Nói chuyện với ĐGH Bênêđictô
XVI (phần 4)
Rôma ngày 16/8/2006
Zenit đăng lại cuộc nói chuyện của ĐGH
Bênêđictô XVI dành cho bốn phóng viên người Đức của các đài truyền hình
Bayerischer Rundfunk (ARD), ZDF, Deutsche Welle và đài Radio Vatican đã được
phát hình ngày chủ nhật 13/8/2006
Câu hỏi : Thưa ĐTC, Kitô
giáo đã lan tràn trên thế giới từ Âu châu. Ngày hôm nay, nhiều người nghĩ rằng
tương lai của Giáo Hội nằm ở các lục địa khác. Điều đó có đúng không ? Hay
nói cách khác, tương lai nào cho Kitô giáo tại Âu châu, nơi mà Kitô giáo có vẻ
càng ngày càng thu hẹp vào phạm vi một chuyện riêng tư chỉ liên quan tới một
thiểu số ?
ĐGH Bênêđictô XVI : Trước tiên tôi
muốn thêm một vài nét. Thật ra như chúng ta biết, Kitô giáo đã nẩy sinh từ vùng
Cận Đông. Và trong một thời gian dài chính tại đó mà Kitô giáo đã phát triển và
đã lan tràn bên Á châu nhiều hơn là chúng ta tưởng ngày hôm nay do những thay
đổi mà Hồi giáo đã mang đến. Mặt khác chính vì những lý do này mà trục phát
triển đã hướng về Tây Phương và Âu châu hơn, và Âu châu – chúng ta hãnh diện và
chúng ta hân hoan về điều đó – sau đó đã phát triển Kitô giáo trong những chiều
kích tri thức và văn hoá rộng lớn. Nhưng tôi tin là nhớ tới những người kitô
giáo Đông Phương là điều quan trọng, bởi vì họ có thể sẽ di dân, họ luôn là một
thiểu số quan trọng và có tương quan hữu hiệu với bối cảnh sống. Và nguy hiểm
lớn là những nơi nguồn gốc của Kitô giáo này không còn người kitô giáo. Tôi
nghĩ là chúng ta phải giúp họ ở lại đó.
Nhưng chúng ta hãy trở lại câu hỏi
của ông. Âu châu đã trở thành trung tâm của Kitô giáo và của phong trào truyền
giáo là điều chắc chắn. Ngày hôm nay những lục địa khác, những văn hoá khác
cùng là thành phần trong bản giao hưởng của lịch sử thế giới. Điều đó làm số
tiếng nói trong Giáo Hội gia tăng và đó là một điều tốt. Rằng những tính tình
khác nhau, những ân huệ riêng của Phi châu, Á châu, Mỹ châu và đặc biệt là châu
Mỹ La Tinh có thể biểu hiệu là điều tốt. Dĩ nhiên tất cả mọi người không chỉ
lãnh hội lời nói của Kitô giáo mà còn lãnh hội sứ điệp thế tục của thế giới
này. Mọi giám mục ở các lục địa khác nói với chúng tôi : chúng con vẫn cần
Âu châu dù Âu châu chỉ là một phần trong một tất cả rộng lớn hơn. Ngày hôm nay
chúng ta còn có trách nhiệm đến từ những kinh nghiệm, từ khoa thần học được
phát triển tại đây, từ kinh nghiệm phụng vụ, từ những truyền thống và cũng từ
những kinh nghiệm hiệp nhất : tất cả những điều đó thì rất quan trọng ngay
cho những lục địa khác. Bởi thế chúng ta không được đầu hàng, than phiền và
nói : « Đó ! chúng ta chỉ là một thiểu số, ít ra hãy cố gìn giữ
thế giới nhỏ bé của chúng ta ! » ; trái lại chúng ta phải nuôi
dưỡng sự linh động của chúng ta, kết giao những tương quan để chúng ta cũng có
thể đón nhận từ nơi khác những sức mạnh mới. Ngày hôm nay có những linh mục ấn
độ và phi châu tại Âu châu, và tại Canada có nhiều linh muc phi châu hoạt động.
Có một sự trao đổi song phương. Nhưng nếu trong tương lai chúng ta đón nhận
nhiều hơn thì chúng ta vẫn phải cho đi với lòng can đảm và một sự linh động gia
tăng.
Câu hỏi : Thưa ĐTC, một đề
tài đã được đề cập đến một phần. Những xã hội hiện đại, khi phải có những quyết
định quan trọng về chính trị và khoa học, không cảm hứng từ những giá trị kitô
giáo và Giáo Hội, các cuộc thăm dò cho thấy điều đó và phần lớn chỉ được xem như
một tiếng nói cảnh giác hay ngay cả ngăn cản. Giáo Hội có nên ra khỏi thái độ
phòng vệ này và đảm nhiệm một thái độ tích cực hơn đối với sự xây dựng tương
lai không ?
ĐGH Bênêđictô XVI : Tôi có thể nói
rằng dù cách nào đi nữa chúng ta có bổn phận làm rõ ràng hơn điều tích cực của
chúng ta. Và trước tiên chúng ta phải làm điều đó trong sự đối thoại với các
văn hoá và các tôn giáo, bởi vì như tôi đã nói ở trên, tâm hồn phi châu và tâm
hồn á châu bị kinh hoàng bởi sự lạnh lùng của thuyết duy lý của chúng ta. Để họ
có thể thấy không chỉ có điều đó nơi chúng ta là điều quan trọng. Và cũng là
điều quan trọng rằng thế giới tục hoá của chúng ta phải nhận ra rằng niềm tin
kitô giáo không phải là một điều cản trở, nhưng là một chiếc cầu cho sự đối
thoại với những thế giới khác. Thật sai lầm khi tin là văn hoá thuần duy lý,
với sự khoan dung của nó, có một sự tiếp cận dễ dàng hơn với các tôn giáo khác.
Nó thiếu « bộ phận tôn giáo » và do đó thiếu điểm dựa mà từ đó và
hướng tới đó những người khác muốn giao tiếp. Do đó chúng ta phải và chúng ta
có thể cho thấy rằng trong tính cách liên văn hoá mà chúng ta sống, thuyết duy
lý thuần tuý không có chỗ cho Thượng Đế là không đủ, phải có một thuyết duy lý
rộng lớn hơn coi Thượng Đế trong hài hoà với lý trí, ý thức rằng niềm tin kitô
giáo đã phát triển tại Âu châu cũng là một phương tiện để quy tụ lý trí và văn
hoá và cũng để bổ túc chúng với hành động trong một cái nhìn duy nhất và tổng
quát. Theo nghĩa này, chúng ta có một bổn phận phải làm, cho thấy rằng Lời Nói
mà chúng ta có không thuộc về những áo choàng huy hoàng của lịch sử, nhưng nó
cần thiết ngày hôm nay.
Thông tấn
Zenit
Lang Biang dịch