Opus Dei bên kia những huyền thoại ( phần 1)
Roma
ngày 6/1/2006
Một
nghiên cứu báo chí đầu tiên về Opus Dei mới được xuất bản với tựa đề
« Opus Dei, một cái nhìn khách quan bên kia những huyền thoại về thực tại
của tổ chức gây nhiều tranh cãi nhất của Giáo Hội Công Giáo » (Opus
Dei, an objective look behind the myths and reality of the most controversial
force in the catholic church). Tác giả là nhà báo Mỹ John L. Allen, chuyên gia
về Vatican của tập san National Catholic Reporter, ông cũng làm việc với các
đài BBC và CNN. Ông đã bỏ ra một năm để gặp gỡ các thành viên của tổ chức Opus
Dei tại Ý, Tây Ban Nha, Kenya, Mỹ, Pêru... Ông cũng gặp gỡ những cựu thành viên
của Opus Dei.
Trong cuốn sách dầy 400 trang,
ông Allen mô tả tổ chức Opus Dei, một tổ chức bí mật và gây tranh cãi nhất của
Giáo Hội công giáo. Ông đề cập đến những đề tài từ sự phân biệt nam nữ đến việc
xử dụng áo sơi cánh để hành xác và những nguồn tài chánh của tổ chức này.
Được
xuất bản tại Mỹ bởi nhà xuất bản Doubleday và tại Anh bởi nhà xuất bản Penguin,
tác phẩm đã được xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Đại Hàn, trong tương
lai gần sẽ được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha và nhiều thứ tiếng khác. Ông
John L. Allen đã sẵn lòng trả lời những câu hỏi của Zenit
Zenit : Ông khẳng định rằng tổ chức Opus Dei không đến
nỗi quá « xấu xa » như người ta đôi khi nói đến. Đó có phải là điều
nhận xét tổng quát trong cuốn sách của ông không ?
J. Allen : Mục đích của cuốn sách là có một thái độ
khách quan nhất về một đề tài rất khó khách quan. Ý tưởng của tôi là phân biệt
những sự kiện ra khỏi những điều tưởng tượng và cung cấp cho người đọc những
chìa khoá cho một cuộc tranh luận hợp lý dựa trên những dữ kiện và thực tại chứ
không phải trên những huyền thoại hay những thành kiến.
Tôi
không có tham vọng làm độc giả đi theo một ý tưởng đặc biệt về Opus Dei và kinh
nghiệm bản thân tôi cho thấy là những người đã đọc cuốn sách này đã không thay
đổi ấn tượng nền tảng của họ. Tuy nhiên họ thông hiểu hơn và ít lo sợ hơn.
Hơn
nữa, vì hình ảnh rất tiêu cực của Opus Dei trong một số nghành, mọi đối chiếu
nghiêm chỉnh của hình ảnh này với thực tế giúp ta nhìn tổ chức này dưới một
khía cạnh nhân bản hơn, ít gây độc hơn là một số người nghĩ.
Nếu đưa ra một vài con số,
người ta có thể nói rằng Opus Dei gồm 85 000 thành viên trên khắp thế giới. Gần
như là số người tín hữu của giáo phận Hobart tại đảo Tasmanie bên Úc. Opus Dei
cũng gồm 164 000 cộng sự viên mà phần lớn là đàn bà. Ngoài Tây Ban Nha là nơi
sinh của tổ chức năm 1928, Opus Dei chỉ là một phần rất nhỏ gần như không thấy
trong cộng đồng công giáo. Chẳng hạn tại Mỹ, có khoảng 3 000 thành viên so với
67 triệu người công giáo.
Tất cả gia sản của tổ chức bao
gồm mọi nguồn tài chánh lên tới khoảng 2,8 tỉ usd. Tài sản của hãng General
Motors được đánh giá lên tới 455 tỉ usd. Tài sản của Opus Dei do đó không quá
ấn tượng, ngay cả so với mức trung bình công giáo. Năm 2003, toà tổng giám mục
Chicago khai 2,5 tỉ usd. Những Hiệp Sĩ của Colomb, một tổ chức giáo dân công
giáo Mỹ, điều hành số tiền lên tới 6 tỉ usd được đầu tư trong bảo hiểm.
Về quyền hành, Opus Dei gồm
chỉ 40 giám mục, trong đó có hai hồng y, trong số 4 500 giám mục của Giáo Hội
trên thế giới và 20 người làm việc trong số 2 500 người tại Rôma trong đó có
một lãnh đạo cao cấp.
Thực ra ảnh hưởng của Opus Dei
trong đạo công giáo rất giới hạn hơn là nhiều người nghĩ. Những thành viên của
Opus Dei gặp nhiều thành công cũng như thất bại tại Vatican. Opus Dei chiêu tập
với thành công đáng kể các thành viên, tuy nhiên mức phát triển rất yếu. Họ
tuyển mộ được khoảng 650 thành viên mỗi năm trên toàn thế giới và con số này
trì trệ tại một số vùng. Tại Mỹ, Opus Dei gồm khoảng 3 000 thành viên từ những
năm 80.
Điều đó cho thấy là Opus Dei
không hùng mạnh như một số giai thoại muốn người ta tin. Có điều nghịch lý là
những người có khuynh hướng tin vào sức mạnh bí hiểm này thường không phải là
những thành viên mà là những người chỉ trích, họ nhìn cấu trúc nhỏ bé này như
mặt nạ che giấu một ảnh hưởng to lớn.
Thông tấn Zenit
Lang Biang dịch