Đức
Thánh Cha kêu gọi dẹp bỏ mọi bức tường phân cách, thắng vượt thù hận bạo lực và
dấn thân xây dựng hai quốc gia để người Israel và Palestine sống chung trong
hòa bình và an ninh.
Radio Vatican 13/05/2009 – Đức Thánh Cha đã
đưa ra lời kêu gọi trên đây trong ngày thứ 3 viếng thăm Thánh Địa. Hôm thứ tư
13-5-2009 Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính là thánh lễ ngài cử hành cho
các tín hữu tại quảng trường Giáng Sinh lúc 10 giờ sáng. Vào ban chiều Đức
Thánh Cha đã viếng thăm Hang Đá Giáng Sinh Bếtlehem và nhà thương Caritas Nhi
đồng, trại tị nạn Aida và thăm xã giao tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Lúc 8.45 sáng Đức Thánh Cha đã lên xe rời
Giêrusalem để đến Bếtlehem, cách đó 10 cây số. Xe chở Đức Thánh Cha vượt biên
giới giữa Israel và vùng đất của người Palestine. Đất của người Palestine bao
gồm hai vùng cách nhau 30 cây số là Cisgiordani, giáp giới với Israel và
Giordania, và Gaza giáp giới với Israel và Ai Cập. Vùng đất này đã được Liên
Hiệp Quốc thừa nhận, theo sau Hiệp định Oslo ký kết ngày 28 tháng 8 năm 1993
giữa chính quyền Israel và Tổ chức Giải Phóng Palestine, qua trung gian của
chính quyền Na Uy. Chính phủ Palestine đặt trụ sở tại Ramallah trong vùng
Cisgiordani, do ông Mahmoud Abbas làm Tổng thống. Ông Abbas đã mãn nhiệm ngày
15 tháng giêng năm 2008, nhưng được lưu nhiệm thêm một năm.
Bếtlehem cách Giêrusalem 10 cây số là thành
phố có 35.000 dân. Tên gọi do thái “Beit Lekhem” có nghĩa là “Nhà của Bánh”,
còn tên gọi tiếng A Rập “Beit Lahm” có nghĩa là “Nhà của Thịt”. Bếtlehem nằm
trên con lộ dẫn vào sa mạc Negheb ở trên độ cao 765 mét. Sản phẩm chính của
vùng Bếtlêhem phát xuất từ nông nghiêp, chăn nuôi, và thủ công nghệ, trong đó
có các kỷ vật và ảnh tượng bằng gỗ cây ô liu. Địa danh Bếtlhem được nhắc tới
lần đầu tiên trong chương 35 sách Sáng Thế, kể lại biến cố bà Rakhel qua đời và
được chôn cất tại đây (St 35,19). Kinh Thánh gọi nơi này là “Bếtlehem của Giuđa”,
vì là đất thuộc chi tộc Giuđa. Vua Đavít đã sinh ra và được ngôn sứ Samuel xức
dầu thánh hiến làm vua tại đây. Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh đã khiến cho
Bếtlehem có tầm quan trọng quốc tế và lôi cuốn tín hữu hành hương. Năm 135
hoàng đế Adirano du nhập việc tôn thờ thần Adone với chủ ý xóa bỏ các dấu vết
kitô tại Bếtlehem, nhưng năm 330 hoàng đế Constantino trả Bếtlehem lại cho kitô
hữu. Từ đó Bếtlehem cũng trở thành một trung tâm viện tu. Năm 384 thánh
Girolamo đã đến sống tại đây và dịch Kinh Thánh Do thái ra tiếng Latinh. Sau
cuộc đánh chiếm của người A rập năm 638, Califo Omar thi hành chính sách khoan
nhượng tôn giáo. Nhưng năm 1099 khi nghe tin các đạo binh Thập Tự đến gần
người, Hồi đã phá hủy thành phố. Năm 1110 vị vua Giêrusalem đầu tiên là Baudoin
đã được thánh hiến tại Betlehem.
Năm 1187 thành phố bị người Hồi chiếm
đóng, rồi rơi vào tay của đế quốc Ottoman và tàn lụi. Vào năm 1600 Bếtlehem chỉ
là một làng nhỏ. Đầu thế kỷ XIX đa số dân là tín hữu kitô. Năm 1831 vua Ai Cập
là Mohammad Ali đánh chiếm Bếtlehem và đuổi các người Hồi liên minh với đế quốc
Ottoman rồi đốt khu phố của họ. Sau đó Bếtlehem thuộc quyền nhà Hashemita của
Giordania cho tới năm 1967, khi Bếtlehem và vùng Cisgiordania bị quân đội
Israel chiếm đóng. Sau hiệp định Oslo từ năm 1995 Bếtlehem thuộc vùng đất của
người Palestine. Chủ tịch Yasser Arafat đã xây dinh tổng thống tại Bếlehem, và
thành phố đã trở thành trung tâm của các cuộc lễ trong Năm Thánh 2000, với việc
khánh thành viên bảo tàng trưng bầy 230 máng cỏ đẹp và nổi tiếng nhất thế giới,
do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha đã diễn ra
tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine. Đức Thánh Cha và tổng thống
Abbas đã duyệt hàng chào danh dự. Sau khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều
Vaticăng và quốc thiều Palestine và giới thiệu phái đoàn hai bên, tổng thống
Mahmoud Abbas đã chào mừng Đức Thánh Cha.
Tổng thống sinh tại Safad năm 1935, trong
cuộc chiến năm 1948 ông cùng gia đình lánh nạn sang Siria. Ông Alias Abu Mazen
đã theo học tại các đại học Damasco, Cairo và lấy tiến sĩ tại đại học Patrice
Mulumba bên Matscơva. Từ năm 2004 ông là Chủ tịch tổ chức Giải Phóng Palestine
sau khi Chủ tịch Arafat qua đời. Từ năm 2005 ông là tổng thống chính quyền
Palestine với nhiệm kỳ 4 năm, được kéo dài thêm một năm nữa. Tổng thống có vợ
và 3 con.
Đáp lời tổng thống, Đức Thánh Cha thân
ái gửi lời chào tới toàn dân Palestine và bầy tỏ lòng trắc ẩn của ngài đối với
những khổ đau họ phải gánh chịu, đặc biệt trong chiến cuộc mới đây tại vùng
Gaza. Ngài khích lệ họ can đảm hy vọng và dấn thân hoạt động để đạt tới một
giải pháp công bằng là hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh
dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của mọi người. Đức Thánh Cha cũng
cầu mong tình hình an ninh được cải tiến để người dân có thể tự do di chuyển. Ngài
cũng hy vọng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế việc tái thiết được tiến
hành nhanh chóng và cho phép người trẻ đóng góp tài năng và lòng hăng say của
họ cho việc xây dựng xã hội. Đức Thánh Cha đã đặc biệt hướng tới người trẻ và
khuyến khích họ đừng nhượng bộ chước cám dỗ của bạo lực, nhưng biết xây dựng
một tương lai tích cực. Ngài nói:
“Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục
đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao
thập niên qua. Tôi hướng lòng tới tất cả mọi gia đình đã mất nhà cửa. Chiều này
tôi sẽ đi thăm trại tị nạn Aida để bầy tỏ tình liên đới của tôi đối với dân tộc
đã mất mát qúa nhiều như thế. Với những bạn đang than khóc vì mất gia đình và
các người thân trong các thù nghịch, đặc biệt trong cuộc xung đột mới đây tại
Gaza, tôi bảo đảm với các bạn sự cảm thương sâu xa và lời cầu nguyện hàng ngày
của tôi. Thật thế tôi đem tất cả các bạn vào trong lời cầu hàng ngày của tôi,
và tôi tha thiết khẩn nài Chúa ban hòa bình, một nền hòa bình công chính và lâu
bền cho các vùng đất của người Palestine và toàn vùng này... Các bạn đừng để
cho các mất mát sự sống và các tàn phá, mà các bạn đã chứng kiến, khơi dậy các
cay đắng hay thù hận trong lòng. Hãy can đảm chống lại mọi cám dỗ sử dụng bạo
lực hay khủng bố phá hoại. Trái lại, hãy làm sao để cho tất cả những gì các bạn
kinh nghiệm, canh tân sự quyết tâm xây dựng hòa bình. Hãy làm sao để nó làm cho
các bạn tràn đầy ước mong sâu thẳm cống hiến phần đóng góp lâu dài cho tương
lai của đất Palestina, để nó có thể có một chỗ đứng đúng đắn trong bối cảnh thế
giới”.
Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ lập trường của
Tòa Thánh đối với tương lai chính trị trong vùng và nói với tổng thống Abu
Mazen như sau:
“Kính thưa tổng thống, Tòa Thánh chia sẻ
ước mong của Tổng thống và của dân tộc Tổng thống là có được một quê hương
Palestine tối thượng trên đất của tổ tiên, an ninh và hòa bình với các dân tộc
chung quanh trong các biên giới được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cả khi trong
hiện tại mục tiêu đó xem ra xa vời chưa được hiện thực, tôi xin khích lệ tổng
thống và dân tộc của tổng thống duy trì sống động ngọn lửa hy vọng, hy vọng có
thể tìm ra một con đường gặp gỡ giữa các khát vọng hợp pháp của người Israel
cũng như của người Palestine, khát vọng hòa bình và ổn định. Như vị tiền nhiệm
của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nói: “không thể có hòa bình mà không có công
lý, không thể có công lý mà không có sự tha thứ”, tôi van nài tất cả mọi phía
liên lụy trong cuộc xung khắc cổ xưa này bỏ qua một bên mọi hận thù và đối
kháng còn đang cản ngăn cản đường hòa giải, để đi tới với tất cả mọi người với
lòng quảng đại, cảm thương và không kỳ thị”.
Lễ nghi chào đón kết thúc, Đức Thánh
Cha đi đến quảng trường Máng Cỏ nằm cách đó 2,5 cây số để chủ sự thánh lễ cho
tín hữu. Đây cũng là quảng trường chính của thành phố Bếtlehem. Chung quanh có
Tòa Thị Sảnh, một đền thờ Hồi giáo và Trung Tâm Hòa Bình. Từ quảng trường này
có đường các Mục Đồng dẫn ra nơi thiên thần đã hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế
giáng sinh, trong làng Beit Shahur, Đường Hang Đá Sữa là đền thánh kính nơi Đức
Mẹ dừng lại cho Chúa Hài Nhi bú khi trốn sang Ai Cập, đường Phaolô VI kỷ niệm
chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI ngày 6 tháng giêng năm 1964.
Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và
A Rập có sự tham dự của tổng thống và chính quyền Palestine, cũng như các giới
chức xã hội và tôn giáo khác, cùng hàng chục ngàn tín hữu. Đức Thượng Phụ Latinh
Fouad Twal đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã cảm
tạ Chúa đã cho ngài đến Bếtlehem để tôn kính nơi Chúa Kitô giáng sinh và gặp gỡ
các anh chị em trong lòng tin trên đất Palestina. Đức Thánh Cha đặc biệt hướng
tới các anh chị em đến từ vùng Gaza, và xin họ chuyển tới mọi người lời chào
của Ngài, nỗi buồn thương và sự chia sẻ của ngài đối với các mất mát và khổ đau
họ phải chịu, cũng như tình liên đới và lời cầu nguyện của ngài cho công tác
tái thiết vùng này.
Quảng diễn các bài đọc và duyệt lại những
gì Kinh Thánh nói về Bếlehem Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong chương trình
của Thiên Chúa, Bếtlehem tuy “nhỏ nhất trong các làng mạc của Giuda” (Mk 5,2),
nhưng đã trở thành một nơi của vinh quang bất tử: nơi, khi thời gian tới hồi
viên mãn, Thiên Chúa đã chọn trở thành người để chấm dứt vương quốc của tội lỗi
và cái chết, và đem đến cho thế giới già nua mệt mỏi, bị áp bức bởi tuyệt vọng,
sự sống mới tràn đầy. Đối với các người nam nữ khắp mọi nơi, Bếtlehem được gắn
liền với sứ điệp tươi vui của tái sinh và canh tân, của ánh sáng và tự do.
Nhưng lời hứa tuyệt diệu đó xem ra xa vời và chưa được hiện thực. Vương quốc
hòa bình an ninh công bằng và toàn vẹn, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, xem ra xa
xôi qúa!... Nhưng tại Bếlehem này, cho dù giữa mọi thứ mâu thuẫn, các viên đá
vẫn tiếp tục kêu lên “tin vui” cứu độ mà hơn mọi thành thị khác thành phố này
được mời gọi loan báo cho thế giới. Và tin mừng Bếtlehem mời gọi chúng ta trở
thành các chứng nhân sự chiến thắng của tình yêu của Thiên Chúa trên thù ghét,
ích kỷ, sợ hãi và oán hờn, khiến cho các tương quan của con người bị què quặt
đi và tạo ra chia rẽ tại những nơi mà anh em đáng lý ra phải sống hiệp nhất,
tạo ra tàn phá nơi đáng lý ra con người phải xây dựng, tạo ra thất vọng nơi
đáng lý ra hy vọng phải nở hoa.
Lấy lại lời các thiên thần nói với mục
đồng xưa kia Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người như sau:
“Đừng sợ hãi! Đó là sứ điệp mà người Kế Vị
Thánh Phêrô ước mong để lại cho anh chị em hôm nay, vang vọng lại sứ điệp của
các thiên thần và của Đức Gioan Phaolô II kính yêu đã để lại cho anh chị em
trong Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm Chúa Kitô sinh ra. Xin anh chị em hãy tin nơi
lời cầu nguyện và tình liên đới của các anh chị em khác trong Giáo Hội hoàn vũ,
và làm việc với các sáng kiến cụ thể để củng cố sự hiện diện của anh chị em và
cống hiến các khả thể mới cho những người bị cám dỗ bỏ ra đi. Hãy là cây cầu
của sự đối thoại và cộng tác xây dựng nền văn hóa hòa bình thay thế cho tình
trạng sợ hãi, hiếu chiến và bị tước đoạt. Hãy xây dựng các Giáo Hội địa phương,
khiến cho chúng trở thành các nơi thực hành đối thoại, sự khoan nhượng và hy
vọng, cũng như tình liên đới và lòng bác ái cụ thể.
Nhưng trên hết và trước hết, anh chị em hãy
là các chứng nhân của quyền năng sự sống, sự sống mới mà Chúa Kitô phục sinh
trao ban, sự sống có thể soi sáng và biến đổi cả bóng tối và các tình trạng
tuyệt vọng của con người. Đất nước của anh chị em không chỉ cần có cơ cấu kinh
tế mới và các cơ sở thiêng liêng hạ tầng mới mà thôi, nhưng quan trọng nhất là
khả năng thu hút năng lực của các người thiện chí phục vụ giáo dục, phát triển
và thăng tiến thiện ích chung. Anh chị em có khả thể xây dựng nền văn minh hòa
bình và tôn trọng lẫn nhau, và bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái
anh chị em. Nhiệm vụ cao qúy này đang chờ đợi anh chị em. Đừng sợ”.
Vương cung thánh đường Bếtlehem cổ kính trơ
gan cùng tuế nguyệt và các ngọn gió của lịch sử cũng như sức nặng của thời gian
là bằng chứng cho chúng ta thấy chiến thắng của lòng tin trên thế giới. Ai
viếng thăm nhà thờ cũng đều nhận thấy cửa vào ngày càng hẹp hơn. Hôm nay chúng
ta hãy dấn thân làm sao để cho cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm Thiên Chúa ở giữa
loài người, đền thờ sự hiệp nhất của chúng ta với Người và thế giới của hòa
bình và niềm vui vĩnh cửu, ngày càng rộng mở để tiếp đón mọi con tim nhân loại,
để canh tân và biến đổi nó.
Các ý nguyện của Lời nguyện tín hữu đã được
đọc bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, A Rập và Do thái. Ca đoàn
cũng đã hát mấy bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng quốc tế. Đức Thánh Cha đã cho
một số tín hữu hữu rước lễ.
Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ trưa. Sau
khi chào từ biệt các tín hữu Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến Tu viện Nhà Mới
của các cha dòng Phanxicô nằm cách đó 100 mét để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi
chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều. Nhà Mới là trung tâm
đón tiếp khách hành hương đươc xây năm 1908, được nới rộng vào năm 1986 và hoàn
toàn độc lạp với tu viện. Trung tâm này có thể đón tiếp 129 du khách hành
hương. Trong tu viện bên cạnh có 38 tu sĩ Phanxicô sinh sống.
Vào lúc 15,15 Đức Thánh Cha đã đến kính
viếng Hang Đá nơi Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm. Đức Thánh Cha
xuống thăm Hang Đá từ lối vào bên trong của nhà thờ kính thánh nữ Catarina.
Hang đá Giáng Sinh hình chữ nhật, dài 12 mét rộng 3 mét cao 3 mét, được lát
bằng các miếng thạch ma do tổng thống Pháp Mac Mahon tặng năm 1874 để chống hỏa
hoạn. Bên dưới Bàn thờ Giáng Sinh, thuộc tín hữu chính thống, có lát cẩm thạch
với hình ngôi sao bằng bạc ghi dấu nơi Chúa Giêsu sinh ra với hàng chữ la tinh “Hic
de Vergine Maria Jesus Christus natus est - Nơi đây Đức Giêsu Kitô đã sinh ra
từ Đức Trinh Nữ Maria”. Bên phải là Hang Đá Ba Vua với bàn thờ của các cha
Phanxicô, nơi các linh mục công giáo có thể cử hành thánh lễ.
Bên trên Hang Đá Giáng Sinh là Vương cung
thánh đường Giáng Sinh. Nhà thờ đầu tiên do hoàng đế Constantino xây năm 326.
Năm 450 nhà thờ được hoàng đế Giustiniano trang hoàng với nền khảm đá mầu. Vào
năm 614 các đạo binh Ba Tư đã không đốt phá đền thờ, vì họ trông thấy hình Ba
Vua tạc ở mặt tiền nhà thờ mang phẩm phục Ba Tư. Trong các năm đầu tiên sau khi
chiếm đóng Bếtlêhem, người Hồi rất tôn trọng nơi này và các lễ nghi phụng tự
kitô. Califo Omar đến cầu nguyện ở nơi thánh dâng kính Đức Miriam mẹ của ngôn
sứ Issa. Issa là tên của Đức Giêsu trong Kinh Coran Hồi giáo.
Vào thời Thập Tự quân, vương cung thánh
đường được trang hoàng lộng lẫy vì sự cộng tác của các vua Giêrusalem với hoàng
đế Bisantin Constantnopoli. Đó là thời kỳ có các tương quan rất tốt đẹp giữa
hai Giáo Hội Latinh và Chính thống hy lạp. Năm 1187 vương quốc La tinh sụp đổ,
vua Hồi giáo Saladino tôn trọng Vương cung thánh đường và cho phép mở cửa lại
vài năm sau đó, nhưng với điều kiện phải nộp thuế. Năm 1347 các tu sĩ Phanxicô
thay thế các kinh sĩ Agostino trông coi Vương cung thánh đường và Hang Đá Giáng
sinh.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ XVI các tương
quan giữa các tín hữu chính thống hy lạp và các tu sĩ Phanxicô cũng bị ảnh
hưởng bởi liên hệ có khi căng thẳng có khi thân hữu giữa Sultan Ottoman và các
Cộng Hòa miền biển của Italia. Hồi thế kỷ XIX một sắc lệnh của chính quyền
Ottoman xác định quyền của ba Giáo Hội Latinh, Chính Thống Hy Lạp và Chính
Thống Armeni trên Hang Đá Giáng Sinh và Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh, mỗi
Giáo Hội một phần.
Sau khi viếng thăm và cầu nguyện tại
Hang Đá Giáng Sinh Đức Thánh Cha đã đến thăm Nhà thương Nhi đồng Caritas, cách
đó 2 cây số. Nhà thương này được thành lập năm 1978 và được Hiệp hội Thụy sĩ “Cứu
giúp trẻ em Bếtlehem” tài trợ.
Nhưng nguồn gốc của nó bắt đầu hồi năm
1952, khi linh mục Ernst Schnydrig đến hành hương và tham dự thánh lễ nửa đêm
Giáng Sinh. Cha gặp một người A Rập đang chôn cất đứa con nhỏ trong vùng đồng
lầy. Cha kể lại cho mấy người bạn nghe và họ cùng nhau thực hiện giấc mộng là
thành lập một nhà thương trợ giúp trẻ em. Cha thuê hai phòng trọ, rồi đi tìm
được 14 các trẻ em đau yếu trong các làng chung quanh. Cha đem chúng về và trả
lương cho một bác sĩ săn sóc các em. Nhà thương nhi đồng Bếtlehem nảy sinh từ
đó. Cha Schnydrig đã qua đời tại Freiburg, mười mấy ngày trước lễ khánh thành
nhà thương. Hằng năm có 4.000 trẻ em được săn sóc và 30.000 em được khám bệnh
tại nhà thương này. Nhân sự gồm 20 bác sĩ, 6 nữ tu Phan Sinh Padova và 200 cộng
sự viên.
Đức Thánh Cha đã được Đức Cha Robert
Zollitsch, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và Đức Cha Kurt Koch, Giám Mục giáo
phận Basel, cũng như ông Chủ tịch HIệp Hội “Trợ giúp trẻ em, ông Chủ tịch Hội
đồng quản trị và Mẹ bề trên cộng đoàn tiếp đón. Đức Thánh Cha đã thăm khu vực
của trẻ sơ sinh và nhà nguyện.
Phát biểu trong dịp này Đức Thánh Cha ca
ngợi công tác phục vụ vô cùng qúy báu mà nhà thương nhi đồng dành cho các trẻ
em Bếlehem và toàn đất Palestina trong hơn 50 năm qua. Nó là một ốc đảo an bình
và yêu thương đối với các người đễ bị thương tích nhất là các trẻ em, và là một
đèn pha hy vọng cho thấy tình yêu thương chiến thắng thù hận và hòa bình chiến
thắng bạo lực. Đức Thánh Cha khích lệ các bác sĩ, y tá và nhân viên trong công
tác bác ái này và ngài nói ngài nhớ đến họ trong lời cầu mỗi ngày. Ngài cũng an
ủi các trẻ em, gia đình các em và cầu mong hòa bình mau trở lại trên vùng đất
này.
Rời nhà thương Đức Thánh Cha và đoàn tùy
tùng đến thăm trại tị nạn Aida cách đó 2 cây số. Đây là 1 trong số 8 trại tị
nạn tiếp đón 1, 3 triệu người Palestine trong hai đợt chính là chiến tranh năm
1948 và sau trận chiến 6 ngày với Israel năm 1967. Trong các vùng đất của người
Palestine có từ 3 tới 4 triệu người tị nạn. Thống kê Văn phòng tị nạn Palestine
của Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2008 có 4,6 triệu người tị nạn: Giordania
có 1,5 triệu trong đó có 329 ngàn người sống trong 10 trại; nửa triệu sống
trong 19 trại vùng Cisgiordani, 1 triệu sống trong 8 trại dải Gaza, 409 ngàn
sống trong 12 trại bên Libăng, và 120 ngàn sống trong 9 trại bên Siria.
Ngoài ra tưởng cũng nên biết là Hội Giáo
Hoàng Truyền giáo cho Palestina đã được thành lập hồi năm 1949 và có trụ sở
chính tại New York và các văn phòng ở Roma, Giêrusalem, Amman và Beirut. Trại
tị nạn Aida hiện có 5.000 người trong đó có 14 gia đình kitô. Tổng thống Abu
Mazen đã tháp tùng Đức Thánh Cha.
Ngỏ lời với dân chúng trong trại tại
nạn, Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau khổ của họ cũng như của toàn dân Palestine,
cũng như hỗ trợ mong ước của họ được sống trong một quốc gia an bình. Ngài cũng
ca ngợi hoạt động của các tổ chức cứu trợ, các dòng tu, đồng thời kêu gọi cả
hai phía, Israel và Palestine, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, can đảm
phá vỡ cái vòng bạo lực và tình trạng hiện nay. Đức Thánh Cha nói:
“Nhân
dân tại trại tị nạn này, tại các lãnh thổ này và toàn miền này mong mỏi hòa
bình dường nào! Trong những ngày này, ước muốn hòa bình ấy càng trở nên nồng
nhiệt hơn trong khi anh chị em nhớ lại những biến cố hồi tháng 5 năm 1948, và
những năm tháng trong cuộc xung đột cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, tiếp
theo các biến cố ấy. Giờ đây anh chị em đang sống trong tình trạng bấp bênh và
khó khăn, với những cơ may hạn hẹp trong việc tìm công ăn việc làm. Thật là dễ
hiểu khi anh chị em thường cảm thấy bất mãn, thất vọng. Khát vọng hợp pháp của
anh chị em mong được một tổ quốc trường tồn, một quốc gia Palestine độc lập,
cho đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Trái lại, anh chị em cảm thấy bị kẹt, -
như nhiều người tại miền này và trên thế giới, - trong một cái vòng bạo lực,
tấn công và phản công, báo thù và tàn phá liên tục. Toàn thế giới nồng nhiệt
mong ước cái vòng lẫn quẩn ấy bị phá vỡ, mong cho hòa bình chấm dứt sự thù
nghịch vạn niên. Bức tường cao bao quanh chúng ta trong lúc chúng ta tụ họp
nhau tại đây chiều hôm nay, chắc chắn nhắc nhở về tình trạng bế tắc trong quan
hệ giữa người Israel và Palestine.
Trong thế giới ngày nay các biên giới dường
như ngày càng mở rộng cho thương mại, du lịch, sự di chuyển của dân chúng,
những trao đổi văn hóa, thật là một điều bi thảm khi thấy những bức tường còn
được dựng lên. Chúng ta mong ước dường nào được thấy những thành quả của công
tình khó khăn xây dựng hòa bình! Chúng ta cầu nguyện sốt sắng dường nào để sớm
chấm dứt những xung đột và thù nghịch gây ra việc dựng lên bức tường này!”
Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Từ cả hai
bên bức tường đều cần có lòng can đảm lớn lao để vượt thắng sợ hãi và nghi kỵ,
nếu muốn chống lại nhu cầu báo thù vì những mất mát và thương tổn. Cần có lòng
đại đảm để tìm kiếm sự hòa giải sau bao năm xung đột võ trang. Nhưng lịch sử
dạy cho chúng ta rằng hòa bình chỉ đến, khi những phe xung đột sẵn sàng đi xa
hơn những trách móc và cùng nhau làm việc cho những mục tiêu chung, mỗi người
thực tâm để ý đến những lo âu và sợ hãi của phía bên kia, và cố gắng kiến tạo
một bầu không khí tin tưởng. Cần có thiện chí để đề ra những sáng kiến có tinh
thần sáng tạo và táo bạo để hòa giải. Nếu mỗi bên ưu tiên nhấn mạnh những
nhượng bộ mà phe kia phải làm, thì kết quả sẽ là một ngõ cụt.
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha cũng đề
cao tầm quan trọng của việc cứu trợ nhân đạo trong trại tị nạn, nhưng ngài
khẳng định thêm rằng giải pháp dài hạn cho cuộc xung đột giữa người Palestine
và Israel chỉ có thể là giải pháp chính trị. Không ai nghĩ rằng người Palestine
và Israel tự mình có thể đạt tới giải pháp đó, vì thế sự hỗ trợ của cộng đồng
quốc tế là điều tối quan trọng, do đó - ngài nói: “Tôi tái kêu gọi tất cả các
phe liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để giúp đạt tới một giải pháp chính
đáng và lâu bền, tôn trọng những yêu cầu hợp pháp của mọi phía, và phù hợp với
công pháp quốc tế. Nhưng mọi nỗ lực ngoại giao của quốc tế chỉ đạt thành qủa,
nếu người Palestine và Israel quyết chí phá vỡ cái vòng gây hấn, tấn công...
Tôi tái kêu gọi tất cả anh chị em hãy dấn thân sâu xa trong việc vun trồng hòa
bình và bất bạo lực, theo gương thánh Phanxicô và những vĩ nhân khác trong việc
xây dựng hòa bình.
Rời
trại tị nạn Aida Đức Thánh Cha đã trở về Bếtlehem và thăm xã giao tổng thống
Mahmoud Abbas cũng như một số quan chức của các cộng đoàn Palestine vùng Gaza
và Cisgiordani. Sau khi hội kiến với tổng thống hai bên đã trao đổi qùa tặng.
Ngỏ lời trong lễ nghi từ biệt diễn ra
trong sân của dinh tổng thống, Đức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống, chính quyền
và nhân dân Palestine về tình hiếu khách và sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho
ngài. Các sinh hoạt của chuyến viếng thăm đã cho Đức Thánh Cha dịp nghe biết
các điều kiện sống của người dân trong vùng Cisgiordani và Gaza. Ngài cũng đã
trông thấy bức tường được xây lên trên đất của người Palestine phân cách các
gia đình, bọc trại tị nạn và che khuất nhiều phần của thành Bếtlehem. Đức Thánh
Cha nói: “Cả khi các bức tường có được xây lên một cách dễ dàng, thi chúng ta
tất cả đều biết rằng chúng sẽ không tồn tại vĩnh cửu. Chúng có thể bị đập bỏ.
Nhưng trước hết cần phải lấy đi các bức tường mà chúng ta xây lên chung quanh
con tim chúng ta đã, phải lấy đi các hàng rào mà chúng ta dựng lên chống lại tha
nhân. Vì thế trong lúc từ biệt này tôi muốn lập lại lời kêu gọi cởi mở và quảng
đại tâm trí, chấm dứt sự bất khoan nhượng và loại trừ. Cho dù cuộc xung đột xem
ra không có lối thoát và sâu đậm, cũng luôn luôn có các lý do để hy vọng rằng
có thể giải quyết được nó, và các nỗ lực kiên trì của những người hoạt động cho
hòa bình và hòa giãi sẽ đem lại hoa trái. Đức Thánh Cha cầu mong cho điều đó
mau được thực hiện để nhân dân Palestine có thể vui hưởng hòa bình và an ninh.
Đức Thánh Cha hứa sẽ dùng mọi dịp thuận tiện để khích lệ các cuộc thương thảo
giúp tìm ra một giải pháp tôn trọng các khát vọng của cả hai bên Israel cũng
như Palestine.
Kết thúc lễ nghi từ biệt Đức Thánh Cha
đã trở về Tòa Khâm Sứ Giêrusalem chấm dứt ngày thứ 3 viếng thăm Thánh Địa.
Linh Tiến Khải - Trần Đức Anh