ISRAËL HUY ĐỘNG HÀNG NGÀN CẢNH SÁT ĐỂ BẢO VỆ ĐỨC GIÁO HOÀNG

 

XBVN 06/5/2009 – Cảnh sát Israël cho biết sẽ huy động hàng ngàn cảnh sát và dân thường để đảm bảo an toàn cho Đức Bênêđictô XVI nhân chuyến thăm của ngài tại nước này từ 11 đến 15 tháng Năm.

Vị chỉ huy cảnh sát, ông David Cohen, trong một cuộc họp báo, cho hay hoạt động này, được gọi là « áo dòng trắng », sẽ huy động 60.000 cảnh sát và lính biên phòng trong khắp đất nước, mà một số trong đó là thường dân, trong vòng 5 ngày diễn ra chuyến viếng thăm.

Ông nói : « Đây là một chuyến viếng thăm lịch sử (…) có tầm quan trọng lớn lao về mặt quốc gia và quốc tế ».

Ông cũng cho biết là đã không hề có đe dọa đặc biệt nào trước chuyến đến thăm của Đức Thánh Cha, và đồng thời nhấn mạnh thêm : « Chuyến viếng thăm này là một chuyến viếng thăm dân sự mang ý nghĩa tôn giáo, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì trong quyền hạn của chúng tôi để thu nhỏ tầm nhìn của hoạt động an ninh ».

Giao thông tại các con đường chính của Giêrusalen và của các quận sẽ bị đóng trong suốt chuyến viếng thăm, cũng như không phận.

Đặc biệt Giêrusalen là điểm nhạy cảm, do đó có đến 28.000 cảnh sát và lính biên phòng sẽ phục vụ ở đó.

Đức Thánh Cha có thể đi qua các con đường nhỏ của thành Cổ bằng xe của mình dưới sự bảo vệ của đội bảo vệ của mình và của Shin Beth, an ninh nội vụ của Israël, nhưng ở Nazareth, ngài không thể dùng xe riêng của mình, vì Shin Beth sơk các cuộc biểu tình của người Hồi giáo cực đoan.

Theo AFP, La Croix

Cuộc tông du tới Đất Thánh (2)

Nhất định là can đảm

Theo tin Zenit ngày 4 tháng Năm, Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, phát ngôn viên của Tòa Thánh, đã gọi cuộc hành hương sắp đến của Đức GH Bênêđíctô XVI tới Đất Thánh “nhất định là can đảm” vì vùng này đang kinh qua nhiều căng thẳng hơn bình thường sau cuộc tranh chấp đẫm máu hồi tháng Giêng tại Gaza. Trong cuộc họp báo vào ngày hôm nay, Cha Lombardi cho rằng cuộc tông du này là cuộc tông du phức tạp nhất trong 12 cuộc tông du quốc tế của Đức Bênêđíctô XVI từ trước đến nay.

Vị phát ngôn viên này lặp lại lời khẳng định được chính Đức Thánh Cha phát biểu vào ngày Chúa Nhật rằng cuộc hành hương này sẽ giúp ngài “củng cố và khuyến khích các Kitô hữu của Đất Thánh đang ngày đêm phải đương đầu với nhiều nỗi khó khăn”.

Theo cha Lombardi, tình hình chính trị của vùng này nay khá bấp bênh, vì cả Do Thái lẫn Hoa Kỳ đều mới vừa có tân chính phủ, sự chia rẽ giữa người Palestine khiến cho các cuộc bầu cử phải hoãn lại và các căng thẳng do Iran đang tạo ra.

Cha cho hay: “Trong một khung cảnh gồm nhiều tình thế đang biến động cũng như đang căng thẳng, cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng xuất hiện như một nghĩa cử đầy hy vọng và tin tưởng, nhằm đóng góp phần nào cho hòa bình và hoà giải. Đối với tôi, rõ ràng nó là một nghĩa cử nhất định can đảm và là một chứng tá tươi đẹp cho cam kết đem lại hoà bình và hoà giải trong các tình thế khó khăn”.

Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng nhiều người cho rằng cuộc tranh chấp tại Gaza vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 sẽ buộc Đức Bênêđíctô phải hủy bỏ chuyến tông du. Nhưng ngài bảo: Đức Thánh Cha vẫn muốn thực hiện chuyến tông du ấy như một vận động cho hòa bình. Ý nguyện của Đức Giáo Hoàng đã tạo nên ngữ cảnh cho lời kêu gọi vào hôm Chúa Nhật, bằng tiếng Anh, trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) với quần chúng tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô: “Thứ Sáu này cha sẽ lên đường đi hành hương Đất Thánh, nơi nhiều người đầu tiên đã được nghe tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành. Cha xin toàn thể anh chị em cùng cha cầu nguyện cho những người đau khổ của vùng đó. Một cách đặc biệt, cha xin anh chị em nhớ đến dân tộc Palestine, là những người từng chịu rất nhiều khốn khó và đau thương lớn lao. Xin Chúa chúc lành cho họ và tất cả những ai sống tại Đất Thánh được ơn phúc hợp nhất và bình an”.

Nhận định của tờ Irish Times

Ngày 4 tháng Năm vừa qua, tờ Irish Times có một bài của Mark Weiss nói về cuộc tông du Đất Thánh của Đức Giáo Hoàng, mà ông mô tả là để thăng tiến các liên hệ liên tôn vì các liên hệ đang căng thẳng giữa Vatican với người Do Thái Giáo lẫn Hồi Giáo cần được cải thiện.

Bài báo này cho hay: sau trạm dừng chân đầu tiên ở Gio-đăng (từ Thứ Sáu), Đức Thánh Cha sẽ bay tới Do Thái vào ngày Thứ Hai và sẽ ở lại đó 5 ngày, đi thăm Giêrusalem, Nadarét, Bê-lem và West Bank. Cuộc tông du lần này cần thiết để khích lệ cộng đồng Kitô Giáo tại đây, một cộng đồng đang nhỏ dần chỉ còn chừng 170,000 người. Pierbattista Pizzaballa, vị đại diện Vatican trông coi các cơ sở thánh, cho hay: cuộc hành hương này nhằm nâng cao tinh thần cho cộng đồng thiểu số: “Cuộc thăm viếng này trước hết và đầu hết nhằm khích lệ các Kitô hữu tại Đất Thánh chịu ở lại”. Tình hình càng đặc biệt nghiêm trọng hơn tại West Bank, nơi mà đa số các thành viên có học và giầu có của cộng đồng Kitô Giáo đã bỏ ra đi, để cả Bêlem lại cho đa số Hồi Giáo đông đảo ở đấy.

Đức Giáo Hoàng quyết định không tới Gaza, nơi chỉ có khoảng 2,500 Kitô hữu sinh sống giữa khối 1.5 triệu người Hồi Giáo. Hai trăm người Công Giáo từ giải đất này sẽ đến Bêlem tham dự Thánh Lễ hôm Thứ Tư tới tại Công Trường Máng Cỏ, do Đức Giáo Hoàng cử hành.

Cuộc viếng thăm này cũng được kỹ nghệ du lịch Do Thái coi là cơ hội để rũ bỏ hình ảnh tiêu cực mà người ta vốn có về xứ sở họ tiếp theo sau cuộc chiến gần đây tại Gaza. Họ hy vọng hơn 15,000 khách hành hương sẽ tháp tùng Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi này. Ngoài ra, giới chức Do Thái còn ước lượng sẽ có khoảng 200,000 du khách Kitô hữu khác tiếp tục tới Do Thái vào những ngày còn lại trong năm. Người ta cũng hy vọng khoảng 50,000 người thờ phượng sẽ tham dự Thánh Lễ sáng Thứ Năm trên Mount Precipice bên ngoài Nadarét, vốn là địa điểm trong Thánh Kinh nơi đám đông Do Thái giận dữ toan tính liệng Chúa Giêsu xuống vực thẳm.

Con số khách hành hương cùng đi với Đức GH Bênêđíctô ít hơn nhiều so với con số 47,000 người từng đến với Đức Gioan Phaolô II lúc ngài tới đó năm 2000. Sự lạc quan do cuộc hành hương thiên niên kỷ đem lại đã mau chóng tan biến với việc bùng nổ cuộc nổi dậy lần thứ hai sau đó mấy tháng của người Palestine.

Vị giáo hoàng thăm Đất Thánh đầu tiên là Đức Phaolô VI vào năm 1964, trước khi Vatican thừa nhận nhà nước Do Thái. Các liên hệ ngoại giao đầy đủ đã được thiết lập vào năm 1993, nhưng dị biệt vẫn tồn tại trong các vấn đề như quyền sở hữu tài sản của Giáo Hội tại Đất Thánh và giấy phép du hành cho hàng giáo sĩ Palestine tại West Bank.

Cuộc thăm viếng vào tuần tới xẩy ra sau hai biến cố gần đây vốn gây ‘cọ sát’ cho các liên hệ Công Giáo và Do Thái. Các nhóm Do Thái và Do Thái Giáo từng chỉ trích các động thái nhằm phong chân phước cho Đức GH Piô XII, bị một số người trong bọn họ cho là đã không làm đủ để cứu người Do Thái trong Thế Chiến Hai.

Đức GH Bênêđíctô sẽ đặt một vòng hoa tại viện bảo tàng Diệt Chủng Yad Vashem ở Giêrusalem, nhưng sẽ không vào bên trong, tránh không xem hình trưng bày có ghi chú rằng Đức Piô không chịu phản kháng chống lại việc Diệt Chủng của Quốc Xã và đã chỉ duy trì một thái độ trung lập.

Các liên hệ còn bị căng thẳng thêm do việc Vatican tha vạ tuyệt thông mới đây cho Giám Mục Richard Williamson, người Anh, từng bác bỏ không có việc 6 triệu người Do Thái bị thảm sát trong biến cố Diệt Chủng. Giáo Hội sau đó đã giải thích, cho rằng Đức GH không biết gì tới quan điểm của Giám Mục Williamson khi tha vạ tuyệt thông cho vị này, và Toà Thánh đã bác bỏ lời xin lỗi của ông ta.

Oded Ben-Hur, người từng là đại sứ Do Thái tại Vatican giữa các năm 2004 và 2008, nói với tờ Irish Times rằng các liên hệ song phương nay đã đủ mạnh để có thể đương đầu với những bất đồng kiểu vụ tranh cãi về việc phong chân phước và vụ tha vạ tuyệt thông cho Williamson. Ông Ben-Hur cũng tiên đoán rằng các liên hệ giữa Do Thái và Vatican sẽ được lên cấp trong tương lai gần, mà cuộc tông du lần này của Đức GH sẽ là một đóng góp lớn. Ông đặt câu hỏi: “Còn gì tốt đẹp hơn cuộc thăm viếng của vị đứng đầu Giáo Hội tới Đất Thánh để củng cố các liên hệ song phương?”

Tuần trước, tổ chức “Huynh Đệ Hồi Giáo” tại Gio-đăng yêu cầu Đức GH xin lỗi về các nhận định của ngài vào tháng Chín 2006 về Tiên Tri Muhammad, những nhận định bị nhiều người Hồi Giáo coi là nhục mạ. Đức GH từng tuyên bố rằng ngài “hối tiếc sâu xa” trước phản ứng đối với bài diễn văn của ngài trong đó, ngài trích dẫn một bản văn trung cổ coi một số giáo huấn của Muhammad như là “xấu xa và bất nhân”. Dựa vào khả thể các nhóm Hồi Giáo cực đoan có thể tấn công, Sở An Ninh Do Thái (tên cũ là Shin Bet) phải lên tiếng khuyến cáo Đức GH không nên du hành bằng giáo hoàng xa khi tới Nadarét, vì sợ chiếc xe không tránh được cuộc tấn công của khủng bố.

Chú tâm tới hợp tác

Sam Greenberg ngày 4 tháng Năm thì thuật lại cuộc họp báo của Đức Cha Antonio Franco, sứ thần Tòa Thánh tại Do Thái, nói về cuộc tông du. Theo Greenberg, Đức GH Bênêđíctô sẽ cố gắng tránh các vấn đề gây tranh luận và chỉ chú tâm tới việc hợp tác liên tôn. Trong cuộc họp báo vào hôm Thứ Hai do Mishkenot Sha’ananim Israel Newsmaker Forum và Hội Đồng Phối Trí Liên Tôn tại Israel tổ chức, Đức Cha Franco nói rằng: “Mục tiêu của Đức Thánh Cha là tới để cầu nguyện; cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện cho hợp nhất”. Đức Cha cũng cho hay: cuộc hành hương của Đức GH tới Do Thái, bắt đầu vào ngày 11 tháng Năm, sẽ không nhắc chi tới những tranh chấp như việc tái lập lại lời cầu xin cho người Do Thái Giáo trở lại, vai trò của Giáo Hội trong Thế Chiến Hai, hay mối liên hệ của Giáo Hội với Giám Mục Richard Williamson, người bác bỏ Nạn Diệt Chủng. “Tất cả các vấn đề ấy đã được chôn vùi và giải quyết rồi. Đức Giáo Hoàng không tới đây để thảo luận các vấn đề, để nói hay để cãi cọ”.

Thay vào đó, ngài sẽ chú tâm tới các liên hệ liên tín ngưỡng, tham dự cuộc gặp gỡ lần đầu với các nhóm và các nhà hoạt động cho đối thoại liên tôn. Đức Cha Franco cho hay: “Đó là các công trình luôn cần được khuyến khích, hỗ trợ và trân qúy bằng đủ mọi cách, vì chúng thực sự cực kỳ quan trọng”.

Giống nhiều cuộc tông du trước đây, Đức GH sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như thủ tướng Binyamin Netanyahu, tổng thống Shimon Peres và chủ tịch Palestine, Ông Mahmoud Abbas. Song song với những gặp gỡ ấy, Đức GH sẽ chủ trì ba Thánh Lễ ngoài trời: một ở Giêrusalem, hai thánh lễ kia tại Bêlem và Nadarét. Đức Cha Franco nói thêm: “Ngài tới đây như một khách hành hương, nên điều ấy nhắc ta nhớ tới toàn bộ ý nghĩa đặc thù và độc đáo cũng như tầm quan trọng và ý nghĩa của Đất Thánh”.

Tuy đây là cuộc thăm viếng có tính mục vụ, chứ không có tính chính trị, nhưng Đức GH cũng quan tâm và cố gắng góp phần giải quyết cuộc tranh chấp giữa Palestine và Do Thái và cải thiện thân phận các người Công Giáo đang sống tại Do Thái và các lãnh thổ trong vùng. Và mặc dù sứ điệp chính trong bài diễn văn của Đức GH chưa được tiết lộ, song Đức Cha Franco ‘đoán’ rằng có lẽ nó sẽ đề cập tới thực tại của chúng ta tại Đất Thánh, tới các khó khăn, các niềm hy vọng, các nỗi thất vọng của chúng ta, và cố gắng đem lại một sứ điệp hy vọng.

Nhận định từ Nam Hàn

Yehonathan Tommer, trên tờ điện tử OhMyNews của Nam Hàn ngày 5 tháng Năm, thì cho rằng cuộc tông du của Đức Bênêđíctô sẽ tán dương khát vọng hòa bình và thanh bình tại Đất Thánh. Theo Tommer, cuộc tông du này khiến nhiều người hy vọng rằng biết đâu các nhà lãnh đạo tôn giáo lại không thành công ở ngay chỗ các đồng nghiệp thế tục của họ liên tiếp thất bại.

Thực vậy, cuộc tranh chấp Do Thái và Palestine không phải là một cuộc tranh luận thần học giữa Hồi Giáo và Do Thái Giáo trên mảnh đất rắc rối nơi các Kitô hữu và Kitô Giáo nói chung bị coi là những tay chơi bên lề. Ấy thế nhưng nó thường mang sắc thái bóng gió khi các giải pháp thực tiễn nhằm giảng hòa các khát vọng quốc gia trái ngược nhau bất đồng với các cấm kỵ thần thánh và lịch sử thường được các lãnh tụ Palestine và Do Thái trưng dẫn khác nhau để biện minh cho các mục tiêu không thỏa hiệp được của họ.

Các hy vọng và mong chờ nơi cuộc hành hương này đã được đồng thanh nói ra bởi một nhóm tư tưởng gia Do Thái, Hồi Giáo và Kitô Giáo tại một cuộc hội học vào tuần trước do Hội Đồng Phối Trí Liên Tôn tại Do Thái (ICCI) tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Thánh Mẫu ở Giêrusalem.

Đối thoại liên tín ngưỡng phải tiếp tục

Các nhà tư tưởng trên nhất trí về nhu cầu phải tiếp tục cuộc đối thoại liên tín ngưỡng và xây dựng các nền tảng quần chúng cho sự hiểu biết và hợp tác văn hóa giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo của xứ sở. Nhưng họ không nhất trí trong hoài mong của họ là làm sao cuộc hành hương kéo dài năm ngày của Đức GH tại Đất Thánh, những lời cầu nguyện và những cuộc gặp gỡ của ngài với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo ở Gio-đăng, ở Do Thái và ở các lãnh thổ Palestine có thể khởi diễn được ‘các ý tưởng sáng tạo’ lạ lùng vốn vuột khỏi tầm với của các chính khách thế tục trong cố gắng giải quyết cuộc tranh chấp Do Thái và Palestine của họ.

Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ là vị giáo hoàng thứ ba trong suốt lịch sử Đất Thánh tới đây hành hương. Đức Cha Antonio Franco, Sứ Thần Tòa Thánh tại Do Thái nói rằng: “Ngài chủ yếu tới đây như một khách hành hương để cầu nguyện cho hoà bình và hợp nhất, vào thời điểm chúng ta đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và phải đưa ra giải pháp cho các vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải chờ mong cái ngày chúng ta có thể sống hòa bình và an ổn tại khu vực này, mà không sợ nhu cầu phải bảo vệ và phòng vệ chính mình”.

Đức Cha Franco đề cập tới sứ điệp hợp nhất mà Đức GH sẽ đem đến: “hợp nhất giữa người Kitô Hữu với nhau và giữa người Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo trong một tinh thần chấp nhận và hợp tác trong tư cách thành viên của đại gia đình nhân loại để mọi người cảm nhận được là mình đang ở trong quê hương mình”. Ngài cũng cho biết: cuộc viếng thăm này được Do Thái tổ chức rất cẩn trọng, hoàn toàn thỏa mãn các ước vọng và ý thích của Vatican. Đối với ngài, nó sẽ “tăng cường các cố gắng hằng ngày nhằm hiểu biết và hợp tác tốt hơn giữa các dân tộc trong vùng và tạo ra được các điều kiện thuận lợi cho hòa bình trong đó các tranh chấp khác có thể được giải quyết”.

Chương trình hành hương

Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ tới Do Thái vào ngày 11 tháng Năm và đáp trực thăng từ phi trường quốc tế Ben Gurion để tới Giêrusalem, nơi ngài sẽ được chào đón bởi Thị Trưởng Giêrusalem, Ông Nir Barkat. Ngài sẽ tới thăm Tổng Thống Do Thái Shimon Peres tại Dinh Tổng Thống, sau đó tới tham dự nghi thức đặt vòng hoa tại Yad-Va-Shem để tưởng niệm các nạn nhân của Nạn Diệt Chủng.

Trong bốn ngày kế tiếp, Đức GH sẽ nói truyện với hàng ngàn khách hành hương tham dự các Thánh Lễ đại trào tại Giêrusalem; tại Bêlem, nơi ngài cũng sẽ gặp Chủ Tịch Palestine, Ông Mahmoud Abbas; và tại Nadarét, trên Đồi Vực Thẳm (Mount of the Precipice), nơi ngài sẽ gặp Thủ Tướng Do Thái là Benjamin Netanyahu. Ngài sẽ gặp Giáo trưởng Hồi Giáo của Giêrusalem ở Đền Haram e Sharif, Đại Giáo Trưởng toàn Do Thái và các nhà lãnh đạo địa phương thuộc các hệ phái La Tinh, Hy lạp, Chính Thống và nhiều hệ phái Kitô Giáo khác. Ngài cũng sẽ thăm Bức Tường Phía Tây và Nhà Thờ Mộ Thánh và tham dự một buổi gặp gỡ liên tín ngưỡng tại Khách Sạn Đức Bà đối diện với Tường Cổ Thành của Giêrusalem trước khi trở lại Rôma vào ngày 15 tháng Năm.

Từ ban công nhìn xuống Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, trong buổi chúc lành truyền thống vào ngày Chúa Nhật vừa qua, Đức GH nói rằng: “Do Thái là mảnh đất Chúa chúng ta sinh ra, chịu chết và sống lại, một nơi thánh đối với ba tôn giáo độc thần, từng chịu đựng bạo lực và bất công suốt 60 năm qua. Điều ấy đã và đang tạo ra một bầu khí thiếu vắng đức tin, bấp bênh và sợ hãi dẫn tới tranh chấp giữa lân bang hàng xóm với nhau và giữa anh em với nhau”. Đức Thánh Cha khuyên nhủ các Kitô hữu khắp thế giới “cùng cầu nguyện với ngài cho hạnh phúc của mọi cư dân tại Đất Thánh và toàn vùng để họ được hồng ân hoà giải và hòa bình”.

Thăm viếng mục vụ để củng cố các cộng đồng Kitô hữu

Đức Thượng Phụ Latinh, Fouad Twal, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, được đăng tải trên một trang mạng ở Giêrusalem vào tháng rồi, phát biểu như sau: Cuộc hành hương của Đức GH sẽ là “một cuộc thăm viếng mục vụ hết sức quân bình với một tầm nhìn hoàn cầu, đề cập tới các thực tại chính trị, xã hội, nhân bản và tôn giáo của một dân tộc rất nhạy cảm trong một vùng đất đầy khó khăn, những thực tại vốn phát sinh từ sau cuộc chiến tại Gaza”.

Mặc dù cuộc tông du này có chiều kích chính trị và theo Đức Thượng Phụ Twal, “Vatican càng xích gần lại Do Thái, thì càng có khả năng vận dụng được tình thân hữu của mình mà phục vụ tốt hơn cho hoà bình và công lý, cũng như can thiệp cho lợi ích của mọi người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo tại Đất Thánh”. Tuy nhiên, quan tâm hàng đầu của Đức Giáo Hoàng là khích lệ và củng cố các cộng đồng Kitô hữu địa phương chịu ở lại, dù hiện nay, họ đang gặp nhiều đau thương, nhất là các cộng đồng tại Đông Giêrusalem, tại Bêlem và tại các lãnh thổ Palestine, nơi con số các Kitô hữu mỗi ngày mỗi giảm đi trông thấy do nhiều thực tại khó khăn tại chỗ. (Tại Do Thái, con số những người này hiện gia tăng từ 34,000 tới 180,000 theo con số thống kê chính thức, do lượng di dân tràn vào từ Liên Xô cũ và sự có mặt của khá nhiều công nhân khách Kitô hữu).

Tại Gio-đăng, Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ nhấn mạnh tới ý nguyện của ngài muốn cổ vũ thiện chí giữa Giáo Hội và thế giới Hồi Giáo, và tại Do Thái, ngài sẽ nhấn mạnh tới các liên hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội và Dân Tộc Do Thái, và tới việc mưu tìm hòa bình giữa Do Thái, Palestine và các chính phủ Ả Rập lân cận.

Giáo sĩ David Rosen, Chủ Tịch Ủy Ban Do Thái Quốc Tế về Tham Khảo Liên Tôn, người từng gặp Đức GH nhiều lần, nhận định rằng: là một nhà trí thức ấm áp nhưng chủ yếu hướng nội, ngài vẫn sẽ quyết tâm tiếp tục công trình đã được vị tiền nhiệm có sức lôi cuốn quần chúng là Đức GH Gioan Phaolô II khởi xướng.

Đức Bênêđíctô XVI không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao và biết khá ít về nghệ thuật truyền thông hiện đại, nhưng những điều ấy sẽ thay đổi. Trong khi ấy, chúng giải thích được phần nào cách xử lý các vấn đề tế nhị gần đây chung quanh tấm hình có ghi chú về Đức Piô XII tại Yad Va Shem, việc Do Thái yêu cầu Vatican cho mở văn khố mật cũng như việc tha vạ tuyệt thông cho giám mục Williamson. Các vấn đề này vốn gây bất mãn cho thế giới Do Thái, nhưng theo giáo sĩ Rosen, đã được giải quyết êm thắm trong các ngày qua, và hiện còn có thể góp phần tích cực vào việc tái tập trung các cố gắng liên tục nhằm cải thiện các mối liên hệ giữa Vatican và Do Thái.

Nối tay hoàn cầu, hòa giải khu vực

Trong một bản tuyên bố gần đây, Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, viết rằng: cuộc hành hương tới Trung Đông của Đức GH đưa ngài vào một hành trình sẽ “thách đố và kích thích một trong các ước nguyện lớn nhất kể từ khi ngài đảm nhiệm chức vụ. Chúng ta biết tình hình chính trị tại vùng này hoàn toàn bất định ra sao và viễn ảnh hòa bình mỏng manh như thế nào. Nhưng Đức GH vẫn sẽ tới đó một cách can đảm, duy với đức tin, để nói về hòa bình”.

Linh mục William Shomali, Giám đốc chủng việc Latinh ở Beit Jalla gần Bêlem, thì cho hay: cuộc thăm viếng Đất Thánh của Đức GH phải làm sao đem các bên tới chỗ “từ bỏ não trạng nạn nhân của mình mà biết thừa nhận các đau khổ của ‘người khác’, bất kể đó là Do Thái, Palestine hay Armenia, và tới chỗ biết xin tha thứ bằng cách nhìn nhận phần xấu xa tội lỗi của mình… Hòa giải phá bỏ mọi bức tường, ngay cả những bức tường vô hình nhất như sợ sệt, kỳ thị, hận thù và trả đũa”. Ngài cũng cần đem đến lời khích lệ đối với các cư dân Kitô giáo gốc Palestine hiện đang giảm số rất nhanh, để họ tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

Munib Younan, hiện đứng đầu Giáo Hội Tin Lành Luthêrô ở Gio-đăng và Đất Thánh, nhận định rằng: Muốn duy trì được ơn gọi tông đồ của mình, Giáo Hội phải lên tiếng về hàng loạt các vấn đề nhân quyền chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và kỳ thị Hồi Giáo, ủng hộ tự do tôn giáo bằng cách tôn trọng các truyền thống và quyền lợi của các hệ phái khác của Giáo Hội và lên án các vi phạm của người Do Thái đối với quyền của người Palestine được đoàn tụ gia đình.

Giám mục Younan cũng cho rằng: trong tư cách đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, được sự tín nhiệm hoàn cầu, Đức GH có nhiều trách nhiệm chính trị. “Tôi hy vọng rằng cũng giống như bất cứ vị nguyên thủ quốc gia nào, ngài sẽ nói lên một quan điểm về các thống khổ của người Palestine và của người Do Thái và tái khẳng định giải pháp một nhà nước hai dân tộc (two-nation state solution) trong đó Giêrusalem là thủ đô chung của cả hai dân tộc và là mô thức cho việc sống chung hoà bình và tôn giáo, cho công lý và hoà giải”.

Thế giới Kitô Giáo không phải là khách bàng quan thụ động trong cuộc tranh chấp trên. Quyết tâm của thế giới ấy sẽ ảnh hưởng sâu xa tới tương lai và quyền sở hữu các tài sản của Giáo Hội và quyền tự do lui tới các Địa Điểm Thánh của Kitô Giáo.

Giáo sư Muhammed Dejani, sống ở Đông Giêrusalem, và là sáng lập viên của Wasatia, một phong trào Hồi Giáo Palestine vừa mới khai sinh, nhằm cổ vũ một xã hội dân sự trung dung, lấy hứng từ các giáo huấn của Kinh Kôrăng, thì nói tới một tình thể nước đôi đáng buồn. Ông hy vọng rằng cuộc đến thăm của Đức GH sẽ kích thích “một bầu khí đối thoại liên tín ngưỡng”, nhưng ông không đặt nhiều kỳ vọng lớn lao. “Người Palestine từng bị thất vọng nhiều và diễn trình hòa bình trật đường rầy từng cho phép các tên cực đoan ở cả hai phía gióng được tiếng nói”. Tuy thế, việc Đức GH đến thăm là một bước can đảm và ông hy vọng nó sẽ khởi xướng được “một diễn trình hàn gắn” giữa người Palestine và người Do Thái. Dejani còn cho rằng: Đức GH là “một người có lòng nhân ái. Ngài mang tới một sứ điệp phổ quát về hòa bình, về yêu thương, nhân từ và khoan dung”.

Deborah Weissman, Giáo Sư môn Do Thái tại Đại Học Hybálai và là Đồng Chủ Tịch của ICCI, nhìn nhận rằng Đức GH Bênêđíctô XVI là “con người thực sự nồng ấm” sau khi bà được gặp ngài tại Vatican mấy tháng trước đây. Bà hy vọng rằng cuộc đến thăm của ngài sẽ làm nhanh hơn ‘công việc còn bỏ dở” giữa người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo. “Ngài là người tận tâm với đối thoại nhưng hơi nước đôi đối với các vấn đề thần học chính yếu liên quan tới Giao Ước giữa người Do Thái và Thiên Chúa, liên quan tới việc lên khung tiên kiến người Do Thái và việc liệu có thể có cứu rỗi đối với tín hữu của các tôn giáo khác hay không”. Weissman hy vọng rằng sẽ không còn “những bước thụt lùi hơn nữa”.

Vatican kiểm soát các thánh điểm Kitô Giáo

Trong khi đó, Jack Khoury cho hay: Ông Peres vừa lên tiếng kêu gọi để Vatican được quyền kiểm soát các thánh điểm Kitô Giáo tại Đất Thánh, một lời kêu gọi rõ ràng đi ngược lại quan điểm của Bộ Trưởng Nội Vụ Eli Yishai.

Xưa nay, Vatican vẫn yêu cầu Do Thái chuyển giao chủ quyền các thánh điểm chủ chốt tại Đất Thánh cho Tòa Thánh và lời yêu cầu này vốn gây bất đồng nơi các viên chức cao cấp tại Giêrusalem. Bộ Nội Vụ cương quyết duy trì quyền kiểm soát các thánh điểm này, gọi việc từ bỏ quyền ấy là “hy sinh” chủ quyền Do Thái. Roi Rachmanovitch, phát ngôn viên của ông Yishai, cho hay: “Vấn đề này thuộc thẩm quyền của ông bộ trưởng, và ông bộ trưởng chưa sẵn sàng hy sinh chủ quyền của Do Thái, dù chỉ có tính tượng trưng”.

Ông Peres đang áp lực để chính phủ chịu chấp nhận yêu sách của Vatican trong việc từ bỏ quyền kiểm soát đối với sáu địa điểm tôn giáo, trong đó có Nhà Thờ Truyền Tin ở Nadarét; Nhà Thờ Tiệc Ly (Coenaculum) trên Đồi Zion ở Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu dùng bữa sau hết với các tông đồ; Vười Diệsimani, nằm dưới chân Đồi Cây Dầu ở Giêrusalem; Núi Tabor; và Nhà Thờ Hóa Bánh Ra Nhiều dọc theo bãi biển Kinneret. Theo Đài Phát Thanh Quân Đội, Ông Peres đang vận động để ông Yishai chịu nhượng những thánh điểm ấy cho Giáo Hội Công Giáo, nhưng chưa được mọi viên chức nhất trí. Bộ trưởng Du Lịch là Stas Misezhnikov cho Đài Quân Đội hay: “Nếu chắc chắn việc trao tặng lớn lao này cho thế giới Kitô Giáo sẽ đem hàng triệu khách hành hương Kitô Giáo tới đây, thì chúng tôi có lý do tốt để nghĩ tới việc thoả thuận đó. Nhưng vì chưa chắc chắn về điều đó, thì tại sao ta lại đi trao tặng?”

Sự bất đồng giữa Giêrusalem và Tòa Thánh này có nguy cơ gây căng thẳng cho cuộc viếng thăm của Đức Bênêđictô vào tuần tới. Các viên chức Vatican cho hay họ sẽ lặp lại yêu cầu trên trong cuộc viếng thăm sắp tới, để ít nhất đòi được Nhà Thờ Tiệc Ly ở Giêrusalem.

Tin của Reuter

Hãng tin Reuter ngày 4 tháng Năm thì đưa một tin tích cực hơn: vì chính phủ Do Thái muốn dành một vinh dự cho Đức Bênêđíctô XVI nhân dịp ngài đến thăm đất nước họ, nên một ủy ban liên bộ của Do Thái đã soạn thảo một văn kiện nhằm đặt các thánh điểm nói trên ra ngoài phạm vi trưng thu của nhà nước.

Một viên chức thành thạo với ủy ban này cho hay: “Điều ấy quả là thích đáng vì chúng tôi muốn Đức GH có khả năng khánh thành một thỏa thuận khi ngài tới đây. Thế giới Công Giáo từng coi vấn đề nổi bật này như dấu chỉ thiếu niềm tin về phía chúng ta”.

Tuy nhiên, dự thảo trên bị Bộ Trưởng Nội Vụ Eli Yishai bác bỏ, không chịu ký tên. Ông ta vốn đứng đầu đảng cực chính thống Do Thái Giáo trong chính phủ liên hiệp cực hữu của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu.

Ngoài ra, cũng còn một khó khăn khác: Vườn Diệtsimani nằm ở Đông Giêrusalem vốn thuộc phe Ả Rập, bị Do Thái chiếm trong trận chiến Trung Đông năm 1967 và việc sáp nhập nó vào Do Thái vốn không được quốc tế nhìn nhận. Người Palestine vốn muốn dùng Đông Giêrusalem làm thủ đô cho quốc gia tương lai của họ, nên họ ít ưa một thỏa ước bất cứ nào đó ngầm nhìn nhận quyền kiểm soát của Do Thái.

Tuy thế, một nguồn tin chính trị cho hay: quyết định của Yisahai trong vụ này rất có thể bị nội các bác bỏ. Văn phòng của Thủ Tướng Netanyahu chưa lên tiếng gì về vụ việc này. Nhưng rất nhiều các viên chức Do Thái vẫn mô tả cuộc đến thăm của Đức Bênêđíctô XVI như một cơ may dẹp tan các căng thẳng giữa hai bên. Đàng khác, tình trạng xuống dốc về du lịch tiếp theo cuộc bùng dậy của Ả Rập năm 2000 cũng làm Do Thái hy vọng cuộc đến thăm này sẽ lôi cuốn nhiều du khách trong số hơn một tỉ người Công Giáo thế giới tới thăm đất nước họ và vực dậy kỹ nghệ du lịch kia.

Vũ Văn An

 


Về Trang Mục Lục