Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô 2010
Radiovaticana 19/01/2010 – Một số nhận định của Linh
Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và liên tôn của
Hội Đồng Giám Mục Italia, về tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu 2010
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã bắt
đầu ngày 18-1-2010 và kéo dài cho tới ngày 25-1-2010 rồi kết thúc với buổi hát Kinh
Chiều trọng thể do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự tại đền thờ thánh Phaolô
ngoại thành ở Roma. Đề tài của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu
Kitô năm nay là ”Chính các con là chứng nhân về tất cả những điều đó...” (Lc
24,48). Đề tài đã do các Kitô hữu Ecốt chọn và tài liệu cho tuần hiệp nhất cũng
do các anh chị em Ecốt soạn thảo. Chương 24 Phúc Âm thánh Luca được suy tư
trong suốt tuần với các tựa đề: cử hành Đấng đã trao ban cho chúng ta ơn sự
sống và sự phục sinh; biết chia sẻ cho người khác lịch sử đức tin của mình; ý
thức rằng Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống chúng ta; tạ ơn Chúa về gia tài
đức tin đã nhận lãnh; tuyên xưng Chúa Kitô Đấng chiến thắng mọi khổ đau; tìm
luôn trung thành với Lời Chúa; trưởng thành trong đức tin đức cậy và đức mến;
cống hiến sự tiếp đón và biết tiếp nhận sự tiếp đón.
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã được
cử hành lần đầu tiên trong các ngày từ 18 tới 25 tháng giêng năm 1908 do sáng
kiến của mục sư Paul Wattson thuộc Giáo Hội Episcopal Hoa Kỳ. Vì tổ chức tuần
cầu nguyện với mục đích xin cho các Giáo Hội khác trở về với Giáo Hội Công Giáo
Roma, mục sư Wattson đã chọn ngày 18 tháng giêng lễ kính ngai tòa thánh Phêrô,
và ngày 25 tháng giêng lễ thánh Phaolô trở lại. Mục sư Wattson là người đồng
sáng lập Hiệp Hội Đền Tạ gồm các tu huynh và nữ tu đền tạ tại Graymont , New
York . Năm 1909 sau khi Hiệp hội này gia nhập Giáo Hội công giáo, Đức Giáo
Hoàng Pio X đã chính thức chúc lành cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Các tuần cầu nguyện cho hiệp nhất sau đó được
nhiều phong trào của các Giáo Hội Kitô nhấn mạnh, trong đó có phong trào Oxford
Liên Minh Tin Lành Thế Giới với các sáng kiến cầu nguyện cho nữ giới. Vào năm
1935 viện phụ Paul Couturier bên Pháp đã đưa ra hướng đi mới cho tuần cầu
nguyện, bắt đầu được phổ biến trong Giáo Hội công giáo và trong một số các cộng
đoàn Anh giáo có thiện cảm với Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma. Cha Couturier giữ
các ngày 18 tới 25 tháng giêng, nhưng đổi tên thành ”Tuần cầu nguyện đại đồng
cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô”, trong nghĩa hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Sáu mươi năm sau, tức năm 1968, Ủy ban Đức Tin và Hiến
Chế của Hội Đồng Đại Kết các các Giáo Hội Kitô và văn phòng Hội Đồng Tòa Thánh
hiệp nhất các tín hữu Kitô cùng soan thảo tài liệu cho tuần cử hành và gửi cho
các Giáo Hội và giáo xứ trên toàn thế giới.
Năm nay cũng là địp kỷ niệm 100 năm hội nghị truyền giáo
quốc tế lần đầu tiên nhóm tại Edimburg bên Êcốt. Hồi năm 1910 hội nghị đã quy
tụ 1.200 đại biểu thuộc các Giáo Hội Tin Lành hầu hết đến từ Anh quốc và Hoa
Kỳ. Tuy thiếu các đại biểu công giáo và chính thống nhưng sáng kiến này đã có
tầm quan trọng rất lớn vì nó được coi như biến cố làm nảy sinh ra phong trào
đại kết. Chính trong tinh thần ấy năm 1948 đã nảy sinh ra Hội Đồng Đại Kết các
Giáo Hội Kitô có trụ sở tại Genève bên Thụy Sĩ và hiện nay quy tụ 349 Giáo Hội
thuộc 110 quốc gia trên thế giới.
Trong các ngày 2-6 tháng 6 năm nay 2010 các Giáo Hội Kitô
Ecốt sẽ tổ chức một Đại hội quốc tế truyền giáo khác để mừng kỷ niệm 100 năm
Hội nghị truyền giáo quốc tế Edimburg. Lần này sẽ có sự tham dự của phái đoàn
công giáo và của Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô cũng như phái
đoàn đại biểu của Giáo Hội chính thống và Pentecostal. Ngoài việc suy tư về
công tác loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, còn có các đề tài như tinh
thần tu đức truyền giáo, ý nghĩa của việc truyền giáo Kitô giữa các tôn giáo
khác, tương quan giữa truyền giáo và quyền bính...
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số
nhận định của Linh Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và
liên tôn của Hội Đồng Giám Mục Italia, về tuần cầu nguyện này.
Hỏi: Thưa cha Bataglia, đâu là đặc thái chính của tuần
cầu nguyện cho hiệp nhất năm 2010?
Đáp: Năm nay kỷ niệm 100 năm đại hội quốc tế truyền giáo
triệu tập tại Edimburg bên Ecốt năm 1910. Đại hội này đã được coi như biến cố
khai mào cho phong trào đại kết hiện đại. Vào tháng 6 năm 1910 đã có hơn 1.000
đại biểu của các Giáo Hội Tin Lành, Anh giáo và 1 đại biểu Chính Thống tham dự
đại hội để cùng nhau suy tư về sự cần thiết phải đạt sự hiệp nhất giữa các tín
hữu Kitô để có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới một cách hữu hiệu hơn. Và sự
đòi hỏi này ngày càng cấp thiết hơn nữa, đặc biệt sau một thế kỷ của phong trào
đại kết.
Hỏi: Một trăm năm đã trôi qua, đã có thay đổi nào thưa
cha?
Đáp: Ngày nay chúng ta ngày càng ý thức hơn về mối dây nối
kết cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội Kitô và việc rao truyền Tin Mừng. Như thế
tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô năm nay được linh hứng từ mối
dây nối kết ấy. Tính cách đáng tin cậy của việc thông truyền Tin Mừng thật ra
bị hao mòn bởi sự chia rẽ giữa các Kitô hữu.
Hỏi: Cha nhận thấy hiện tình cuộc đối thoại đại kết ra
sao?
Đáp: Tôi đồng ý với Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ
tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, khi ngài nói rằng cuộc đối
thoại đã đem lại các hoa trái phong phú, tuy nhiên cũng phải thực tế thừa nhận
rằng chúng ta chưa đạt tới đích điểm của cuộc hành hương đại kết. Chúng ta còn
đang ở trong giai đoạn nửa chừng, cả khi không thiếu các dấu hiệu khích lệ.
Hỏi: Chẳng hạn như dấu hiệu nào thưa cha?
Đáp: Có việc tìm kiếm sự hiệp nhất liên quan tới các đề tài
đòi hỏi một sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong xã hội. Chẳng hạn Tòa
Thượng Phụ Costantinopoli rất gần gũi với các lập trường của Giáo Hội công giáo
liên quan tới việc bảo vệ thụ tạo thiên nhiên và môi sinh; trong khi Tòa Thượng
Phụ chính thống Matscơva thì nhấn mạnh trên hiện tượng xã hội Tây âu đánh mất
đi căn tính Kitô của mình, vì thế cần phải có chứng tá chung xác tín hơn đối
với các giá trị và các kiểu sống của tín hữu Kitô. Thế rồi với các Giáo Hội cổ
xưa của Đông Phương đã có các tuyên ngôn chung giải tỏa các nghi ngờ lạc giáo.
Trái lại các khác biệt với thế giới tin lành thì rõ ràng hơn, bởi vì có vài lập
trường trong lãnh vực luân lý vẫn còn xa cách nhau.
Hỏi: Trên đây là tình hình chung của cuộc đối thoại đai
kết. Riêng tại Italia này thì hiện tình ra sao thưa cha Battaglia?
Đáp: Hội nghị đại kết mà chúng tôi đã cử hành hồi
tháng 5 năm 2009 tại Siracusa nam Italia, với sự tham dự của đại biểu mọi Giáo
Hội Kitô hiện diện tại Italia và đại biểu của các Giáo Hội Tin Lành, có thể
được coi như là một bản đồ nhỏ cho biết bầu khí đại kết hiện nay rất là thoải
mái. Có một cuộc đối thoại của sự thật với các thời điểm và cung cách cũng như
các trụ sở của nó, nhưng cũng có một cuộc đối thoại của tình bác ái và tình bạn
chạy nhanh hơn. Chẳng hạn tại Siracusa chúng tôi đã kiểm thực sự tương đồng
giữa các đề tài dấn thân trong xã hội, di cư, cuộc chiến đấu chống nghèo đói,
công lý, các quyền con người, môi sinh, vai trò của nữ giới. Cần phải tiếp tục
con đường này.
Hỏi: Vấn đề di cư có hệ lụy tới cuộc đối thoại đại kết
như thế nào thưa cha?
Đáp: Đây là một cơ may rất lớn để gia tăng đại kết tình bạn.
Do sự kiện nhiều anh chị em di cư là tín hữu chính thống Rumani hay Nga, vài
giáo phận Italia đã sẵn sàng dành ra một nhà thờ để cho các anh chị em này có
thể cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ. Sự kiện này không thể không có các
âm hưởng tích cực cả trên giới lãnh đạo các Giáo Hội Kitô.
Hỏi: Theo cha, đâu là cách cử hành tuần cầu nguyện cho sự
hiệp nhất các tín hữu Kitô một cách hữu hiệu nhất?
Đáp: Xem ra điều tôi nói thừa thãi, nhưng thật ra cầu nguyện
là cách thức hữu hiệu nhất để cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín
hữu Kitô. Cầu nguyện là điều đầu tiên phải làm. Rồi chắc chắn việc đồng hành
với lời cầu nguyện bằng các cứ chỉ của tình bạn và sự gặp gỡ là điều hữu ích,
nhưng luôn luôn phải bắt đầu bằng lời cầu nguyện.
(Avvenire 17-1-2010)
Linh Tiến Khải