Vượt thắng
nỗi ám ảnh của cuộc diệt chủng
Radiovaticana 09/02/2010 – Phỏng vấn nhà văn Avraham Burg, về
cuộc diệt chủng do thái thời Đệ Nhị Thế Chiến
Cách đây 65 năm ngày 27-1-1945 hồng quân Nga đã mở cổng trại tập
trung đức quốc xã tại Auschwitz bên Ba Lan và giải thoát ít tù nhân còn sống
sót.
Vào năm 2000 ngày này đã được chọn làm ngày tưởng niệm cuộc diệt
chủng do thái Shoah. Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với kiểu tưởng niệm
vẫn được cử hành cho tới nay. Trong số những người muốn thay đổi quan niệm và
kiểu tưởng niệm có nhà văn Avraham Burg.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông
về cuộc diệt chủng do thái thời Đệ Nhị Thế Chiến. Là con của ông Joseph Burg,
bộ trưởng của chính phủ Israel trong 4 thập niên và là người thành lập đảng tôn
giáo quốc gia Mafdal, ông đã là sáng lập viên phong trào “Hòa bình bây giờ”.
Năm 1988 ông đắc cử vào Quốc hội Israel lần thứ nhất và lần thứ hai năm 1992
như là thành viên đảng Lao Động. Năm 1995 ông trở thành giám đốc Văn phòng do
thái đặc trách việc thu hồi các tài sản của người do thái bị Đức Quốc Xã tịch
thu trong cuộc diệt chủng thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Trong các năm 1999-2003 ông là phát ngôn viên của Quốc hội Israel.
Năm 2003 ông viết một bài đăng trên nhật báo Anh “Người bảo vệ” tựa đề “Sự kết
thúc của phong trào Zion”, trong đó ông cho rằng việc rút lui khỏi các vùng đất
chiếm đóng là điều không thể triển hạn. Trong cùng năm đó ông giã từ chính trị,
và ngày càng cho rằng Israel là một “vương quốc không có lời ngôn sứ”, bị ám
ảnh bởi cuộc diệt chủng Shoah. Từ đó đến nay ông đã dành thời giờ để viết sách.
Trong cuốn sách mới nhất tựa đề “Đánh bại Hitler”, nhà văn Avraham Burg tố cáo
Israel là không có khả năng suy tư trở lại vết chấn thương Auschwitz, bị mắc
kẹt trong một quan điểm ích kỷ và mất đi sức mạnh lý tưởng đặc biệt của khuynh
hướng do thái đại đồng. Cuốn sách này hiện cũng đang được bán bên Đức.
Hỏi: Thưa ông Avraham Burg, ông nghĩ gì về biến cố diệt chủng do
thái được tưởng niệm ngày 27 tháng giêng vừa qua?
Đáp: Cuộc diệt chủng do thái đã khiến cho Israel trở thành thờ ơ đối
với các nỗi khổ đau của người khác. Israel giờ đây giống như nước Đức hồi thập
niên 1930, nghĩa là dễ bị thương tích bởi hành động của một thiểu số qúa khích.
Giấc mơ và ý thức hệ lập nước Sion đã thất bại. Đã đến lúc từ bỏ luôn mãi não
trạng cũ của ghetto bị bao vây của người do thái sống tại hải ngoại.
Hỏi: Thưa ông, ông đã là một nhân vật công cộng, một phần của sự
thiết định trong xã hội Israel. Tại sao ông đã không viết cuốn sách này trườc
đây khi còn giữ một chức vụ chính thức trong chính phủ do thái?
Đáp: Đây là điều đã không thể nào làm được, bởi vì điều mà tôi trình
bầy trong các sách của tôi là một trường phái tư tưởng mới. Bình thường khi một
người ở trong lãnh vực chính trị, thì phải đưa ra các quyết định cụ thể, các
lựa chọn hàng ngày, nên không suy tư nhiều. Tư tưởng và chính trị không cùng
sống chung dưới một mái nhà: đây là điều đúng trên toàn thế giới chứ không phải
chỉ tại Israel. Như thế để có thể đạt tới loại viết lách như vậy tôi phải từ
giã đấu trường chính trị.
Hỏi: Cuốn sách “Đánh bại Hitler” đã xuất phát từ đâu và ông muốn
nói gì qua kiểu nói Israel là “một vương quốc không có lời ngôn sứ”?
Đáp: Tôi là một người ảo tưởng. Tôi tin rằng các cá nhân, các cộng
đoàn, các quốc gia, phải có một số phận, một quan điểm nào đó, một ơn gọi cao
cả hơn để đáp ứng. Dù nó có được gọi là “luân lÝ” hay sự “khôn ngoan” không là
điều quan trọng. Trái lại quan trọng là chiều kích tập thể của nó. Các ngôn sứ
lớn, các triết gia thuộc mọi thời đại đã nói tới điếu đó. Từ hai năm nay Israel
đã là một quốc gia rất hữu hiệu: người ta xây cất, chiến đấu, hay bảo vệ; kinh
tế phồn thịnh; khoa học phát triển; các cơ cấu hạ tầng cơ sở của chúng tôi
khiến cho nửa thế giới ghen tương. Nhưng nó là một vương quốc không có lời ngôn
sứ. Không có bất cứ nhận thức vào về phương hướng mà chúng tôi đang đi. Chúng
tôi có một Nhà Nước, một quyền tối thượng, sự độc lập, nhưng để cho cái gì?
Cuốn sách này đã được viết để đem câu hỏi này vào trung tâm cuộc thảo luận.
Hỏi: Nói trong ngôn từ thời nay, đâu là sứ mệnh của dân do thái?
Đáp: Tính cách duy nhất của chủ nghĩa Do thái là điều này: từ những
người đã từng là nạn nhân và đã bị bách hại họ phải tranh đấu làm sao để đừng
có một người nào hay một dân tộc nào khác bị tra tấn, tận diệt và giết chết.
Cho dù đó là Kossovo hay Darfur. Thật là vô trách nhiệm khi khẳng định rằng như
là người do thái tôi có độc quyền đối với các chấn thương; nghĩa là coi chấn
thương của tôi, của chúng tôi là chấn thương lớn nhất.
Hỏi: Thưa ông Burg, ông đã viết rằng: “Shoah cuộc diệt chủng do
thái hiện hữu hơn Thiên Chúa, hơn cuộc sống của chúng ta”. Ông có thể cho vài
thí dụ cụ thể không?
Đáp: Khi nghe các diễn văn của người Israel, người do thái và của người
trên thế giới người ta khám phá ra rằng Shoah cuộc diệt chủng do thái đã trở
thành kinh nghiệm tạo ra ý thức quốc gia của chúng tôi. Của chúng tôi và của toàn
Tây Phương. Các tướng lãnh nói về an ninh của Israel trong ngôn ngữ bảo đảm
chống lại một cuộc diệt chủng mới; giới chính trị sử dụng nó khi phải che đậy
các sai trái của họ vv... Cứ nhìn chung quanh thì sẽ thấy ngay là cuộc diệt
chủng do thái được nhắc tới tại khắp nơi và trong các các trạng huống khác biệt
nhất: trong các phương tiện truyền thông, trong cuộc sống công cộng, trong văn
chương, âm nhạc và nghệ thuật, trong chính trị và trong giáo dục. Lúc nào cũng
Shoah, Shoah và Shoah: không có môi trường nào của cuộc sống chúng ta mà không
bị ảnh hưởng thương tích của cuộc diệt chủng. Bóng của Hitler vẫn còn đè nặng
trên cuộc sống chúng tôi, 60 năm sau khi Hitler tự sát trên lòng của bà Eva
Braun, trong căn hầm tại Berlin.
Hỏi: Như vậy chính việc thiếu suy tư trở lại chấn thương Shoah cản
ngăn Israel tiến tới, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế. Một cách mâu thuẫn thời gian càng qua đi chúng tôi
lại càng bị sa lầy trong qúa khứ của mình, trong dấu chỉ của trại tập trung
Auschwitz, và càng không có khả năng thoát ra khỏi đó.
Hỏi: Ông chủ trương rằng ngày nay phải vượt qúa phong trào lập nước
Sion, tại sao vậy?
Đáp: Luân lý của phong trào Sion là tách rời khỏi chủ nghĩa Do thái,
tạo dựng một nước Israel mới linh động hơn và ít truyền thống hơn. Qúy vị hãy
nghĩ tới phong trào lập nước Sion như là một cái giàn cần phải được dùng để xây
dựng một cơ cấu khác, cho một “dân tộc tối thượng” chứ không phải cho “một dân
tộc của những người bị đi đầy”. Giờ đây Nước Israel là một Nước tối thượng, cần
phải tháo gỡ giàn xây dựng đi.
Hỏi: Một Nước giữa các Nước khác chứ không phải như là một đơn vị
riêng rẽ...
Đáp: Đúng thế. Không cần phải có các vùng dành riêng cho các giống loại
bị diệt chủng nữa: chúng tôi phải hội nhập tổ chức loài người, và vì thế các
tội chống lại dân tộc do thái sẽ được viết vào trong bối cảnh của các tội chống
lại nhân loại, mà không cần phải có một nhân loại do thái tách biệt.
Hỏi: Đối với ông chủ nghĩa do thái ngày nay có nghĩa là gì?
Đáp: Bất cứ ai chia sẻ hệ thống các giá trị nhân bản, văn hóa của tôi
đều thuộc thành phần của dân tộc tôi. Vì thế tôi cảm thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma là
một người anh em với tôi hơn là chính đứa cháu của tôi mang dòng máu do thái
trong huyết quản. Israel phải hiểu rằng sau cuộc diệt chủng Shoah, không thể
còn có một chủ nghĩa do thái truyền sinh nữa.
Hỏi: Như chính quyền Bắc Kinh không có khả năng nhận thức ra sứ
điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chính quyền Tel Aviv xem ra có đôi tai của lái
buôn đối với mọi tiếng nói phê bình từ bên trong nước như tiếng nói của các
nhóm “Bẻ gẫy thinh lặng”, “Góc nhìn mới” và “Hòa Bình Bậy Giờ” vv... Ông có
đồng ý không?
Đáp: Không. Tôi không tin rằng các phong trào này đã không tạo được một
hiệu lực nào đó đối với chính quyền Israel. Nếu cách đây 20 năm tôi mà dám gọi
ông Ariel Sharon là “ông chiếm đất”, thì họ đã đem chúng tôi ra khỏi vùng Gaza
ngay, và qúy vị sẽ cho tôi là người điên. Nếu cách đây 12 tháng mà tôi đã dám
đoan quyết rằng ông Netanyahu, “ông hoàng tối tăm” của cánh hữu, một ngày không
xa sẽ ủng hộ giải pháp hai quốc gia, thì ông ấy đã cười vào mũi tôi. Thế nhưng
tất cả những điều này đã xảy ra. Tôi tin rằng các phê bình và phản đối từ bên
trong ấy đã gây ảnh hưởng, vì càng ngày càng có nhiều chính trị gia đi theo
hướng của chúng tôi. Có lẽ còn thiếu sự đại diện chính trị, nhưng đó là chuyện
của chúng tôi. Tôi có thể đưa ra cùng câu hỏi đó cho nhiều nơi khác như: làm
sao Hoa Kỳ lại đã chọn một tổng thống như như ông Goerge Bush là người đã đưa
Hoa Kỳ tới các cuộc chiến đẫm máu trầm trọng khiến cho bóng ma Việt Nam trở lại
trong tâm trí mọi người? Tuy nhiên tại Israel các nhà luân lý xem ra vẫn có sức
nặng lớn hơn bất cứ nước nào khác trên trái đất này.
Hỏi: Có đảng phái chính trị nào có thể đưa Israel ra khỏi tình
trạng sa lầy hiện nay hay không thưa ông?
Đáp: Có. Đó là đảng dân chủ của Hoa Kỳ. Vì trò chơi nằm ngoài tầm tay
của chúng tôi. Tổng thống Barack Obama trong vai người lớn có trách nhiệm phải
gặp riêng người Israel và người Palestine như hai đứa trẻ con, và nói rằng
không được tái diễn các tranh chấp nữa. Ông Obama nói hay lắm, nhưng cần phải
chờ xem các việc làm của ông ta.
Hỏi: Ông đã hoạt động nhiều năm cho đảmg Lao Động. Trong thời ông
Barak làm thủ tướng, ông tuyên bố chấm dứt các cuộc chiếm đất lập làng, nhưng
chúng vẫn tiếp diễn diễn. Thái độ giả hình này có thể đóng góp cho tính cách
đáng tin cậy của phe tả tới mức độ nào?
Đáp: Nó còn tệ hơn là giả hình nữa. Một đàng nó là dấu chỉ của sự yếu
kém và ngu dại, đàng khác nó là dấu chỉ của sự xấc xược và sự hung bạo. Thủ
tướng Barak đã là người thất bại nhất trong các thủ tướng của chính phủ Israel:
ông ta đã là người gây ra nhiều thiệt hại nhất cho tiến trình hòa bình.
Hỏi: Cuốn “Đánh bại Hitler” đã kết thúc rằng “Nói tóm lại vẫn còn
hy vọng”. Ông kín múc niềm hy vọng đó từ đâu?
Đáp: Từ thế hệ con cái tôi, là nguyên do sự lạc quan không thể cạn mà
tôi nuôi dưỡng đối với dân tộc và đất nước tôi. Chúng là thế hệ thứ ba, sau thế
hệ của những người cha lập nước, và thế hệ ở giữa, gồm những người cụ thể xắn
tay áo xây dựng nhưng dành ít thời giờ cho tư tưởng. Trái lại người trẻ do thái
thuộc thập niên 1980-1990 rất nhậy cảm và có tinh thần mới đại đồng. Họ du hành
và cảm thấy là thành phần của thế giới, hiểu biết âm nhac, văn chương, nghệ
thuật. Thế hệ của họ hoàn toàn khác với thế hệ của thân phụ tôi và của tôi, và
tôi đặt các hy vọng lớn nơi họ.
Hỏi: Ông có giấc mơ nào không?
Đáp: Có. Tôi mơ ước hòa bình. Tôi luôn nghĩ tới nó, mơ nó và không mệt
mỏi kiếm tìm nó. Và tôi chắc chắn sẽ trông thấy nó trong cuộc sống này. Không
thể sống một phút mà không mơ nó: đó là bản chất do thái của tôi, chi thể của
toàn nhân loại.
(Jesus Gennaio 2010 trang 68-71)
Linh Tiến Khải