ĐHY
Sodano : « Giờ sống lại của LHQ đã điểm »
Rôma ngày 22/9/2005
ĐHY quốc vụ khanh Angelo Sodano đã đại diện ĐGH Bênêđictô
XVI tham dự hội nghị LHQ ngày 16/9. Ngài đã có một cuộc phỏng vấn với ông Paolo
Mastrolilli của nhật báo Ý La Stampa.
La Stampa :
Thưa ĐHY, Toà Thánh nghĩ sao về những ý tưởng cải tiến của Hội Đồng LHQ ?
ĐHY Sodano :
Đó là những lời đề nghị tốt. Tục ngữ có câu : trễ còn hơn không bao giờ.
60 năm đã trôi qua kể từ ngày 26/6/1945, ngày ra đời của tổ chức LHQ nhằm thực
hiện những nguyên tắc nền tảng được tuyên bố trong phần dẫn nhập của hiến
chương : cứu những thế hệ tương lai khỏi nạn chiến tranh, khẳng định lại
những quyền nền tảng của con người, đóng góp vào việc phát triển của các dân
tộc. Những thành quả cụ thể đã có, nhưng đó là một bổn phận để nhận định rằng
lịch sử 60 năm qua vẫn còn được đánh dấu bởi nạn chiến tranh và những tội chống
lại nhân loại cũng như sự lầm than và đói khổ. Tôi còn nhớ sau thảm trạng tại
Bosnie, người ta đã viết một cuốn sách với nhan đề khiêu khích « LHQ đã
chết tại Sarajevo ». Đây là lúc LHQ sống lại.
La Stampa :
Toà Thánh mong muốn những cải tiến nào thưa ĐHY ?
ĐHY Sodano :
Tôi rất mừng thấy ý niệm can thiệp nhân đạo trở nên chính xác hơn. Hiện nay
người ta muốn thiết lập một uỷ ban xây dựng hoà bình (Peacebuilding Commission)
nhằm đem lại hoà bình trong những nước gặp những vấn đề tranh chấp chủng tộc và
tranh chấp bằng vũ khí. Những thảm kịch xẩy ra trong vùng Balkan, Trung Đông,
Phi châu đã làm suy nghĩ những nhà lãnh đạo quốc gia. Trong những tài liệu sửa
soạn cho hội nghị này, người ta nói nhiều đến « trách nhiệm bảo vệ ». Đó
là một ý niệm luật pháp và chính trị đang đươc khai triển. Toà Thánh yêu cầu
các quốc gia có can đảm thực hành những quyết định trong lãnh vực này. Như thế
người ta có thể giải quyết những trường hợp mà thẩm quyền quốc gia không muốn
hoặc không thể bảo vệ người dân của mình.
La Stampa :
Thưa ĐHY, lập trường của Toà Thánh về sự mời gọi đầu tư 0.7% tổng sản lượng
quốc gia của các nước giầu có cho sự phát triển là thế nào ?
ĐHY Sodano :
Đề tài về sự phát triển cũng quan trọng như đề tài về hoà bình. Giữa hai đề tài
có một tương quan sâu sắc mà ĐGH Phaolô VI đã thường nhắc nhở : « sự
phát triển là tên gọi mới của hoà bình ». Vẫn còn nhiều điều phải làm
trong lãnh vực này. Nhưng LHQ không phải là một « siêu chính phủ ».
Nó là kết quả của ý chí chính trị của những nước thành viên. Do đó chính các
chính phủ, các thượng hạ viện, văn hoá liên đới giữa các dân tộc phải đảm nhiệm
những dấn thân này. Đó là một trong những dấn thân lớn mà các quốc gia đã quyết
định năm 2000, lúc đầu của thiên niên kỷ thứ ba, trong « Những mục tiêu
phát triển của thiên niên kỷ » nổi tiếng. Hiện nay Toà Thánh ủng hộ những
phương cách mới nhằm tài trợ sự phát triển, nhưng điều quan trọng là ý chí của
các dân tộc giầu biết chấp nhận một hy sinh như thế cho những nước nghèo nhất.
Tôi nhớ là tháng 3/1995 tôi cũng tham gia vào hội nghị Copenhague bàn về sự
phát triển xã hội. Các vị thủ lĩnh quốc gia đã dấn thân ưu tiên cho sự phát
triển trong các mục tiêu của thế kỷ 20. Nhưng con đường trải qua thật chậm
chạp.
La Stampa :
Thưa ĐHY, một số người đặt lại ngay cả vấn đề vai trò và tương lai của LHQ.
Theo Toà Thánh, LHQ còn ích lợi hay không ? Tại sao ?
ĐHY Sodano :
Dĩ nhiên là LHQ vẫn còn ích lợi ! Nếu chưa có một tổ chức như vậy thì phải
nghĩ ra nó. Đúng hơn vấn đề là cần phải cải tiến nó. Đó không phải là một cơ
quan khô cứng, nhưng một cơ quan sống động biết giải đáp những đòi hỏi của thời
đại. Điều này cũng đúng cho Hội đồng bảo an và các cơ quan khác thuộc LHQ.
La Stampa :
Các lực lượng quân đội quốc tế có phải ở lại Irak cho đến khi nước này hết xáo
trộn không thưa ĐHY ?
ĐHY Sodano :
Luật liên đới bắt các nước phải giúp đỡ Irak. Tất cả chúng ta đều đau đớn trước
thảm cảnh của dân tộc này và chúng ta phải liên đới với các anh chị em này.
Chúng ta tất cả phải cùng đồng ý điều này một cách độc lập với ý kiến riêng tư
về lịch sử của nước này.
La Stampa :
Thưa ĐHY, đâu là nhũng yếu tố giống và những yếu tố khác biệt trong lập trường
chính trị đối ngoại của Toà Thánh giữa triều giáo hoàng của ĐGH Gioan Phaolô II
và ĐGH Bênêđictô XVI ?
ĐHY Sodano :
Tôi rất vui mừng đã cộng tác với ĐGH Gioan Phaolô II và bây giờ lại tiếp tục
với ĐGH Bênêđictô XVI. Đó là 15 năm đầy những sáng kiến lớn lao cho Giáo Hội và
cho thế giới. Nhưng Toà Thánh có một truyền thống liên tục thật đẹp. Như thế
vận hội thế giới, ngọn lửa được truyền từ tay người này sang tay người khác. Đó
là khía cạnh trường cửu của Giáo Hội.
La Stampa :
Thưa ĐHY, Giáo Hội sẽ làm gì để Âu châu khẳng định lại truyền thống tôn giáo
trong hiến pháp ?
ĐHY Sodano :
Toà Thánh có một sự chăm nom đặc biệt đối với Âu châu là điều hợp lý, vì Kitô
giáo đã ăn rễ sâu xa nhất tại đây. Ngoài ra tôi nhớ một câu mà nhà triết gia
Giovanni Reale đã viết năm ngoái sau sự ký kết Hiến Chương Hiến Pháp của Âu
châu : « Không có Kitô giáo thì Âu châu sẽ không bao giờ ra
đời !». Hiến chương đang được các nước thành viên cứu xét. Chúng ta không
được chán nản. Hiến chương chỉ là một khí cụ của tiến trình gia nhập Âu châu dù
nó được áp dụng hay không. Người Kitô giáo, là công giáo, tin lành hay chính
thống giáo chiếm đa số trong 25 nước thành viên và chắc chắn họ sẽ không quên
góp sức tham gia vào những tiến triển tinh thần của lục địa này.
La Stampa :
Thưa ĐHY, Toà Thánh phản ứng ra sao về đề tài những giá trị sau cuộc trưng cầu
dân ý tại Ý về những vấn đề của sự sống ?
ĐHY Sodano :
Toà Thánh sẽ tiếp tục tuyên bố nguyên tắc lớn lao mà Đức Kitô đã để lại cho
chúng ta : « Con người không chỉ sống bằng bánh !». Có những giá
trị đáng cho chúng ta sống và chết. Đó là lịch sử của nền văn minh của chúng
ta. Sau những cuộc trưng cầu dân ý tại Ý mới đây về những vấn đề của sự sống,
người ta đã thấy quan trọng như thế nào những giá trị này cho dân tộc của chúng
ta. Nhưng điều đó hàm chứa một cố gắng văn hoá để dung hoà sự tìm tòi khoa học
và sự bảo vệ đời sống. Đó là một thách thức cho tương lai, nhưng người ta không
bao giờ có thể quên nhân phẩm của mọi con người và sự cần thiết tôn trọng sâu
xa sự sống, kể cả sự sống sẽ ra đời.
Thông tấn Zenit
© La Stampa 2005
Lang Biang dịch