Sự tha thứ sau
ngày 11 tháng 9
Phỏng vấn cha
Aguilar, cựu tuyên uý của Hội Hồng Thập Tự tại New York
(Phần II)
Rôma ngày 11/9/2005
Zenit :
Cha đã phản ứng ra sao khi gặp những người đau khổ này ?
Cha A. Aguilar : Chứng kiến từ xa hay trên đài truyền hình hai cao
ốc xụp đổ là một chuyện, nhưng chứng kiến những khuôn mặt của các nạn nhân trên
hình và tận mắt gia đình và những người thân của họ là chuyện khác. Trong
trường hợp này, thảm kịch trở nên riêng tư. Nó không còn là một con số toán học
về những nạn nhân, mà biến thành một chuỗi những cuộc đời và những chuyện tình
thật đẹp bị tan vỡ một cách tàn bạo và bất công.
Thật khó diễn tả những tình cảm lẫn lộn trong đầu óc vào
lúc đó. Trước tiên là những tình cảm đau khổ, thương xót, không thể hiểu, bất lực.
Rồi tình cảm tức giận vì một sự bất công và một sự tàn ác lớn như thế. Nỗi đau
đớn tăng lên khi biết rằng bao nhiêu sự sống hứa hẹn bị đốn ngã, để lại những
vết thương sâu nơi những người thân vô tội : phụ nữ mới lập gia đình hoặc
sắp lập gia đình, những đứa bé và trẻ em chưa thể hiểu điều xẩy ra ; cha
mẹ, anh em và bạn hữu sẽ không còn nhìn thấy những người mình sinh ra hay đã
sống chung trong bao năm trời.
Tôi còn nhớ là sau ba giờ bên cạnh những gia đình những
nạn nhân, tôi cảm thấy mệt mỏi cả thể xác lẫn tâm lý, như thể là xương của tôi
bỗng nhiên trở nên nặng nề hay như thể là tôi không ngủ từ nhiều ngày. Lúc đó
tôi mới hiểu lần đầu tiên điều thánh Luca nói về những người môn đệ tại
Gethsémani : « Đức Giêsu đi lại chỗ các môn đệ và thấy các ông ngủ vì
buồn bã ». Đúng là sự buồn bã có thể làm người ta mệt mỏi.
Zenit :
Cha đã rút ra những bài học nào từ kinh nghiệm khủng khiếp này ?
Cha A. Aguilar : Tôi đã rút tỉa ra nhiều bài học. Theo tôi thảm
kịch ngày 11/9 là biểu tượng của cuộc chiến to lớn và vĩnh cửu giữa sự lành và
sự dữ : giữa sự dữ ma quỷ và điên rồ giết và tàn phá không lý do và sự
lành dựa trên tình yêu, chăm lo, trắc ẩn, liên đới. Nơi đó chúng ta thấy cái
tốt và cái xấu nhất mà con người có khả năng làm. Và chúng ta thấy cái tốt chiến
thắng trên cái xấu.
Bài học thứ hai là sự ngẫu nhiên của đời sống con người
và những con đường không thể hiểu của Đấng Quan Phòng. Một bạn trẻ Hoa Kỳ nói
với tôi rằng cô đã mất ông xếp hãng của cô, một người Đức tên Klaus 30 tuổi.
ông đến New York từ Đức để điều hành một cuộc họp sáng thứ ba, đúng vào lúc bọn
khủng bố hành động. Cô gái đáng lẽ phải dự cuộc họp, nhưng hôm đó cô chễ tầu
giữa New Jersey và Manhattan. Khi cô đang đi chuyến tầu kế tiếp thì hai cao ốc
bị xụp xuống. Tại sao một người trẻ đến Hoa Kỳ từ Đức lại chết và một cô gái
trẻ Mỹ thoát chết vì không đúng hẹn ? Chỉ có Thượng Đế biết tại sao !
Bài học thứ là tôi rất bị ấn tượng khi thấy sự chấp nhận
can đảm mà một người có thể có trước một thảm trạng cũng như trước ý chí bề
trên. Tôi không bao giờ quên Patty, một thiếu nữ với hai đứa con nhỏ. Chồng cô
đã gọi cho cô từ lầu 103 của một trong hai cao ốc để nói : « Em mến,
anh yêu em. Hãy săn sóc các con ». Patty nói tiếp trong tiếng khóc « Chồng
con nói từ từ với sự bình thản và thận trọng trong lời nói ». Tới phiên tôi,
tôi tự hỏi rằng nếu tôi đứng trước cái chết không thể thoát, liệu tôi có thể
chấp nhận nó với nhiều bình thản như người chồng và cha trẻ này không ?
Cuối cùng, ngày 11/9 cho chúng ta thấy rằng tình yêu có
khả năng vượt trên mọi đau khổ, ngay cả sự chia lìa thân xác vì một vụ khủng bố
tàn bạo. Trong hằng trăm những lời mà các gia đình và người thân của những nạn
nhân đã viết trên một tấm bảng gỗ tại chỗ Ground Zero, tôi chú ý đến lời của
một em bé gái được viết một cách đơn giản nhưng đầy xúc động : « Ba
thân mến, con nhớ ba lắm và con rất khổ vì không có ba bên cạnh. Con biết rằng
những người anh hùng đều ở trên trời. Đó là lý do tại sao con mất ba, người anh
hùng của lòng con ! Con thương ba rất nhiều ! Con của ba
với đầy tình thương ».
Thông tấn Zenit
Lang Biang dịch