Nhìn lại Thượng hội đồng Giám mục thế giới kỳ 2 về Phi Châu.
Vatican [La Croix 27/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến.
Sau gần một tháng làm việc, Thượng hội đồng Giám mục thế giới kỳ II về Phi Châu
đã bế mạc với thánh lễ trọng thể do Ðức thánh cha Beneđitô XVI chủ sự tại Vương
cung Thánh đường thánh Phêrô sáng Chúa nhựt 25 tháng 10 năm 2009.
Kikongo, Swahili, Yorouba, Gueze cũng như Pháp, Anh, Ý, Bồ đào nha
và Latinh: tất cả những ngôn ngữ trên đây đã vang dội trong Vương cung Thánh
đường thánh Phêrô với thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng Giám mục và thể hiện được
hình ảnh của bất cứ một Thượng hội đồng Giám mục thế giới nào: khác biệt nhưng
hiệp thông!
Xuyên suốt 294 bài phát biểu của các nghị phụ, người ta đã thấy
được sự thông hiệp trong dị biệt ấy. Các Ðức giám mục Phi Châu hay đúng hơn của
"những Phi Châu khác nhau" đã có thể trao đổi và chia sẻ với nhau.
"Hãy tin tưởng. Hãy đứng lên, hỡi lục địa Phi Châu". Ðó
là lời mời gọi mà Ðức thánh cha đã ngỏ với lục địa này hôm Chúa Nhựt 25 tháng
10 năm 2009. Ngài nhắc lại rằng "Thiên Chúa dành ưu ái cho những ai thiếu
tự do và hòa bình, những ai bị xúc phạm trong phẩm giá".
Chính vì bản thân đã từng đau khổ mà các Ðức giám mục Phi Châu đã
nhìn thấy các trẻ em mà người ta trao súng bắt phải chiến đấu. Chính vì bản
thân đã từng đau khổ mà các vị mới nhìn thấy các giáo phận của mình ngày càng
trống đi vì con số những người di dân phải bỏ nước ra đi và bỏ mình trong biển
Ðịa Trung Hải, trong vùng sa mạc Sahara hay trong rừng già Congo. Chính vì bản
thân đã từng đau khổ mà các vị mới thấy một bộ phận không nhỏ những thành phần
ưu tú trong các xã hội Phi Châu tham gia vào việc cướp bóc xứ sở của mình.
Chính vì bản thân đã từng đau khổ mà các đức giám mục Phi Châu mới thấy bao
nhiêu gia đình bị bị chết vì dịch bệnh Sida.
Tất cả những thảm cảnh đó, các ngài đã có thể chia sẻ cho nhau và
nói lên với thế giới, bởi vì Thượng hội đồng Giám mục này, cho dẫu được dành
riêng cho Phi Châu, vẫn là một Thượng hội đồng cho toàn thế giới.
Ðức thánh cha, người được nhiều người xem như một nhà "hướng
đạo cho Phi Châu", đã hiện diện trong hầu hết các phiên họp của Thượng hội
đồng.
Ðức hồng y Peter Erdo, Tổng giám mục Esztergom Budapest, kiêm chủ
tịch Liên hội đồng Giám mục Âu Châu, đã nhìn nhận rằng tại Hungari cũng như tại
Nam Phi, sự chuyển tiếp sang nền dân chủ đã đi đôi với "sự độc tài của
những người giải phóng". Và những cuộc bạo động tại Rwanda cũng dựa trên
những nền tảng rất gần với các thảm kịch tại Cựu Nam Tư.
Do đó, vấn đề của Phi Châu cũng là vấn đề "cai trị".
Chính vì vậy mà một trong những kêu lớn của các nghị phụ Thượng hội đồng Giám
mục thế giới về Phi Châu là lời kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, nhứt là
những nhà lão đạo Công giáo, hãy sống thánh thiện.
Ông Edam Kodjo, nguyên tổng thư ký của Tổ Chức Phi Châu thống nhứt,
nguyên thủ tướng Togo và hiện đang là giáo sư giáo phụ học tại Học Viện Thánh Phaolô
ở Lomé, đã được mời tham dự Thượng hội đồng với tư cách là dự thính viên. Ông
Kodjo đã chia sẻ như sau: "Rất thường các nhà lãnh đạo của chúng tôi là
những người không có khả năng. Giáo hội có bổn phận phải kêu gọi nhiều công lý
hơn, nhiều tình liên đới hơn, nhiều mưu cầu công ích hơn. Nhiều lần tôi do dự
không muốn đeo đuổi sự nghiệp chính trị, bởi vì tôi không thể giết một đối thủ.
Tại Phi Châu chúng tôi, các tín hữu Kitô không được chuẩn bị đầy đủ cho hoạt
động chính trị".
Trong bữa cơm qui tụ các nghị phụ xung quanh Ðức thánh cha hôm thứ
Bảy 24 tháng 10 năm 2009, ông Kodje lại nói đến con đường khó khăn của Giáo
hội. Theo ông, chủ đề "hòa giải, công lý và hòa bình" chắc chắn bao
gồm chiều kích chính trị. Tuy nhiên, không thể thực hiện được chủ đề đó nếu
không thanh luyện tâm hồn để gặp gỡ Chúa. Sự canh tân của Chúa Thánh Thần không
thể có được nếu không được thực hiện trên phương diện chính trị. Nhưng để tránh
bị "chính trị hóa", lời của vị chủ chăn cần phải cụ thể, có tính cách
thiêng liêng.
Dịch bệnh Sida cũng là một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều
nhứt tại Thượng hội đồng. Các nghị phụ nói đến một giải pháp toàn cầu cho vấn
đề này. Ðược mời tham dự Thượng hội đồng với tư cách là một chuyên gia, cha
Michael Czerny, Giám đốc Mạng lưới chống Sida của Dòng Tên tại Phi Châu, đã
khẳng định: "Giáo hội Công giáo là một trong những tác nhân chính trong
cuộc chiến chống lại Sida. Trên 40 phần trăm các dịch vụ chống lại dịch bệnh
này do Giáo hội điều khiển. Tại những vùng sâu vùng xa, chỉ có Giáo hội mới đảm
trách các dịch vụ này".
Cha Czerny cho biết: giáo dục, phòng ngừa, chăm sóc, nâng đỡ tinh
thần, hòa giải, tìm kiếm công ăn việc làm v.v đều đi với nhau tại các trung tâm
do Giáo hội điều khiển. Về việc xử dụng bao cao su, vị linh mục này nói:
"Phi Châu xem đây như một sản phẩm tốn kém, bất thường, du nhập từ Tây
Phương".
Ngoài các vấn đề trên đây, các nghị phụ cũng quan tâm đến mối quan
hệ với hồi giáo tại Phi Châu. Ðức cha Claude Rault, giám mục Laghouat tại
Algerie nói: "Tiếng nói của chúng tôi về một cuộc gặp gỡ tích cực với hồi
giáo đã được lắng nghe".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Frederic Mounier của Nhựt
Báo Công giáo Pháp "La Croix", một số đề tài được nhắc đến nhiều
trong các bài phát biểu của các nghị phụ, đã không được phản ánh trong sứ điệp
của Thượng hội đồng hay trong các đề nghị chung kết. Chẳng hạn, "chủ nghĩa
đế quốc văn hóa Tây phương" đã không được nói đến. Ngoài ra, ba vấn đề
thiết yếu như độc thân linh mục, độc lập tài chính của các giáo phận hay hội
nhập văn hóa của phụng vụ... chỉ được nhắc thoáng qua.
Cuối cùng, nhiều nghị phụ than phiền rằng trong 73 ký giả được phép
theo dõi Thượng hội đồng, rất ít người đến từ Phi Châu.
Chu Văn