Phần 2
Rôma ngày 31/10/2006
Ucanews :
Điều đó có ý nghĩa gì cho Giáo Hội tại Á châu ?
ĐGM Luis A. Tagle : Tôi không trách các vị đó. Tôi không thể phán đoạn
họ. Họ được thúc đẩy bởi tình yêu Giáo Hội. Và bởi thế chắc chắn những người đề
nghị sự đối thoại phải cho thấy, không chỉ trên quan điểm lý thuyết, một cách
thực tiễn rằng đối thoại là một điều tốt. Chỉ khi người ta ý thức rằng sự lo
ngại của mình không có cơ sở thì người ta mới sẵn sàng xem lại những ý tưởng
của mình. Tôi đã có kinh nghiệm về điều đó. Tôi đã có những cuộc gặp gỡ với các
vị lãnh đạo của Giáo Hội, họ nói lo ngại về những điều mà các giám mục Á châu
làm và đề nghị làm. Hai mươi năm sau, tôi lại gặp lại các vị này; họ đã nhìn
thấy những thực tại của Á châu và họ đã chứng kiến những người đi vào sự đối
thoại. Các vị này đã có sự khiêm tốn và niềm vui để nói : “ Bây giờ tôi hiểu
điều mà các giám mục Á châu làm ”. Bởi thế tôi không phải là người tức giận
muốn biết tại sao các vị đó không có đối thoại, tại sao họ không hiểu chúng
tôi. Tôi được biết những người đã thay đổi ý kiến và họ làm thế bởi vì họ trải
qua kinh nghiệm một thực tại mới. Họ tiếp cận với những thực tại Á châu và họ
gặp gỡ những giáo dân và những linh mục tại Á châu dấn thân vào sự đối thoại và
mang lại hoa quả.
Ucanews :
Tại sao những người khác gặp khó khăn để cảm nhận sự đối thoại trong sứ vụ tông
đồ, thưa ĐC ?
ĐGM Luis A. Tagle : Cho tới nay, những cách thức làm của chúng tôi còn
trừu tượng đối họ. Nhưng khi thực tại hiện ra lúc họ trở thành như chúng tôi
thì họ sẽ hiểu. Một số vị tại Âu châu lo lắng về hướng đi của sứ vụ truyền giáo
tại Á châu. Họ nói : “ Tất cả những gì quý vị làm chỉ là đối thoại ”. Tôi đã
nói với họ rằng rồi có một ngày họ sẽ nghiên cứu công việc của chúng tôi bởi vì
đó là điều đang xẩy ra tại Âu châu hiện nay. Giáo Hội trở thành nhỏ hơn. Tại Âu
châu, họ đã bắt đầu bằng đa số. Toàn Âu châu hầu hết theo Kitô giáo. Ngày hôm
nay, người kitô giáo ngày càng ít đông và các tôn giáo khác đang lớn lên. Rồi
có ngày cộng đồng kitô giáo sẽ chỉ còn là “ một đàn chiên nhỏ ” và họ sẽ sống
điều mà chúng tôi sống tại Á châu. Có lẽ lúc đó họ sẽ nhìn xem chúng tôi sống
sứ vụ tông đồ tại Á châu ra sao. Sự linh động chắc chắn sẽ khác biệt, bởi vì họ
họ bắt đầu khi đã lớn, còn tại Á châu, chúng tôi bắt đầu khi còn nhỏ. Nhưng
ngày hôm nay tại Âu châu, họ trở thành nhỏ khi xã hội của họ trở thành ngày
càng đa tôn giáo, đa văn hoá do sự di dân cùng với sự nghèo khổ ngày càng lớn.
Ucanews :
Đại Hội Truyền Giáo Á Châu đã đi đến đâu trong sự phúc âm hoá, thưa ĐC ?
ĐGM Luis A. Tagle : Tôi nghĩ là đại hội này sẽ làm nẩy sinh nhiều đại
hội khác nhỏ hơn. Các đại biểu sẽ trở về xứ mình. Họ sẽ có khả năng nhận ra một
số điểm quan trọng và những vấn đề đau đớn của sự nghèo đói, của sự bạo động
giữa những nhóm không cùng tôn giáo. Họ sẽ có can đảm hơn để phân tích những
yếu tố nằm sau những tranh chấp này, sau sự khủng bố, sau sự phân biệt xã hội.
Tôi nghĩ là đại hội này giúp mỗi người có thêm hành trang để theo đuổi câu
chuyện đời mình và thêm những câu chuyện khác mà họ chưa quen ở nơi họ sống.
Ucanews :
Điều đó dường như là một thâm tín đối với ĐC.
ĐGM Luis A. Tagle : Đúng thế, có một cái gì đó không thể tránh tại đây.
Và điều đó làm chúng ta nhớ lại ý nghĩa của Kitô giáo. Đó là một tôn giáo làm
đảo lộn chúng ta. Tại đại hội này điều chúng tôi đã nói - hiểu biết Đức Kitô,
tiến theo đạo Kitô giáo của chúng ta – đó là điều không dễ dàng. Nó gần giống
như hình ảnh mà một nữ đại biểu Singapour đã kể về cuộc thăm viếng một bãi rác
của bà tại Philippines. Vì sống ở Singapour cho nên sự nghèo khổ chỉ là một ý
niệm đối với bà. Khi bà đã trải qua kinh nghiệm của sự nghèo khổ thì tất cả
viễn tượng của bà về đời sống đã thay đổi.
Thông tấn Zenit
Lang Biang dịch