định những
nguyên nhân của những sự mất thăng bằng kinh tế và xã hội » và đề ra những
lựa chọn « có khả năng bảo đảm cho mọi người một tương lai của tình liên
đới và của hy vọng ».
Hội « Centesimus Annus - Pro
Pontefice » đã được ĐGH Gioan Phaolô II lập nên từ gần 11 năm nay để đề cao sự
hiểu biết và sự thực hành lý thuyết xã hội của Giáo Hội. Hội đề cao những sáng
kiến học hỏi và đào tạo trong đó có bằng master về Lý Thuyết Xã Hội được tổ
chức với Đại Học Giáo Hoàng Latran tại Rôma.
Thông tấn Zenit
Lang Biang dịch