Lễ phong thánh cho 5 chân phước 26-4-09

 

RV 26/04/2009 (Radio Vatican)– Lúc 10 giờ sáng hôm qua, trên thềm đền thờ thánh Phêrô, đức thánh cha đã chủ sự lễ tôn phong hiển thánh cho năm vị chân phước sống cách nhau khá lâu về thời gian, từ cuối thế kỷ 13 cho đến thế kỷ 19.

 Thực vậy, thánh Bernarđô Tôlômei, viện phụ và sáng lập dòng Biển đức nhánh Monte Oliveto, sinh tại thành phố Siena năm 1272. Nguyên là một luật sư, vào lúc 40 tuổi ông từ bỏ nghiệp chính trị để sống đời cô tịch tại một miền núi cách đó 30 cây số. Cùng với hai bạn đồng chí hướng, ông đã khai trương một đan viện, mang tên là núi Olivetê. Năm 1348, khi thành phố Siena trải qua một cơn dịch tễ, cha rời đan viện cùng với 82 tu sĩ để giúp các nạn nhân, và tất cả đã qua đời vì lây bệnh.

12 năm sau khi cha Bernardo qua đời, thì tại Bồ-đào-nha, vị anh hùng tương lai của quốc gia mở mắt chào đời (năm 1360), đó là Nuno Alavares Pereira, được thăng làm tướng lãnh lúc 23 tuổi, và đã chỉ huy quân đội trong cuộc chiến thắng dành độc lập khỏi ảnh hưởng của nước Tây-ban-nha. Tuy nhiên, sau khi bà vợ qua đời vào năm 1387, ông đã phân chia tài sản cho người nghèo, và xin gia nhập dòng Carmêlô chấp nhận địa vị khiêm tốn của một trợ sĩ, đội tên là Nuno de Santa Maria, vì muốn bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ. Thầy qua đời vào chính ngày lễ Phục sinh năm 1431.

Vị tân hiển thánh thứ ba xét theo thứ tự thời gian là chị Caterina Volpicelli sinh năm 1839 tại Napoli . Khi lên 20 tuổi, chị xin vào dòng các nữ tu thờ lạy Thánh Thể, nhưng vì lý do sức khoẻ chị đành phải hồi tục. Tuy nhiên, chị không từ bỏ ý định dâng mình cho Chúa. Khi nghe biết sự truyền bá hội Tông đồ cầu nguyện ở quê nhà, chị đăng ký làm thành viên, và cùng với một số hội viên, chị đã thành lập hội nữ tì Thánh Tâm, vừa chiêm niệm vừa phục vụ các trẻ mồ côi, các thiếu nữ và người nghèo. Chị qua đời năm1894.

Một năm trước đó, tại Brescia, miền Bắc Italia, linh mục Arcangelo Tadini vừa thành lập một quỹ tương trợ dành để trợ giúp những công nhân bị tai nạn. Táo bạo hơn nữa, năm 1900, cha Tadini (sinh năm 1846) lập một dòng nữ tu mang tên là các nữ công nhân thánh gia Nazaret, với mục tiêu là chia sẻ đời sống lao động với các nữ công nhân trong các xí nghiệp, từ giờ giấc cho đến công tác. Cha qua đời năm 1912

Chị Caterina Comensoli thua cha Tadini 1 tuổi (sinh năm 1847). Khi còn bé, chị đã có lòng mộ mến Thánh thể, và lúc lên 6 tuổi, em đã lẻn lên rước Mình Thánh Chúa. 13 năm sau đó, chị vào tu dòng thánh Angelica Merici, chuyên lo việc giáo dục. Do lòng kính mến Thánh Thể thôi thúc, chị đã lập hội dòng Thờ lạy Thánh Thể (và đổi tên là Gertrude) vào năm 1882 ở Bergamo . Chị qua đời năm 1903.

Mặc dù sống vào những thời buổi khác nhau, nhưng trong bài giảng Thánh lễ, đức thánh cha đã nêu bật một nét chung, nguồn mạch cho sự thánh thiện, đó là bí tích Thánh Thể. Như đã nói, Thánh lễ bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng, do đức thánh cha chủ sự với 50 vị đồng tế, trong số đó có 19 hồng y và giám mục, thuộc các quốc gia hoặc giáo phận của các vị tân hiển thánh. Dựa theo các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt thứ 3 Phục sinh, đức Bênêđictô đã chú giải sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh, cách đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể. Ngài nói:

Trong bài Tin mừng, thánh Luca thuật lại một lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ (24,35-48). Ngày từ đầu bài trình thuật, thánh sử ghi nhận rằng hai môn đệ Emmaus đã vội vã về Giêrusalem, kể lại cho các tông đồ về việc họ nhân ra Chúa qua việc bẻ bánh. Và đang khi họ kể lại cảm nghiệm gặp gỡ Chúa, thì chính Người đã đứng ở giữa họ. Vì sự hiện ra cách bất chợt như vậy, nên các tông đồ đã hoảng hốt sợ hãi, đến độ Chúa Giêsu phải trấn an họ, bảo họ hãy chạm đến mình để chứng thực là chính Người chứ không phải là ma, và bảo họ đưa cái gì để ăn. Lại một lần nữa, cũng như đã xảy ra cho hai môn đệ Emmaus, đang khi ngồi ăn với các môn đệ mà Chúa Giêsu đã tỏ mình cho họ, giúp cho họ hiểu Kinh thánh và đọc các biến cố cứu độ dưới ánh sáng của sự phục sinh. Chúa nói: “Cần phải hoàn tất hết những gì đã viết về Thầy trong Lề luật Môsê, các ngôn sứ và thánh vịnh”. Chúa còn mời họ hãy nhìn về tuơng lai: “nhân danh Người, muôn dân sẽ được nghe giảng về sự thống hối và tha thứ”.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh được diễn lại mỗi khi cử hành Thánh Thể, cách riêng là vào ngày chúa nhựt. Thánh thể - tức là việc bẻ bánh, theo ngôn ngữ của sách Tông đồ công vụ - là chỗ ưu việt để Giáo hội nhận biết “tác giả của sự sống” (xc Cv 3,15), Nơi Thánh Thể, nhờ đức tin, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu là “bàn thờ, hy lễ và thượng tế” (xc Tiền tụng 3 mùa Phục sinh). Chúng ta tụ họp nhau để tưởng nhớ những lời của Người và những biến cố được ghi lại trong Sách Thánh; chúng ta sống lại cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Người. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu, hy lễ xá tội, và chúng ta nhận được sự tha thứ và sự sống. Nếu không có Thánh Thể, thì đời sống kitô hữu sẽ ra thế nào? Thánh Thể là gia sản hằng hữu mà Chúa để lại cho chúng ta; chúng ta cần suy gẫm và đào sâu, ngõ hầu bí tích này in đậm dấu ấn trên hết mọi ngày của đời ta. Chính nhờ được nuôi dưỡng bởi bí tích Thánh Thể, mà các vị tân hiển thánh đã chu toàn sứ mạng tình thương qua nhiều hình dạng.

 Lần lượt đức thánh cha đọc lại cuộc đời của các ngài để chứng tỏ mối liên hệ đó. Thánh Bernardo Tololomei đã sống đời chiêm niệm sâu xa, đã học đức khiêm nhường trong khi cai quản đan viện, đã thực hành đức ái qua việc xả thân phục vụ những nạn nhân mắc bệnh dịch đến nỗi chết vì lây bệnh. Nhờ đời sống cầu nguyện, thánh Nuno de Santa Maria luôn tín thác vào Chúa, dù khi hoạt động trong quân đội hay khi chấp nhận làm một tu sĩ khiêm tốn. Cách riêng thánh nữ Gertrude nổi bật về sự thờ lạy Thánh Thể, ngay từ khi còn bé; khi lập dòng nữ tì thờ lạy Thánh Thể, chị đã muốn đặt việc thờ lạy Chúa lên trên tất cả mọi hoạt động, nhưng cũng nhờ sự chiêm niệm tình thương của Chúa mà chị đã biết nhìn nhận sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Hai vị thánh Tadini và Volpicelli, sáng lập hội dòng hoạt động xã hội, cũng mang một tinh thần tương tự, nghĩa là từ Thánh Thể, từ việc chiêm ngắm tình thương của Chúa, mà chúng ta nhạy cảm với những nhu cầu của tha nhân. Kết luận, ngài nói: “chúng ta hãy theo gương các vị thánh, biến cuộc đời trở thành một bài chúc tụng Thiên Chúa, theo gương Đức Giêsu, mà chúng ta thờ lạy trong nhiệm tích và phục vụ nơi tha nhân”.

Thánh lễ kết thúc khi đã quá 12 giờ trưa. Trước khi ban phép lành bế mạc, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thăm các phái đoàn hành hương, trong đó có đại diện các cơ quan chính phủ hoặc hành chánh, đến dự lễ phong thánh. Sau đó ngài đã cất bài hát Regina caeli.

Bình Hòa

 


Về Trang Mục Lục