Sống sót từ quân Khmers đỏ, bà Claire Ly kể việc theo đạo Công Giáo của bà

 

 

Rôma ngày 17/12/2006

 

Nhân dịp xuất bản cuốn sách « Trở về Căm Bốt, con đường tự do của một người sống sót từ quân Khmers đỏ » (Retour au Cambodge, chemin de liberté d’une survivante des Khmers rouges) vào đầu năm tới, bà Claire Ly đã chấp nhận trả lời một vài câu hỏi để giúp độc giả Zenit hiểu thêm cuộc đời của bà, nhất là việc bà theo đạo Công Giáo.

 

Claire Ly sinh tại Căm Bốt năm 1946. Bà là giáo sư triết học tại một trường trung học ở Phnom Penh, sau đó là giám đốc kỹ thuật Viện dịch sách giáo khoa tại Bộ Giáo Dục Căm Bốt. Năm 1975, với một con nhỏ trong tay và đang mang thai, bà bị giam trong các trại của Pol Pot và sống trong « địa ngục ». Cha bà và chồng bà bị xử bắn. Bà bị bắt buộc lao động trong những điều kiện phi nhân đạo, chứng kiến những cuộc xử tử vội vàng, sự nhồi sọ chính trị của các trẻ em.

 

Năm 1979, sau khi chế độ Pol Pot xụp đổ, bà tị nạn bên Thái Lan và sau đó sang Pháp và sống cho tới nay. Bà đã nhận phép thanh tẩy của Giáo Hội công giáo năm 1983.

 

Zenit : Thưa bà, bà làm gì mà sống sót được với sự điên rồ sát nhân của quân Khmers đỏ ?

 

Bà Ly : Quân Khmers đỏ có ý thức hệ chính trị muốn xây dựng một nước Căm Bốt hoàn toàn Khmer, một nước Căm Bốt gạt bỏ hết mọi ảnh hưởng ngoại bang. Để thực hiện ý thức hệ ảo vọng này, họ bắt đầu bằng sự loại trừ tất cả những ai chống lại họ : những người tri thức do đó là những người đầu tiên bị nhắm tới. Người dân trong tất cả các thành phố bị đuổi ra hết. Angkar (chính phủ Khmer đỏ) coi những người thành thị là một « dân mới » bị ảnh hưởng của văn minh tây phương. Dân này cần phải được « tẩy luyện » bằng cách rời thành phố và làm việc khổ sai trên đồng lúa để trở thành những người Khmer thật sự. Để có thể sống sót trong cái vòng luẩn quẩn của bạo động, tôi đã phải dấu kín tiểu sử của mình : trước khi họ đến, tôi dậy triết học tại thủ đô và giữ chức giám đốc kỹ thuật Viện dịch sách giáo khoa tại Bộ Giáo Dục Căm Bốt. Do đó tôi thuộc thành phần « dân lai căng ». Phương cách duy nhất để sống sót là theo lệnh của Angkar. Tất cả mọi chống đối đều bị loại trừ một cách dã man. Tôi đã theo lệnh, lao động, làm tất cả những gì mà quân Khmer đỏ yêu cầu : xây kênh đập, việc đồng áng trồng lúa trong một bầu khí kinh hoàng và đói khát. Nhưng làm sao vâng lệnh của những kẻ độc tài mà không mất tâm hồn mình ?...

 

Zenit : Những biến cố nào đã làm bà nghi ngờ lòng tin phật giáo của mình ?

 

Bà Ly : Trước một sự bạo động tàn sát con người như thế, lúc đầu tôi đã hướng tới giáo huấn của Đức Phật nhấn mạnh đến sự thay đổi của mọi thực tại. Tôi đã thấy rằng cuộc đời tôi tuân theo luật thay đổi này. Chỉ trong một vài giờ, đời tôi đã hoàn toàn thay đổi : tôi mất tất cả những người mà tôi yêu mến. Tất cả những điều mà tôi tưởng đã đạt được về cá nhân và xã hội vụt bay mất ! Những ý tưởng nổi loạn và thù hận hoàn toàn xâm chiếm con người tôi. Tôi đã không thể giữ được sự thanh thản trong cơn bão bạo động này. Tôi tự thấy mình như một phật tử xấu không có khả năng sống theo lời dậy của Đức Phật. Tôi đã ngã vào trong những tình cảm tiêu cực theo đạo Phật : sự giận dữ và sự thù hận. Tôi đã trở thành một kẻ chống lại luật nghiệp chướng, luật về hành vi và những hậu quả của nó biện minh cho hiện tại bằng những hành vi trong quá khứ. Tôi không còn muốn đổ bất cứ trách nhiệm nào về mình cho sự bất hạnh của mình. Chồng tôi và bố tôi không có tội gì mà phải bị xử bắn. Sự bạo động của quân Khmer đỏ thì phi lý, chẳng có giải thích nào... Và tất cả chúng tôi là những nạn nhân vô tội.

 

Zenit : Bằng cách nào mà bà đã đối thoại được với « Thượng Đế của người tây phương » và tin tưởng nơi Ngài ?

 

Bà Ly : Để khỏi trở thành điên, tôi đã tự tạo cho mình theo truyền thống phật giáo một đối tượng trong đầu để đổ vào đó những tình cảm tiêu cực của mình. Trong sự bất mãn và giận dữ, tôi muốn tạo cho mình một đối tương tâm thần mà tôi gọi là « Thượng Đế của người tây phương ». Và tôi chửi vả Ngài mọi lúc mà không cần biết Ngài hiện hữu hay không. Trong trại của quân Khmer đỏ, Thượng Đế của người tây phương trở thành đối tượng của sự thù hận và sự giận dữ của tôi. Trong hai năm đầu, Ngài chỉ là nạn nhân của tôi. Tôi bắt Ngài làm chứng cho ý chí muốn sống của tôi. Quân Khmer đỏ muốn cho tôi chết cũng như những người tri thức khác, câu trả lời của tôi là phải sống sót... Với thời gian, vị Thương đế này trở nên người đàm thoại duy nhất của tôi. Tôi nhận ra rằng mặc dù hai năm trong sự thù hằn và giận dữ đối với Ngài, Ngài đã cùng bên tôi một cách thầm lặng trong cuộc đấu tranh để sống. Tôi nhận ra rằng sức mạnh giúp tôi sống sót không phải do từ tôi, nhưng từ một Ai khác. Tuy nhiên tôi không thực sự nắm được và hiểu điều này.  

 

Zenit : Trong cuốn sách của bà với tựa đề « Trở về từ địa ngục », bà khẳng định rằng bà theo đạo công giáo khi tham dự thánh lễ. Bà có thể giải thích cho chúng tôi không ? 

 

Bà Ly : Thật không phải là điều dễ để giải thích cho quí vị sự thâm tín tinh thần đã dẫn tôi đến việc xin chịu phép thanh tẩy. Tôi chỉ có thể nói rằng sự thâm tín tôi đã trải qua trong một buổi lễ là chỗ đến của một con đường dài.

 

Sau khi đã sống 4 năm trong trại của quân Khmer đỏ với linh cảm được đồng hành cùng với Thượng Đế của người tây phương, tôi đã gặp Phúc Âm trên con đường của mình. Chính thông điệp Dives in misericordia của ĐGH Gioan Phaolô II đã cho tôi ước muốn đọc Phúc Âm. Đó là cuộc gặp gỡ khởi đầu của tôi. Cuộc gặp gỡ đã mở ra cho tôi một hành trình mới và cho tôi khám phá ra một vị thầy mới : Đức Giêsu thành Nazareth. Lúc đó tôi rất ngưỡng phục Ngài nhưng tôi không nghĩ tới khía cạnh thần linh của Ngài. Sự hấp thụ giáo dục của Phật Giáo đã giúp tôi nắm được một cách dễ dàng khía cạnh nhân bản của Ngài hơn là khía cạnh thần linh. Tôi đã suy tư với Phúc Âm trong vòng một năm. Chỉ sau đó tôi mới tò mò đi dự thánh lễ. Trong buổi lễ Thánh Thể này, tôi ý thức ra rằng vinh danh của Thượng Đế không hạ thấp xuống sự lớn lao của con người. Tôi linh cảm là Thượng Đế lớn lao vô biên không ép buộc tự do của tôi. Một Thượng Đế cũng cần sự đồng ý của tôi để trở thành Thượng Đế trọn vẹn. Tôi thấy sự song song giữa tự do của mình và quyền năng của Thượng Đế là điều tuyệt đẹp.

 

Là người theo đạo Phật, tôi được hấp thụ về sự cao cả của con người, bởi vì chỉ có con người mới có thể tự giải thoát khỏi vòng luân hồi để đạt tới cùng đích là Niết Bàn. Truyền thống phật giáo đặt con người trên mọi thần linh. Nghịch lý thay, chính lòng  tin tưởng vào sự cao cả của con người đã thúc đẩy tôi từ chối luật về nghiệp chướng. Tôi có thể nói là chính nòng cốt của Phật giáo đã thúc đẩy tôi đến một hành trình khác. Giai đoạn thứ nhất là sự gặp gỡ « Thượng Đế của người tây phương » trong bất mãn và hận thù. Giai đoạn thứ hai là sự gặp gỡ với Phúc Âm và Đức Giêsu thành Nazareth. Tôi thành thật tin rằng chính sự gần gũi với Phúc Âm đã cho phép tôi đạt tới giai đoạn thứ ba là gặp gỡ Đức Kitô Thánh Thể. Trong thánh lễ đó, một ước muốn điên rồ bao trùm lấy tôi : ước muốn trở thành môn đệ chứ không chỉ là thính giả của Đức Giêsu Kitô... Chính ước muốn thật không hợp lý này đối với truyền thống phật giáo của tôi đã dẫn tôi đến việc xin rửa tội.

 

Đã 23 năm tôi từ giã sự Khôn Ngoan của Đức Phật để sống sự điên rồ của Tình Yêu của Đức Giêsu Kitô. Tôi luôn luôn có cảm tưởng là con đường tôi đi là một hành trình luôn được đổi mới bằng sự đối thoại liên tục giữa người phật tử ngày xưa và người công giáo hiện nay tôi trở thành... Tôi tạ ơn Chúa Thánh Thần đã cho tôi được sống sự đón tiếp nồng hậu đối với một người phật giáo, đó là bước đầu của Nước Trời.

 

Bà Claire Ly hiện dậy tại Viện Khoa Học và Thần Học về các tôn giáo (ISTR) ở Marseille. Bà là tác giả của cuốn sách « Trở về từ địa ngục, Bốn năm trong các trại của quân Khmer đỏ » ( Revenue de l’enfer, Quatre ans dans les camps khmers rouges), nhà xuất bản Edition de l’atelier 2002 và cuốn sách thứ hai đã nói ở trên, nhà xuất bản Edition de l’atelier 2007. Trang internet của bà : www.clairely.com.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   

  

 

 


Về Trang Mục Lục