Âm nhạc : ngôn ngữ mở vào kinh nghiệm với Thiên Chúa

 

 

Rôma ngày 13/10/2006

 

Âm nhạc không chỉ thuần là sự trang trí trong phụng vụ. Đó là kết luận của luận án tiến sĩ của thầy Jordi-Agustí Piqué Collado, một tu sĩ người Tây Ban Nha tại tu viện Montserrat. Sư huynh J.A. Piqué đã đậu bằng tiến sĩ thần học tại Đại học thánh Grégroire Rôma năm 2005 và đã đăng nhiều bài nghiên cứu thần học và bài nhạc. Trong cuộc nói chuyện dành cho Zenit, thầy giải thích làm sao ngôn ngữ âm nhạc có thể mở vào kinh nghiệm với Thiên Chúa cho những người nam nữ của thời đại chúng ta.

 

Zenit : Thần học và âm nhạc có phải đã luôn luôn đối thoại với nhau hay hai môn này đã kết hợp vớí nhau vào một lúc cụ thể nào đó trong lịch sử thưa thầy ?

 

Thầy J.A. Piqué : Âm nhạc đã luôn luôn hiện diện trong việc cử hành lễ kitô giáo. Bài hát như một trong những yếu tố nền tảng, như cái nền cho mọi kinh cầu phụng vụ, cống hiến không chỉ thuần như một trang trí hay cho thêm long trọng một nghi thức cử hành như ĐGH Piô X đã nhấn mạnh trong thông điệp Motu Proprio (1903) về thánh nhạc.

 

Đây là một sự giải thích có thể của sự đối thoại này : nếu thần học muốn nói một lời, một điều có thể hiểu được về Mầu Nhiệm khôn lường của Thiên Chúa và âm nhạc giúp hiểu, cử hành, tham gia vào Mầu Nhiệm này, nhất là khi nó kết hợp với Lời thì xác định rằng có một sự đối thoại sâu xa nhằm cảm nhận kinh nghiệm về Mầu Nhiệm Thiên Chúa là điều không thái quá đối với tôi.

 

Mọi thời đại tư tưởng đều gắn liền với một loại âm nhạc cụ thể. Tôi tin là cả thần học lẫn âm nhạc có thể là những ngôn ngữ của Sự Siêu Việt.

 

Zenit : Thầy muốn nhắc đến « thảm trạng của sự bất khả thông về kinh nghiệm với Thiên Chúa ». Tại sao sự khó khăn « nói về Thiên Chúa » là một thảm trạng ?

 

Thầy J.A. Piqué : Tại vì tôi tin, như một số nhà hiện tượng học đã nói, là vấn đề của thời đại của chúng ta chủ yếu là một vấn đề ngôn ngữ.

 

Tôi thành thực tin rằng câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa ngày hôm nay đã quá thời, nghĩa là nó không là tâm điểm của suy tư của nhiều người nam nữ, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng họ tìm cách có kinh nghiệm về điều đó. Họ không cần một công thức hay một định nghĩa.

 

Ngôn ngữ thần học hôm nay không tạo điều kiện cho sự tìm kiến này. Thật bi thảm khi thấy rằng nhiều người từ bỏ tương quan với Thiên Chúa và việc thực hành đạo bởi vì họ không tìm ra ngôn ngữ để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Cũng như các thứ ngôn ngữ để hiểu hay sống niềm tin, những ngôn ngữ mà người ta dùng để nói với họ về Thiên Chúa không được thích ứng. Tôi tin là trong thời đại của chúng ta, với tư cách là những người kitô giáo và tôi với tư cách là một nhà thần học, tôi có bổn phận « nói về Thiên Chúa », loan truyền kinh nghiệm của tôi, cho người khác có thể đồng hoá vào kinh nghiệm này, tham gia vào, làm cho nó trở nên dễ hiểu.

 

Đó là thảm kịch của ông Maisen trong vở kịch opéra của Schönberg mà tôi phân tích trong luận án tôi đã làm : ông có kinh nghiệm với Thiên Chúa mà ông đã đối thoại, nhưng ông không tìm ra từ ngữ đúng, đẹp, cảm động để truyền lại cho dân tộc của ông sự huy hoàng của kinh nghiệm này. Dân tộc của ông thích tôn sùng một thượng đế bằng kim loại, con bò vàng, bởi vì ít ra họ có thể thấy nó và cảm nhận nó.

 

Tôi tin là thảm trạng của thời đại chúng ta nằm ở chỗ đó. Đó là khuôn mẫu của sự hoán cải của thánh Augustinô, một trong những nhà thần học mà tôi phân tích ; qua nhạc của Giáo Hội, ngài cảm nhận một xúc động đã làm ngài rơi nước mắt, những giọt nước mắt làm ngài cảm thấy sung sướng như ngài nói.

 

Zenit : Thầy đề nghị một « lời Thiên Chúa làm rung động ». Lời này có phải là âm nhạc không ?

 

Thầy J.A. Piqué : Âm nhạc là một ngôn ngữ có thể dẫn tới sự nhận diện, sự hiểu biết một chút Mầu Nhiệm Thiên Chúa và theo nghĩa này nó cũng là thần học.

 

Giáo Hội đã luôn dùng âm nhạc như yếu tố nền tảng của phụng vụ. Nhưng hiện nay, tôi tin là ngay cả ngoài phụng vụ, nó có thể là một chìa khoá mở ra với sự siêu việt. Người ta có thể đưa ra các thí dụ như phong trào Taizé hay hiện tượng nhạc thánh Grégoire : đó là hai kinh nghiệm mỹ thuật mở lối vào một kinh nghiệm của sự siêu việt.

 

Tuy nhiên, như tôi giải thích trong luận án, kinh nhiệm có được qua cảm nhiệm giác quan không luôn luôn cùng chiều hướng : âm nhạc méo mó trong một phòng nhẩy có thể dẫn đến sự tha hoá, âm nhạc trong một màn quảng cáo có thể dẫn đến một sự tiêu thụ bốc đồng. Tuy thế tôi tin là một kinh nghiệm mỹ thuật có thể mở ra những con đường cho việc thông hiểu sự siêu việt và Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Trong khi hiện nay các bài diễn văn và những từ ngữ mất đi giá trị của chúng thì kinh nghiệm mỹ thuật có thể là chìa khoá mở kinh nghiệm về Thiên Chúa cho các người nam nữ của thời đại chúng ta.

 

Kinh nghiệm này dĩ nhiên phải được kèm theo với kiến thức giáo lý và sự học hỏi, nhưng ít ra đó là phương tiện để vượt qua sự thờ ơ dường như đang ru ngủ thế giới tây phương.

 

Zenit : Thầy đã trích dẫn nhiều lần đến nhà thần học Joseph Ratzinger. Đâu là sự đóng góp của ngài trong lãnh vực âm nhạc và phụng vụ ?

 

Thầy J.A. Piqué : Trong luận án, tôi phân tích các nhà thần học đã bàn đến âm nhạc như một vấn đề thần học ở nhiều thời đại. Thánh Augustinô, cha Hans Urs von Balthasar, cha Pierangelo Sequeri là những nhân vật chính. Nhưng trong các bài viết của nhà thần học Ratzinger, một người chơi đàn giỏi như chúng ta biết, có một đề tài chính theo tôi : nền tảng Kinh Thánh của lý lẽ thần học của âm nhạc trong phụng vụ.

 

ĐTC đã dựa sự thông hiểu này vào việc đọc các thánh vịnh, cuốn sách kinh thánh của âm nhạc, và tư tưởng của thánh Tôma. Từ đó, ngài giải thích làm sao bài hát và âm nhạc trong phụng vụ là những yếu tố dẫn đến sự thông hiểu Thiên Chúa. Trong luận án, tôi mở rộng nhãn quan này bằng việc phân tích một số nhạc sĩ soạn nhạc đã đối đầu với một số vấn đề thần học trong các tác phẩm của họ : Tomás Luis de Victoria, Arnold Schönberg và Oliver Messiaen.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch 

 

 

 


Về Trang Mục Lục