Loan báo cho thế
giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh
RV 15/04/2009 – Hãy loan báo cho thế giới niềm hy vọng và
sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh. Đức Thánh Cha đã mời gọi hơn 40.000
tín hữu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 15-4-2009 tại quảng trường thánh
Phêrô như trên. Trong các nhóm hiện diện cũng có một phái đoàn Việt Nam do cha
Anthony Nguyễn Duy Tường, phó xứ Saint Patrick tại San José , bắc tiểu bang
California , hướng dẫn. Ngày mai 16-4-2009 là sinh nhật thứ 82 của Đức Thánh
Cha.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về niềm vui thiêng liêng mà Chúa
Kitô phục sinh trao ban cho tín hữu. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói buổi gặp gỡ
ngày thứ tư cũng tràn đầy niềm vui mà không có nỗi khổ đau khốn khó nào có thể
xóa bỏ được, vì nó phát xuất từ niềm tin chắc chắn Chúa Kitô đã vĩnh viễn chiến
thắng sự dữ và cái chết. Niềm vui của Chúa Kitô phục sinh không chỉ kéo dài
trong Tuần Bát Nhật mà trải dài ra trong 50 ngày cho tới lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống, và trong suốt cuộc sống của kitô hữu.
Các bài đọc kinh thánh của mùa phụng vụ này cống hiến cho
tín hữu chất liệu suy niệm giúp đào sâu ý nghĩa và giá trị của lễ Phục Sinh.
”Con đường thập giá” mà chúng ta đã đi trong Tam Nhật Thánh để sống cuộc khổ
nạn đớn đau với Chúa Kitô đã trở thành ”con đường ánh sáng” đem lại ủi an trong
lễ Vọng Phục Sinh. Dưới ánh sáng của sự phục sinh chúng ta có thể nói rằng toàn
con đường khổ đau này là đường của ánh sáng và sự tái sinh tinh thần, con đường
của an bình nội tâm và niềm hy vọng vững vàng. Sau tiếng khóc, sau sự lạc lõng
của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là sự thinh lặng đợi chờ của Ngày Thứ Bẩy Tuần
Thánh và vào rạng đông của ”hôm sau ngày thứ bẩy” đã vang lên lời loan báo Sự
Sống đã đã chiến thắng cái chết: ”Chúa sự sống đã chết; nhưng giờ đây sống và
chiến thắng!” Cái mới mẻ của sự phục sinh quan trọng tới độ Giáo Hội không
ngừng công bố việc kỷ niệm nó mỗi ngày Chúa Nhật. Thật thế mỗi Chúa Nhật là
”ngày của Chúa” và lễ Phục Sinh hằng tuần của dân Thiên Chúa. Vì thế để minh
nhiên mầu nhiệm cứu độ tràn ngập cuộc sống thường ngày của chúng ta, các tín
hữu Kitô đông phương gọi ngày Chúa Nhật trong tiếng Nga là ”ngày của sự phục
sinh” (voskrescénje). Đức Thánh Cha nêu bật tầm quan trọng của sự phục sinh như
sau:
Loan báo sự sống lại của Đức Giêsu thành Nagiarét như
biến cố thực sự, lịch sử được chứng thực bởi nhiều chứng nhân uy tín vì thế là
điều nền tảng đối với lòng tin của chúng ta và đối với chứng tá Kitô. Chúng ta
mạnh mẽ khẳng định điều này, vì cả thời nay nữa cũng không thiếu người tìm chối
bỏ tính cách lịch sử của nó, bằng cách giản lược trình thuật tin mừng thành một
huyền thoại, một ”thị kiến” của các Tông Đồ, bằng cách lấy lại và trình bầy các
giả thuyết mòn cũ như là giả thuyết mới và khoa học. Chắc chắn là đối với Đức
Giêsu sự phục sinh không phải là một việc đơn thuần trở lại cuộc sống trước đó.
Thật thế vì trong trường hợp này thì đó sẽ chỉ là một chuyện của qúa khứ: vì
cách đây 2000 năm có một người đã được trở lại cuộc sống trước đó như ông
Ladarô chẳng hạn.
Sự phục sinh nằm trên một chiều kích khác: đó là việc bước vào một chiều
kích mới mẻ nền tảng, liên quan tới cả chúng ta nữa và liên hệ tới toàn gia
đình nhân loại, lịch sử và vũ trụ. Biến cố này đã đưa vào một chiều kích mới mẻ
của sự sống, mở rộng thế giới này cho sự sống vĩnh cửu và đã thay đổi cuộc sống
của các nhân chứng tận mắt như được chứng minh trong các trình thuật phúc âm và
các tài liệu khác của Tân Ước. Nó là một lời loan báo mà nhiều thế hệ dọc dài
lịch sử đã tiếp nhận với lòng tin và thường làm chứng bằng chính giá máu của
họ, vì biết rằng như thế là họ được bước vào trong chiều kích mới mẻ này của sự
sống. Cả trong lễ Phục Sinh năm nay nữa, tại mọi nơi trên trái đất này đã vang
lên tin vui không thay đổi nhưng luôn mới mẻ đó là: Đức Giêsu chết trên thập
giá đã sống lại, hiện sống hiển vinh, vì Ngài đã đánh bại quyền lực của cái
chết đã đem con người vào trong sự hiệp thông mới với Thiên Chúa và trong Thiên
Chúa. Đó là chiến thắng của lễ Phục Sinh, đó là sự cứu rỗi của chúng ta! Và vì
thế chúng ta có thể cùng thánh Agostino hát lên rằng: ”Sự phục sinh của Chúa
Kitô là niềm hy vọng của chúng ta”, vì Người dẫn đưa chúng ta vào trong một
tương lai mới.
Thật vậy sự phục sinh của Đức Giêsu xây nền cho niềm hy
vọng vững vàng của chúng ta và soi sáng toàn cuộc lữ hành của chúng ta trên
dương thế này. Lòng tin nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại là trọng tâm
của toàn sứ điệp tin mừng, là nõi tủy kinh ”Tin Kính” của chúng ta. Từ kinh tin
kính nòng cốt đó chúng ta có thể tìm thấy một kiểu nói uy tín trong một đoạn nổi
tiếng của thư thứ I thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô (15.3-8), để trả
lời cho vài người trong cộng đoàn tuyên xưng sự sống lại của Chúa Giêsu, nhưng
lại khước từ sự sống lại của những người đã chết. Văn bản trung thực truyền lại
điều thánh nhân đã nhận được từ cộng đoàn tông đồ liên quan tới cái chết và sự
sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô bắt đầu với khẳng định long trọng này:
”Thưa chị anh em, tôi xin nhắc lại cho anh chị em Tin Mừng tôi đã loan báo và
anh chị em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó anh chị em được cứu
thoát, nếu anh chị em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì có tin cũng
vô ích” (1-2). Thánh nhân thêm ngay rằng chính ngài truyền lại cho họ điều ngài
đã nhận lãnh. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật như sau:
Trước hết thánh Phaolô trình bầy cái chết của Đức Giêsu
và đưa ra trong văn bản đơn sơ này hai ghi chú liên quan tới tin “Đức Kitô đã
chết”. Thứ nhất là Ngài ”chết vì tội lỗi chúng ta”; thứ hai là ”theo lời Kinh
Thánh” (c. 3). Kiểu nói ”theo lời Kinh Thánh” đặt để biến cố cái chết của Chúa
Giêsu vào trong tương quan với lịch sử giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài
trong Cựu Ước, và khiến cho chúng ta hiểu rằng cái chết của Con Thiên Chúa
thuộc lịch sử cứu rỗi, và còn hơn thế nữa nó khiến cho chúng ta hiểu rằng lịch
sứ ấy nhận được cái luận lý và ý nghĩa của nó từ cái chết này. Cho tới lúc đó
cái chết của Đức Kitô đã như là một bí ẩn, không có kết cục chắc chắn. Nhưng
trong mầu nhiệm phục sinh các lời của Kinh Thánh được thành toàn, nghĩa là cái
chết đã hiện thực theo lời Kinh Thánh ấy là một biến cố đem theo mình một luận
lý: cái chết của Chúa Kitô làm chứng rằng Lời của Thiên Chúa đã trở thành ”thịt
xác”, đã trở thành ”lịch sử” nhân loại. Qua ghi chú thứ hai chúng ta hiểu biến
cố đó đã xảy ra thế nào và tại sao: Chúa Kitỗ đã chết ”vì tội lỗi chúng ta”.
Với các lời này văn bản của thánh Phaolô xem ra lấy lại các lời trong bài ca
thứ tư của ngôn sứ Isaia: Người Tôi Tở của Thiên Chúa ”đã lột bỏ chính mình cho
tới chết”, đã mang lấy ”tội lỗi của nhiều người”, và khi bầu cử cho ”các người
có tội”, Ngài đã có thể đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Như
thế cái chết của Ngài chấm dứt cái chết; con đường Thập giá đem lại sự phục
sinh.
Tiếp đến thánh Phaolô đề cập tới sự phục sinh của Chúa
Kitô vào ”ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh”. Nhiều nhà chú giải cho rằng nó có ý
nghĩa như trong Thánh Vịnh 16: ”Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (TV 16,10). Đây là một trong
các văn bản hay được Kitô giáo thời tiên khởi dùng để chứng minh cho tính cách
cứu thế của Đức Giêsu. Vì theo sự giải thích của người do thái sự rữa nát của
thân xác bắt đầu vào ngày thứ ba. Và lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Đức Giêsu là
Đấng đã sống lại ngày thứ ba, nghĩa là trước khi thân xác bắt đầu rữa nát.
Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Chúa Kitô xảy ra qua sức mạnh tạo
dựng của Lời Chúa. Quyền năng đó của Thiên Chúa đem lại hy vọng và niềm vui: và
đó là nội dung giải phóng của mạc khải phục sinh. Trong lễ Phục Sinh Thiên Chúa
tự tỏ hiện và quyền năng tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa hủy diệt các
sức mạnh phá hoại của sự dữ và cái chết. Chúng ta hãy để cho ánh quang của Chúa
phục sinh soi chiếu và tiếp đón Chúa với lòng tin như các chứng nhân đầu tiên
xưa kia như thánh Phaolô và loan báo tin vui phục sinh cho mọi người.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và tiếng Ý. Ngỏ lời với các tín hữu nói
tiếng Ý Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào một nhóm các Phó Tế dòng Tên và thân
nhân về Roma hành hương. Ngài cũng chào đông đảo các bạn trẻ thuộc tổng giáo phận
Milano, đang chuẩn bị cho lễ tuyên xưng lòng tin sau khi lãnh bí tích Thêm Sức.
Ngài cũng cầu chúc các bệnh nhân và các cặp vợ chồng mới cưới để cho ánh sáng
của Chúa Kitô phục sinh chiếu sáng cuộc đời và sống kinh nghiệm niềm vui phát
xuất từ sự hiện diện của Ngài.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành
tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải