Thái độ chú ý tới tôn giáo của con người thuộc thế kỷ XXI

 

Radiovaticana 19/10/2009 – Phỏng vấn ông Olivier Roy, giáo sư xã hội học người Pháp, về thái độ chú ý tới tôn giáo của con người thuộc thế kỷ XXI

Trong các thập niên qua tại các nước tây phương người ta chứng kiến cảnh tục hóa lan nhanh trong xã hội, nhưng nó cũng sống chung với thái độ tái chú ý tới tôn giáo và nhu cầu trở về nguồn, trở về với sự tinh tuyền tinh thần. Thế kỷ XXI có vô tôn giáo hay không? Khi duyệt xét tình hình từ các căng thẳng giữa các cộng đoàn cho tới sự thành công của các khuynh hướng triệt để qúa khích, người ta thấy rằng trong tương lai các tôn giáo sẽ là các thách đố xã hội và quốc tế.

Đây là một vài tư tưởng trong cuốn ”Sự dốt nát thánh” của ông Olivier Roy, chuyên gia chính trị nghiên cứu Hồi giáo và là giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học tại Pháp. Ông chuyên theo dõi sự nảy sinh của các phong trào tôn giáo ngày mai, mời gọi mọi người hiểu biết bản chất của chúng và đừng sợ hãi các phong trào tôn giáo đó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông về sự kiện tôn giáo trở lại trong đời sống của người dân thế kỷ XXI.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại sao giáo sư lại chống lại tư tưởng của việc tôn giáo trở lại thống trị trong các năm sắp tới?

Đáp: Người ta gọi là ”trở lại” điều mà trong thực tế đã là một sự hữu hình lớn của tôn giáo, gắn liền một cách mâu thuẫn với sự thành công toàn cầu của sự tục hóa. Trong Kitô giáo, các Giáo Hội truyền thống tại Âu châu đang chậm lại. Nhưng khi tôn giáo trụ được, thì nó lộ hiện ra bằng hình thức gây ấn tượng một cách đặc biệt. Trước cảnh 4.000 người tụ tập nhau trong sân vận động để cầu nguyện, người ta có cảm tưởng là tôn giáo có một sức sống mới. Nhưng người ta lại không nhận ra rằng đàng sau 4.000 người đó có 10.000 người không lui tới nhà thờ nữa. Cả trong Do thái giáo và Hồi giáo người ta cũng nhận thấy các thực hành mới trong ”chợ tôn giáo” toàn cầu như thế.

Hỏi: Giáo sư có ý nói gì khi dùng từ “chợ tôn giáo”?

Đáp: Theo truyền thống các tôn giáo không bị tách rời khỏi một nền văn hóa, vì nó đã hội nhập văn hóa và đem nền văn hóa đó tới nơi khác như trường hợp Công giáo Âu châu được đưa sang Châu Mỹ Latinh; hay nó hội nhập văn hóa địa phương như việc sử dung trống trong các thánh lễ bên Phi châu. Nhưng ngày nay tôn giáo lưu hành và bị cắt đứt khỏi một nền văn hóa, một vùng đất hay một ngôn ngữ quy chiếu. Qua các phương tiện truyền thông tân tiến như Internet, truyền hình, qảng cáo, và việc di chuyển của các thừa sai vv... người ta có thể là tín đồ của giáo phái Hare Krishna hay của Đức Phật mà không bao giờ cần phải rời khỏi Anh quốc.

Hỏi: Tuy nhiên người ta cũng có cảm tưởng là có các tín hữu tìm trở lại với một truyền thống văn hóa, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng, nhưng những người được ghi dấu tôn giáo thì ra khỏi nguồn gốc chủng tộc văn hóa của họ. Chẳng hạn như chiếc áo burqa che kín hết thân thể của phụ nữ hồi, được giới thiệu như là đích thực bởi những ai đưa ra lệnh đó, nhưng nó đã không bao giờ là chiếc áo truyền thống. Dĩ nhiên là các khuynh hướng hồi cuồng tín nói tới ”văn hóa”. Nhưng trong việc trưng diễn các dấu hiệu tôn giáo mạnh mẽ họ biểu lộ lòng tin của họ trong thế chống đối nền văn hóa thống trị.

Hỏi: Nhưng ngày nay chính các kiểu diễn tả tôn giáo đó lại gặt hái nhiều thành công nhất có phải thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Các kiểu diễn tả tôn giáo xuất ngoại tốt nhất đều đòi quyền bẻ gẫy với nền văn hóa. Đề tài tái sinh trong lòng tin của Phúc Âm cũng được tìm thấy trong hệ phái Salafismo của Hồi giáo. Nó rao giảng việc trở lại với Hồi giáo của thủơ ban đầu, cũng tựa như trong Do thái giáo chính truyền. Và các phong trào tôn giáo mới cũng hoạt động dựa trên cùng các nguyên tắc như thế. Chúng khước từ nền văn hóa bao quanh, bị coi như là ngoại giáo, và nhấn mạnh trên cá nhân và trên việc thực hiện chính mình, và thành lập một cộng đoàn lòng tin duy tự nguyện. Cũng giống như các loại chợ khác, chợ tôn giáo cũng đồng thời tạo ra việc chuẩn thức hóa và gia tăng cạnh tranh: các tôn giáo càng giống nhau trong hoạt động bao nhiêu lại càng tìm khẳng định các khác biệt bấy nhiêu.

Hỏi: Như vậy tất cả các điều kể trên có báo trước hiện tượng các phong trào cuồng tín gia tăng hay không thưa giáo sư?

Đáp: Nó đã có rồi. Khuynh hướng cuồng tín dựa trên tư tưởng của một sự tinh tuyền, một sự tuyệt đối của lòng tin, và đi theo hướng khước từ nền văn hóa bao quanh, khước từ tiểu thuyết, khước từ truyền hình. Và khi đó thì người ta thánh thiêng hóa mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày, qua các công thức và lời nguyện, các cấm đoán liên quan tới thực phẩm và kiểu ăn mặc.

Hỏi: Thưa giáo sư Roy, chúng ta có nên sợ hãi một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh hay không?

Đáp: Không, bởi vì không còn có các nền văn minh nữa, nếu qua đó ta hiểu việc hội nhập của một nền văn hóa và một tôn giáo vào một vùng đất nào đó, thì các từ của vấn đề cũng thay đổi. Thật là vô lý khi sợ hãi sự đụng độ giữa nền văn minh a rập hồi giáo và nền văn minh tây phương Kitô, bởi vì sự toàn cầu hóa trộn lẫn các nền văn hóa và tôn giáo từ đầu này sang đầu kia của trái đất. Đàng khác cũng có các ngọn lửa bạo lực tôn giáo, như đã xảy ra chung quanh đền thờ hồi giáo Al Aqsa ở Giêrusalem hay đền thờ Ayodhya bên Ấn Độ.

Hỏi: Trong tương lai có nên sợ các phong trào này tái chiếm vị thế chính trị hay không?

Đáp: Các nguy cơ ấy có thể xảy ra, nhưng không hoạt động. Liên minh giữa tôn giáo và chính trị có thể là một sự lừa dối. Chúng ta hãy nghĩ tới phong trào tin lành cuồng tín bên Hoa Kỳ hay các phong trào trong cộng hòa hồi giáo Iran: khi chúng bước vào lãnh vực chính trị, thì các phong trào canh tân tôn giáo mất đi bản chất đặc thù của chúng. Đàng khác chính trị cho thấy nó bất lực không hấp thục được năng động của nó và chỉ giữ lại được một ý thức hệ và các cấm đoán. Dù các tôn giáo có thích hay không thích, thì trong mọi xã hội hiện nay đều có tiến trình tục hóa.

Hỏi: Như vậy thì trong tương lai đâu là các thách đố mà các tôn giáo lớn sẽ gặp phải thưa giáo sư?

Đáp: Đối với công giáo thì tương quan giữa văn hóa và lòng tin hiện nay đang là đề tài chính của cuộc thảo luận. Vấn đề đó là người ta thường hiểu văn hóa là ”văn hóa âu châu”, và người ta không hề biết tới các nét đặc thù của nền văn hóa phi châu và châu mỹ la tinh, trong đó có biết bao nhiêu là năng lực sinh động. Ngày nay còn có cuộc khủng hoảng tư tưởng liên quan tới việc hội nhập văn hóa, là một trong các đóng góp của Giáo Hội công giáo hồi thập niên 1960. Và thách đố đó là chấp nhận sự mất mát các liên lạc với nền văn hóa. Ai không chấp nhận được sự kiện này sẽ gặp các cuộc khủng hoảng nặng. Chẳng hạn đây là trường hợp của Giáo Hội chính thống hy lạp, cho tới nay vẫn tự định nghĩa là linh hồn của nền văn hóa hy lạp.

Hỏi: Như thế không có một nền văn hóa toàn cầu để các tôn giáo trên thế giới có thể hội nhập hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này: có thể vạch ra một nền văn hóa chung hay chúng ta phải sống một cuộc khủng hoảng thường xuyên liên quan tới việc tham chiếu văn hóa? Tôi thì tôi tin vào một nền văn hóa chung. Ngày nay phải nói tới việc để các nền văn hóa ở hàng dưới bên cạnh nhau hơn là nói tới một nền văn hóa toàn cầu. Trong nỗ lực tái hội nhập văn hóa các phong trào tôn giáo tìm đến với các nền văn hóa ở hàng dưới này. Chẳng hạn như người ta đề nghị một công tác mục vụ giới trẻ cố gắng hướng tới chỗ nối liền các thể hiện tôn giáo như việc cử hành Thánh Thể và cầu nguyện với các thể hiện văn hóa.

Từ đó phát xuất ra các loại nhạc kích động hồi giáo hay kitô. Nhưng tất cả những điều này đều rất mong manh, vì các nền văn hóa ở hàng dưới này đa số đã bị tổng quát hóa, và khán thính giả của chúng già nua đi.

Hỏi: Trong bối cảnh như thế thì đâu là các tương quan giữa các tôn giáo và xã hội mà con người tùy thuộc thưa giáo sư?

Đáp: Theo tôi chúng ta đang ở trong giai đoạn hai, là giai đoạn của việc tái đặt để tôn giáo trở lại trong cuộc sống, vì sự biến chuyển của các thế hệ và các thay đổi xã hội. Sự kiện giới trung lưu hồi nổi bật trong các xã hội tây phương bẻ gẫy hàng ngũ xã hội, đặc biệt là tại địa phương. Các thị trưởng tại Pháp không còn có thể từ chối việc xin thành lập một đền thờ hồi giáo. Nhưng họ tìm một imam tốt, hòa hoãn, và một khi imam này đã hội nhập vào cuộc sống xã hội thì sẽ có các khẳng định ôn hòa hơn. Còn những người có các lập trường không thể dung hòa được thì phải đổi. Trên bình diện quốc gia có thể xảy ra thảm cảnh tâm lý như việc đề cập đến áo burqa trùm kín mặt và toàn thân của phụ nữ hồi. Nhưng tại địa phương thì người ta bị bắt buộc phải tìm cho ra một giải pháp. Và chính tại đây người ta xây dựng một cuộc sống chung.

Hỏi: Thưa giáo sư, tôn giáo có còn cống hiến câu trả lời cho các câu hỏi trong tương lai hay không?

Đáp: Tôn giáo hoàn toàn duy trì thế đứng của nó trong các cuộc tranh luận lớn ngày nay. Ngày nay người ta sống một mâu thuẫn giữa sự tự do và thuyết định mệnh: một đàng người ta đề cao một cách thái qúa tư tưởng tự do cá nhân, đàng khác người ta lại khẳng định rằng các thái độ của chúng ta được giải thích bởi sự tiến hóa và sinh học: bạo lực, tương quan nam nữ. Cả vấn đề con cái và chức làm mẹ cũng thế. Liên quan tới các vấn đề lớn như vậy tôn giáo có thể cống hiến một tiếng nói, đặc biệt với các ý niệm rất mạnh mẽ về sự siêu việt và phẩm giá con người.

(Avvenire 24-9-2009)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục