Kitô hữu chỉ thờ lậy Thiên Chúa, nhưng tôn kính các ảnh tượng của Chúa, các thánh và các thánh tích

 

Radio Vatican 06/05/2009 – Kitô hữu chỉ thờ lậy Thiên Chúa, nhưng tôn kính các ảnh tượng diễn tả Thiên Chúa cũng như các thánh và hài cốt các vị, là những người đã nỗ lực sống thánh thiện để trở nên giống Thiên Chúa và là bạn hữu của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trện trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 6-5-2009. Trong số 26 đoàn hành hương chính thức ghi danh cũng có một phái đoàn Việt Nam, không kể một số người đi lẻ tẻ.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một giáo phụ nổi tiếng khác trong lịch sử Giáo Hội và nền thần học bisantin: đó là thánh Gioan Damasceno, sống vào cuối thế kỷ thứ VII và đầu thế kỷ thứ VIII. Người là chứng nhân của buổi giao thời giữa nền văn hóa Kitô hy lạp và siri và nền văn hóa hồi giáo, được bành trướng bởi các cuộc chinh phục quân sự trong vùng Trung và Cận Đông.

Thánh Gioan Damasceno xuất thân từ một gia đình Kitô giầu có. Ngay từ khi còn trẻ đã theo cha nắm giữ trọng trách kinh tế cho vua hồi. Nhưng không hài lòng với cuộc sống triều chính, nên vào khoảng năm 700 người lựa chọn sống đời đan tu. Người gia nhập đan viện Saba, cách Giêrusalem không xa, sống đời khổ hạnh, nghiên cứu học hỏi, đảm trách một vài sinh hoạt mục vụ và để lại nhiều bài giảng qúy báu. Năm 1890 Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã tuyên bố người là Tiến sĩ Giáo Hội hoàn vũ.

Gioan Damasceno đã để lại 3 bài diễn văn chống lại những người nói xấu các ảnh tượng. Các người này đã bị Công Đồng Hieria kết án năm 754. Chúng cũng là lý do nền tảng khiến cho giáo phụ Damasceno được tái phục hồi uy tìn và được các Nghị Phụ tham dự Công Đồng Chung Nicea II năm 787 phong thánh. Các bài giảng này là chứng tích thần học quan trọng liên quan tới việc hợp thức hóa việc tôn kính các ảnh tượng thánh, bằng cách gắn liền nó với mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Đề cập tới công lao của thánh Gioan Damasceno Đức Thánh Cha nói:

Ngoài ra thánh Gioan Damasceno đã là một trong các người đầu tiên phân biệt việc thờ lậy và việc tôn kính trong sinh hoạt phụng tự công cộng và riêng tư của tín hữu Kitô: việc thờ lậy chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi, là Đấng thiêng liêng tối cao, còn việc tôn kính có thể dùng một hình ảnh để hướng tới đấng được chính hình ảnh diễn tả. Dĩ nhiên không thể đồng hóa vị thánh với chất liệu làm thành hình ảnh của vị thánh đó. Việc phân biệt này rất quan trọng, nó giúp trả lời cho những người coi lệnh cấm nghiệm ngặt của Kinh Thánh Cựu Ước liên quan tới việc dùng ảnh tượng là đại đồng và vĩnh viễn.

Thế giới hồi giáo chấp nhận truyền thống do thái cũng loại trừ việc dùng các ảnh tượng. Trái lại các Kitô hữu đã thảo luận vấn đề và tìm ra lý do biện minh cho việc tôn kính ảnh tượng. Thánh Damasceno viết: “Trong các thời khác Thiên Chúa đã không bao giờ được diễn tả ra bằng hình ảnh, vì Ngài không có thân xác và gương mặt. Nhưng bởi vì giờ đây Thiên Chúa đã được trông thấy trong thịt xác và sống giữa loài người, nên tôi diễn tả điều hữu hình nơi Thiên Chúa. Tôi không tôn kính vật chất, mà tôn kính Đấng tạo ra vật chất, Đấng đã biến thành vật chất vì tôi và khấng ở trong vật chất, qua đó ơn cứu rỗi đến với tôi. Nhưng tôi không tôn kính nó một cách tuyệt đối như là Thiên Chúa. Làm sao có thể là Thiên Chúa điều đã nhận sự hiện hữu từ sự không hiện hữu được...? Nhưng tôi cũng tôn kính và qúy trọng tất cả cái còn lại của vật chất, đã đem ơn cứu độ đến cho tôi, trong nghĩa nó tràn đầy năng lực và ơn thánh. Gỗ thập giá ba lần thánh lại không phải là vật chất hay sao?... Mực và sách chí thánh của các Phúc Âm lại không phải là vật chất hay sao? Bàn cứu độ phân phát bánh sự sống lại không phải là vật chất hay sao?... Và trước hết mọi sự khác, thịt và máu của Chúa tôi không phải là vật chất hay sao? Hoặc là bạn phải xóa bỏ tính cách thánh thiêng của tất cả điều này, hoặc là bạn phải cho phép truyền thống của Giáo Hội tôn kính các ảnh tượng của Thiên Chúa và ảnh tượng của các bạn hữu Thiên Chúa đã được thánh hóa bởi tên họ mang, và vì lý do đó họ được ơn của Chúa Thánh Thần ở trong họ. Vì vậy đừng xúc phạm tới vật chất: nó không đáng khinh rẻ, vì không có gì Thiên Chúa đã làm ra là đáng khinh rẻ cả” (Contra imaginum calumniatores, I, 16, ed. Kotter, tr.89-90)

 Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: vì biến cố nhập thể vật chất xem ra được thiên linh hóa, và được coi là nơi ở của Thiên Chúa. Đây là một cái nhìn mới mẻ về thế giới và các thực tại vật chất. Thiên Chúa đã nhập thể và thịt xác đã thực sự trở thành nơi ở của Thiên Chúa, mà vinh quang rạng ngời trên gương mặt của Chúa Kitô. Do đó những gì thánh giáo phụ nói, ngày nay vẫn còn rất là thời sự, vì vật chất đã nhận được phẩm giá rất lớn lao từ biến cố Nhập thể, và trong lòng tin nó có thể trở thành dấu chỉ và bí tích hữu hiệu cuộc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa. Như vậy thánh Damasceno đã là nhân chứng ưu tuyển của việc tôn kính các ảnh tượng, và đây sẽ là một trong các khía cạnh đặc thù của nền thần học và tu đức đông phương cho tới ngày nay. Tuy nhiên nó là một hình thức phụng tự thuộc lòng tin Kitô, tin nơi Thiên Chúa nhập thể và trở thành hữu hình. Giáo huấn của thánh Damasceno được lồng vào trong truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ, trong đó giáo lý bí tích dự kiến rằng các yếu tố vật chất lấy từ thiên nhiên có thể trở thành ơn thánh nhờ lời khẩn cầu của Chúa Thánh Thần và được đi kèm bởi việc tuyên xưng lòng tin. Tiếp đến Đức Thánh Cha nói về việc tôn kính các thánh tích như sau:

Nối liền với các tư tưởng nền tảng này Gioan Damasceno cũng đặt việc tôn sùng các thánh tích, trên nền tảng xác tín rằng các thánh đã được tham dự vào sự phục sinh của Chúa Kitô không thể chỉ được coi như là những người đã chết. Sau khi kể ra nhiều thánh tích và hình ảnh của các vị đáng tôn kính, Damasceno minh xác rằng chúng ta tôn kính các người mà Thiên Chúa đã an nghỉ giữa họ. Họ đã trở nên giống Chúa vì ý muốn và vì có Chúa ở trong họ, và có sự trợ giúp của Chúa họ đã thực sự trở thành thần linh, không do bản chất mà vì tiếp xúc, như sắt được nung đỏ trở thành lửa, không phải bởi bản chất mà bởi sự tiếp xúc với lửa. Chúa nói: “Các ngươi sẽ thánh thiện vì Ta thánh thiện” (Lv 19,2). (III, 33, col.1352 A).

Từ đó thánh Damasceno mới suy luận rằng: “Thiên Chúa tốt lành và cao vượt trên mọi sự tốt lành. Ngài không chỉ bằng lòng với việc chiêm ngưỡng chính mình mà muốn có các người được chúc phúc tham dự vào sự tốt lành của Ngài. Vì thế Ngài tạo dựng từ không tất cả mọi sự, hữu hình và vô hình, kể cả con người, thực tại hữu hình và vô hình. Và Ngài tạo dựng nó như là một bản vị có khả năng suy tư, nói năng và hướng tới thần trí. Tiếp đến thánh nhân mời gọi tín hữu biết kinh ngạc trước mọi công trình tạo dựng của sự quan phòng của Thiên Chúa.

Thái độ lạc quan chiêm ngắm thiên nhiên và nhìn ra trong thụ tạo hữu hình những gì là chân thiện mỹ của Kitô giáo không phải là thứ lạc quan khờ khạo. Vì nó chú ý tới vết thương do sự tự do của con người gây ra, với tất cả các hậu qủa đảo lộn sự hài hòa trong cuộc sống. Cần phải có biến cố Con Thiên Chúa nhập thể để tái củng cố và canh tân mọi sự, và chỉ cho con người con đường sống nhân đức đạo hạnh, giúp xa lánh sự hư nát và dẫn đưa tới sự sống vĩnh cửu... Như vậy biển tình yêu của Thiên Chúa đối với con người xuất hiện ở chân trời của lịch sử....

Thiên Chúa muốn nghỉ ngơi trong chúng ta; Ngài muốn canh tân thiên nhiên qua cả sự hoán cải của chúng ta; Ngài muốn làm cho chúng ta tham dự vào thiên tính của Ngài.

 Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài đặc biệt gửi lời chào thăm các tín hữu và nhân dân ba nước Giordania, Israel và vùng đất Palestina, mà Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu viếng thăm từ thứ sáu mùng 8-5 này. Đức Thánh Cha cầu mong mọi người hiệp ý cầu nguyện cho chuyến hành hương này góp phần đem lại hòa bình cho các dân tộc trong vùng. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục