Trong tổ chức Opus Dei, chúng tôi không là thiên thần cũng không là ma quỷ (phần 1)

 

 

Rôma ngày 6/1/2006

 

Ông Marc Carroggio, người có trách nhiệm quốc tế của văn phòng của tổ chức Opus Dei nhìn nhận rằng ông hài lòng với cuốn sách của ông John L. Allen vừa được xuất bản với tựa đề « Opus Dei, một cái nhìn khách quan bên kia những huyền thoại về thực tại của tổ chức gây nhiều tranh cãi nhất của Giáo Hội Công Giáo ». Ông tuyên bố với Zenit rằng đây là tác phẩm đầu tiên biết so sánh một cách khách quan những « huyền thoại » và thực tại của Opus Dei. Trong cuộc phỏng vấn này, ông khẳng định rằng ý hướng chính của các thành viên Opus Dei là « sự theo đuổi một lý tưởng tinh thần gợi hăng say cho họ » và bên kia huyền thoại vây quanh tổ chức, ông nhận định : « Chúng tôi là những người có xương có thịt, với những sai lầm và những thành công ».

 

Zenit : Chắc ông hài lòng vì tác phẩm đã phơi bầy cặn kẽ những ý tưởng sai lầm về Opus Dei ?

 

M. Corroggio : Khi tôi đang làm việc tại văn phòng thông tin tại Rôma thì ông John L. Allen viết cuốn sách này. Tôi phải thú nhận rằng tôi rất hài lòng, không phải vì kết quả của nó nhưng đúng hơn là vì phương pháp của nó.

 

Tôi nghĩ tác giả đã cung cấp nhiều dữ kiện sau khi đã tốn hàng trăm giờ để thu thập tin tức và ý kiến. Ông ta đặt những sự kiện vào bối cảnh của chúng, do đó giúp hiểu điều tại sao của những cách thức hành động. Ông đã nghe mọi thứ tiếng chuông và viết về những người cầm chuông với sự tôn trọng và sau hết ông để cho người đọc tự do lấy ra kết luận cho mình.

 

Tôi nghĩ đó là phẩm chất rất được ưa chuộng cho một công việc như vậy. Những ý tưởng sai lầm là trở ngại cho sự đối thoại và sự tranh luận điềm tĩnh. Theo nghĩa này, mọi cố gắng để gỡ rối những hình ảnh có thành kiến là điều tích cực. Sự so sánh có vẻ tồi tệ, nhưng tôi không thể không nhắc lại rằng tác giả của cuốn truyện Da Vinci Code chưa bao giờ đặt chân đến một trung tâm của Opus Dei và theo tôi được biết thì ông ta chưa bao giờ nói chuyện với ai trong tổ chức của chúng tôi. Chân dung Opus Dei mà ông ta vẽ trong cuốn truyện chỉ có trong trí tưởng tượng của ông ta. Tôi nghĩ việc làm của ông Allen có thể có ích cho nhiều độc giả của cuốn truyện này, những người không được biết một cách trực tiếp Opus Dei. Họ sẽ thấy là chúng tôi không là « thiên thần cũng không là ma quỷ ». Chúng tôi chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, với những sai lầm, những thành công và một ý chí theo đuổi một lý tưởng tinh thần reo hăng say cho mình.

 

Zenit : Tác giả nói ông đã được xem những tài liệu không dành cho người ngoài. ông đã đi thăm viếng những trung tâm của Opus Dei và đã phỏng vấn nhiều người, do đó ông hiểu ý nghĩa của người thuộc tổ chức này. Theo ý ông, ông Allen còn thiếu điều gì để am hiểu Opus Dei hơn nữa ?

 

M. Corroggio : Tôi nghĩ là tác giả đã rất am hiểu Opus Dei, bản chất của sứ vụ của nó, những lý do của những lời đề nghị của nó, cách sống của những thành viên : những lý tưởng cũng như những giới hạn của chúng tôi.

 

Cuốn sách này là một bản tường trình báo chí chứ không phải là một nghiên cứu thần học hay một cuốn lịch sử về Giáo Hội. Cách đề cập vấn đề có tính cách xã hội học hơn mặc dù nó cũng có chiều kích tinh thần. Chính tác giả đã nói trước rằng ông không có ý giải thích Opus Dei một cách trọn vẹn mà chỉ là muốn so sánh những huyền thoại với thực tại mà thôi. Do đó ông đã dành nhiều thì giờ bàn về những chuyện tương đối phụ thuộc trong đời sống của Opus Dei, nhưng chúng lại là đối tượng của giới truyền thông, nhất là tại Mỹ. Theo nghĩa này, đáng lẽ ông ta nên nói nhiều hơn về kinh nghiệm linh thao của những thành viên trong nhóm Opus Dei và về ý hướng sâu đậm thúc đẩy họ đi theo con đường tìm kiếm sự thánh thiện trong thế giới này : ý thức về ơn gọi Kitô giáo của cá nhân, ước muốn noi gương Đức Kitô trong việc làm, gia đình và đời sống hằng ngày.

 

Trong một cơ quan của Giáo Hội, những khía cạnh cá nhân, hiện sinh thì quan trọng hơn là những cơ cấu tổ chức hay vấn đề hình ảnh.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 


Về Trang Mục Lục