Con người phải được tôn trọng trong mỗi lúc của đời sống

 

 

Vatican ngày 21/2/2005

 

Nhân dịp hội nghị kỷ niệm 10 năm ngày phát hành thông điệp « Evangelium Vitate », ĐGH Gioan Phaolô II đã gửi thư cho ĐC Elio Sgreccia, chủ tịch Viện Giáo Hoàng cho Sự Sống ; nội dung của sứ điệp nhắc nhở rằng với tư cách được tạo dựng như hình ảnh và giống Thiên Chúa, con người phải được nhìn nhận và tôn trọng trong mỗi giây phút của đời sống, dù tình trạng sức khoẻ, bệnh tật hay tật nguyền ra sao ; dù tình trạng hữu hiệu, khả năng hiểu và muốn ra sao.

 

ĐGH nhấn mạnh : « Trong thế giới hôm nay, câu « phẩm chất của đời sống » thì thường được giải thích theo nghĩa hữu hiệu kinh tế, tiêu thụ vô trật tự, sắc đẹp, khả năng hưởng thụ đời sống thể xác và thờ ơ với những chiều kích sâu đậm, tinh thần và tôn giáo nhất của cuộc sống ».

 

« Dưới sức ép của xã hội sống tiện nghi, người ta ưu tiên ý niệm phẩm chất của đời sống có tính cách thu hẹp và lựa chọn : nó bao gồm khả năng hưởng thụ thú vui, có kinh nghiệm hay khả năng ý thức về chính mình và sự tham gia vào đời sống xã hội. Do đó, người ta từ chối mọi phẩm chất của đời sống đối với những người chưa hoặc không còn khả năng hiểu hoặc muốn hay những người không còn khả năng hưởng thụ đời sống qua cảm giác và tương quan ».

 

ĐGH khẳng định : « Trái lại, người ta phải nhìn nhận phẩm chất cơ bản của mỗi thụ tạo con người được tạo dựng như hình ảnh và giống Thiên Chúa... Mức độ nhân phẩm và phẩm chất này của con người hiện diện trong mọi lúc của đời sống, từ giây phút đầu tiên được thụ sinh cho đến phút cuối đời tự nhiên và được thể hiện một cách trọn vẹn trong chiều kích của sự sống vĩnh cửu. Do đó, con người phải được nhìn nhận và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh sức khoẻ, tật nguyền ».

 

ĐGH giải thích rằng có một mức độ thứ hai của phẩm chất của đời sống mà xã hội phải đề cao là tất cả những chiều kích của con người : thể xác, tâm lý, tinh thần và đạo đức. Những chiều kích này phải được đề cao trong sự hài hoà và phải được nhìn nhận nơi mọi người, kể cả những người sống trong những nước đang phát triển. Ngài khẳng định sự bình đẳng của tất cả mọi người, ở bất kỳ xã hội nào.

 

ĐGH nhận xét rằng khái niệm về sức khoẻ ngày hôm nay thường bị làm trật hướng. Sức khoẻ phải được xem như một trong những điều quan trọng nhất, nhưng nó không phải là điều tuyệt đối, nhất là khi nó chỉ được coi như sự lành mạnh thể xác, được huyền thoại hoá đến nỗi thờ ơ với những điều cao siêu. Ngài tố cáo việc viện lý do sức khoẻ đến nỗi từ khước sự sống vừa nẩy sinh. Ngài khẳng định trách nhiệm quan trọng của mọi người đối với sức khoẻ của chính mình và sức khoẻ của những người chưa trưởng thành hay không còn khả năng tự túc nữa.

    

Ngài nói : « Có bao nhiêu bệnh tật mà những cá nhân cảm thấy có trách nhiệm với chính mình và với người khác ! Chúng ta hãy nghĩ đến bệnh nghiện rượu, ma tuý và HIV. Biết bao nhiêu năng lượng sống và bao nhiêu sự sống của giới trẻ được cứu vãn nếu trách nhiệm đạo đức của mỗi người biết đề cao hơn sự phòng ngừa và gìn giữ điều quý giá là sức khoẻ ».

 

ĐGH kết luận rằng săn sóc và phòng ngừa bệnh tật là một bổn phận có tính cách liên đới không ngoại trừ ai, nhân danh nhân phẩm của con người và tầm quan trọng của sức khoẻ.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục