GIÁO LÝ VỀ LUYỆN NGỤC KÉO VỀ .. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

 

Radiovaticana 27/10/2009 – Thứ Bảy áp LỄ LÁ năm 1928, mục sư Anh giáo John Stephan Narayan chính thức từ bỏ các chức vụ trong Anh giáo và gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Batticaloa bên Ấn Độ.

Cuộc trở về với Giáo Hội Công Giáo, Duy Nhất, Thánh Thiện và Tông Truyền là chặng đường dài, kết quả của bao suy tư, tìm hiểu thần học chín chắn và thấu đáo. Xin nhường lời cho mục sư John Stephan Narayan.

Tôi chào đời trong gia đình Ấn giáo. Mẹ tôi là phụ nữ đức hạnh và khôn ngoan. Ngay từ thơ bé, Mẹ đã dạy tôi mỗi ngày phải cầu nguyện như thế này: - Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết Sự Thật!

Chứng từ tôi sắp kể hẳn là kết quả của lời cầu nguyện này.

Kitô Giáo đi vào cuộc đời năm tôi lên 14 tuổi khi học tại trường Anh giáo trong tỉnh. Ngoài ra mối tình gắn bó với một giáo sư trong trường là một trong những nguyên nhân chính đưa tôi đến việc tìm hiểu và yêu mến Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tình yêu lớn lên trong tôi và năm 1916 - tròn 18 tuổi - tôi xin lãnh phép rửa tội và gia nhập Anh giáo.

Trong tâm tình tín đồ Ấn giáo, gia nhập Anh giáo tức là tôi bị cắt đứt hoàn toàn với xứ sở và nhất là với hiền mẫu tôi. Thế nhưng từ ngày vào Anh giáo tôi bỗng cảm thấy nhung nhớ tinh thần hy sinh, hãm mình chay tịnh và lòng đạo đức sâu xa của các tín đồ Ấn giáo. Tôi tự hỏi:

- Không biết trong Kitô Giáo có hình thức đạo giáo nào khác khá hơn Anh giáo không?

Chính trong thời kỳ này, Mẹ tôi qua đời. Tôi quên nói là Mẹ tôi cũng theo tôi trở lại Anh giáo. Cái chết của Mẹ hiền thân yêu thúc đẩy tôi tìm hiểu về trạng thái sống của các Linh Hồn nơi thế giới bên kia.

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về Lửa Luyện Ngục và việc đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố là điểm tích cực đầu tiên lôi kéo tôi chú ý đến Giáo Hội Công Giáo.

Năm 1920 tôi ghi danh tại phân khoa thần học của đại học Bangalore (Ấn Độ) để chuẩn bị nhận các chức vụ trong Anh giáo.

Một năm sau, tôi đến Calcutta và theo học cũng tại trường của Anh giáo. Nơi đây, tôi may mắn quen biết các mục sư Anh giáo có tinh thần rất gần với Công Giáo. Chính các vị này giải thích cho tôi biết là ba ngành: Anh giáo, Chính thống và Công Giáo Roma cùng thuộc về Giáo Hội Công Giáo Duy Nhất.

Năm 1924, tôi được truyền chức mục sư và di chuyển đến làm việc tại Poona. Nơi đây, tôi hân hạnh quen biết Cha Lander, Linh Mục Công Giáo dòng Tên người Ái-nhĩ-lan. Tâm tình ưu ái và sự cảm thông của Cha một lần nữa lôi kéo tôi chú ý đến Giáo Hội Công Giáo.

Năm 1926, ba biến cố xảy ra làm lung lay niềm tin tưởng của tôi đối với Anh giáo. Thứ nhất, mục sư ZaCharias mà tôi hằng quý mến kính trọng, bỗng từ bỏ Anh giáo và chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Biến cố thứ hai: tôi lập gia đình. Trong một buổi trao đổi ý kiến với vợ, bỗng nhiên nàng đột ngột hỏi vặn tôi:
- Làm sao mà ba Giáo Hội tách lìa nhau: Giáo Hội Công Giáo Roma, Giáo Hội Chính Thống Constantinople và Giáo Hội Anh giáo Canterbury, không hề có liên hệ nào với nhau lại có thể tự xưng là những nhành cây sống động của cùng Giáo Hội Công Giáo, Duy Nhất, Thánh Thiện và Tông Truyền???

Câu bắt bẽ của vợ làm tôi chưng hửng và đâm ra lúng túng, không biết giải thích thế nào cho hợp lý ..

Thứ ba: Cha Lander - Linh Mục Công Giáo dòng Tên - khẳng định với tôi là việc truyền chức Linh Mục trong Anh giáo vô hiệu vì nó không có ý hướng ngay lành!

Năm 1927, tôi được chỉ định làm mục sư phụ tá và giám đốc học viện Anh giáo ở Batticaloa. Khi nhận lệnh đổi đến nhiệm sở mới lòng tôi hớn hở vui mừng vì hy vọng rằng, với công tác mới, tôi sẽ chóng quên đi mọi khúc mắc tôn giáo, thường xuyên dày vò tôi. Nhưng THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu cách khác.

Vào một buổi sáng, tôi tình cờ đọc bài giảng của thánh Augustino (354-430) trong đó có đoạn:
- Linh hồn làm cho thân thể sống động cũng giống như Đức Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội, Thân Mình Mầu Nhiệm của Đức Chúa GIÊSU KITÔ sống động. Điều mà linh hồn thực hiện trong một thân xác duy nhất thì Đức Chúa Thánh Thần lại thực hiện trong toàn thể Giáo Hội .. Nhưng anh chị em phải chú ý đến điều này. Rất có thể, đôi khi thân thể con người mất đi một cánh tay hoặc một bàn chân. Nhưng linh hồn có đi theo phần thân thể tách lìa này không? Thưa Không! Khi nào gắn liền với thân thể thì cánh tay và bàn chân sống. Nhưng khi bị tách lìa khỏi thân thể thì cánh tay và bàn chân chết. Điều này cũng được áp dụng cho một tín hữu. Khi nào tín hữu ở trong Giáo Hội Công Giáo thì tín hữu đó có đời sống trong mình và thuộc về Giáo Hội. Nhưng khi tín hữu tách lìa khỏi Giáo Hội Công Giáo thì tín hữu đó trở thành lạc giáo. Một thành phần sống ngoài Giáo Hội Công Giáo thì không có sự sống của Đức Chúa Thánh Thần trong mình.

Câu giải thích của thánh Augustino như luồng sáng chiếu dọi thẳng tâm trí tôi và giải thích hết mọi khúc mắc.

Sau khi tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi từ bỏ chức mục sư trong Anh giáo và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thiện, Duy Nhất và Tông Truyền.

... ”Anh chị em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh chị em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh chị em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một Đức Tin, một phép Rửa Tội. Chỉ có một THIÊN CHÚA, CHA của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Êphêxô 4,2-6).

(”Stella Maris, N.306/1995, trang 14-15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 


Về Trang Mục Lục