ĐGH Bênêđictô XVI và 7 di sản

(phần 2)

 

 

Rôma ngày 24/10/2005

 

Zenit : 7 di sản này là những gì thưa ông ? Có phải chúng đều phát xuất từ sáng kiến của ĐGH Gioan Phaolô II không ?

 

A. de Penanster : Không hẳn thế. Ba di sản đầu phát xuất từ ĐGH Gioan Phaolô II. Di sản thứ nhất là thái độ thành thật đối với thân thể, sự sống, tính dục, bệnh tật với việc soạn thảo một lý thuyết thần học về thân xác. Di sản thứ hai là lời mời gọi tưởng nhớ những lỗi lầm của những người trong Giáo Hội trong quá khứ và sự ăn năn mà không cần đòi hỏi bên kia cũng phải làm vậy khi những sai lầm do cả hai bên gây ra. Di sản thứ ba là một thái độ rất cởi mở và thông cảm đối với người Do Thái.  

 

Zenit : Bàn về thân xác, điều kiện thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II đã có nhiều thay đổi trong triều giáo hoàng của ngài. Điều không thay đổi trong thái độ của ngài là gì ?

 

A. de Penanster : Vào lúc đầu của triều giáo hoàng, ĐGH Gioan Phaolô II khoẻ mạnh và thể thao. Người ta tặng ngài một hồ tắm tại Castel Gandolfo. ĐHY Marty gọi ngài là “ lực sĩ của Thiên Chúa ”. Cuộc khủng bố ngày 13/05/1981 chấm dứt thời kỳ hài hoà này. Cá tính nghị lực của ngài vượt trên những vấn đề sức khoẻ. ĐGH bắt đầu hành hương lại trên thế giới. Nhưng với thời gian, tuổi già đến. Ngài trở nên “ người đầy tớ đau khổ ” mà tiên tri Isai nói đến. Những người tiếp chuyện ngài thương cảm sự yếu đuối này mà ngài cố gắng vượt qua mà không tìm cách che dấu. Sự không thay đổi trong thái độ của ngài mà ông vừa nhắc đến chính là sự thành thật này. Khi thân xác ngài bị yếu đi, ngài cho thấy ngài bị yếu. Khi ngài bị bệnh, ngài vào nhà thương. Những vị giáo hoàng trước ngài được săn sóc một cách kín đáo, đôi khi được giấu kín. ĐGH Gioan Phaolô II hiện thân sự hợp lý giữa điều ngài sống và điều ngài dậy bảo. Do đó ngài tạo sự tin tưởng khi trình bầy những quan điểm thần học về thân xác, tính dục, sự tôn trọng sự sống, bệnh tật, sự đau đớn. Chính ngài trong những năm cuối cùng đã thi hành trọng trách giáo hoàng không phải bên cạnh bệnh tật nhưng là trong bệnh tật. Chứng nhân sống động này tăng cường sức tín nhiệm về thần học thân xác của ngài, một thuyết thần học chưa được biết đến nhiều.

 

Zenit : Về vấn đề những người Do Thái, sự cởi mở đầu tiên có từ công đồng Vatican II.

 

A. de Penanster : Đúng thế. Một công đồng mà ĐGM Wojtyla và cha Ratzinger đã tham gia. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng trách nhiệm về sự chết của Đức Kitô có nhiều nguyên do và không thể chỉ quy trách cho những người Do Thái ngoài thành Giêrusalem và thời đó. Nhưng trong lãnh vực này, người Kitô hữu còn cần trở về từ xa. ĐGH Gioan Phaolô II coi là điều bình thường sự chung sống với những người Do Thái : lúc ngài còn trẻ, cùng học với ngài tại trường học Wadowice bên Ba Lan , trẻ em do thái chiếm 30% trong đó có người bạn thân của ngài. Rồi khi làm TGM Cracovie, trong giáo phận của ngài có trại tập trung Auschwitz. Ngài nhắc lại rằng dân Do Thái là dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên thăm viếng nhà thờ do thái tại Rôma, rồi hành hương tại Đất Thánh năm 2000. Trước đó ngài đã cho thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Nước Do Thái, nghĩa là nhìn nhận sự chính đáng của quốc gia này. Vị giáo chủ do thái tại Rôma là một trong những nhân vật hiếm được nói đến trong di chúc của ngài. Đến lượt ĐGH Bênêđictô XVI, người thừa hưởng gia sản tinh thần, đến thăm viếng nhà thờ do thái tại Cologne. Ngài cũng nhắc nhở rằng Tân Ước là sự phát triển của Cựu Ước.

 

Zenit : Bây giờ chúng ta hãy bàn về những di sản khác.

 

A. de Penanster : Đó là những di sản phát xuất một phần từ những triều giáo hoàng trước đó, nhưng được khai triển bởi ĐGH Gioan Phaolô II. Chúng bao gồm bốn mà tôi đặt đề là “ Sự hiệp nhất của Giáo Hội và quyền tối cao của ĐGH ”, “ Sự huy hoàng và những cứng rắn của chân lý ”, “ Sự dấn thân trong những vấn đề của thế giới ”, “ Sự loan truyền Phúc Âm mới ”. ĐGH Gioan Phaolô II là người thừa kế, người canh tân đổi mới và là người truyền lại.  

 

Zenit : Sự huy hoàng của chân lý là một đề tài trừu tượng...

 

A. de Penanster : Đúng thế, nhưng đó là một đề tài chủ yếu trong thời đại của chúng ta. Chủ nghĩa cá nhân thúc đẩy chỉ chấp nhận những chân lý phiến diện, chủ quan, theo hứng và phủ nhận những giáo huấn của Mặc Khải. Thông điệp Veritatis Splendor nhắc lại những dữ kiện cho phép hướng dẫn tự do của chúng ta trong lúc thế giới của chúng ta cần những điểm mốc. ĐHY Ratzinger đã tham gia vào việc soạn thảo thông điệp này. ĐGH Bênêđictô XVI đã tiếp tục tố cáo chủ nghĩa tương đối, sự chốn chạy tinh thần trước Chân Lý và những hậu quả của nó.

 

Zenit : Về đề tài dấn thân trong những vấn đề của thế giới, ông tỏ ra nghi ngờ về những hậu quả tinh thần và hoà bình của những hôi nghị liên tôn giáo tại Assise. Ông viết : “ Đó là một lời kêu gọi đến các giáo sĩ khác nhau chống lại những tôn giáo thích cạnh tranh. Những lời cầu nguyện cho hoà bình là những lời cô độc mà không có sự đối thoại thật sự ”. Ông không tin vào việc liên tôn giáo ?

 

A. de Penanster : Tôi không tin những ảo vọng đến từ sự lu mờ. Những cuộc gặp gỡ này kêu gọi những thành phần có khuynh hướng hoà bình trong mỗi tôn giáo. Không có gì hơn. ĐGH Gioan Phaolô II đã xác định trước những giới hạn của điều này. Chính vì ngài muốn tránh chủ nghĩa tương đối trong vấn đề tôn giáo.

 

Zenit : Tất cả những di sản này có phải là một “ dự trình ” cho ĐGH không ?

 

A. de Penanster : Thưa không. ĐGH không phải là tù nhân của một di sản, ĐGH Bênêđictô XVI muốn trước hết lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa. Tuỳ theo ý muốn này và với khả năng riêng của ngài, ngài sẽ làm sinh hoa kết trái một số di sản. Đó là những hồng ân và những dữ kiện. Dụ ngôn những tài năng nhắc nhở chúng ta rằng hồng ân được ban phát cho chúng ta để chúng ta làm sinh hoa kết trái. Mọi di sản, và không chỉ cho ĐGH, là một lời mời gọi hành động.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch



 


Về Trang Mục Lục