CUỘC TÔNG DU ISRAEL SẼ LÀM TĂNG TIẾN MỐI LIÊN HỆ GIỮA DO THÁI GIÁO VÀ CÔNG GIÁO

VATICAN CITY (CNS) - Một vị giáo trưởng cao cấp đạo Do thái nói rằng cuộc viếng thăm Đất Thánh của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chắc chắn sẽ củng cố tiến trình hòa giải lịch sử giữa người Công giáo và Do thái giáo.

Cuộc tông du của Đức giáo hoàng từ ngày 8 đến 15 tháng 5 sắp tới, trong đó có 5 ngày tại Jerusalem sẽ chứng tỏ niềm kính trọng của Tòa thánh Vatican đối với quốc gia Israel, là một bộ phận trong căn tính Do thái. Đó là lời tuyên bố của Giáo trưởng David Rosen, giám đốc phụ trách liên tôn giáo vụ thuộc Ủy ban người Mỹ theo Do thái giáo.

Những lời bình luận của Giáo trưởng Rosen được đăng tải trên báo L'Osservatore Romano của Tòa thánh trong ấn bản Anh ngữ ra ngày 29 tháng 4 vừa qua.

Giáo trưởng Rosen viết: “Khi thăm viếng Israel, chứng tỏ lòng tôn trọng quốc gia Do thái của Tòa thánh, và củng cố ảnh hưởng cuộc thăm viếng mở đường của vị tiền nhiệm ngài, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chắc chắn sẽ làm tăng tiến quá trình lịch sử trong việc hoà giải giữa người Công giáo và Do thái giáo.”

“Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ bước đi trên vết chân của vị tiền nhiệm cao cả của ngài, xét theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II – người anh hùng về hòa giải giữa Công giáo và Do thái giáo của thời đại chúng ta – đã hiểu đầy đủ rõ ràng rằng cuộc thăm viếng Israel của một vị giáo tông tự nó đã có một ý nghĩa đặc biệt.”

Giáo trưởng Rosen nói: Mặc dù cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô hồi năm 2000 đã được mô tả là một cuộc hành hương, nhưng “nó vẫn là một cuộc thăm viếng ở cấp độ quốc gia với tất cả những nghi thức thích đáng“ và đã công nhận mối liên hệ căn bản chính yếu giữa người Do thái giáo với đất đai của Israel. Cả Đức giáo hoàng Bênêđictô cũng thế, sẽ chứng tỏ cho 6 triệu người Do thái ngày nay cư ngụ tại vùng Đất Thánh, một điều gì khác hơn chỉ là thiện chí.

Giáo trưởng nói rằng một cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng có thể biểu lộ rộng rãi hơn một số những nguyên tắc và giá trị quen thuộc đối với những chuyên viên về đối thoại.

Ông nói: “Hầu hết người Israel theo Do thái giáo và đặc biệt là thành phần thủ cựu trong số những người này, đã chưa hề gặp mặt một người Kitô giáo thời đại mới.” Nhưng khi họ chứng kiến việc Đức giáo hoàng Gioan Phaolô thăm viếng đài Yad Vashem, nơi tưởng niệm nạn nhân vụ tàn sát tập thể, và Bức Tường Than khóc, cũng như nghe được những điều ngài phát biểu, họ nhận ra rằng người lãnh đạo Giáo hội Công giáo là một “người bạn chân thành.”

Giáo trưởng Rosen cũng ghi nhận rằng những cuộc thăm viếng của vị giáo hoàng có thể tạo thêm những sáng kiến cụ thể.

Ông nói: Trong cuộc thăm viếng năm 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã đề nghị thiết lập một ủy ban đối thoại mới giữa Tòa thánh Vatican và Hàng Giáo trưởng Cao cấp của Israel. Việc làm của ủy ban này trong suốt tám năm qua đã đưa tới một sự liên lạc có tính cách sâu sắc và huynh đệ chân thật, và cũng đã ảnh hưởng lên thái độ của dân chúng bên trong nước Israel.

Tác giả Phạm Hoàng Nghị (dunglac.org)

 


Về Trang Mục Lục