Nền kinh tế dân sự và tình liên đới huynh đệ
Radiovaticana 27/10/2009 – Phỏng vấn ông Stefano Zamagni, chuyên
viên kinh tế, về nền kinh tế dân sự và nguyên tắc của tình huynh đệ liên đới
Sau hơn một năm bị khủng hoảng và thụt lùi trầm trọng, hệ thống
kinh tế tài chánh xem ra bắt đầu sáng sủa hơn một chút. Nó đã cống hiến cho
hàng lãnh đạo chính trị kinh tế xã hội dịp suy tư trở lại mô thức tài chánh
kinh tế thịnh hành trong thế giới tư bản cho tới nay, đồng thời cũng giúp mọi
người nhận ra sự giòn mỏng và các thiếu sót của nó. Từ đó nhiều chuyên viên
kinh tế đã đề ra các mô thức mới, bằng cách trở về với một số nguyên tắc đã
được trình bầy trong qúa khứ, điển hình như nguyên tắc tình huynh đệ và liên
đới của nền kinh tế dân sự.
Trong thời gian qua hai chuyên viên kinh tế Luigino Bruni, giáo sư
kinh tế đại học Milano Bicocca và giáo sư Stefano Zamagni, giáo sư kinh tế đại
học Bologna trung bắc Italia, đã cho ấn hành cuốn ”Từ điển kinh tế dân sự” từ A
tới Z. Cuốn sách này đang lôi kéo sự chú ý của các đại học Hoa Kỳ.
Sau đây chúng tôi xỉn gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông
Stefano Zamagni, giáo sư kinh tế, về nền kinh tế dân sự và nguyên tắc của tình
huynh đệ liên đới.
Hỏi: Thưa giáo sư Zamagni, tại sao cuốn từ điển kinh tế này lại là
một đóng góp đặc thù của các chuyên viên Italia?
Đáp: Lý do dễ hiểu bởi vì nền kinh tế dân sự là một sáng chế của
Italia. Kiểu nói này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1754, khi vua Federico II
của Napoli là Bartolomeo Intieri, giao cho đức viện phụ Antonio Genovesi, môn
sinh của Giambattista Vico, ghế dậy môn ”Cơ khí và thương mại”, và viện phụ
Genovesi bắt đầu dậy về kinh tế dân sự, cũng là tựa đề cuốn sách viện phụ cho
xuất bản năm 1765.
Hỏi: Khi duyệt xét các sách kinh tế tiếng Ý cũng như tiếng ngoại
quốc người ta ít tìm thấy từ ”dân sự”, tại sao vậy thưa giáo sư?
Đáp: Vì kiểu nói ”kinh tế dân sự” biến mất vào cuối thế kỷ thứ XVII. Nó
đã được thay thế bằng kiểu nói ”kinh tế chính trị” của ông Adam Smith. Tác phẩm
nổi tiếng nhất của ông là ”Sự giầu có của các quốc gia”, xuất bản năm 1776. Nó
không chỉ diễn tả việc thay đổi ý nghĩa mà cũng diễn tả sự thay đổi mô thức
nữa.
Hỏi: Có sự khác biệt nào giữa ”kinh tế dân sự” và ”kinh tế chính
trị” hay không, vì cho tới nay nền kinh tế thống trị vẫn là nền kinh tế chính
trị. Thế còn nền kinh tế dân sự thì đâu không thấy thưa giáo sư?
Đáp: Kinh tế chính trị dựa trên hai cột trụ chinh: đó là nguyên lý của
sự trao đổi các vật tương xứng với nhau, từ đó phát xuất ra sự hữu hiệu; và
nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc tái phân phối, để bảo đảm cho sự công bằng.
Kinh tế dân sự còn thêm vào đó một nguyên tắc thứ ba nữa: đó là nguyên tắc của
sự hỗ tương. Sự khác biệt nằm ở đây. Cần phải thực hiện tình huynh đệ giữa con
người với nhau trong các tương quan trao đổi. Như thế kinh tế dân sự bao gồm cả
kinh tế chính trị, nhưng không ngược lại. Và tư tưởng kinh tế Italia là điển
hình như tư tưởng của ông Luigi Einaudi, là người đã luôn luôn duy trì lập
trường này, khác với truyền thống của người Anglosaxon được hướng dẫn bằng khẩu
hiệu ”làm ăn là làm ăn”.
Hỏi: Giáo huấn xã hội của Hội Thánh lấy lại truyền thống kinh tế
này của Italia có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Đúng thế. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh không chống lại tư bản
hay thị trường, như nhiều lần người ta vẫn thường nghe nói một cách sai lầm.
Giáo huấn xã hội của Hội Thánh cũng không ủng hộ chế độ tập thể. Đúng hơn nó
lựa chọn nguyên tắc của tình huynh đệ được lý thuyết hóa bởi nền kinh tế dân
sự, và nhờ nó mà nền kinh tế dân sự thắng vượt được nền kinh tế chính trị,
trong nghĩa nó hội nhập chứ không chống đối. Chính thông điệp ”Bác ái trong
chân lý” trong đó từ chủ nghĩa tư bản không xuất hiện, lồng khung vào trong môi
trường này và tái chiếm lại ý niệm về nền kinh tế dân sự. Và nó được coi như là
cách mạng trong khung cảnh của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay,
ngay trong lúc người ta bắt đầu thảo luận về chính các nền tảng của chủ nghĩa
tư bản.
Hỏi: Giáo sư có nghĩ rằng tại thị trường chứng khoán Wall Street
hay tại trường dậy kinh tế thuộc đai học Harvard hay Luân Đôn, có người sẵn
sàng thảo luận trở lại khung ý niệm của thuyết kinh tế hay không?
Đáp: Trong các ngày này người ta đang thu thập các chữ ký do ông Paul
Krugman, giải thưởng Nobel kinh tế phát động ngày mùng 3-9-2009 trên tờ New
York thời báo. Ông Krugman cho rằng một trong những lý do gây ra cuộc khủng
hoảng tài chánh kinh tế hiện nay trên thế giới đó là mô thức thống trị trong
các nghiên cứu kinh tế. Đã có 1.550 chuyên viên kinh tế nổi tiếng toàn thế giới
ký tên. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là sau cùng người ta nêu vấn nạn
liên quan tới các hạn hẹp của mô thức đã cai trị lãnh vực kinh tế tài chánh từ
thời Adam Smith cho tới nay.
Hỏi: Thế thì đâu là các hạn hẹp của mô thức tài chánh kinh tế đã
thống trị thế giới cho tới nay thưa giáo sư?
Đáp: Hạn hẹp thứ nhất đó là nó đã tách rời nguyên tắc tương ứng khỏi
hai nguyên tắc kia như đã trình bầy trên đây. Hạn hẹp thứ hai đó là sản xuất ra
một mô thức trợ cấp xã hội không thể chịu đựng nổi nữa, vì nó áp dụng việc tái
phân phối một cách vô danh, biến con người ta trở thành ”tùy thuộc”, ”được trợ
giúp”, và trái lại đã không áp dụng sự tương ứng trợ giúp nhau là điều luôn
luôn có tính cách bản vị giữa cá nhân với cá nhân. Sau cùng từ thời Adam Smith
thị trường và dân chủ bị tách rời khỏi nhau. Ngày nay chúng ta biết rằng mô
thức này không còn hoạt động được nữa: nền kinh tế dân sự chỉ hoạt động khi
được lồng khung vào trong một môi trường dân chủ. Nghĩa là nền dân chủ không
thể chỉ được áp dụng vào lãnh vực chính trị, mà phải được áp dụng vào trong cả
lãnh vực kinh tế nữa. Và điều này cho phép diễn tả ra qua các sức mạnh sáng tạo
của xã hội dân sự, chẳng hạn như các tổ chức không lợi nhuận và thế giới hợp
tác xã. Tôi đang nghiên cứu ”thuyết của việc đầu tư hợp tác xã”, chính là để
trao ban cho thế giới này chính phẩm giá của việc đầu tư tư bản. Đầu tư để sinh
lợi hầu tương trợ lẫn nhau trong tình huynh đệ chia sẻ, chứ không phải để khai
thác bóc lột nhau và chỉ nhắm tới lợi nhuận cá nhân, mà không kể gì tới phẩm
giá con người và công ích.
Hỏi: Giáo sư đã tái chiếm lại ý niệm về nền kinh tế dân sự khi nào?
Đáp: Tôi đã tái chiếm lại ý niệm về nền kinh tế dân sự với ba
nguyên tắc quân bình vào thập niên 1990, khi tôi bất ngờ tìm ra cuốn sách của
viện phụ Antonio Genovesi, là viện phụ đã được vua Federico II của vương quốc
Napoli là Bartolomeo Intieri giao cho nhiệm vụ dậy môn cơ khí và và thương mại,
và viện phụ đã bắt đầu giảng các bài học về kinh tế dân sự.
Hỏi: Thế chúng ta có thể vẽ lại cây gia phả của nền kinh tế dân sự
như thế nào thưa giáo sư?
Đáp: Có thể vẽ lại gia phả của nó như thế này: bắt đầu là viện phụ
Genovesi, rồi tới Giacinto Dragonetti, sau đó là Ferdinanso Gallini, rồi tới
Pietro Verri, tiếp đến là Giandomenico Romagnosi và Cesare Beccaria liên quan
tới các nguồn gốc của nó. Vào thời mới sau này thì có Luigi Einaudi và giáo
huấn xã hội của Hội Thánh Công Giáo, đặt để phẩm giá cao trọng của con người,
được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa vào trung tâm mọi tổ chức và
sinh hoạt chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa và tôn giáo. Tất cả đều phải nhắm
tới chỗ phục vụ công ích và tạo dựng hạnh phúc cho con người.
Hỏi: Thế còn chỗ đứng của các triết gia, các người cha đỡ đầu cho
nền kinh tế dân sự thì sao thưa giáo sư?
Đáp: Trước hết là thánh Agostino. Tiếp đến là các tu sĩ Phanxicô là
những người đã sáng chế ra các ngân hàng dân sự đâu tiên, với Bonaventura da
Bagnoregio. Rồi đến trường phái Kinh viên hai, đặc biệt là trường phái
Salamanca bên Tây Ban Nha. Tiếp đến là kinh tế gia Vico, thầy đậy của viện phụ
Genovesi. Vico là người đầu tiên dùng hình ảnh ám tỉ của ”bàn tay vô hình” để
miêu tả thị trường, và với nó kinh tế gia Adam Smith trở thành nổi tiếng. Sau
cùng là lòng vị tha và chủ nghĩa nhân vị với các triết gia Mounier và Maritain.
(Avvenire 3-10-2009)
Linh Tiến Khải