ĐTC Biển Đức 16 viếng thăm tại Israel (2)

 

Radio Vatican 12/05/2009 – JERUSALEM. Hôm 12-5-2009, ngày thứ 2 trong cuộc viếng thăm tại Israel, ĐTC Biển Đức 16 đã có 6 hoạt động tất cả tại thành Jerusalem.

 Trước hết ngài viếng thăm Đền Thờ Mái Vòm đá tảng của hồi giáo, thăm vị Đại Mufti Hồi giáo, sau đó ngài viếng thăm Bức Tường Phía Đông của Do thái, tức là Bức tường Than Khóc, rồi gặp hai vị Đại Rabbi của Jerusalem và các Rabbi khác tại Trung tâm Hechal Shlomo ở Jerusalem.

Lúc 12 giờ trưa, ĐTC gặp gỡ và đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên ĐàngTruyền tin với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa tại Nhà Tiệc ly ở Jerusalem, rồi kính viếng Nhà thờ Chính Tòa Công Giáo trước khi dùng bữa trưa với các vị Bản quyền. Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Thung lũng Josaphat ở Jerusalem.

Thăm đền thờ Hồi giáo

ĐTC đến Đền thờ Mái Vòm vào lúc 9 giờ sáng và đã được vị Đại Mufti cùng với vị Chủ tịch hội đồng các gia sản tôn giáo Hồi giáo đón tiếp, hướng dẫn tham quan và tiếp đó ngài gặp gỡ các vị đại diện của các cộng đồng Hồi giáo địa phương. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đền thờ này. Ngài cũng bỏ giầy khi vào trong Đền thờ.

Sau lời chào mừng của vị Đại Mufti Muhammad Hussein, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người và ngài nhấn mạnh ý tưởng: lòng trung thành với Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao, đưa ta đến chỗ nhìn nhận rằng con người có liên hệ cơ bản với nhau, xét vì sự sống của tất cả đều bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất và cùng hướng về một mục đích chung. Vì thế, những người tôn thờ Thiên Chúa duy nhất phải cư xử như những người được xây dựng trên nền tảng và cùng hành trình về sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”. ĐTC khai triển ý tưởng nòng cốt trên đây và khẳng định rằng:

“Trong một thế giới bị xâu xé đau thương vì chia rẽ, nơi thánh này có tác dụng như một sự kích thích, và cũng là một thách đố thúc giục mọi người nam nữ thiện chí làm việc để vượt thắng những hiểu lầm và xung đột quá khứ, để tiến bước trên con đường đối thoại chân thành, nhắm xây dựng một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ mai sau”.

ĐTC cũng nói rằng: “Những người tuyên xưng danh Chúa đều được ủy thác nhiệm vụ cố gắng không biết mệt mỏi để sống ngay chính, đồng thời noi gương tha thứ của Chúa, vì công lý và từ bi đều nhắm tới sự sống chung hòa hợp và an bình của gia đình nhân loại”.

Sau cùng, ĐTC bày tỏ với các vị lãnh đạo Hồi giáo ước muốn nồng nhiệt của Giáo Hội Công Giáo cộng tác để mưu thiện ích an sinh cho gia đình nhân loại. Giáo Hội tin chắc rằng sự viên mãn lời Chúa hứa cho tổ phụ Abraham là một mục tiêu phổ quát, bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt gốc gác và giai tầng xã hội của họ. Trong lúc người Hồi giáo và Kitô tiếp tục cuộc đối thoại đã bắt đầu trong niềm tôn trọng lẫn nhau, tôi cầu nguyện để họ khám phá thấy rằng đặc tính duy nhất của Thiên Chúa gắn liền với sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”.

Viếng Bức Tường Than Khóc

Liền đó, ĐTC tiến sang Bức Thường Phía Tây chỉ cách đó 1 cây số. Đây là một mảnh tường Đền thờ Jerusalem. Khi Vua Hêrôđê cho tu bổ lại Đền thờ, ông cho nới rộng khu vực bao quanh và trong dịp đó, ông cho xây thêm và tu bổ bức tường nâng đỡ Đền thờ. Tường này cao 15 mét, và vẫn tồn tại trong các thời kỳ sau đó. Xét về phương diện tinh thần, Bức Tường Phía Đông này, cũng gọi là Bức Tường Than Khóc, chính là con tim của Do thái giáo, vì những lý do lịch sử và tôn giáo.

Đến khu vực Bức Tường Phía Tây, ĐTC đã được vị Rabbi Trưởng và Chủ tịch Tổ chức quản trị nơi thánh này của Do thái giáo đón tiếp và tháp tùng ngài đến cạnh bức tường. Tại đây, Rabbi trưởng đã đọc một thánh vịnh bằng tiếng Do thái, trước khi ĐTC đọc thánh vịnh bằng tiếng la tinh, rồi cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài nhét một miếng giấy nhỏ vào khe tường trên đó có viết lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa những vui mừng, hy vọng, ước mong, những cơ cực, đau khổ của toàn dân Chúa trên thế giới. “Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng tiếng kêu của những người sầu khổ, sợ hãi và túng thiếu, xin Chúa ban an bình cho Thánh Địa, cho miền Trung Đông, trên toàn thể gia đình nhânloại, xin đánh động tâm hồn của tất cả những người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm tốn tiến bước trên con đường công lý và cảm thông. Thiên Chúa từ nhân đối với những người mong đời Ngài, cho các linh hồn tìm kiếm Ngài” (Lam 3,25).

Sau cuộc viếng thăm, ĐTC đã lên xe tiến về Trung Tâm Hechal Shlomo, cách đó 4 cây số, cạnh Đại Hội đường Do thái Jerusalem. Tòa nhà hùng vĩ này cũng là trụ sở của tòa Đại Rabbi Israel, gồm hai vị Đại Rabbi Sefardita và Ashkenazita của Israel cùng với Tối cao pháp viện tôn giáo của nước này.

Sau khi hội kiến riêng với hai vị Đại Rabbi, ĐTC đã gặp chung tại phòng hội nhiều Rabbi khác. Trong dịp này, ngài nói:

“Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một cơ hội rất thích hợp để cảm tạ Đấng Tối Cao vì nhiều phúc lành ngài ban cho cuộc đối thoại của Ủy ban song phương và hướng nhìn về những khoa họp tương lai. Sự sẵn sàng của các đại biểu thảo luận công khai và kiên nhẫn không những về những điểm đồng thuận, nhưng cả những điểm khác biệt, đã dọn được cho cuộc đối thoại hữu hiệu hơn trong đời sống công khai.”

Về những điểm mà hai bên có thể cộng tác với nhau, ĐTC nói: “Người Do thái và kitô đều quan tâm bảo đảm sự tôn trọng tính chất thánh thiên của sự sống con người, vị trí trung tâm của gia đình, nền giáo dục tốt đẹp cho người trẻ, tự do tôn giáo và lương tâm để có một xã hội lành mạnh. Những đề tài đối thoại này chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của điều mà chúng ta tin là sẽ một cuộc hành trình lâu bền, từ từ tiến đến một sự cảm thông sâu xa đối với nhau. Một hướng đi cho loạt gặp gỡ này đã được thấy qua mối quan tâm chung đứng trước trào lưu duy tương đối về luân lý và những thương tổn mà trào lưu này gây ra chống lại phẩm giá con người.

ĐTC đặc biệt nhấn mạnh yếu tố thiết yếu trong cuộc đối thoại hữu hiệu, đó là sự tín nhiệm nhau: “Ngày hôm nay, tôi có dịp lập lại rằng Giáo Hội Công Giáo quyết tâm một cách không thể hồi lại, trong việc theo đuổi con đường đã chọn trong Công đồng chung Vatican 2 để đạt tới sự hòa giải chân thành và lâu bền giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Như Tuyên ngôn Nostra Aetate đã nêu rõ, Giáo Hội tiếp tục đề cao gia sản tinh thần chung giữa các tín hữu Kitô và Do thái, và mong ước có sự cảm thông sâu xa và tôn trọng hơnqua các nghiên cứu Kinh Thánh và Thần Học, cũng như các cuộc đối thoại huynh đệ. Ước gì 7 khóa họp của Ủy ban song phương diễn ra giữa Tòa Thánh và Tòa Rabbi Trưởng là bằng chứng về điều đó.”

Những lời trên đây của ĐTC là câu trả lời cho một số nhân vật và tổ chức Do thái trong thời gian qua cho rằng ngài và Tòa Thánh đã rời bỏ hướng đi của Công đồng Vatican 2 trong quan hệ với Do thái, chẳng hạn qua vụ giải vạ tuyệt thông cho GM Williamson thuộc phe Công Giáo thủ cựu Lefebvre hoặc qua toan tính muốn hòa giải nhóm này với Giáo Hội Công Giáo.

Gặp các vị Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa

Giã từ tòa Đại Rabbi của Do thái giáo Israel, ĐTC đã đến Nhà Tiệc Ly chỉ cách đó 2 cây số để gặp gỡ và đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các vị Thượng Phụ, GM, nói chung là các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa, trong đó có cả Cha Bề trên và đông đảo các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây.

Lên tiếng sau khi hát kinh Chúa Thánh Thần và lời chào mừng của cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, ĐTC nhắc đến một vấn đề lớn của Công đồng Kitô tại Thánh Địa, đó là hiện tượng các tín hữu Kitô di cư ra nước ngoài:

“Anh em GM thân mến, anh em hãy tin cậy nơi sự ủng hộ và khuyến khích của tôi trong lúc anh em làm tất cả những gì có thể để giúp các anh chị em Kitô ở lại và phát triển tại đây, nơi phần tất của tổ tiên và trở thành những sứ giả, những người thăng tiến hòa bình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh em trong việc giúp đỡ về các giá trị và những nguyên tắc, để họ giữ vai trò của mình trong xã hội, như những công dân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Qua việc giáo dục, chuẩn bị nghề nghiệp và các sáng kiến xã hội và kinh tế, điều kiện sống của họ được nâng đỡ và cải tiến. Về phần tôi, tôi lập lại lời kêu gọi các anh chị em trên thế giới hãy hỗ trợ và nhớ đến các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa và Trung Đông trong kinh nguyện.”

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các vị Bản quyền, ĐTC đã về tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem và kính viếng đồng Nhà thờ Chính Tòa Thánh Danh của Tòa Thượng Phụ ở bên cạnh, cùng với 300 tín hữu hiện diện trong đó có nhiều chủng sinh và nữ tu, kể cả các chị thuộc các dòng chiêm niệm.

 Thánh lễ tại Thung Lũng Josaphat

Chiều 12-5-2009, vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại Israel cho 6 ngàn tín hữu tụ tập tại Thung lũng Josaphat, đối diện với Vương cung thánh đường Giệtsimani và Vườn Cây Dầu. Đồng tế thánh lễ có 30 HY và GM cùng với hàng trăm Linh mục.

Thánh lễ bằng tiếng latinh, xen lẫn các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Arập và Do thái.

Trong bài giảng, ĐTC nói đến những khó khăn các tín hữu Kitô đang phải chịu tại Thánh Địa, nhưng ngài mời gọi họ tiếp tục sống ơn gọi Kitô ngay tại Thánh Địa này. Ngài nói:

“Đứng trước anh chị em ngày hôm nay, tôi muốn nhìn nhận những khó khăn, thất vọng, đau khổ mà qua nhiều người trong anh chị em phải chịu do các cuộc xung đột tại phần đất này, và những kinh nghiệm đau thương về sự tản cư mà quá nhiều gia đình anh chị em phải chịu.. Tôi hy vọng sự hiện diện của tôi tại đây là một dấu chỉ chứng tỏ anh chị em không bị quên lãng, sự hiện diện kiên trì và chứng tá của anh chị em thực là quí giá trước mặt Chúa và là thành phần của tương lai đất nước này. Chính vì căn cội sâu xa của anh chị em tại đất này, nền văn hóa Kitô kỳ cựu và vững mãnh, và lòng tín thác không lay chuyển của anh chị em nơi lời hứa của Chúa, nên anh chị em trong tư cách là những Kitô hữu tại Thánh Địa, Anh chị em được kêu gọi phục vụ không những như ngọn đuốc đức tin sáng ngời cho Giáo Hội hoàn vũ, nhưng còn như men về sự hòa hợp, khôn ngoan và quân bình trong đời sống của một xã hội theo truyền thống đã và tiếp tục là đa nguyên, đa văn hóa và đa tôn giáo.

ĐTC nói thêm rằng: “thật là đau buồn vì bên dưới các bức tường của cùng thành Jerusalem này, chúng ta được thúc đẩy ý thức về sự kiện thế giới chúng ta ở xa sự thể hiện viên mãn lời tiên tri và lời hứa về thành Jerusalem này dường nào. Tại Thành Thánh này nơi mà sự sống chinh phục sự chết, nơi Thánh Linh được đổ tràn như thành quả đầu tiên của công trình sáng tạo mới, hy vọng tiếp tục chiến đấu chống tuyệt vọng, bất mãn và thái độ bất cần đời, trong khi hòa bình là hồng ân và ơn gọi của Chúa tiếp tục bị đe dọa vì ích kỷ, xung đột, chia rẽ và gánh nặng của quá khứ. Vì thế, cộng đồng Kitô tại thành này phải kiên trì giữ niềm hy vọng được Tin Mừng ban cho, nuôi dưỡng lời hứa của Chúa Kitô về chiến thắng chung kết trên tội lỗi và sự chết, làm chứng về quyền năng của sự tha thứ và chứng tỏ bản chất sâu xa của Giáo Hội như dấu chỉ và là bí tích của một nhân loại được hòa giải, được đổi mới và được hiệp nhất trong Chúa Kitô là Adam mới.

 “Tụ họp nhau dưới thành của thành phố này, thành thánh đối với tín đồ của 3 tôn giáo lớn, làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến ơn gọi phổ quát của thành Jerusalem? Ơn gọi này được các ngôn sứ công bố, và là một sự kiện thông thể phủ nhận, một thực tại ăn rễ sâu nơi lịch sử phức tạp của thành này và các dân tại đây. Người Do thái, Hồi giáo cũng như Kitô giáo đều coi thành này là nhà tinh thần của mình. Có bao nhiêu điều cần phải làm để Jerusalem thực sự là thành hòa bình cho mọi dân tộc, nơi mà mọi người có thể đến hành hương, tìm kiếm Chúa, và nghe tiếng Chúa, một tiếng nói về hòa bình (Tv 85,8).

“Tại đây, tôi muốn trực tiếp nói đến một thảm trạng, vốn là nguồn lo âu cho những ai yêu mến thành thánh và đất nước này, đó là sự di cư của quá nhiều phần tử các cộng đồng Kitô trong những năm gần đây. Trong khi những lý do có thể hiểu được làm cho nhiều người, nhất là người trẻ, di cư ra nước ngoài, quyết định này làm cho thành thánh trở nên nghèo nàn nhiều về văn hóa và tinh thần. Hôm nay, tôi muốn lập lại điều đã nói trong những dịp khác rằng: tại thánh địa này có chỗ cho mọi người! Tôi thúc giục chính quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và đề cao giá trị sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại đây. Tôi cũng muốn bảo đảm với anh chị em về tình liên đới, yêu thương và nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội và của Tòa Thánh.

Một số phản ứng

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa bị thiểu số cực đoan từ phía người Hồi giáo cũng như Do thái chống đối.

Có 4 Bộ trưởng thuộc đảng cực hữu Shas của Do thái tẩy chay cuộc đón tiếp của tổng thống Peres dành cho ĐTC. Những người này nói rằng ĐGH trước kia thuộc đoàn thanh niên Hitler và việc tẩy chay này là để tôn trọng các nạn nhân cuộc diệt chủng Do thái.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ luận điệu trên đây và tuyên bố với đài BBC rằng ĐGH Biển Đức 16 không hề tự ý thuộc đoàn thanh niên Hitler. Năm lên 14 tuổi, khi học trung học, người ta bắt buộc ngài ghi tên vào đoàn này. Cũng vì không tự nguyện, nên đơn xin học bổng của ngài sau đó bị Nhà nước bác bỏ.

Một đại biểu Hamas của người Palestine thì coi ĐGH là thân Do thái và cho rằng ĐGH viếng thăm xã giao lực lượng chiếm đóng mà quên những vết thương tại thành này.

Trước đó, những người Hồi giáo cực đoan ở Giordani đòi ĐTC phải công khai xin lỗi về bài diễn văn ở Ratisbone năm 2006 mà họ cho là xúc phạm đến Hồi giáo.

Hôm 11-5-2009, Giới lãnh đạo Palestine tố giác Israel toan tính bóp nghẹt mọi tiếng nói tố giác cuộc chiếm đóng lãnh thổ Palestine sau khi nhà cầm quyền Israel đóng cửa trung tâm báo chí của Palestine.

Mufti Mohmmad Hussein ở Jerusalem đã tuyên bố như trên, trong khi ông Rafiq al Husseini, giám đốc văn phòng của tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, nói rằng điều chúng tôi muốn nói đó là Jerusalem phía đông bị chiếm đóng và dân Palestine nói chung không chấp nhận để cho thành phố này thuộc về Israel.

LM Pierre Madros, cố vấn của Đức thượng Phụ Fouad Twal, tái khẳng định rằng “Đông Jerusalem không phải là Israel”.

Trung tâm báo chí của Palestine đã được mở ra hôm chúa nhật 10-5 tại một khách sạn Ambassador thuộc khu vực phía đông thành Thánh, và dự kiến sẽ hoạt động trong thời gian ĐTC viếng thăm.

Theo phát ngôn viên của cảnh sát Israel, việc đóng cửa trung tâm báo chí này là do lệnh của bộ trưởng nội vụ Yitzhak Aharonovitch. Israel cấm mọi hoạt động chính thức của người Palestine tại đông Jerusalem, trong khi người Palestine coi khu vực này là thủ đô tương lai của nước Palestine.

G. Trần Đức Anh OP


Về Trang Mục Lục