Đức Thánh Cha đến Jordan, mở đầu cuộc
hành hương Thánh Địa
WHĐ (9.05.2009) – Như WHĐ
đã đưa tin chi tiết về lịch trình chuyến hành hương Thánh địa của Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI, hôm qua (8-05-2009), ĐTC đã đến Jordan, mở đầu cuộc hành hương
Thánh địa.
Ngay trước cuộc hành hương
của Đức Bênêđictô, cha David Neuhaus, linh mục dòng Tên, đại diện Thượng phụ
giáo chủ latinh Giêrusalem tại Israel khi trả lời câu hỏi phỏng vấn: “Cha có
tin là có những nguy hiểm đặc biệt xảy ra cho chuyến viếng thăm Thánh Địa?”, đã
trả lời: “Quả thực, đây là một chuyến đi dũng cảm vì có nhiều hiểm nguy.
Chúng tôi đang sống giữa một cuộc xung đột dân tộc-chính trị. Mọi phía đều rất
muốn khai thác chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cho mục tiêu riêng của mình.
Ngài sẽ tiếp xúc với không chỉ thực tế tôn giáo tại Thánh Địa mà sẽ viếng thăm
cả các nhà đại diện chính thức của chính quyền Palestin và Israel... Những hiểm
nguy quả là rõ ràng – Đức Giáo hoàng cố gắng đến như một người hành hương trong
cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất. Nhiều người đang chờ đợi để nghe ngài
ủng hộ chính nghĩa của họ. Đức Giáo hoàng cố gắng đến như một mục tử. Nhiều
người đang tới để chăm chú dõi theo từng lời nói, từng cử chỉ của ngài để rút
ra một kết luận chính trị” (xin xem toàn văn bài trả
lời phỏng vấn).
Bất chấp mọi hiểm nguy có
thể xảy đến, ĐTC vẫn thực hiện cuộc hành hương Thánh địa như Ngài từng ao ước
từ khi bắt đầu sứ vụ Phêrô.
Và như thế, cả thế giới
chăm chú theo dõi từng bước đi của ĐTC tại Thánh địa, bắt đầu từ 11g30 (giờ
UTC) ngày 8-05-2009, giờ cất cánh của chiếc chuyên cơ Shepherd One chở
ĐTC, khởi hành từ sân bay quốc tế Leonardo da Vinci (Rôma) đến sân bay
quốc tế Queen Alia tại Amman (Jordan).
Những bức điện tín Đức
Thánh Cha gửi dọc lộ trình
Chiếc chuyên cơ Shepherd
One chở ĐTC và phái đoàn Tòa Thánh, từ Italia đến Jordan, bay qua không phận
các quốc gia Hi Lạp, Chypre, Liban và Syria.
Theo truyền thống, ĐTC sẽ
gửi điện tín cho vị nguyên thủ quốc gia, cảm ơn các vị đã cho Ngài sử dụng
không phận đồng thời ban phép lành cho dân chúng.
Trong điện văn gửi Tổng
thống Michel Sleiman của Liban, ĐTC viết: “Cầu chúc nhân dân Liban tìm được
sức mạnh và lòng can trường để kiến tạo một quốc gia thống nhất và đoàn kết
trong sự tôn trọng mọi dị biệt của nhau”.
Gửi Tổng thống Bachar El
Assad của Syria, điện văn của ĐTC viết: “Cầu chúc cho quốc gia Syria được
sống trong hòa bình và thịnh vượng. Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành của Ngài
xuống trên nhân dân Syria”.
Tiếp đón Đức Thánh Cha
bằng một cử chỉ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao, Quốc vương Jordan
nói: “Đây là chuyến viếng thăm lịch sử và được người Jordan chờ đợi”
Đúng 14g30 (giờ Amman, thủ
đô Jordan), chiếc chuyên cơ Shepherd One hạ cánh xuống sân bay quốc tế
Queen Alia tại Amman (Jordan).
Thân hành ra đón ĐTC ngay
tại chân thang máy bay có Quốc vương Abdullah II và Hoàng hậu Rania, một sự
kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ tại Jordan.
Trong diễn văn chào mừng
ĐTC, Quốc vương Abdullah II đã nhấn mạnh một kinh nghiệm lịch sử quan trọng của
Jordan là sự chung sống hòa bình giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo. Ông cho
rằng cần phải “gạt qua một bên giọng điệu kích động” đồng thời phải cùng
hành động nhằm “góp phần xua tan bóng tối u ám của sự xung đột bằng đàm phán
thương lượng về quyền được hưởng tự do của người Palestin và quyền của người
Israel được sống an toàn”.
Quốc vương Jordan cũng bày
tỏ sự đồng tình ủng hộ của ông đối với lập trường của ĐTC về việc “xua tan
những hiểu lầm và chia rẽ gây thiệt hại cho mối quan hệ giữa những người Kitô
giáo và Hồi giáo”.
Quốc vương cho biết ông
đánh giá cao chuyến viếng thăm của ĐTC đến đền thờ Al-Hussein và gặp gỡ các
giáo sĩ Hồi giáo. Nhà vua cho đây sẽ là “chuyến viếng thăm lịch sử và được
người Jordan chờ đợi”.
Đức Thánh Cha ngỏ lời
với Quốc vương Abdullah II: “ Jordan là đất nước của những sáng kiến
khôi phục hòa bình”
Trong diễn văn đáp từ tại
sân bay quốc tế thủ đô Amman, ĐTC nói: “Thật hạnh phúc cho tôi khi được đặt
chân lên mảnh đất Jordan của vương triều Hachémit (dòng dõi của Mahomet). Đây
là một đất nước giàu truyền thống lịch sử, là chiếc nôi của những nền văn minh
cổ đại, là nơi ghi đậm dấu ấn của các tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi
giáo. Tôi cảm ơn Quốc vương Abdullah II đã đón tôi bằng những lời chào đáng
yêu. Năm nay Quốc vương kỉ niệm 10 năm trị vì, tôi xin chân thành chúc mừng
Quốc vương. Tôi cũng gửi đến mọi người trong Hoàng gia, đến chính phủ và toàn
thể nhân dân Vương quốc Jordan lời chào nồng nhiệt”.
ĐTC đánh giá cao những
đóng góp của Jordan, đặc biệt của cố quốc vương Hussein, cho khu vực Trung Đông
cũng như đối với nền hòa bình thế giới: “Từ lâu, Jordan đã là quốc gia khởi
xướng những sáng kiến nhằm đem lại hòa bình cho trung Đông và thế giới. Jordan
hằng cổ võ việc đối thoại liên tôn và ủng hộ những nỗ lực hướng đến một giải
pháp công bình cho cuộc xung đột Israel - Palestin. Jordan đã đón tiếp những
người tị nạn từ đất nước Irak láng giềng. Jordan tìm cách giải trừ những khuynh
hướng cực đoan. Tôi không thể không nắm lấy cơ hội này để nhắc lại những nỗ lực
của cố Quốc vương Hussein (1952-1999) mưu tìm hòa bình cho khu vực như một nhà
tiên phong đích thực”.
“Tôi đến Jordan
như một người hành hương và Jordan là một đất nước tôn trọng tự do tôn
giáo”
Tiếp đón ĐTC tại sân bay
còn có phái đoàn các giám mục thuộc Tòa Thượng phụ latinh Jerusalem và các giám
mục Công giáo Nghi lễ Đông phương.
Tòa Thượng phụ Jerusalem
được khai sinh năm 1099, vào cuối cuộc Thập tự chinh. Năm 1187, khi Jerusalem
rơi vào tay lực lượng Saladin, Tòa Thượng phụ chuyển về Acre, rồi Chypre, cuối
cùng về Rôma. Năm 1847, hơn sáu thế kỉ sau, Đức giáo hoàng Piô IX tái lập Tòa
Thượng phụ tại Giêrusalem.
Hiện nay, giáo phận Thượng
phụ Giêrusalem có khoảng 70.000 tín hữu, bao gồm các quốc gia: Israel, Jordan,
Chypre và vùng lãnh thổ Palestin.
Đức Tổng giám mục Fouad
Twal được ĐTC Bênêđictô XVI đặt làm Thượng phụ Giáo chủ. Phụ tá cho ngài có ba
giám mục và hai linh mục đại diện Thượng phụ. Mỗi vị đại diện sẽ giúp Đức
Thượng phụ điều hành công việc mục vụ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ kể
trên.
Ngỏ lời với các giám mục,
ĐTC bày tỏ ước ao và hẹn sẽ cử hành phụng vụ với các giám mục và tín hữu tại
Nhà thờ Thánh Grêgôriô, nhà thờ chính tòa của Công Giáo Hi Lạp Melkite ở Amman,
và tại sân vận động quốc tế của Jordan.
ĐTC nói với mọi người đến
chào đón Ngài: “Tôi đến Jordan như một người hành hương để viếng những nơi
thánh đã từng diễn ra một phần quan trọng những sự kiện then chốt của lịch sử
Thánh kinh. Núi Nebo, nơi Môisê đã từng dẫn dân đến và từ đó nhìn thấy mảnh đất
sẽ trở thành tổ quốc của ông; tại đây ông đã qua đời và được mai táng.
Bêthania, bên kia sông Jordan, nơi Gioan Tẩy giả đã rao giảng, đã làm chứng và
làm phép Rửa cho Chúa Giêsu trong dòng nước của con sông đất nước của các bạn
mang tên. Trong những ngày tới, tôi sẽ đi viếng các nơi thánh và vui mừng được
làm phép những viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ ngay tại nơi Chúa Giêsu chịu
phép Rửa. Việc cộng đoàn Công giáo Jordan xây được cho mình một nơi thờ phượng
đã cho thấy đất nước các bạn tôn trọng tự do tôn giáo và tôi đánh giá cao sự
cởi mở này”.
ĐTC nhấn mạnh: “Tự do
tôn giáo là một quyền căn bản của con người. Tôi luôn hi vọng mãnh liệt và hằng
cầu nguyện cho những quyền bất khả nhân nhượng của con người được tôn trọng,
cho phẩm giá của mọi người, nam cũng như nữ, luôn được củng cố và bảo vệ, không
chỉ ở Trung Đông mà còn mọi nơi trên thế giới”.
Đức Thánh Cha ngỏ lời
với cộng đồng Hồi giáo Jordan: “Cổ võ sự kết hợp giữa nền văn minh Tây
phương và thế giới Hồi giáo”
Là vị giáo hoàng kiên trì
theo đuổi việc đối thoại liên tôn, ĐTC đã đưa vào nội dung hành hương của Ngài
tinh thần và thiện chí đối thoại.
ĐTC hướng đến anh chị em
Hồi giáo ngay trong giây phút đầu tiên mới đặt chân đến Trung Đông: “Chuyến
viếng thăm Jordan cho tôi một cơ hội nói lên niềm kính trọng sâu xa đối với
cộng đồng Hồi giáo, cũng như bày tỏ sự trân trọng đối với vai trò quyết định
của Quốc vương trong việc cổ võ sự hiểu biết đúng đắn những đức hạnh được Hồi
giáo rao giảng. Bởi vậy giờ đây, nhiều năm sau khi công bố Thông điệp Amman
và Thông điệp Liên tôn Amman, chúng tôi có thể nói rằng những sáng kiến
quý báu này đã gặt hái kết quả tốt đẹp nhờ đã cổ võ sự kết hợp giữa nền văn minh
Tây phương và thế giới Hồi giáo, khiến những đồn đoán cho rằng khó lòng tránh
được xung đột và bạo lực rốt cuộc đã bị thất bại”.
Hướng về chuyến viếng thăm
đền thờ Hồi giáo Al-Hussein vào ngay ngày hôm sau (9-05-2009), ĐTC phát biểu: “Ngày
mai, tại đền thờ mang tên cố Quốc vương Hussein, tôi sẽ gặp các vị lãnh đạo Hồi
giáo, ngoại giao đoàn, lãnh đạo các trường đại học. Cuộc gặp này có mang ý
nghĩa biểu tượng sâu xa. Mong sao từ cuộc gặp gỡ này việc cổ võ giải quyết
những xung đột trong khu vực sẽ tiếp tục đạt kết quả là xúc tiến xây dựng một
nền hòa bình như hằng mong đợi và một nền công lí đích thực cho mọi người sống
tại Trung Đông”.
Đức Thánh Cha đề nghị với
cộng đồng những người Hồi giáo hướng vào điểm chung giữa hai tôn giáo là Lệnh
Chúa truyền phải sống yêu thương: “Mùa thu năm ngoái, theo sáng kiến của tổ
chức Hội nghị Công giáo - Hồi giáo, tại Rôma đã diễn ra Hội thảo về vai trò
trung tâm của Lệnh truyền yêu thương trong truyền thống tôn giáo đáng tôn kính
của chúng ta. Tôi hi vọng mãnh liệt chuyến viếng thăm của tôi cũng như mọi sáng
kiến thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Kitô giáo và Hồi giáo, sẽ giúp chúng ta
lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa Tối cao và Giàu lòng thương xót cung
như trong tình huynh đệ đối với nhau”.
Theo đánh giá của các hãng
tin lớn trên thế giới, ngay từ những giây phút đầu tiên, ĐTC đã giành được
những thiện cảm tốt đẹp của mọi thành phần trên đất nước Jordan, một bộ phận
của Thánh địa và của vùng Trung Đông đầy biến động.
Gia Kỳ