Nói
chuyện với ĐGH Bênêđictô XVI (phần 2)
Rôma
ngày 16/8/2006
Zenit đăng lại cuộc nói chuyện của ĐGH Bênêđictô XVI dành cho bốn phóng
viên người Đức của các đài truyền hình Bayerischer Rundfunk (ARD), ZDF,
Deutsche Welle và đài Radio Vatican đã được phát hình ngày chủ nhật 13/8/2006.
Câu hỏi :
Thưa ĐTC, một câu hỏi về chính trị quốc tế. Những hy vọng hoà bình tại Trung
Đông đã suy giảm trong những tuần vừa qua. ĐTC thấy Toà Thánh có thể làm những
điều gì liên quan tới tình trạng hiện nay ? Ảnh hưởng tích cực nào mà ĐTC
có thể làm trên tình huống Trung Đông ?
ĐGH Bênêđictô XVI : Dĩ nhiên chúng tôi không có khả năng chính trị
nào và chúng tôi không muốn một quyền hành chính trị nào. Nhưng chúng tôi muốn
kêu gọi những người kitô giáo và tất cả những ai cảm thấy phù hợp lời nói của
Toà Thánh để mọi sức mạnh nhìn nhận rằng chiến tranh là giải pháp tồi tệ nhất
cho mọi người được huy động. Chiến tranh chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ai,
ngay cả những người có vẻ chiến thắng. Chúng ta biết rõ điều đó tại Âu châu sau
hai thế chiến. Điều mà tất cả mọi người đều cần là hoà bình. Và có một cộng
đồng kitô giáo lớn tại Liban, có những người kitô giáo giữa những người hồi
giáo, có những người kitô giáo tại Do Thái và những nước này trở nên quen thuộc
với những người kitô giáo trên toàn thế giới. Có những sức mạnh đạo đức đang
sẵn sàng để người ta hiểu rằng có một giải đáp : chúng ta phải sống chung
với nhau. Chúng tôi muốn huy động những sức mạnh này. Những nhà chính trị phải
tìm ra những phương cách để điều đó có thể được thực hiện càng nhanh càng tốt
và nhất là một cách lâu dài.
Câu hỏi :
Với tư cách là Giám Mục thành Rôma, ĐTC là người kế vị thánh Phêrô. Làm sao
chức vị của người kế vị thánh Phêrô có thể được thực hành một cách phù hợp với
thời nay ? Và ĐTC thấy ra sao tương quan căng thẳng và quân bình giữa một
bên là uy quyền tối cao của ĐGH và bên kia là tính cách tập thể của các giám
mục ?
ĐGH Bênêđictô XVI : Dĩ nhiên có một tương quan vừa có sự căng
thẳng và vừa có sự quân bình và đối với chúng tôi đó là điều tốt. Sự nhiều và
sự duy nhất phải không ngừng định nghĩa lại tương quan của họ và tương quan này
phải luôn sát nhập một cách đổi mới vào những tình huống di động của thế giới.
Ngày hôm nay chúng ta có một loạt những văn hoá, mà trong đó Âu châu không còn
là yếu tố quyết định duy nhất, và các cộng đồng kitô giáo từ các lục địa khác
đang có sức nặng của riêng mình, mầu sắc của mình. Chúng ta luôn luôn phải học
hỏi lại sự hoà nhập của các phần tử khác nhau này. Chính vì thế mà chúng tôi đã
phát triển những phương thế khác nhau, điều được gọi là những « cuộc thăm
viếng ad limina » của các giám mục. Chúng đã có từ lâu, nhưng ngày hôm nay
chúng được xử dụng nhiều hơn nhằm đối thoại thực sự với tất cả các thẩm quyền
của Toà Thánh và với chính tôi. Tôi nói chuyện trực tiếp với mỗi giám mục. Tôi
đã nói chuyện gần như hầu hết với các giám mục phi châu và nhiều giám mục á
châu. Hiện nay sẽ đến lượt miền Trung Âu, Đức và Thuỵ Sĩ. Trong những cuộc gặp
gỡ này, trung tâm và địa phương gặp gỡ nhau trong sự trao đổi thành thật. Theo
tôi điều đó cho phép phát triển những tuơng quan đúng đắn trong sự căng thẳng
quân bình. Chúng tôi có những phương tiện khác như Hội Đồng các giám mục, Hội
Đồng các hồng y mà từ nay tôi sẽ triệu tập một cách đều đặn và muốn phát triển
chúng, ngay cả khi không có một chương trình riêng, chúng tôi có thể bàn luận
chung với nhau về những vấn đề hiện tại, tìm ra những giải đáp. Chúng ta biết
là một đằng ĐGH không phải là một ông vua tuyệt đối, ngài phải cá nhân hoá cả
một tập thể để cùng lắng nghe Đức Kitô. Người ta linh cảm rất mạnh nhu cầu cần
một thẩm quyền hợp nhất khả dĩ bảo đảm sự độc lập đối với những thẩm quyền
chính trị, nhu cầu rằng « những Kitô giáo » không đồng hoá quá với
những quốc gia, người ta linh cảm rất mạnh nhu cầu cần một thẩm quyền bên trên
và rộng lớn hơn có khả năng tạo nên sự hiệp nhất bằng sự quy tụ linh động của
tất cả và mặt khác tiếp nhận và nâng cao sự đa dạng. Do đó tôi tin là có một sự
gắn bó sâu sắc với thẩm quyền của thánh Phêrô biểu lộ qua ý chí muốn phát triển
nó hơn nữa để nó có thể đáp lại ý muốn của Thiên Chúa cũng như những sự cần
thiết của thời đại hiện tại.
Câu hỏi :
Đức, với tư cách là nơi của sự canh tân, được đánh dấu một cách đặc biệt bởi
những tương quan giữa các giáo phái. Những tương quan hiệp nhất là một thực tại
nhậy cảm luôn gặp những khó khăn mới. ĐTC thấy có những khả năng nào để cải
tiến tương quan với Giáo Hội tin lành hay ĐTC thấy những khó khăn nào trên con
đường này ?
ĐGH Bênêđictô XVI : Có lẽ điều quan trọng trước tiên cần nói là
Giáo Hội tin lành có một sự đa dạng lớn. Tại Đức nếu tôi không lầm chúng ta có
3 cộng đồng chính : người tin lành giáo Luther, người tin lành giáo Canh
Tân và người tin lành giáo Prusse. Ngoài ra còn có nhiều Giáo Hội tự do
(Freikirchen) đang được thành lập hiện nay, và ngay trong những Giáo Hội chính
trên còn có những phong trào đặc biệt… Đó là một tập thể có nhiều tiếng nói mà
chúng tôi phải đối thoại nhằm tìm kiếm sự hiệp nhất nhưng đồng thời tôn trọng
nhiều tiếng nói khác nhau và muốn cộng tác với họ. Tôi tin là điều đầu tiên
phải làm trong xã hội hiện nay, đó là cùng dấn thân chung để làm sáng tỏ, tìm
ra và thực hành những đường mốc đạo đức chính nhằm bảo đảm sự bền bỉ đạo đức
của xã hội, không có nó xã hội này không thể thực hiện mục tiêu tối hậu của
chính trị là công lý cho mọi người, hoà bình và vui sống chung. Trong lãnh vực
này, tôi tin là người ta đã làm rất nhiều và chúng ta đã thực sự cùng đứng trên
nền tảng kitô giáo chung trước những thách thức đạo đức to lớn. Dĩ nhiên sau đó
phải làm chứng Thiên Chúa trong một thế giới khó tìm ra Ngài như chúng ta đã đề
cập, và làm cho Thiên Chúa được thấy trong gương mặt nhân bản của Đức Giêsu
Kitô, và cống hiến cho con người lối đi vào với những nguồn nước này, không có
chúng thì đạo đức trở nên khô cằn, mất những điểm mốc, và cũng mang đến niềm
vui để chúng ta không bị cô lập trong thế giới này. Có như thế thì niềm vui mới
có thể nẩy sinh trước sự vĩ đại của con người, không phải là một sản phẩm hư
hỏng của sự tiến hoá nhưng là một hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta phải hành
động trên hai lãnh vực này, lãnh vực của những điểm mốc đạo đức to lớn và lãnh
vực cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, một Thiên Chúa cụ thể. Nếu chúng ta
làm điều đó và nhất là nếu trong mỗi lần qui tụ, chúng ta cố gắng không sống
đức tin một cách riêng biệt nhưng luôn từ những nền tảng thâm sâu nhất thì có
lẽ chúng ta không đi lẹ tới những biễu hiệu bên ngoài của sự hiệp nhất, nhưng
chúng ta có thể chín mùi hướng tới một sự hiệp nhất nội tâm, từ đó nếu Thiên
Chúa muốn nó sẽ có ngày thể hiện những hình thức bên ngoài của sự hiệp nhất.
Thông tấn
Zenit
Lang
Biang dịch