Khi Giáo Hội tại Âu châu sẽ nhìn về Á châu

 

Phần 1

 

Rôma ngày 31/10/2006

 

Cuộc nói chuyện của thông tấn Ucanews với ĐGM Luis Antonio Tagle đã được đăng trên “Các Giáo Hội Á châu”, thông tấn của Hội Truyền Giáo Paris trong bản tin ngày 1/11/2006.

 

ĐGM Luis Antonio Tagle, phụ trách địa phận Imus tại Philippines, là thành viên của Uỷ Ban thần học quốc tế tại Vatican, thành viên của Bộ về các vấn đề thần học của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) và chủ tịch của Uỷ Ban tín lý trong Hội Đồng giám mục Philippines. Ngài là một nhà thần học được chú ý tới. Ngài đã tham gia Đại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ nhất mới diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan. Nhân cơ hội này, ngài đã nói chuyện với thông tấn Ucanews ngày 21/10/2006.

 

Ucanews : Thưa ĐC, “ phúc âm hoá ” muốn nói gì, đặc biệt tại Á châu ?

 

ĐGM Luis A. Tagle : Phúc âm hoá có nghĩa là đem Tin Mừng đến với mọi khía cạnh của đời sống con người. Đó là điều mà thông điệp Evangelii Nuntiandi (Phúc âm hoá trong thế giới hiện đại) của ĐGH Phaolô VI năm 1975 đã nói. Phúc âm hoá là đem Phúc Âm vào trong mọi khía cạnh của đời sống, kể cả lương tâm, gia đình, các phương tiện truyền thông, ngõ hầu Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng, không bị che dấu. Phúc Âm là điều tốt mang lại một điều gì đó cho mọi khía cạnh của đời sống.

 

Mặc dù có một sự cùng dấn thân của Giáo Hội để phúc âm hoá, nhưng một sự chanh chấp hiện ra xét về cách thực hiện điều này. Làm sao chúng ta mang Tin Mừng đến cho người chung quanh ? Trong nhiều năm trời, một hình thức phúc âm hoá đã được ưu tiên. Đó là sự tuyên dương minh bạch về Đức Giêsu. Điều đó có nghĩa là rao giảng theo nghĩa truyền thống của từ ngữ, nó liên hệ mật thiết đến ý niệm “ xây dựng ” Giáo Hội tại chỗ. Và cách để tính số người được đón nhận Tin Mừng là đếm những người đã được chịu phép thanh tẩy và ngày mà một cộng đồng được thành lập.

 

Ucanews : Điều đó có trở thành một vấn đề không, thưa ĐC ?

 

ĐGM Luis A. Tagle : Không ai đặt lại vấn đề về điều đó. Nếu mô hình đó được áp dụng trong một số trường hợp thì nó diễn ra trôi chẩy. Điều mà chúng tôi nói tại Á châu trong ba thập niên mới đây là Á châu có một số bối cảnh mà cách rao giảng trực tiếp là điều không thể. Nó có thể ngay cả không hữu hiệu và do đó chúng tôi có bổn phận tìm ra những phương cách phúc âm hoá khác. Vấn đề là một số người muốn sự rao giảng trực tiếp và nhận định rằng cách thức á châu đi vào sự đối thoại về đời sống với các tôn giáo, các văn hoá khác là một sự phản bội đối với việc phúc âm hoá.

 

Ucanews : nghĩa là một số người tỏ ra thận trọng trước phương thức này, thưa ĐC ?

 

ĐGM Luis A. Tagle : Biểu lộ sự sợ hãi và thận trọng trước tiên đến từ một số vị có trách nhiệm trong hàng giáo phẩm. Các vị lo ngại trước sự kiện là sự đối thoại có thể trở thành điều thay thế sự rao giảng trực tiếp. Do đó các vị này sợ rằng chúng ta đi đến những thoả thuận dung hợp và cuối cùng rồi Đức Giêsu sẽ bị quên đi.

 

Tôi không trách họ. Được kêu gọi hướng tới bổn phận của mình là điều tốt. Và tôi đã chứng kiến nhiều vị đã thay đổi ý kiến khi họ được giải thích rằng sự rao giảng trực tiếp không bị quên lãng nhưng sự đối thoại là thái độ trực tiếp nhất mà người ta có thể có trong một số trường hợp. Trong một số nước Á châu, giảng đạo bị cấm. Trong những trường hợp như thế, nếu người ta không đối thoại thì người ta có thể làm gì khác ? Chỉ có cách khác là tử đạo và mọi người không được kêu gọi để trở thành tử vì đạo. Tôi ngưỡng phục và tôn trọng một cách sâu xa những người được kêu gọi theo ơn này. Nhưng có những người sống trong những hoàn cảnh phức tạp như tại Trung Hoa chẳng hạn. Người ta không thể phê phán những người thuộc Hội yêu nước công giáo Trung hoa, bởi vì mọi người không thể thuộc thế giới chìm trong bóng tối. Người ta không thể nói là những người này ít cống hiến cho việc phúc âm hoá hơn. Có lẽ đó là điều nhiều nhất mà họ có thể làm.

 

Chúng tôi cũng nghe từ các vị có trách nhiệm trong hàng giáo phẩm, tại Á châu và ngoài Á châu, cho rằng giới đại học, giới tu sĩ và giáo dân cũng đắn đo trước sự đối thoại. Nhưng tôi tin là họ gìn giữ một hình ảnh về Giáo Hội mà họ đã quen. Khi chúng ta tới những vùng đất mới, một lần nữa họ tỏ ra lo lắng.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục