Những Chuẩn Bị Cho Chuyến Hành Hương Thánh Địa Của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô
XVI
Chuẩn bị chào mừng
Theo tin tờ The Jerusalem Post, ngày 4 tháng Năm
vừa qua, Thị Trưởng Giêrusalem là Nir Barkat lên tiếng chào mừng du khách tới
Giêrusalem trước ngày Đức GH Bênêđíctô XVI tới đó. Trong lời chào mừng này, Nir
Barkat viết rằng: “Thật là một vinh dự lớn cho tôi được nhân danh dân chúng Giêrusalem
chào đón Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, và hàng ngàn khách hành hương từ khắp thế
giới tới thăm Giêrusalem”.
Lời chào mừng còn thêm: “Giêrusalem là trái tim và linh
hồn dân tộc Do Thái và là một thành phố đặc biệt đối với hơn ba tỷ người có đức
tin trên khắp thế giới. Lịch sử phong phú của Giêrusalem tiếp tục hội tụ các
tôn giáo vĩ đại và các nhà lãnh đạo các tôn giáo này từ nhiều nền văn hóa và
tôn giáo khác nhau. Giêrusalem quả là một thành phố đích thực của hòa bình, nơi
người thuộc mọi hậu cảnh có thể tự do thực hành các niềm tin tôn giáo của
mình”.
Sau đó, Barkat tiếp tục đặc biệt chào mừng Đức GH, cũng
như “mỗi và mọi khách hành hương bằng một sứ điệp nhẫn nại vì hòa bình. Với
cuộc viếng thăm có tính lịch sử và quan trọng tại Giêrusalem, thủ đô của Quốc
Gia Do Thái này, tôi biết rằng chúng ta đã thực hiện một bước tiến gần hơn tới
tự do tôn giáo và khoan dung mà hết thẩy chúng ta từng cố gắng đạt cho bằng
được trên khắp thế giới và ở đây tại Thành Thánh này. Tôi kính chúc Đức Thánh
Cha và mọi khách qúy của chúng tôi một cuộc thăm viếng đầy hân hoan và thoải
mái tại Giêrusalem”.
Hôm Chúa Nhật, Bộ Ngoại Giao Do Thái đã khánh thành một
trang mạng dành riêng cho chuyến tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI, địa chỉ ở
tại http://popeinisrael.org.il. Trang mạng này sử dụng 8 thứ tiếng khác nhau:
Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ý, Đức và Hy Bá Lai. Nó gồm các tín
liệu viết và thính thị nói về cuộc viếng thăm của Đức GH, về các mối liên hệ Do
Thái và Vatican, các cộng đồng Kitô Giáo tại Do Thái và các thánh điểm của Kitô
giáo khắp lãnh thổ.
Trang mạng này cũng cung cấp những cập nhật thường xuyên
trong suốt cuộc thăm viếng, cũng như những buổi phát sóng trực tiếp các biến cố
trong cuộc hành hương của Đức GH, như cuộc viếng thăm Yad Vashem, các thánh lễ
tại Vườn Diệtsimani và Đồi Vực Thẳm, các cuộc thăm viếng tại Nhà Thờ Tiệc Ly và
Nhà Thờ Mộ Thánh.
Đại nhạc hội hòa bình để vinh danh Đức Giáo Hoàng
Tờ Israel Culture ngày 4 tháng Năm có bài của
Merav Yudilovitch cho hay: một buổi đại nhạc hội sẽ được tổ chức tại hí viện
Beit She’an để chào mừng Đức Bênêđíctô XVI với chủ đề hoà giải và sống chung,
do nhiều nghệ sĩ nổi danh trong vùng và của Ý tham dự.
Với sứ điệp hoà bình và huynh đệ, các nghệ sĩ địa phương
và Ý thuộc mọi tôn giáo sẽ trình diễn một buổi đại nhạc hội để vinh danh Đức GH
nhân cuộc viếng thăm Do Thái của ngài. Buổi đại nhạc hội này được tổ chức vào
ngày 13 tháng Năm tại đại hí viện Rôma tại thành phố miền Bắc có tên là Beit
She'an.
Buổi đại nhạc hội này bao gồm các nhạc sĩ, ca sĩ và vũ viên
và sẽ được trực tiếp phát tuyến tới 26 quốc gia qua đài truyền hình SAT của Ý.
Các phóng viên của đài này sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong suốt cuộc viếng
thăm Đất Thánh của ngài.
Một khán đài sẽ được dựng tại đại hí viện dành cho biến
cố này, do Piono Leoni người Ý thiết kế. Khán đài này dự tính sẽ được dựng để
hòa điệu với khung cảnh cổ xưa. Các xướng ngôn viên của buổi trình diễn sẽ là
nữ tài tử kiêm người mẫu Do Thái Moran Atias và Julio Bazo.
Buổi trình diễn này sẽ được bắt đầu với Nhóm Nhà Hát Cộng
Đồng của Qũy Beresheet LaShalom, một tổ chức ở miền Bắc Do Thái có thành viên
thuộc mọi tầng lớp trong xã hội Do Thái, gồm cả người Do Thái lẫn Ả Rập, Hồi
Giáo, người Druze và Kitô Hữu, cả đạo lẫn đời. Nhóm này do Angelica Edna Calo
Livne thành lập. Bà vốn sinh tại Rôma và đậu tiến sĩ văn chương Ý. Nhóm sẽ
trình diễn cùng với sự phụ họa của các vũ viên thuộc Công Ty Fresco Dance. Công
ty này được thành lập năm 2002 bởi vũ sư và biên đạo múa Yoram Carmi. Họ sẽ
trình diễn một vở nói về sống chung, vũ theo điệu nhạc được đặc biệt sáng tác
cho dịp này, do Dàn Đại Hòa Tấu Raanana và Nhóm Gaya trình tấu.
Các tham dự viên khác sẽ là ca sĩ Ai Cập Samira Said, ca
sĩ Ý Lucio Dalla, ban nhạc rốc Do Thái Rockfour, ca đoàn của Viện Magnificent
Institute, gồm các ca viên Do Thái, Hồi Giáo Palestine và Kitô Giáo, danh vĩ
cầm Francesco D'Orazio, và giọng nam cao nổi tiếng Alessandro Safina.
Biến cố chính của buổi trình diễn này sẽ là phép lành
bình an và hòa giải của Đức GH. Cuối cùng, toàn bộ các nghệ sĩ sẽ cùng nhau
trình diễn bài “We Are the World" (Chúng Ta Là Thế Giới) do Michael
Jackson và Lionel Richie sáng tác.
Không cần thanh minh thanh nga nữa
Hãng AP thì tường trình rằng phát ngôn viên của Đức GH
cho hay: Tòa Thánh đã “giải thích và làm sáng tỏ đủ mọi điều” liên quan tới bài
diễn văn năm 2006 của Đức GH, một bài diễn văn bị nhiều người Hồi Giáo coi là
xúc phạm đến tôn giáo của họ.
Đức Thánh Cha dịp đó nhấn mạnh rằng bản văn Trung Cổ được
ngài trích dẫn từng coi một số giáo huấn của tiên tri Muhammad là “xấu xa và
bất nhân” đã không hề phản ảnh quan điểm riêng của ngài. Nhưng tổ chức Huynh
Đoàn Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) của Gio-đăng vừa đây đã lên tiếng đòi Đức
Giáo Hoàng phải xin lỗi trước khi ngài khởi sự cuộc viếng thăm Đất Thánh vào
Thứ Sáu này, trong đó trạm đầu tiên sẽ là Gio-đăng.
Phát ngôn viên của Đức GH là Cha Federico Lombardi cho
hay: “có lẽ đây là vấn đề thế giới Hồi Giáo cần hiểu rõ điều Đức GH muốn nói.
Chúng tôi không thể tiếp tục nhắc lại cho đến tận thế cùng những lời đã minh
xác”.
Vua Gio-đăng phá lệ để nghênh đón Đức Giáo Hoàng
Theo tin Zenit ngày 5 tháng Năm, Vua Gio-đăng Abdallah II
dự tính, vào Thứ Sáu này, sẽ phá lệ nghi lễ khi ông nghênh đón Đức Giáo Hoàng
Bênêđíctô XVI. Theo Cha Lombardi, Nhà Vua Gio-đăng sẽ thân hành ra tận phi
trường để nghênh đón Đức Thánh Cha vào lúc 2 giờ 30 chiều. Và với một nghĩa cử
chưa bao giờ có, ông sẽ cùng hoàng hậu Rania tháp tùng Đức Thánh Cha ra phi
trường lúc ngài rời vương quốc của ông vào ngày Thứ Hai.
Cha Lombardi nhận định rằng nhà vua muốn đóng góp đặc
biệt vào cuộc đối thoại liên tôn bằng nhiều sáng kiến khác nhau. Cha nhắc lại
Thông Điệp Amman của nhà vua trong đó ông khuyến khích thế giới Hồi Giáo hãy từ
bỏ chủ nghĩa cực đoan, và Thông Điệp Liên Tín Ngưỡng Amman, chủ yếu nhắn gửi
người Kitô Giáo và người Do Thái Giáo và kêu gọi việc cổ vũ hòa bình và các giá
trị chung nơi các tôn giáo.
Phát ngôn viên Tòa Thánh còn ghi nhận thêm rằng một trong
các cố vấn của Vua Abdallah chính là Ghazi bin Muhammad, người đã phối hợp 138
học giả Hồi Giáo lên tiếng trả lời các tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng vì bài
diễn văn Regensburg của ngài. Nhóm này đã viết “Lời Chung” mà cuối cùng đã dẫn
tới việc thành lập ra Nghị Hội Công Giáo và Hồi Giáo tại Rôma.
Một cuộc tông du xây nền
Zenit ngày 5 tháng Năm cũng thuật lại nhận định của Đức
HY Leonardo Sandri, Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, về chuyến đi sắp tới của
Đức Bênêđictô qua Đất Thánh. Theo Đức HY, Đức GH muốn thực hiện chuyến đi này
ngay lúc mới khởi đầu triều giáo hoàng của ngài. Sở dĩ đến nay, vào năm thứ năm
triều đại giáo hoàng, ngài mới thực hiện được dự tính đó, là vì các cuộc tông
du trước đây phần lớn đã được lên chương trình từ thời giáo hoàng trước, đặc
biệt là Ngày Giới Trẻ tại Cologne và Cuộc Gặp Mặt Các Gia Đình tại Tây Ban Nha.
Đức HY Sandri nhấn mạnh rằng: Đức Thánh Cha muốn được
dành chuyến đi đầu hết, chuyến đi mang ý nghĩa toàn bộ cho triều giáo hoàng của
ngài hướng về Chúa Giêsu, về Ngôi Lời Thiên Chúa, là tới Đất Thánh, một chuyến
đi chính nhằm đặt để sắc thái cho toàn bộ triều giáo hoàng của ngài.
Nhân dịp này, Đức HY Sandri cũng nhắc lại ý định của Đức
Bênêđíctô XVI muốn tới Đất Thánh để cổ vũ cho hòa bình. “Qua sự hiện diện của
ngài, Đức GH là sứ giả của thanh thản và hòa bình và là một thúc đẩy đối với
mọi người đang có trách nhiệm về thời cuộc hay tình thế các dân tộc. Trong
trường hợp tại Đất Thánh, sự hiện diện ấy bao hàm một khuyến khích đối với diễn
trình hòa bình đã có từ lâu và hiện gặp nhiều khó khăn”
Con số thống kê tại Đất Thánh
Cơ sở Catholic Culture (Văn Hóa Công Giáo), ngày 5 tháng
Năm, trình bày một số thống kê của chính Vatican về Đất Thánh.
Mặc dù người Kitô hữu đang rời bỏ vùng này, do bầu khí
kinh tế và chính trị không thuận tiện, nhưng người Công Giáo vẫn chiếm gần 2%
dân số các quốc gia được Đức Giáo Hoàng viếng thăm. Tại Gio-đăng, trạm đầu tiên
của chuyến tông du, hiện có 109,000 người Công Giáo trong tổng số 5.7 triệu
dân, và gần 31,000 trẻ em ghi danh học tại 123 trường Công Giáo. Tại Do Thái và
các lãnh thổ Palestine, có 130,000 người Công Giáo trong số 7.2 triệu cư dân,
với gần 44,000 học sinh ghi danh tại 192 trường Công Giáo đủ các cấp từ vườn
trẻ tới đại học. Giáo Hội cũng quản lý 36 bệnh viện, bệnh xá, viện mồ côi, nhà
trẻ, và các viện bác ái khác.
Tin của Hãng CNA còn cho hay thêm: tại Gio-đăng, hiện có
ba giáo tỉnh và 64 giáo xứ, với 4 giám mục, 103 linh mục, 258 tu sĩ và 7 đại
chủng sinh. Tại Do Thái và các lãnh thổ Palestine, hiện có 9 giáo tỉnh, 78 giáo
xứ và 3 trung tâm mục vụ, với 11 giám mục, 406 linh mục, 1,171 tu sĩ, 1 nhà
truyền giáo giáo dân, 14 tiểu chủng sinh và 110 đại chủng sinh.
Do Thái phát hành tem thư đánh dấu chuyến tông du
Theo tin ngày 4 tháng Năm của NECN/APTV, sở bưu điện Do
Thái đã phát hành một tá tem thư đặc biệt để kỷ niệm chuyến viếng thăm sắp tới
của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Đất Thánh.
Các tem thư này, được bán cho công chúng bắt đầu từ Thứ
Hai tới, trình bày 12 thánh điểm Kitô Giáo trong vùng được Đức Giáo Hoàng dự
tính viếng thăm nhân chuyến tông du tại đây từ ngày 11 tới ngày 15 tháng Năm.
Sở bưu điện này cho biết họ cũng sẽ phát hành một tá tem thư khác trình bày
cuộc tông du thực sự của Đức Giáo Hoàng tới các thánh điểm này.
Hội Mộ Thánh gánh vác phí tổn chuyến tông du của
Đức Giáo Hoàng
Cindy Wooden của tờ BostonPilot cho hay Hội Mộ Thánh góp
phần gánh vác chi phí của chuyến tông du tới Đất Thánh. Hẳn mọi người còn nhớ:
Hội Hiệp Sĩ Mộ Thánh ở Giêrusalem (the Equestrian Order of the Holy Sepulcher
of Jerusalem) được chân phước GH Piô IX lập năm 1847 để hỗ trợ Tòa Thượng Phụ
Latinh của Giêrusalem và các người Công Giáo khác sống tại Đất Thánh.
Cuộc tông du từ ngày 8 tới ngày 15 tháng Năm này sẽ giúp
Đức Giáo Hoàng thấy kết quả cụ thể của việc hỗ trợ trên và nhu cầu tiếp diễn
của người Kitô hữu trong vùng, nhưng chính cuộc tông du này một phần có được
cũng là nhờ sự hảo tâm của các hiệp sĩ.
Đức Hồng Y John P. Foley, người Mỹ và là hiệp sĩ tối cao
của Hội, cho hay: các hiệp sĩ và mệnh phụ đã dâng cho Đức Thánh Cha và Đức
Thượng Phụ Latinh Fouad Twal mỗi vị khoảng 325,000 mỹ kim để giúp trang trải
chi phí cho chuyến tông du. Ngài cũng cho biết: 50 hiệp sĩ của Hội sẽ lập thành
một hàng rào danh dự cho suốt chuyến đi của Đức Giáo Hoàng. Theo Đức Hồng Y, hỗ
trợ cuộc tông du bằng lời cầu nguyện và bằng tài chánh là hỗ trợ Đức Thánh Cha
trong sứ mệnh thừa nhiệm Thánh Phêrô của ngài. “Ngài sẽ làm điều Thánh Phêrô
vốn làm là khích lệ các tín hữu, thừa nhận họ, đem lại cho họ cảm thức tươi mới
rằng họ có giá trị và cho họ biết Giáo Hội hoàn vũ đánh giá cao chính họ và tầm
quan trọng trong đức tin của họ biết là dường nào”.
Hiện nay, Hội có chừng 24,000 hội viên trong 32 quốc gia.
Các hội viên đoan hứa hàng ngày cầu nguyện cho Giáo Hội, cho công việc của tòa
thượng phụ Latinh ở Giêrusalem và các thánh điểm có liên hệ tới cuộc đời Chúa
Giêsu và cho bản thân họ đủ sức mạnh thực thi bổn phận bác ái của mình, nhất là
đối với “người nghèo và người bệnh tại Đất Thánh”.
Về vấn đề quyên góp, Đức Hồng Y Foley cho hay: “mục tiêu
của chúng tôi là quyên góp mỗi hội viên chừng 600 mỹ kim một năm” nhưng đóng
góp thiếu không phải là cơ sở để chấm dứt tư cách hội viên. Vì hội được lập
“chủ yếu để phát triển hội viên về phương diện thiêng liêng” qua cầu nguyện,
học hỏi và dấn thân cụ thể nhằm “hỗ trợ Giáo Hội tại Đất Thánh để Giáo Hội ấy
không trở thành một bảo tàng viện, mà là một Giáo Hội sống động”.
Các người Công Giáo tại Đất Thánh, mà phần lớn là người
Palestine , vốn là “dòng dõi những người đầu hết bước chân theo Chúa Giêsu Kitô
và hiện nay thuộc nhiều nghi lễ khác nhau, và chẳng may, cũng thuộc nhiều giáo
hội khác nhau” dù phần lớn là Công Giáo và Chính Thống Giáo. Kể từ năm 2000,
các thành viên của hội đã dâng cúng gần 65 triệu mỹ kim để yểm trợ Tòa Thượng
Phụ Latinh, chủng viện, các giáo xứ và trường học cũng như các cơ quan bác ái
của Tòa này và nhiều cơ sở khác như Bệnh Viện Thánh Giuse ở Giêrusalem và Đại
Học Bêlem, do các Sư Huynh Dòng Chúa Kitô (Christian Brothers) đảm trách.
Mặc dù phần lớn sự yểm trợ của hội được dành cho Tòa
Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, nhưng các hiệp sĩ cũng làm việc với cơ quan
phối trí của Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương để hỗ trợ các dự án có giá trị
liên hệ tới các giáo hội Melkite, Maronite, Chaldean và Công Giáo Armenian tại
Do Thái và tại Gio-đăng.
Vào khoảng một nửa số học sinh ghi danh theo học các
trường Công Giáo trong vùng là Kitô hữu. Các trường này cung cấp việc giáo dục
tôn giáo tùy theo tôn giáo của học sinh. Nên các học sinh Hồi Giáo có thể đem
thầy Hồi Giáo vào dạy về Hồi Giáo cho các em, nhưng triết lý sống (ethos) của
trường, theo Đức HY Foley, thì là Công Giáo. Mục tiêu của việc mở rộng việc ghi
danh là để cổ vũ tinh thần tương kính, khoan dung và hòa bình. Bất cứ điều gì
có thể góp phần vào hòa bình cũng đều quan trọng. Nên Đức HY Foley hy vọng
người Do Thái tỏ ra hiểu biết nhiều hơn đối với những người Palestine biết điều
và con số những người Palestine biết điều sẽ mỗi ngày một gia tăng.
Đức Hồng Y cũng tiết lộ rằng mọi trường học tại Do Thái,
kể cả trường Công Giáo, đều được chính phụ tài trợ. Nhưng việc tài trợ ấy không
có tại Palestine và Gio-đăng. Chính vì thế, nhiều trường tại hai nơi đó phải
tiếp nhận tài trợ từ Hội Mộ Thánh. Hội cũng giúp tiền học phí nữa vì Hội không
muốn bất cứ trẻ em Công Giáo nào không được hưởng nền giáo dục Công Giáo chỉ vì
gia đình các em không đóng được lệ phí.
Đối với Đức HY Foley, giáo dục là chìa khóa giúp người
nghèo trong vùng thoát khỏi cảnh nghèo, giúp cổ vũ việc chung sống hòa bình và
tạo ra các điều kiện cần thiết để thuyết phục các Kitô hữu đừng di cư. Nếu các
cộng đồng Công Giáo không còn sinh sống và làm việc tại Đất Thánh nữa, thì theo
Đức Hồng Y, “ta sẽ đánh mất sợi dây liên kết với các gốc rễ của chúng ta”.
Thay đổi quan điểm với Do Thái
Jeff Abramowitz, của Deutsche Presse-Agentur, ngày 4
tháng Năm, cho rằng cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI tới Do Thái lần này cho
thấy rõ một thay đổi rất tích cực và rõ ràng trong mối liên hệ Do Thái và
Vatican .
Thực vậy, vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Do Thái đã
không thừa nhận chính thức là ngài đến thăm quốc gia đó. Hẳn mọi người còn nhớ,
năm 1964, Đức Phaolô VI từ Gio-đăng dừng chân một ngày tại Do Thái, nhưng ngài
đã thận trọng không nhắc đích danh quốc gia Do Thái trong chuyến dừng chân ấy.
Vì vào lúc ấy, Do Thái và Vatican chưa lập liên hệ ngoại giao. Khi đã trở về
Vatican, Đức Phaolô VI có gửi cho Tổng Thống Do Thái, lúc ấy là Zalman Shazar,
một thư cám ơn, nhưng đã gửi thư ấy cho “Ông Shazar” tại Tel Aviv, chứ không
phải tại Giêrusalem, là nơi ở chính thức của Ông Shazar.
Đến lượt Đức Gioan Phaolô II, không những ngài nhắc đích
danh quốc gia Do Thái trong hành trình đến Đất Thánh năm 2000, mà còn gặp tổng
thống, thủ tướng và hai trưởng giáo sĩ của Do Thái. Cuộc thăm viếng của vị giáo
hoàng thứ ba tới Đất Thánh lần này được Daniel Rossing, Giám Đốc Trung Tâm Do
Thái về Các Liên Lạc Do Thái và Kitô Giáo, cho là một bước nhẩy vọt. Ông nói:
“Ta không nên quên sự kiện này là trong 50-60 năm nay, đã có những bước tiến
hết sức đáng kể trong các mối liên hệ Do Thái và Kitô Giáo, nhất là các liên hệ
Do Thái và Công Giáo”.
Phần lớn các nhà bình luận và các học giả đều nhất trí
rằng thái độ của Vatican đối với Do Thái chịu ảnh hưởng bởi hai nhân tố chính
sau đây: Thứ nhất là thần học, tức thái độ của người Công Giáo đối với người Do
Thái Giáo, và thứ hai là chính trị thực tiễn (realpolitik) vì phần lớn Kitô hữu
đang sống tại Đất Thánh là người Ả Rập tự nhận mình có tinh thần quốc gia
Palestine.
Ai cũng biết các giáo huấn của Giáo Hội Tiên Khởi thường
lên án người Do Thái Giáo đã bác bỏ Chúa Giêsu, và coi việc phá hủy Đền Thờ
Giêrusalem vào năm 70 cũng như việc tứ tán của người Do Thái Giáo như là hình
phạt của Chúa đối với việc bác bỏ kia và vai trò của họ trong vụ việc đóng đinh
Con Yêu Dấu của Người. Mãi đến năm 1965, não trạng ấy mới thay đổi với tuyên
ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II cởi bỏ cái tội giết Chúa
(deicide) của dân tộc này. Giáo trưởng David Rosen, người từng đóng một vai trò
hàng đầu trong việc thăng tiến các mối liên hệ giữa Do Thái và Vatican, thì
tuyên ngôn trên "đem đến một cuộc cách mạng tích cực trong giáo huấn của
Giáo Hội”.
Khai triển cách mạng trên đã được Đức GH Gioan Phaolô II
tiếp tục. Ngài được coi là vị giáo hoàng đóng góp nhiều hơn tất cả các vị tiền
nhiệm cho việc cổ vũ các liên hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo, rẫy bỏ hoàn
toàn nền thần học bài Do Thái. Năm 1993, dưới triều đại của ngài, Vatican và Do
Thái chính thức thiết lập các liên hệ ngoại giao đầy đủ.
Việc thiết lập liên hệ ngoại giao này thật là một bước
can đảm, bởi cho đến lúc đó, Giáo Hội vẫn có nhiều e ngại đối với các Kitô hữu
gốc Ả Rập trong vùng. Thực vậy, như trên đã nói, phần lớn người Công Giáo sống
tại Do Thái và các lãnh thổ bị Do Thái chiếm đóng đều đứng về chính nghĩa
Palestine, ít có ai chịu chấp nhận việc Vatican xích lại gần nhà nước Do Thái,
ít nhất thì Vatican cũng nên chờ cho tới lúc giới lãnh đạo Palestine chịu làm
như thế.
Rất may, cơ hội ấy đã xẩy ra trong năm 1993 lúc Do Thái
và Tổ Chức Giải Phóng Palestine ký bản tuyên bố lịch sử các nguyên tắc chung,
làm phát sinh ra diễn trình hòa bình. Nhờ thế mà liên hệ ngoại giao giữa
Vatican và Do Thái đã được thiết lập.
Đất Thánh chuẩn bị nghênh đón Đức Giáo Hoàng
Từ tháng Tư, các thợ sơn, nhân công và các nhà khảo cổ đã
cùng nhiều người khác thực hiện những chuẩn bị sau cùng cho cuộc nghênh đón Đức
Giáo Hoàng tới Đất Thánh.
Theo hãng tin EFE, các công nhân bận bịu sơn các khung
cửa và rà xét các bức tường tại Phòng Tiệc Ly. Nhà thờ Mộ Thánh cũng được tạm
đóng cửa trong một thời gian để chuẩn bị. Tại Đồi Vực Thẳm ( Mount Precipice ),
các công nhân đã xây dựng một khán đài để Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với hàng ngàn
người bên ngoài Nadarét.
Theo Cha Ricardo Bustos thuộc Đền Thánh Truyền Tin, sẽ có
ba ca đoàn địa phương, một của người Maronite, một của người Melchite và một ca
đoàn Latinh, và ít nhất sẽ có một bài đọc hát theo Nghi Lễ Đông Phương trong
Thánh Lễ tại Đồi Vực Thẳm.
John Seligman, một nhà khảo cổ làm việc tại Cơ Quan Khảo
Cổ Do Thái, có nhiệm vụ tân trang Phòng Tiệc Ly, cho biết: việc Đức GH tới thăm
là “một cơ hội lớn để trưng bày các địa điểm quan trọng nhất của Kitô Giáo.
Chúng tôi đã làm sạch các tường, sửa lại gạch và chữa các bức tường hư, để địa
điểm này coi cho được đối với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng”.
Cha Pierbattista Pizzaballa, Quản Thủ Đất Thánh, nói rằng
cuộc viếng thăm của Đức GH cho thấy: bất chấp các hiểu lầm, mối liên hệ với thế
giới Do Thái Giáo và Hồi Giáo là mối liên hệ rất quan trọng đối với cả Giáo Hội
Công Giáo nói chung và cho bản thân Đức GH nói riêng. Do Thái đầu tư hơn 9 triệu
mỹ kim để canh tân các địa điểm được Đức Giáo Hoàng viếng thăm.
Lực lượng an ninh khổng lồ bảo vệ chuyến tông du
Theo hãng tin AP, Do Thái sẽ triển khai 80,000 nhân viên
an ninh trong “Chiến Dịch Áo Trắng” (Operation White Cloak) để bảo vệ Đức GH
Bênêđíctô XVI trong thời gian ngài tới thăm nước này.
Tổng úy trưởng Cảnh sát Do thái là Dudi Cohen gọi cuộc
tới thăm này là “một biến cố lịch sử, xét về phương diện an ninh, thì rất phức
tạp”. Ông cho hay: 80,000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai để giữ an ninh
cho chuyến viếng thăm này, trong đó có 60,000 cảnh sát. Số còn lại là cảnh sát
chìm và binh sĩ.
Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ là vị giáo hoàng thứ hai chính
thức viếng thăm Do Thái. Vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II tới đây
vào năm 2000 để thực hiện cuộc tông du thiên niên kỷ. Năm 1964, Đức GH Phaolô
VI cũng tới Do Thái, nhưng cuộc viếng thăm đó là một cuộc viếng thăm không
chính thức và chỉ kéo dài mấy tiếng đồng hồ.
Các viên chức Do Thái và Palestine đang lên cơn sốt trong
việc hoàn tất các sắp xếp sau cùng cho chuyến viếng thăm. Tại Giêrusalem, Đức
GH sẽ viếng thăm nơi thánh thiêng nhất, nơi người Do Thái Giáo thường tới cầu
nguyện, đó là Bức Tường Phía Tây của Cổ Thành Giêrusalem; Đền Thờ Đá (the Dome
of the Rock), tức đền thờ chính của Hồi Giáo, và Nhà Thờ Mộ Thánh, nơi Chúa
Giêsu chịu đóng đinh và được chôn cất.
Đức GH sẽ cử hành thánh lễ ngoài trời tại Giêrusalem,
Bêlem và Nadarét. Cohen cho hay nguyên tại Giêrusalem, chính phủ Do Thái sẽ huy
động 30,000 nhân viên an ninh. Trình bày với báo chí về kế hoạch an ninh, Cohen
cho hay: hiện không có dấu hiệu tình báo nào về một cuộc tấn công nhắm vào Đức
GH, nhưng ông cho rằng “khủng bố là một thực tại mà Do Thái phải đương đầu suốt
cả năm”. Ông cũng cho biết: lực lượng an ninh trong “Chiến Dịch Áo Trắng” đã
được huấn luyện trong nhiều tháng nay và sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật mới, nhưng
ông từ chối không cho biết thêm chi tiết”.
Cảnh sát nói rằng họ sẽ chặn nhiều đường phố, không cho
xe cộ lưu thông, và sẽ cho kéo đi những chiếc xe đậu dọc lộ trình của Đức GH.
Vì lý do an ninh, Đức GH sẽ sử dụng giáo hoàng xa của ngài trong hành trình
ngắn tại Nadarét đến chỗ cử hành Thánh Lễ tại đấy.
Dân số Kitô Giáo tại Đất Thánh là 160,000 người gồm
khoảng 110,000 người sống bên trong Do Thái, 50,000 người tại West Bank và
3,800 tại Gaza. Cảnh sát cho biết: hơn 10,000 Kitô hữu tại West Bank sẽ được
cấp giấy phép đặc biệt để tham dự các buổi chào đón Đức GH. Đối với các Kitô
hữu từ Gaza, cảnh sát cho hay họ còn đang do dự không biết có nên cho họ tới
tham dự hay không vì sợ những người cầm quyền thuộc phong trào Hamas quá khích
tại đó dám lợi dụng giấy phép để cài người vào Do Thái.
Hãng Alitalia chở Đức GH và đoàn tùy tùng tới Đất
Thánh
Theo tin WAPA, Đức Thánh Cha sẽ sử dụng máy bay A-320 của
hãng hàng không Alitalia để tới Đất Thánh. Hãng này cho biết họ rất vinh dự
được chuyên chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng tới Amman , chặng đầu trong
chuyến tông du của ngài. Airbus A-320 “Dante Alighieri” là một trong các phi cơ
mới được du nhập vào đoàn phi cơ của hãng này.
Ngoài Đức GH và phái đoàn của ngài, đại diện truyền thông
khắp thế giới cũng sẽ có mặt trên chiếc phi cơ này. Chuyến bay đặc biệt tên là
AZ-4000 sẽ cất cánh khỏi phi trường quốc tế Leonard da Vinci ở Rôma vào lúc 9
giờ 30 sáng Thứ Sáu và sẽ đáp xuống phi trường Queen Alia ở Amman lúc 2 giờ 30
chiều, giờ địa phương.
Phi hành đoàn gồm 3 phi công và 6 tiếp viên phi hành,
được chọn trong số những nhân viên kỳ cựu trong nghề và tha thiết dấn thân
trong nhiệm vụ. Chỉ huy trưởng chuyến bay là Roberto Germano, giám đốc điều
hành các chuyến bay của Alitalia. Phi công chính là Giacomo Belloni, người đã
có tới 10,500 giờ bay.
Đức Thánh Cha gửi thông điệp cho Đất Thánh trước
ngày lên đường
Đài Phát Thanh Vatican, ngày 6 tháng Năm, đưa tin: trong
buổi triều kiến chung vào hôm Thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói về chuyến đi
sắp đến của ngài tới Đất Thánh với 40,000 người tại Công Trường Nhà Thờ Thánh
Phêrô. Nhân cơ hội này, ngài cũng đã gửi tới nhân dân Đất Thánh thông điệp đặc
biệt sau đây:
“Các bạn thân mến, Thứ Sáu này, tôi sẽ rời Rôma để tông
du Giođăng, Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine. Sáng nay, tôi muốn dùng dịp may
để qua buổi phát tuyến truyền thanh và truyền hình này chào mừng mọi người
thuộc các vùng đất trên. Tôi rất náo nức mong tới lúc được ở bên các bạn và
chia sẻ với các bạn mọi hoài mong và hy vọng cũng như mọi đau thương và đấu
tranh của các bạn. Tôi sẽ đến với các bạn như một người hành hương hòa bình.
Chủ đích của tôi là trước nhất thăm viếng những nơi đã trở nên thánh thiêng nhờ
cuộc đời của Chúa Giêsu, và, cầu nguyện tại các nơi ấy cho hồng phúc hòa bình
và hợp nhất cho gia đình các bạn, và mọi người vốn nhận Đất Thánh và Trung Đông
là quê hương. Trong nhiều cuộc gặp gỡ có tính tôn giáo và dân chính diễn ra
trong suốt tuần tới, sẽ có cuộc gặp mặt với đại diện các cộng đồng Hồi Giáo và
Do Thái Giáo mà với họ nhiều tiến bộ lớn lao đã thực hiện được trong đối thoại
và trao đổi văn hóa. Một cách đặc biệt, Cha xin nồng nhiệt chào mừng người Công
Giáo trong vùng và xin chúng con cùng cha cầu nguyện cho cuộc viếng thăm này
mang lại nhiều hoa trái cho cuộc sống thiêng liêng và dân chính của mọi người
đang sinh sống tại Đất Thánh. Mọi người chúng ta hãy ngợi khen Chúa đã ban cho
sự tốt lành này. Ước chi mọi người chúng ta trở thành người của hòa bình. Cầu chúc
mọi người chúng ta kiên vững trong ước vọng và cố gắng hòa bình”.
Muốn hiểu chuyến tông du của Đức GH, phải quay về
với Thánh Kinh
George Weigel, trên Newsweek số ngày 6 tháng Năm, cho
rằng dù Tòa Thánh muốn nói sao thì nói về chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo
Hoàng, các nhà lãnh đạo chính trị trong vùng ngài sắp viếng thăm không thể nào
không nhằm mục tiêu chính trị. Nhà lãnh đạo chính trị nào thì cũng thế thôi. Họ
có thể bất cần Ban Ki-moon (Tổng thư ký LHQ) nghĩ về họ ra sao, nhưng ngay
những lãnh tụ như Kim Jong Il (Bắc Hàn) và Mahmoud Ahmadinejad (Iran) cũng hy
vọng Đức Giáo Hoàng sẽ xếp họ vào hàng ngũ thiên thần.
Bởi thế mà trong mấy ngày qua, đủ mọi chính kiến đã được
nêu ra, đến quên cả sự kiện hết sức bản thân của cuộc viếng thăm này: nó là
cuộc hành hương của một con người Thánh Kinh tới lãnh thổ Thánh Kinh. Muốn hiểu
cuộc hành hương này phải khởi đi từ gốc ngọn thực sự trong tư duy của Đức
Bênêđíctô XVI, tức Thánh Kinh.
Dù nhiều người ngày nay hay khoác cho tư duy thần học của
ngài nhãn hiệu “bảo thủ”, nhưng lúc còn là một đại chủng sinh và là sinh viên
tiến sĩ thời Tây Đức hậu chiến, Joseph Ratzinger đã là một nhà canh tân thần
học rồi. Bởi từ lúc ấy, người sinh viên này đã biết nhấn mạnh tới việc thần học
phải bắt đầu với Thánh Kinh và phải trở về với Thánh Kinh như điểm tham chiếu
chủ chốt. Nhận ra thứ luận lý lạnh lùng của nền thần học lúc ấy đầy buồn tẻ và
phi nhân, Ratzinger bị lôi cuốn vào phương thức thần học của những con người
sống vào thiên niên kỷ đầu hết mà người ta thường gọi là “Giáo Phụ”: những nhà
trí thức và mục tử vĩ đại như Ambrose, Augustine, John Chrysostom, Basil,
Gregory Nazianzen, Gregory thành Nyssa và Ephrem người Syrian. Đối với các vị
này, thần học chẳng là gì khác ngoài việc giải thích Thánh Kinh. Người sinh viên
trẻ tuổi Joseph Ratzinger nghĩ rằng trở về với Thánh Kinh và Giáo Phụ là tái
năng lực hóa thần học sau những thảm họa của nửa phần đầu thế kỷ 20. Ngài đã
hiến hơn nửa thế kỷ cuộc đời học giả của mình cho dự án tái sinh lực hóa ấy.
Thích thú một điều: phương thức căn bản của Đức Bênêđíctô
đối với Thánh Kinh gần như có thể mô tả là Thệ Phản: bởi vì đối với nhà thần
học Joseph Ratzinger, Thánh Kinh “trước hết và đầu hết là lời Thiên Chúa nói
với Giáo Hội”, như Cha Thomas Rausch thuộc trường Đại Học Loyola ở Marymount đã
viết trong một cuốn sách mới về cái nhìn thần học của Đức Bênêđíctô. Nói cách
khác, đối với Đức Bênêđíctô, Thánh Kinh không phải đơn giản chỉ là một bản văn.
Thánh Kinh là một phần yếu tính trong việc Thiên Chúa đi tìm chúng ta… Điểm dị
biệt giữa ngài và Thệ Phản là: ngài không giải thích Thánh Kinh một cách chiểu
tự (literalist). Ngài cũng khác với những nhà thần học lớn tuổi hơn thuộc các
thế hệ 1940 và 1950, vì ngài không coi Thánh Kinh như một thư viện để người ta
lục lọi mà lôi ra các điểm thần học trừu tượng. Đúng hơn, như Cha Rausch viết,
các chú giải Thánh Kinh của Đức Bênêđíctô dựa trên “một nhậy cảm hết sức đồng
điệu với các chủ đề và hình ảnh Thánh Kinh, một nhậy cảm mà ngài khám phá dễ
dàng trong cả hai giao ước”.
Theo chân Thánh Bonaventure, vị thánh mà ngài dành luận
án tiến sĩ thứ hai để viết về, Đức Bênêđíctô nhấn mạnh rằng Thánh Kinh có cả
tính bản thân lẫn tính chữ nghĩa. Hiểu một cách đúng đắn, Thánh Kinh là một
cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa hằng sống và dân tộc mà Người muốn đem tới sự sống
viên mãn, dân tộc từng sống mấy thiên niên kỷ qua và dân tộc đang sống bây giờ.
Như thế, rút gọn “Thánh Kinh” hay Lời Chúa vào duy chữ nghĩa mà thôi là làm nó
mất hết chiều kích bản thân mà tự thân vốn mang tính nhân và thần.
Xác tín về chiều kích bản thân của Thánh Kinh ấy là trọng
điểm trong cái hiểu của Ratzinger về phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại
thường gọi là “phương pháp phê bình sử học” (historical-critical method). Đức
Bênêđíctô không cực đoan hay duy chiểu tự. Ngài sẵn sàng để cho những điều các
học giả tìm tòi được liên quan tới nguồn gốc và sự biến hóa của bản văn Thánh
Kinh lên khuôn cho cách đọc Thánh Kinh của ngài. Điều ngài không chấp nhận là
rút gọn Thánh Kinh vào các mẫu mực khảo cổ. Theo Đức Bênêđíctô, khoa phê bình
lịch sử về Thánh Kinh có thể cho ta biết nhiều điều, nhưng nó không thể cho ta
biết bản văn ấy có nghĩa gì đối với chúng ta hiện nay.
Cuộc gặp gỡ thâm hậu của nhà thần học Ratzinger với Thánh
Kinh Hybálai và Tân Ước Kitô Giáo trong hơn nửa thế kỷ qua giúp ngài vừa hết
sức tôn kính Thánh Kinh vừa hết dạ tôn kính Do Thái Giáo sống động, một dạ tôn
kính có cơ sở thần học. Lòng tôn kính này là căn bản chắc chắc nhất cho tình
thân hữu chân chính và lòng tôn trọng lẫn nhau. Đức Bênêđíctô biết rằng Thánh
Kinh Hybálai hết sức yếu tính đối với Kitô Giáo. Như có lần ngài viết: “Tân Ước
không phải là một sách khác của một tôn giáo khác, một sách mà vì lý do này hay
lý do nọ đã nhận vơ Sách Thánh của người Do Thái làm một thứ cấu trúc mào đầu
của mình. Tân Ước không là gì khác hơn là lời giải thích ‘Lề Luật, các Tiên Tri
và Lời Dạy’ tìm thấy hay chứa đựng trong truyện kể về Chúa Giêsu”
Sau cùng, cũng có thể gọi Đức Bênêđíctô là một nhà dân
túy về Thánh Kinh (biblical populist). Vốn là người từng góp phần soạn ra Hiến
Chế Mạc Khải của Công Đồng Vatican II, nhà thần học Joseph Ratzinger muốn phục
hồi Thánh Kinh cho dân Giáo Hội, để Thánh Kinh ấy, một lần nữa, trở thành nguồn
suối cho lời kinh và cái hiểu của Kitô hữu. Một trong những điểm ngài hết sức
chỉ trích những người quá thổi phồng phương thức phê bình lịch sử là họ đã lấy
Thánh Kinh ra khỏi dân Giáo Hội, bằng cách dạy các tín hữu bình thường rằng cái
bản văn cổ xưa hết sức phức tạp này chỉ dành cho các chuyên viên thành thạo đọc
mà thôi.
Weigel cho rằng trong chuyến tông du tới Đất Thánh lần
này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ nói và làm nhiều chuyện. Những chuyện ấy
sẽ được sàng sẩy qua cái lọc của truyền thông và được mổ xẻ qua mọi sắc thái
chính trị. Nhưng bên dưới những chuyện ngài nói và làm ấy, sẽ là lòng tôn kính
sâu xa của ngài đối với Thánh Kinh. Ngài hoàn toàn xác tín rằng những sách cổ
xưa ấy nói lên các lời chân lý và ánh sáng cho thời đại ta. Ngài sẽ nói điều
ấy, dưới nhiều hình thức khác nhau của cùng một chủ đề vĩ đại. Hãy chờ xem ai
là người biết lắng nghe.
Vũ Văn An