Đối thoại liên tôn giáo : ĐGH Bênêđictô XVI chuyển từ đối thoại qua cử chỉ bằng sự đối chất tri thức

 

Phần 1

 

Rôma ngày 29/11/2006

 

Hằng năm, nhà nữ thần học công giáo Ilaria Morali tham gia những cuộc gặp gỡ về đối thoại liên tôn giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải thích những nền tảng của Kitô giáo cho những bạn đồng nghiệp và những sinh viên hồi giáo.

 

Trong bài nói chuyện với Zenit, bà chú giải những điểm đối chất với những nhà tri thức hồi giáo về niềm tin và sự đối thoại liên tôn giáo.

 

Bà Ilaria Morali dậy thần học tín lý tại Đại Học Giáo Hoàng thánh Grêgoria ở Rôma và tham gia đề cao sự đối thoại liên tôn giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng với cha Maurice Borrmanns, một chuyên gia về Hồi giáo. Bà có những quan hệ khoa học hữu hiệu với các giáo sư thần học hồi giáo tại Konya, Samsun và Istanbul.

 

Zenit : Bà mới trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong thế giới tri thức mà bà giao tiếp, bầu khí đối với sự thăm viếng của ĐGH thì ra sao ?

 

Bà Morali : Những thông tin trong những ngày mới đây cho thấy rằng có những khó khăn khách quan, nhất là trong quần chúng và những phong trào cực đoan nhất.

 

Hiển nhiên là làn sóng tin tức truyền thông do bài diễn văn tại Ratisbonne gây ra đã góp phần vào bầu khí này : nó tạo ra một làn sóng xúc cảm trước khi mà ý nghĩa của những lời của ĐTC được làm sáng tỏ hay trước khi mà người ta có thì giờ hiểu nội dung. Và làn sóng xúc cảm này cũng có trong giới tri thức vì có lẽ họ chưa quen với phong cách mới của triều giáo hoàng của ĐGH Bênêđictô XVI.

  

Tuy nhiên trong những cuộc nói chuyện tôi nhận thấy rằng bên kia sự nghi kỵ bề ngoài, có một sự chú ý lớn đối với ĐGH này : ngài đã tạo nên một bước nhẩy có phẩm chất tích cực trong sự đối thoại hồi giáo – kitô giáo khi cho thấy rằng sự đối đầu, nếu muốn là đúng thật, không được sợ cũng đề cập đến những điểm gây tranh cãi hay gây phiền nhiễu từ phía hai bên.

 

Zenit : ĐGH Bênêđictô XVI đã thiết lập một phương cách đối thoại mới với Hồi giáo không thưa bà ?

 

Bà Morali : Khi nói chuyện với một số đồng ngiệp hồi giáo tại Istanbul, tôi nhận ra rằng họ không thể tưởng tượng có thể có một phương cách đối thoại khác với phương cách của ĐGH Gioan Phaolô II. Họ nghĩ rằng đó là cách duy nhất để trao đổi, trong khi cần có một bước mới đến sự trưởng thành lớn hơn về sự đối chất.

 

Và bước tiến này, như mọi điều mới, bao hàm một sự điều chỉnh những cân bằng và sự thiết lập những điều kiện mới nhằm chuyển sự đối thoại qua cử chỉ đến một sự đối chất tri thức sống động và khó khăn, bằng cách đi thẳng vào những vấn đề và để giới tri thức ôn hoà liên hệ trực tiếp hơn vào đó, cho họ cơ hội đặc biệt đi ra khỏi bóng tối và cam đảm tham gia hơn vào sự đối chất.

 

Trong một cuộc gặp gỡ, một người đồng nghiệp hồi giáo đã khẳng định trước hội nghị rằng danh từ « đối thoại » từ nay là một từ ngữ đã mất giá trị của nó. Thật vậy, người ta đã hoàn toàn mất ý nghĩa mà Giáo Hội công giáo với ĐGH Phaolô VI đã muốn nói và làm khi ngài đã nói lần đầu tiên trong thông điệp Ecclesiam Suam. Và tôi thấy là lời khẳng định của người bạn đồng nghiệp là đúng : nhiều người công giáo đã mất ý nghĩa chính xác mà Thẩm Quyền giáo Hội đặt cho sự đối thoại và đã giảm lược giá trị khi nghĩ và để cho người hồi giáo nghĩ rằng sự đối thoại được diễn đạt chủ yếu là qua những cử chỉ thân thiện và liên đới, tránh sự đối chất bình tĩnh nhưng khó khăn về những điểm gây đau đớn.

 

Zenit : Nhưng sự đối thoại có thể giảm lược vào những đề tài thần học và những điểm gây đau đớn không thưa bà ?

 

Bà Morali : Sự đối thoại không từ ngẫu hứng mà có, nhận định nó một cách trừu tượng như người ta thường nghĩ như « sự đối thoại giữa các tôn giáo » là một sai lầm.

 

Thật ra đó là sự đối thoại giữa những người như cá nhân, giữa những nhóm nhỏ : cũng như sự linh động giữa người với người bao hàm một sự tiến triển, sự gặp gỡ giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau được hình thành qua một con đường và những chặng cần can đảm.

 

Do đó, tôi tin chắc rằng, và tôi đã nói điều đó với vài người bạn hồi giáo ở Istanbul, nhờ cuộc thăm viếng của ĐTC, không những họ sẽ nhận biết một khuôn mặt mới của triều giáo hoàng mà còn cách thức mới lạ của ĐGH Bênêđictô XVI sẽ thúc đẩy họ dấn thân một cách sâu xa hơn trước đó trong sự đối chất và trong sự suy tư.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch  

 

 

 


Về Trang Mục Lục