ĐGH Bênêđictô XVI và những tương quan giữa người Công giáo và người Hồi giáo

 

 

Rôma ngày 25/9/2005

 

Theo cha Daniel Madigan, cần phải đối thoại với những con người chứ không phải với những hệ thống. Cha thuộc dòng tên, chủ tịch của Viện Văn Hoá và các Tôn Giáo của đại học thánh Grégoire tại Rôma và gần đây được ĐGH bổ nhiệm chức chuyên viên về những tương quan với người hồi giáo tại Uỷ Ban Đối Thoại Liên Tôn Giáo.

     

Zenit : Thưa cha, về những tương quan với những người hồi giáo, ĐGH Bênêđictô XVI có theo phương cách làm việc của ĐGH Gioan Phaolô II không ?

 

Cha Madigan : Vẫn còn quá sớm để có thể tóm tắt phương cách làm việc của ĐGH hiện tại so với cách làm việc trong nhiều năm trời của ĐGH Gioan Phaolô II trong lãnh vực này. Tôi nghĩ một số điểm trong bài diễn văn của ngài với các đại diện hồi giáo tại Cologne cho chúng ta một ý tưởng về phương cách của ngài.

 

ĐTC nhiều lần gọi họ là « những người bạn hồi giáo thân mến và đáng kính trọng » và theo tôi hiểu thì việc xử dụng những lời này không có trong bản nguyên văn đã được phân phát cho các nhà báo. Đó là những lời mà ngài đã nói một cách tự nhiên trong dịp này. Theo tôi đó là dấu chỉ quan trọng về phương cách mà ĐGH mong muốn Giáo Hội có.

 

ĐGH cũng nhắc lại tầm quan trọng của tài liệu « Nostra Aetate » của Công Đồng Vatican II và xác định đó là hiến chương của sự đối thoại. Đó là điều quan trọng vào thời mà một số người muốn đặt lại nghi vấn về những phương hướng của Công Đồng trong tài liệu này.

 

Trong bài diễn văn này, ĐTC không nói đến « Hồi Giáo » dù ngài đã nói hai lần đến niềm tin hồi giáo. Điều này rất quan trọng bởi vì chúng ta có khuynh hướng nói đến Hồi Giáo như thể là một thực thể to lớn muốn đè bẹp chúng ta. Nhưng ĐGH Bênêđictô XVI chỉ đường cho chúnh ta bằng cách nhấn mạnh không ngừng đến sự kiện phải nói đến những con người chứ không phải đến những hệ thống, đến những người hồi giáo chứ không phải đến Hồi Giáo. Người ta đôi khi khó tin có sự đối thoại bởi vì người ta không nhìn chính những người tín hữu, người hàng xóm, người cộng tác, người công dân nhưng họ nghĩ là sự đối thoại dựa trên những bản văn xưa và những lý thuyết lịch sử. Chỉ có những con người mới có thể đối thoại.

 

Cuộc gặp gỡ tại Cologne cho thấy một khía cạnh quan trọng khác của sự đối thoại này : ĐTC không do dự nói thẳng thắn về những ưu tư nghiêm trọng của ngài. Ngài không do dự gợi lên những sự thật hiển nhiên về tình trạng ngày càng tồi tệ của thế giới nhưng không vì thế oán trách những « người bạn đáng kính trọng ». Trái lại ĐGH đã đề nghị cùng làm việc để tìm ra một lối thoát. Ngài nhìn họ như những người tín hữu khi nói « tất cả chúng ta, với tư cách là những người Kitô Giáo và những người Hồi Giáo, đều là những người có niềm tin » và nói với họ một cách thành thật về niềm tin của mình và kêu gọi niềm tin của họ.

 

Zenit : ĐGH không bao giờ nói đến cú sốc của các nền văn minh nhưng nói về sự gặp gỡ và liên kết... Những người hồi giáo mà cha nói chuyện có luôn luôn nghĩ như vậy không ?

 

Cha Madigan : Những danh từ chiến đấu, đấu tranh, chiến tranh không có trong bài diễn văn của ngài. Đó không phải chỉ vì tính ngài lạc quan, nhưng ngài dường như hiểu rằng loại diễn văn về cú sốc giữa các nền văn minh có thể trở thành một lời tiên tri máy móc.

 

« Nền văn minh » là một trong những ý tuởng trừu tượng làm mờ ảo những con người mà chúng ta đối diện. Người ta nói về một nền văn minh hồi giáo, nhưng gần như không có người hồi giáo nào mà tôi biết thuộc về nền văn minh như người ta mô tả. Tôi có rất nhiều tương quan với những người hồi giáo thuộc nhiều nước khác nhau, với nhiều lối sống khác nhau, họ rất khác nhau.

 

Từ 5 năm nay, tôi có may mắn được tiếp xúc hằng ngày với một nhóm sinh viên đến Rôma học hỏi Kitô Giáo để đề cao sự đối thoại và sự hiểu biết. Họ chắc chắn không thất vọng trong sự đối thoại. Một phần quan trọng trong kinh nghiệm của họ vượt trên điều kinh điển về « Tây Phương » và về « Kitô giáo » để sống bên những người Kitô hữu có thực. Một lần nữa, chính những con người là chìa khoá chứ không phải những hệ thống.  

 

Zenit : Cha là một chuyên viên về Hồi giáo và rất thông hiểu những bản văn, nhưng cha cũng biết nhiều người hồi giáo. Vậy cha thấy đâu là những khả năng đối thoại có thể nhất và đâu là những điểm bất đồng nghiêm trọng nhất ?

 

Cha Madigan : Tôi rất thích những cuộc đối thoại về thần học tại đại học ở đây. Tuy nhiên tôi không chắc là những khác biệt giữa chúng tôi đến từ thần học. Với sự kiên nhẫn và làm việc nhiều, chúng ta có thể đạt tới một sự thông hiểu sâu xa hơn những cách thức khác nhau để tin vào Thượng Đế duy nhất.

 

Nhưng điều khó khăn hơn là trở lại căn rễ của sự tức giận, của sự hiềm thù, của cảm tưởng bị cô lập mà bao người hồi giáo đã có kinh nghiệm và không chỉ những người hồi giáo. Có rất nhiều yếu tố pha trộn của thế giới hôm nay : chính trị, kinh tế, chủ nghĩa quốc gia, sự toàn cầu hoá, nợ nần, chủng tộc... Phải tìm hiểu tất cả những yếu tố này nếu chúng ta muốn có thể hy vọng thay đổi thế giới của chúng ta.

 

Tôi thấy khả năng đối thoại lớn nhất ở trình độ của kinh nghiệm con người, nơi mà chúng ta tìm ra ước muốn một thế giới tốt hơn. Đó là nơi mà chúng ta thật sự gặp gỡ nhau : sự khao khát một thế giới công bình hơn, một cuộc sống đầy đặn hơn trong tinh thần của Thượng Đế, Đấng tìm cách đổi mới khuôn mặt của trái đất. Điều này có thể dường như quá lớn lao và có vẻ là ảo tưởng, nhưng chúng ta biết, qua các dụ ngôn của Đức Kitô, là nước Thiên Chúa giống như một hạt mầm nhỏ chứ không phải là một hệ thống có thể đảo lộn thế giới. Chính trong những cuộc gặp gỡ nhỏ nhoi mà những con đường của Thượng Đế được tỏ hiện : một nụ cười, một sự tiếp đón, một bàn tay giúp đỡ, một lời nói dễ thương, một việc giúp đỡ nhỏ mọn. Đó là những điều mà chúng ta quen thuộc hằng ngày. Tất cả chúng ta đều có một vai trò trong sự đối thoại.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục