Vai trò của các Dòng Khất Thực Phanxicô và Đa Minh trong việc canh tân Giáo Hội và xã hội

Radiovaticana 13/01/2010 – Trong số các Dòng Khất Thực nảy sinh hồi thế kỷ XIII hai dòng Phanxicô và Đa Minh đã có công rất lớn trong việc canh tân Giáo Hội và xã hội. Các tu sĩ hai dòng này đã chứng minh cho thấy có thể sống đức khó nghèo và chân lý Tin Mừng mà không tách rời khỏi Giáo Hội trái lại vẫn hiệp thông mật thiết với Hội và Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 8.000 tín hữu và du khách tại đại thính đường Phaolo VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 13-1-2010.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giới thiệu lịch sử hai Dòng Khất Thực lớn thuộc thế kỷ XIII: đó là dòng Phanxicô và dòng Đa Minh. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

 Anh chị em thân mến, bắt đầu năm mới chúng ta nhìn vào lịch sử của Kitô giáo để xem nó phát triển thế nào và được canh tân ra sao. Trong lịch sử ấy chúng ta có thể thấy rằng các người canh tân đích thực cuộc sống của Giáo Hội và xã hội là các thánh, được ánh sáng của Thiên Chúa hướng dẫn. Là các bậc thầy với lời nói và các chứng nhân với gương sáng, các vị biết thăng tiến một sự canh tân giáo hội ổn định và sâu rộng, bởi vì chính các vị đã được canh tân một cách sâu thẳm; các vị tiếp xúc với sự mới mẻ đích thật là sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng thế giới. Thế hệ nào cũng đều có các thánh nảy sinh và đem lại sức sáng tạo cho việc canh tân: đó là thực tại trao ban an ủi cho lịch sử Giáo Hội giữa các buồn thương và các khía cạnh tiêu cực trên lộ trình của nó. Trong mọi thế kỷ một đều nảy sinh ra các sức mạnh cải cách và canh tân. Đây cũng đã là điều xảy ra trong thế kỷ XIII với sự nảy sinh và phát triển ngoại thường của các Dòng Khất Thực, là một kiểu canh tân lớn lao trong một thời đại lịch sử mới. Gọi là Dòng Khất Thực vì các tu sĩ khiêm tốn nhờ vào hảo tâm và sự trợ giúp của dân chúng để sống lời khấn khó nghèo và chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Trong số các Dòng Khất Thực nổi tiếng thời đó quan trọng nhất là dòng Anh Em Hèn Mọn hay dòng Phanxicô do thánh Phanxicô thành Assisi thành lập và dòng Anh Em Giảng Thuyết hay dòng Đa Minh do hai thánh Đa Minh Guzman thành lập. Hai vi đã đọc được các dấu chỉ thời đại và trực giác được các thách đố mà Giáo Hội thời đó phải đương đầu.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới các thách đố làm nảy sinh ra hai dòng nói trên. Thách đố thứ nhất là sự bành trướng của các nhóm và phong trào tín hữu, được linh hứng bởi ước mong sống đời sống kitô đích thực, nhưng thường lại không ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Họ chống lại Giáo Hội giầu có và xinh đẹp đã phát triển với phong trào đan tu. Các cộng đoàn như cộng đoàn Cluny phát triển mạnh và ngày càng lôi kéo người trẻ và sức sinh động cũng như của cải giầu sang nữa. Vì vậy trong thời gian đầu cũng phát triển một Giáo Hội giầu có nhiều tư sản và bất động sản. Và thế là nảy sinh ra tư tưởng Chúa Kitô đền trần gian nghèo nàn nên Giáo Hội cũng phải là Giáo Hội của người nghèo. Đây là các phong trào duy nghèo khó của thời Trung Cổ. Chúng mạnh mẽ phản đối kiểu sống của các linh mục và đan sĩ thời đó, bị tố cáo là phản bội Tin Mừng và không sống nghèo khó như các kitô thời Giáo Hội khai sinh. Các phong trào này thành lập một loại “phẩm trật song song”, đối đầu với chức thừa tác của các Giám Mục. Ngoài ra để biện minh cho các lựa chọn của mình các phong trào này phổ biến các giáo lý sai lạc không thể nào hòa hợp với đức tin công giáo. Điển hình như các nhóm Catari hay Albigeois, đề nghị trở lại các lạc thuyết cũ như hạ thấp và khinh rẻ thế giới vật chất - việc chống lại sự giầu sang mau chóng trở thành sự chống đối thưc tại vật chất; khước từ ý chí tự do; tin nơi thuyết nghị nguyên, tức sự hiện diện của một nguyên lý thứ hai ngang bằng với Thiên Chúa. Các phong trào này đặc biệt thành công bên Pháp và Italia, vì có tổ chức vững chắc và vì chúng tố cáo một sự vô trật tự có thực trong Giáo Hội, do cung cách hành xử ít nêu gương sáng của nhiều thành phần giáo sĩ gây ra.

Chính trong hoàn cảnh này các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh chứng minh cho thấy có thể sống đức khó nghèo phúc âm và chân lý Tin Mừng mà không tách rời khỏi Giáo Hội. Trái lại thánh Đa Minh và thánh Phanxicô chứng minh cho thấy các vị hiệp thông mật thiết với Giáo Hội và với Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha đề cao sự lựa chọn của các tu sĩ hai Dòng Khất Thực như sau:

Với một sự lựa chọn hoàn toàn độc đáo trong lịch sử đời thánh hiến, các thành phần của các Dòng tu này không chỉ khước từ có của cải riêng như các đan sĩ ngay từ thời xa xưa, mà cũng không muốn cộng đoàn có đất đai sản nghiệp nữa. Qua đó họ cố ý làm chứng cho một cuộc sống hoàn toàn thanh đạm, để liên đới với người nghèo, và chỉ tín thác nơi Chúa Quan Phòng, sống từng ngày nhờ Chúa Quan Phòng và tin tưởng phó thác nơi bàn tay của Chúa. Kiểu sống cá nhân và cộng đoàn này của các Dòng Khất Thực, cùng với sự gắn bó hoàn toàn với giáo huấn và quyền bính của Giáo Hội đã rất được các Giáo Hoàng thời đó trân trọng. Đức Innocenzo III và Đức Onorio III đã nhiệt liệt ủng hộ các kinh nghiệm mới mẻ này trong Giáo Hội và nhận ra trong đó tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Đã không thiếu hoa trái nảy sinh từ đấy: các nhóm duy nghèo khó tách rời khỏi Giáo Hội quay trở về với sự hiệp thông và lượng định trở lại lập trường của mình rồi từ từ biến mất. Cả ngày nay cũng thế, dù sống trong một xã hội trong đó người ta coi trọng của cải hơn là phẩm chất, con người vẫn nhậy cảm đối với gương sống nghèo khó và liên đới của các tín hữu có những lựa chọn can đảm. Cả ngày nay nữa cũng có các sáng kiến tương tự, các phong trào sống Tin Mừng, triệt để tín thác nơi Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Tuy nhiên các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh không chỉ là các chứng nhân Tin Mừng mà cũng là các thầy dậy nữa. Nhiều giáo dân ước mong sống một cuộc đời kitô sâu đậm, tìm hiểu biết đức tin và được hướng dẫn trên đường nên thánh. Các Dòng Khất Thực đã đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách dấn thân rao giảng Tin Mừng trong đơn sơ, nhưng sâu sắc và cao cả. Tín hữu thường hăng hái rủ nhau đi nghe giảng trong các nhà thờ hay ngoài quảng trường rất đông đảo. Các tu sĩ giảng giải các đề tài cụ thể gần gũi với cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc thực thi các nhân đức đối thần và các nhân đức luân lý, với các ví dụ cụ thể đễ hiểu. Ngoài ra các tu sĩ còn dậy dân chúng các hình thức dưỡng nuôi đời cầu nguyện và lòng đạo đức. Thíi dụ các tu sĩ Phanxicô phổ biến lòng tôn sùng nhân tính của Chúa Kitô và việc noi gương bắt chước Chúa. Vì thế có nhiều giáo dân chọn các vị làm linh hướng và cha giải tội. Và thế là nảy sinh ra các hiệp hội giáo dân sống theo tinh thần của thánh Phanxicô và tinh thần của thánh Đaminh, sau này được gọi là Dòng Ba Phanxicô và Dògn Ba Đa Minh. Ơn gọi nên thánh đại đồng ấy cũng đã được Công Đồng Chung Vaticăng II nhấn mạnh (LG 40): Trong mọi tình trạng sống và theo các nhu cẫu riêng, ai cũng có thể nên thánh và phải nên thánh.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài buấn dụ rằng tầm quan trọng và hoạt động của các Dòng Khất Thực đã ảnh hưởng xã hội trung cổ sâu rộng đến độ nhiều cơ cấu giáo dân như tổ chức lao dộng, các hợp tác xã, và cả chính quyền dân sự cũng xin các tu sĩ làm cố vấn giải quyết các vấn đề và các căng thẳng nội bộ. Khi thấy dân chúng bỏ vùng quê tìm về các thành thị sinh sống các tu sĩ cũng thành lập các tu viện trong các thành phố để lo lắng cho cuộc sống thiêng liêng của họ. Đức Thánh Cha đề cao một chiến thuật mục vụ khác của các tu sĩ như sau:

Với một lựa chọn hoàn toàn canh tân khác nữa, các Dòng Khất Thực bỏ nguyện tắc ổn định cổ điển của phong trào đan tu cổ xưa, để lựa chọn một kiểu mới. Các tu sĩ di chuyển từ nơi này sang nơi khác với nhiệt tâm truyền giáo. Kết qủa là họ cho ra đời một tổ chức khác với tổ chức của đa số các dòng dan tu. Thay vì tự lập thì họ tùy thuộc Bề Trên Tổng Quyền hay cơ cấu tỉnh dòng nhiều hơn. Như thế các tu sĩ sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội hoàn vũ. Sự linh động này cho phép gửi các tu sĩ thích hợp nhất tới các vùng truyền giáo chuyên biệt như Bắc Phi, Trung Đông, Bắc âu, và như thế canh tân sức sinh sinh động truyền giáo.

Thách đố lớn thứ hai thời đó là các thay đổi văn hóa. Các vấn đề mới làm phát sinh ra các cuộc thảo luận trong các đại học nảy sinh vào cuối thế kỷ XII. Các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh cũng đảm trách dấn thân này như là sinh viên và giáo sư, và gia nhập các đại học nổi tiếng nhất thời đó, thành lập các trung tâm nghiên cứu, sản xuất các tác phẩm có giá trị lớn và làm nảy sinh ra các trường phái tư tưởng, cũng như trở thành các thần học gia kinh viện trong giai đoạn định đoạt nhất của sự phát triển tư tưởng. Điển hình như thánh Toma Aquino và thánh Bonaventura đã hoạt động với năng động truyền giáo, canh tân sự can đảm của tư tưởng, của đối thoại giữa lý trí và đức tin. Cả ngày nay nữa cũng có một sự ”bác ái của chân lý và trong chân lý”, một ”sự bác ái trí thức” cần thực hành để soi sáng trí khôn và gằn liền đức tin với văn hóa. Gương sáng của các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh trong các đại học thời trung cổ là một lời mời gọi hiện diện trong các nơi học hỏi hiểu biết để đề nghị ánh sáng Tin Mừng cho các vấn đề nền tảng liên quan tới con người, phẩm giá và số phận vĩnh cửu của nó.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và bàn phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục