HAI GIÁM MỤC VIỆT NAM LÀ BIỂU TƯỢNG CÁC HIỀN SĨ ĐẾN TỪ PHƯƠNG ĐÔNG

 

Ngày 7-8-1683, nguyện đường Hội Thừa sai Paris được đặt tên là Épiphanie (Hiển linh), vừa là bổn mạng các cha thừa sai, lại vừa nói lên định hướng truyền giáo tại phương Đông.

Chủ nhật 3-1-2010, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam là hai hiền sĩ phương Đông, sứ giả của Giáo hội Việt Nam cùng với Linh mục Jean-Baptiste Etcharren, Bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris, là vị đạo sĩ thứ ba. Cha Etcharren gốc xứ Basque (Euskal Herria) ở miền tây dãy núi Pyrénées, từng sống ở Việt Nam trong suốt 18 năm. Ngài thông thạo tiếng Việt, từng là cha sở Đông Hà (Quảng Trị), một họ đạo cách cố đô Huế 66 km, nằm ở giao điểm quốc lộ 1A và quốc lộ 3. Ba vị đạo sĩ, hai vị giám mục đến từ phương Đông và một linh mục có tâm hồn phương Đông, đã cử hành lễ Hiển linh cùng với trên 100 linh mục Pháp và châu Á hiện tu học tại Đại học Công giáo Paris, với sự bảo trợ của Hội Thừa sai Paris : 50 linh mục Việt Nam tu học tại Đại học Công giáo Paris, 13 linh mục Việt Nam học tại Đại học Công giáo Toulouse, 18 linh mục Ấn Độ, 9 linh mục Đại Hàn, 6 linh mục Trung Quốc, 7 linh mục Indonexia (nước có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới), Myamar (Miến Điện) : 2, Nhật Bản : 1, Kampuchia : 1 và Bangla Desh : 1.

Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo Xứ Việt Nam và Linh mục Thi sĩ Cung Chi cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Hành trình tiến về Thành thánh Giêrusalem

Năm 1851, Charles Gounod đã sáng tác Ca khúc lên đường của các vị Thừa sai (Chant pour le départ des Missionnaires) và Ca khúc truy niệm các vị Tử đạo (Chant pour l’anniversaire des Martyrs). Các nốt nhạc hào hùng của hai bản trường ca đã trở thành lời chào mừng đầy ý nghĩa mà linh mục Etcharren đã tuyên đọc bằng tiếng Pháp, chúng tôi xin chuyển ngữ như sau :

‘‘Tiên tri Isaïa trình thuật cuộc hành trình của các dân tộc tiến về Giêrusalem : ‘‘ Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với người : con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông’’.

Thưa quý thân hữu, chúng ta là thiện nam tín nữ tiến về Thiên Chúa vinh quang, vì thế hôm nay chúng ta tạm dừng chân trong nguyện đường Hiển linh này. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh toàn thể quý vị.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về thời điểm ân phúc này, chúng ta được mời gọi dừng chân, bước vào lễ hội bằng cách nhìn quanh ta : thật là vui sướng dường bao khi nhận ra quanh ta những khuôn mặt con cái nam nữ của Thiên Chúa đồng hành với chúng tôi. Chắc hẳn tập họp này hãy còn khiêm tốn, nhưng hết sức đa dạng, biểu hiện được cuộc hành trình của các dân tộc tiến về thành thánh Jérusalem cửu trùng.

Năm nay, hình ảnh tập họp của chúng tôi đặc biệt huy hoàng nhờ sự hiện diện của hai vị giám mục ở giữa chúng ta, đến từ phương Đông, là nước Việt xa xôi. Các ngài đặc biệt đến đây để cử hành lễ Hiển linh. Chúng tôi hân hoan giới thiệu Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục giáo phận Đà Lạt, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam . Ngài sẽ chủ lễ và giảng thuyết trong lễ Hiển linh này.

Bên cạnh ngài là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Viêt Nam . Trong số các nhiệm vụ của ngài trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài đặc trách liên lạc với Hội Thừa sai Paris với lòng nhiệt thành về án phong chân phước và phong thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu là các đại diện tông tòa đầu tiên ở Việt Nam và vài tỉnh Hoa Nam vào năm 1659. Chúng tôi coi cả hai vị là các nhà sáng lập Hội Thừa sai Paris .

Thưa quý Đức Cha, chúng tôi cám ơn quý ngài đã nhiệt thành đáp lời mời của chúng tôi một cách tự phát, mặc dù công việc đa đoan và phải xử lý nhiều tình huống đôi khi là tế nhị.

Thiết tường chúng tôi nên nhường lời để Đức Cha nói lên những tình cảm đã thúc đẩy quý ngài đến cử hành lễ Hiển linh này. Về phần chúng tôi, chúng tôi xin thông báo sự hiệp thông nhiệt thành của chúng tôi đối với Giáo hội Việt Nam trong Năm Thánh mà quý ngài vừa khai mạc, tạ ơn Thiên Chúa về việc thành lập hai phủ đại diện tông tòa đầu tiên cách đây 350 năm và việc chính thức thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam cách đây 50 năm. Quý ngài đã vui lòng mời chúng tôi đến dự lễ khai mạc Năm Thánh ngày 24-11 vừa qua tại Sở Kiện, thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Thật khó mà diễn tả sự xúc động của chúng tôi trước một rừng 100 000 tín hữu thành tâm cầu nguyện, nhưng ít ra tôi có thể đoan chắc rằng tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết được làm linh mục của Hội thánh Công giáo Tông truyền, và là thành viên của Hội Thừa sai Paris.’’

Quan hệ giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam

Trong đáp từ bằng tiếng Pháp, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã nhắc lại lịch sử 350 năm truyền giáo của Hội Thừa sai Paris trên đất nước Việt Nam mà hoa trái ngày nay được thể hiện qua Năm Thánh 2010 trên khắp ba miền đất nước. Chúng tôi xin chuyển ngữ toàn văn diễn từ của Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn như sau :

‘‘Trọng kính Cha Bề trên Tổng quyền, quý Cha, quý Anh Chị Em trong Đức Kitô,

Đối với Đức Cha Giuse và chúng tôi, thật là niềm vui vô hạn và hạnh phúc đặc biệt được hiện diện ở đây cùng quý vị, trong thời điểm tạ ơn, cử hành lễ Hiển linh là bổn mạng Hội Thừa sai Paris năm 2010. Trước hết, chúng tôi muốn làm tròn nhiệm vụ cao quý của chúng tôi là chuyển đến Cha Bề trên lời chào huynh đệ của tất cả giám mục và cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, với lời chúc Năm Mới ân phúc vừa khởi đầu. Thánh lễ Tạ ơn mà Cha Bề trên Tổng quyền khả kính đã yêu cầu tôi chủ lễ lại càng có ý nghĩa, vì quý Cha vừa cử hành vào năm 2008 đại lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Paris vào năm 1658. Năm toàn xá bế mạc vào lễ Hiển linh 2009 trước Năm Thánh của chúng tôi kỷ niệm 350 năm thành lập vào năm 1659 hai đại diện tông tòa đầu tiên tại miền Bắc và miền Nam ; việc thành lập Giáo hội Việt Nam từ khởi nguyên đã được trao cho Hội Thừa sai Paris, và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. Hai lễ kỷ niệm đã được khai mạc trọng thể ngày 24-11-2009 tại Sở Kiện, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, đạt cao điểm với Đại hội Dân Chúa vào tháng 11-2010 tại Saigon thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ bế mạc tại Trung tâm Thánh mẫu La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế vào lễ Hiển linh năm 2011. Các lễ kính tại Pháp và tại Việt Nam nhắc nhở một cách sống động quan hệ liên đới đã được tạo dựng từ hơn ba thế kỷ giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội chúng tôi, sự hiệp thông được bắt đầu một cách cụ thể với trọng trách của Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vừa là sáng lập viên Hội Thừa sai Paris, đồng thời là các các chủ chăn tiên khởi của Giáo hội Việt Nam. Các ngài đã để lại dấu ấn sâu đậm, dấu ấn của Đức Cha François Pallu được cảm nhận trực tiếp về phần Hội Thừa sai Paris, và dấu ấn của Đức Cha Lambert de la Motte được Giáo hội Việt Nam trực cảm. Nhiệm vụ của hai vị bổ sung và không thể tách biệt nhau. Các ngài là các nhà đồng sáng lập Hội Thừa sai Paris cũng như Giáo hội nước Việt. Chính vì vậy, Hội Thừa sai Paris và Hội đồng Giám mục Việt Nam đồng ý là đồng tác giả, cùng ký tên vào thỉnh nguyện chung xin phong chân phước và phong thánh cho hai vị thừa sai có công, hai nhà khai sáng và là giáo phụ trong đức tin. Chúng tôi hy vọng rằng án chung tuyên phong chân phước và phong thánh lại càng tăng cường hơn nữa quan hệ liên đới vốn có giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam . Chúng ta cùng cầu nguyện để án phong thánh chung này được Thiên Chúa ban ơn và mang lại kết quả mỹ mãn, vinh danh Chúa Ba Ngôi, đồng thời cổ vũ toàn thể dân Chúa ở Việt Nam làm chứng một cách xác tín đầy thuyết phục rằng Tin Mừng có trong tâm khảm các bậc giáo phụ trong đức tin và cũng để duy trì nhiệt tình truyền giáo của Hội Thừa sai Paris theo đường lối của các nhà sáng lập.

Chính trong ý nguyện đó, chúng ta bắt đầu cử hành phụng vụ Thánh thể và xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm của chúng ta.’’

Ánh sáng từ phương Đông (Lux ex Oriente)

Sau khi công bố Tin Mừng, Đức Cha Chủ tịch đã giảng bằng tiếng Pháp. Ngài nhắc lại ý nghĩa của lễ Hiển linh :

‘‘Hôm nay, trong ngày lễ Hiển linh, ánh sáng đích thực thế gian soi sáng các nhận vật đến từ các đất nước xa xôi. Đó là các đạo sĩ phương Đông (Mt 2,1). Nói đúng ra, Bê Lem nằm ở phương đông Athènes và Roma là các trung tâm văn minh Âu châu cổ đại, nhất là đế quốc La Mã thời bấy giờ được coi là trung tâm của thế giới đã biết. Vậy mà ánh sáng xuất hiện từ một thành phố xa lạ ở Palestine, gởi đi một thông điệp nhiệm mầu, qua ánh sáng mờ của vì sao nhưng không kém nhiệm mầu, từ phương Đông xa xôi mà không phải là phương Tây. Đó chính là mầu nhiệm ánh sáng từ phương Đông (lux ex Oriente) Các nhà đạo sĩ phương Đông xa xôi là những người đi tìm Chúa quan sát ‘‘cảnh sắc bầu trời và những dấu chỉ thời gian’’ (Mt 16,3), lên đường đi về hướng Tây so với nước họ, và họ đã gặp Chúa Kitô là Vua dân Do Thái, ở miền Cận Đông.’’

Sau đó, Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại nhận định của Đức Gioan-Phaolô II : ‘‘Chúa Kitô Cứu thế nhập thể là người châu Á’’. Ngài nói :

‘‘Còn một mầu nhiệm khác trong thời kỳ phúc âm hóa đầu tiên trực chỉ phương Tây, vì Tin Mừng được truyền bá từ Bê Lem là trung tâm của miền Cận Đông, nơi phát sinh ánh sáng thế gian, đến tận đế quốc Roma vốn là trung tâm thế giới được biết đến vào thời đại Chúa Kitô và Giáo hội sơ khai. Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông tạo thành toàn bộ phương Đông. Theo Đức Gioan-Phaolô II ‘‘Chúa Kitô Cứu thế nhập thể là người châu Á (Ecclesia in Asia, 1999)’’.

Nhiệm vụ truyền giáo tại châu Á

Trong phần kế tiếp, Đức Cha Chủ tịch đã nói về nhiệm vụ gieo hạt giống phúc âm trên đồng ruộng châu Á như sau :

‘‘Nhiệm vụ gieo hạt giống phúc âm trên dải đất Á châu thuộc về Giáo hội hoàn vũ. Nhưng công bằng mà nói, các Giáo hội công giáo Tây phương được hưởng việc phúc âm hóa ngày từ thiên niên kỷ ki tô giáo đầu tiên ; vào thiên niên kỷ thứ hai đã gởi nhiều vị thừa sai sang châu Á để làm chứng Đức Kitô và Phúc âm của ngài, theo Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêdictô XVI, chứng từ này là một công trình cao trọng mà Giáo hội có thể mang lại cho đất nước Việt Nam và cho các dân tộc Á châu khác, đáp ứng được sự tìm kiếm sâu xa chân lý và những giá trị bảo đảm cho sự phát triển toàn diện con người. Chính nhờ các vị thừa sai dòng Tên được sự đỡ đầu của Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVII đã mở ra những cộng đoàn kitô hữu ở hai miền Nam - Bắc, đồng thời góp phần lâu dài trong lãnh vực hội nhập văn hóa, như thể chế giáo lý viên, việc sáng lập chữ quốc ngữ trên cơ sở mẫu tự la tinh, việc biên soạn các sách giáo lý đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Sau đó, các vị thừa sai người Pháp của Hội Thừa sai Paris đã được Tòa Thánh gởi sang Việt Nam để tiếp nối công trình của các linh mục dòng Tên từ 1659, năm thành lập hai đại diện tông tòa tại miền Nam và miền Bắc. Tòa thánh bổ nhiệm các vị chủ chăn đầu tiên là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu. Hai vị thừa sai quan trọng này đồng thời là các nhà sáng lập Hội Thừa sai Paris . Sau thời điểm này, các vị thừa sai châu Âu khác, đặc biệt là các cha dòng Đa Minh và dòng Phanxicô thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đến Việt Nam góp phần vào việc phúc âm hóa. Sau thời gian bách hại đẫm máu kéo dài đến đầu thế kỷ XX, có thêm nhiều đợt các vị thừa sai châu Âu, nhất là các tu sĩ nam nữ đồng hành với cộng đoàn dân Chúa được tôi luyện trong thử thách. Nổi bật trong các công trình tốt đẹp này, Hội Thừa sai Paris đã mang lại nhiều đóng góp quan trọng trong việc phúc âm hóa đất nước chúng tôi. Vì vậy, Hội Thừa sai có công, qua Đức Cha Lambert de la Motte, và được sự tiếp sức của người bạn đồng chí hướng là Đức Cha François Pallu, đã tổ chức được các cộng đoàn kitô hữu son trẻ ở Việt Nam do các cha dòng Tên thành lập, trở thành một Giáo hội có cấu trúc, do các giám mục kế thừa các thánh tông đồ, cộng tác hài hòa với hàng giáo sĩ người Pháp, Giáo hội Việt Nam vào giai đoạn này gồm các vị thừa sai châu Âu và các linh mục Việt Nam, luôn được các giáo lý viên đào tạo trong các chủng viện không chính thức phụ giúp và một đội ngũ chức sắc giáo dân, được gọi là các quý chức của họ đạo, âm thầm và tự nguyện phục vụ cộng đoàn giáo hội, và các nữ tu tận hiên thuộc tu hội ‘‘Mến Thánh giá’’, do Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập năm 1670, không chỉ dấn thân trong các công tác mục vụ của giáo xứ, nhưng cả các hoạt động truyền giáo khác đến với muôn dân (ad gentes), nhất là trong lãnh vực giáo dục và từ thiện.

Công lao lớn nhất của Hội Thừa sai Paris là đã thành công, theo mục tiêu chính, đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, cùng với các vị thừa sai người Âu, có thể đảm đương gánh nặng mục vụ và truyền giáo của một Giáo hội ngụp ngập suốt ba thế kỷ trong các cuộc bách hại đẫm máu với hàng trăm ngàn người được phúc tử đạo. Trong số này có 117 vị đã được nâng lên hàng hiển thánh năm 1988, một thày giảng trẻ đươc phong chân phước năm 2000. Trong danh sách này có hai giám mục, tám linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris . Trong số 126 giạm mục châu Âu từng lãnh trọng trách chủ chăn ở Việt Nam, có 76 vị (chiếm tỷ lệ 6/10) thuộc Hội Thừa sai Paris. Trong số 4 500 vị thừa sai được gửi sang Á châu trong dòng lịch sử 350 năm có 956 vị, chiếm tỷ lệ hơn 1/5, đã cống hiến sự gian khổ, nhiều khi là hy sinh cả tính mạng để kiến tạo Giáo hội Đức Kitô ở Việt Nam. Chỉ riêng con số này đủ nói lên sự hiệp thông đặc biệt cùng chung định mệnh giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam .

Nhân khai mạc trọng thể Năm Toàn xá ngày 24-11-2009 vào lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam, nhân danh Hội đồng Giám mục và cộng đoàn dân Chúa, chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các vị thừa sai người Âu đã dự phần vào việc hình thành và phát triển Giáo hội son trẻ đầy sức sống năng động. Chúng tôi cũng đã vinh dự có sự hiện diện của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Linh mục bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris . Tôi muốn lặp lại ở đây, trong Nhà Mẹ vào lễ bổn mạng của Hội, lòng biết ơn chân thành của về sự đóng góp không thay thế được mà Giáo hội Pháp mang lại, nhất là sự liên đới huynh đệ và sự hiệp thông định mệnh mà Hội Thừa sai đã chứng tỏ đối với Giáo hội son trẻ chúng tôi. Tình liên đới này còn được tiếp nối trong tình cảm thân thiết.’’

Tương lai tôn giáo ở châu Á

Trong phần kết luận Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nói đến toàn cảnh truyền giáo tại Á châu và tại Việt Nam trong những ngày sắp tới.

‘‘Để kết thúc, chúng tôi muốn chia sẻ cái nhìn tiên tri của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II về tương lai tôn giáo ở châu Á. Tôi đoan chắc rằng không có bao nhiêu người thực sự là vô thần trong lục địa rộng lớn này, bởi vì châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn trên thế giới ; và các dân tộc châu Á từ ngàn xưa luôn có lòng mộ đạo. Họ là các dân tộc đi tìm Chúa, đi tìm một ý nghĩa, vì vậy tương hợp hầu như là bẩm sinh với linh đạo trở nên những người ‘‘Nghèo khó của Chúa’’, mặc dù ngày nay quyết định dấn thân theo đường lối phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Đặc tính tôn giáo tự nhiên đi đôi với sự nhạy cảm về các giá trị thiêng liêng, có thể được coi là ‘‘tiền đề phúc âm’’. Tuy nhiên, thách đố lớn nhất đối với chúng tôi chủ yếu là khuynh hướng tự nhiên của người châu Á dễ theo gương lành hơn là các lý luận trừu tượng, vì vậy các người rao giảng phúc âm và giảng đạo xuất hiện không như các bậc thầy, mà như người chứng, hoặc hơn nữa là các bậc thầy nhưng đồng thời là người chứng, điều này vô cùng cần thiết. Vô số các tiền nhân Tử đạo của chúng tôi đã là các Chứng nhân cao cả trong quá khứ, ngày nay là bậc Thầy trong lãnh vực phúc âm hóa. Khi hướng tâm trí và tình cảm chúng tôi về các đồng bào ruột thịt, chúng tôi nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh ở trung tâm, ngài là Chứng nhân trung thực và bậc Thầy tối thượng. Kinh nghiệm lịch sử của Giáo hội chúng tôi chứng tỏ việc phúc âm hóa chính là chặng đường Thánh giá, đồng thời chúng tôi ý thức rằng chỉ có con đường khổ nạn mới đưa đến niềm vui Phục sinh đích thực, sự vinh quang đích thực là vinh quang của Chúa Kitô Sống lại.

Chúng ta cùng cầu nguyện để ước mong tiên tri của Đức Gioan-Phaolô II, Người tôi trung của Chúa, sớm trở thành hiện thực.’’

Bài giảng của Đức Cha Chủ tịch được cộng đoàn, trong số có nhiều vị thức giả lắng nghe. Trong nguyện đường Hiển linh của Hội Thừa sai Paris có sự hiện diện của giáo sư Philippe Bordeyne, khoa trưởng Thần học và Tôn giáo học Đại học Công giáo Paris, giáo sư Michel Berder, giám đốc Cao học Đại học Công giáo Paris, nhiều giáo sư đại học Pháp, Việt và nhiều thân hào, nhân sĩ.

Trong phần hiệp lễ, linh mục Nguyễn Thanh Lý đã hướng dẫn cộng đoàn đồng ca ‘‘Đêm Đông’’ của nhạc sư Hải Linh : ‘‘Nơi hang Bê Lem huy hoàng ánh sao, đưa lối Ba Vua phương Đông đến chầu.’’

Hành trinh Ra Khơi (Duc ad Altum) trong Năm Thánh

Trong thánh lễ cử hành tại nguyện đường Hiển linh Paris , các Đức Cha Việt Nam đã bận phẩm phục giám mục đặc biệt của Năm Thánh 2010. Trên mão giám mục có huy hiệu ‘‘Ra Khơi’’ (Duc in Altum), vừa là lời mời gọi về nguồn với lịch sử 350 năm của Giáo hội Việt Nam, được thể hiện qua hải trình của các vị thừa sai cập bến cảng nước ta để rao giảng Tin mừng, lại vừa hướng về tương lai của Giáo hội Việt Nam.

Ngày 15-6-2003, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giáo và Rao giảng Tin mừng cho Muôn dân đã nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa Việt Nam như sau :

‘‘Tôi muốn khích lệ anh chị em hãy thực hiện với lòng can đảm và hăng say lời mời gọi ‘‘Ra Khơi’’ (Duc in Altum) mà Đức Gioan-Phaolô II đã đề ra cho Ngàn Năm Thứ Ba. Trong chương trình này, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội và cộng đoàn dân Chúa ‘‘khởi hành với Chúa Kitô’’, Đấng cần được biết, được mến yêu và được noi gương để trong Người, và với Người biến đổi lịch sử, tiến tới viên mãn trong thành Giêrusalem Thiên Quốc. Đức Thánh Cha đã ấn định như hướng đi chung ‘‘nên thánh’’ như ưu tiên mục vụ hàng đầu cần phải huy động mọi sức lực để thực hiện.’’

Cuộc hành trình ‘‘Duc in Altum’’ trong Năm Thánh 2010 tiếp nối cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ phương Đông năm xưa lên kết Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam trong sứ mạng truyền giáo tại quê nhà để mỗi người dân Việt sẽ là một đạo sĩ : ‘‘Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.’’ (Mt 1,10-11).

Paris, ngày 4 tháng 1 năm 2010

Lê Đình Thông – dunglac.org

 


Về Trang Mục Lục