Tổng kết cuộc thăm viếng của các giám mục Pháp tại Việt-Nam

 

 

Phần 2

 

Rôma ngày 14/12/2006

 

Zenit : Thưa ĐC, từ năm vừa qua, chính phủ Việt-Nam cho phép ĐCV Hà Nội nhận mỗi năm các chủng sinh mới, trong khi trước đó họ chỉ cho phép cứ hai năm một số chủng sinh có giới hạn. Đó là một cử chỉ khác đáng khuyến khích cho Giáo Hội Việt-Nam ?

 

ĐGM Aubertin : Đúng thế và vì chủng viện hiện nay đã đầy với khoảng 230 chủng sinh cho nên chính quyền đã cho phép xây thêm : một ngôi nhà khác dành chuẩn bị cho các chủng sinh mới nhập.

 

Zenit : Thưa ĐC, hiện nay đâu là những ưu tư của Giáo Hội Việt-Nam ?

 

ĐGM Aubertin : Ưư tư lớn hiện nay liên quan đến sự đào tạo các chủng sinh cho chức linh mục hay các thí sinh trong các cộng đồng tu sĩ. Các thí sinh nam nữ thì rất đông và rất là khó để bảo đảm một sự đào tạo vững chắc, tự do; làm sao để sức ép gia đình, xã hội không quá mạnh và để những người dấn thân hành động một cách tự do tối đa và được đào tạo trong những điều kiện tốt nhất. Tất cả những điều đó diễn tiến đều nhưng với những phương tiện hạn chế. Thật sự có một vấn đề điều hành. Tôi nghĩ ở khía cạnh này mà người ta trông đợi nhiều sự giúp đỡ của Giáo Hội Pháp. Không chỉ ở Pháp mà còn từ những nơi khác nữa.

 

Zenit : Việt-Nam vẫn nằm trong danh sách các nước mà tự do tôn giáo được cho là đáng ưu tư. Đó có phải là một vấn đề tế nhị cho các ĐC khi các ĐC đến tại chỗ và cũng cho họ khi họ tiếp đón các ĐC không ? Làm sao Nhà Nuớc biểu lộ cho các ĐC ưu tư của họ muốn đưa ra một hình ảnh khác về họ ?

 

ĐGM Aubertin : Giữa những điều mà tôi có thể thấy trong những lần thăm viếng trước và điều tôi thấy trong lần thăm viếng này thì có một sự cởi mở rất lớn. Khi chúng tôi đến, có những đám đông tụ họp rất lớn, những nghi thức cử hành ngoài trời với hàng ngàn ngàn người, tất cả đều có phép của chính quyền. Điều đó có nghĩa là về phần chính quyền, rõ ràng là họ phải cho thấy bằng chứng cụ thể về ưu tư tự do tôn giáo của họ đối với khách ngoài. Tôi nghĩ là một trong những cách biểu lộ điều đó là cho phép sự đón tiếp này. Nhưng không chỉ có sự đón tiếp này, các cộng đồng địa phương cũng có thể sống đức tin của mình một cách dễ dàng hơn so với trước đó. Tôi không nói là mọi sự đều tốt đẹp và không có vấn đề gì. Điều mà chúng tôi nhận thấy khắp nơi là chính quyền đều cho phép. Nhưng phải xin phép.

 

Zenit : Về phương diện xã hội, Nhà Nước có chấp nhận hơn một chút ý tưởng về sự cộng tác với Giáo Hội công giáo không thưa ĐC ? Đã có một bước vượt qua trong sự cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước không ?

 

ĐGM Aubertin : Người ta kể cho tôi thí dụ trường hợp mẹ Têrêsa cách đây khoảng 15 năm, mẹ đã đề nghị giúp đỡ và nói « tôi sẵn sàng gửi các cộng đồng tu sĩ để phục vụ những người bệnh nặng, những người già cả, những người sắp chết, những người bị bệnh sida hay bệnh truyền nhiễm khác ». Thời đó chính phủ Việt-Nam đã trả lời rằng « chúng tôi không cần bà, chúng tôi cần tiền », điều đó muốn nói là chúng tôi đủ lớn để đối đầu với những việc đó. Ngày hôm nay rõ ràng là cách nói thay đổi. Chúng tôi đã thấy là các cộng đồng tu sĩ rất dấn thân trong việc phục vụ những người tàn tật, những trẻ em mồ côi, những trẻ em mà bố mẹ bị bệnh cùi để trách cho các em khỏi bị lây. Hiện nay có những chương trình đang được thực hiện để giúp những người bị bệnh sida. Nhà Nước nhận ra rằng đó là một sự hiện diện, một sự tận tuỵ và có lẽ là một kinh nghiệm làm việc được mọi người nhìn nhận, mà không chỉ là nhìn nhận mà còn được mong chờ nữa. Đúng là nhiều điều đang thay đổi.

 

Zenit : Vậy thì những dấu hiệu mở rộng này, sự thay đổi thái độ mà các ĐC đã nhận thấy tại chỗ, sự củng cố tương quan giữa Giáo Hội Pháp và Giáo Hội Việt-Nam sau cuộc thăm viếng này, tất cả có góp phần vào việc tiến tới một sự bình thường hoá tương quan giữa Toà Thánh và nước Việt-Nam không thưa ĐC ?

 

ĐGM Aubertin : Tôi nghĩ là có ! Đã có nhiều thay đổi. Mọi sự đang thật sự tiến tới. Có lẽ chậm nhưng tiến tới. Dĩ nhiên có sự phức tạp trong tình trạng chính trị tại Việt-Nam, chiều kích địa phương của từng tỉnh thì khá rộng. Có những tỉnh cởi mở hơn các tỉnh khác. Nhưng cũng có một khuynh hướng chung tiến tới sự cởi mở và xích gần lại. Đất nước không chỗ nào cũng giống nhau. Có khoảng 50 tỉnh và mỗi tỉnh có cách điều hành khác nhau.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục