Kinh
Truyền tin chúa nhật đầu mùa Bốn Mươi
Radiovaticana 21/02/2010 – Trong tiếng Việt, mùa phụng vụ chúng
ta đang sống được gọi là “Mùa Chay”, tuy rằng chúng ta chỉ giữ chay có hai
ngày. Danh xưng trong tiếng latinh là “Quadragesima” có nghĩa là 40 ngày, con
số mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc lại không những là thời gian 40 năm hành
trình của dân Israel trên hoang điạ trước khi vào Đất hứa, mà còn là thời gian
hai ông Mosê và Êlia rút lui vào nơi hoang vắng trước khi hội ngộ với Thiên
Chúa trên núi Horeb, nhất là thời kỳ đức Giêsu chuẩn bị thi hành sứ vụ. Theo
gương đó, vào các thế kỷ đầu tiên Hội thánh đã ấn định 40 ngày làm thời kỳ cho
các dự tòng chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng phục sinh, rồi dần
dần mở rộng cho tất cả các tín hữu theo gương đức Giêsu đi vào nơi cô tịch để
lắng nghe Lời Chúa, canh tân cuộc sống và chiến đấu với các chước cám dỗ. Đó là
nội dung của bài huấn dụ của đức thánh cha trưa chúa nhật đầu muà Bốn Mươi.
Anh chị em thân mến
Hôm thứ tư vừa qua, với nghi thức thống hối của việc xức tro, chúng
ta đã bắt đầu mùa Bốn Mươi, thời kỳ canh tân tinh thần để chuẩn bị mừng lễ Chúa
Phục sinh. Thế nhưng bước vào hành trình Bốn mươi có nghĩa là gì? Chúng ta có
thể tìm thấy lời giải thích nơi bài Tin mừng của chúa nhật thứ nhất hôm nay,
thuật lại những cơn cám dỗ của Đức Giêsu trong hoang địa. Thánh sử Luca viết
rằng sau khi lãnh phép rửa của ông Gioan, đức Giêsu, đầy tràn Thánh Linh, đã đi
xa sông Giorđanô, và được Thánh Linh dẫn vào hoang điạ trong bốn mươi ngày để
chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Thật rõ ràng là sự cám dỗ không phải là chuyện
ngẫu nhiên, nhưng do một sự lựa chọn của đức Giêsu muốn đi theo sứ mạng mà Chúa
Cha uỷ thác, sống trọn vẹn thực trạng của Người Con yêu dấu, hoàn toàn tin
tưởng vào Cha. Đức Kitô đến trần gian để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và
khỏi cơn mê hoặc muốn thiết kế cuộc sống gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Đức Kitô
đã thể hiện điều này không phải bằng những tuyên ngôn rầm rộ, nhưng bằng cách
đich thân đối kháng với tên Cám dỗ, cho đến Thập giá. Tấm gưong này có giá trị
cho tất cả mọi người: thế giới này có thể trở nên tốt đẹp hơn bắt đầu từ việc
canh tân bản thân, bằng cách – nhờ ơn Chúa - thay đổi điều lệch lạc trong đời
sống của mình.
Trong số ba cơn cám dỗ mà Satan đưa ra cho đức Giêsu, điều thứ nhất
bắt nguồn từ cơn đói, nghĩa là từ nhu cầu vật chất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa,
thì hãy nói với đá này trở thành bánh đi”. Nhưng đức Giêsu đáp lại bằng câu
Kinh Thánh: “Con người sống không chỉ bằng cơm bánh mà thôi” (Lc 4,3-4; x. Đnl
8,3). Thế rồi ma quỷ trỏ cho đức Giêsu các vương quốc trên thế giới và nói:
“tất cả những điều này sẽ thuộc về ông, nếu ông bái phục thờ lạy ta”. Đây là
cuộc lường gạt của chức quyền, và đức Giêsu đã lật tẩy và xua đuổi: “ Ngươi hãy
thờ lạy Thiên Chúa và chỉ bái phục Ngài mà thôi” (x. Lc 4,5-8; Đnl 6,13). Không
thể nào thờ lạy chức quyền nhưng chỉ có thể thờ lạy Thiên Chúa, chân lý và tình
thương mà thôi. Sau cùng, tên cám dỗ đề nghị đức Giêsu hãy thực hiện một phép
lạ hoành tráng: nhảy từ tường thành cao của đền thờ và để cho các thiên sứ đến
cứu đỡ, như vậy thiên hạ sẽ tin theo Người. Nhưng đức Giêsu đáp lại rằng không
bao giờ được thử thách Thiên Chúa (xc. Đnl 6,16). Chúng ta không được phép “làm
cuộc thử nghiệm” trong đó Thiên Chúa buộc phải trả lời và tỏ lộ rằng mình là
Thiên Chúa. Chúng ta phải tin vào Thiên Chúa, chứ không được phép dùng Thiên
Chúa như chất liệu để chúng ta làm cuộc thử nghiệm! Luôn dựa theo Kinh Thánh,
Đức Giêsu trưng dẫn tiêu chuẩn chân chính thay thế cho các tiêu chuẩn phàm nhân:
đó là sự vâng phục, việc hoà hợp với ý định của Thiên Chúa là nền tảng cuộc
sống chúng ta. Đây cũng là một bài học cơ bản cho chúng ta: nếu chúng ta mang
Lời Chúa trong trí và trong lòng, nếu Lời Chúa thấm vào đời ta, nếu chúng ta
tin tưởng vào Chúa, thì chúng ta có khả năng kháng cự hết mọi thứ lường gạt của
Tên cám dỗ. Ngoài ra, toàn thể bài trình thuật trình bày cho thấy một bức chân
dung của đức Kitô như là ông Ađam mới, người Con Thiên Chúa khiêm tốn và tùng
phục Chúa Cha, khác hẳn với ông Ađam và và Eva xưa kia trong vườn Địa đàng đã
chiều theo lời dụ dỗ của ma quỷ, muốn trở nên bất từ không cần đến Chúa.
Mùa Bốn Mươi như là thời kỳ “rút lui”, trong đó chúng ta trở về với
chính mình và lắng nghe Lời Chúa, đế chiến thắng những cơn cám dỗ của Tà thần
và tìm ra sự thật của cuộc đời. Một thời kỳ nói được là “chiến đấu” tinh thần
cùng với Chúa Giêsu, không phải với kiêu ngạo và cậy sức mình, nhưng bằng cách
dùng những khí giới của đức tin, đó là việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sám
hối. Nhờ thế mà chúng ta có thể tiến đến việc cử hành lễ Chúa Phục sinh cách
chân thực, sẵn sàng lặp lại những lời hứa khi lãnh bí tích Rửa tội. Xin Mẹ
Maria giúp chún ta, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, biết sống cách hân hoan
và hữu ích thời kỳ ân sủng này. Xin Mẹ chuyển cầu đặc biệt cho tôi và các cộng
sự viên của giáo triều Rôma, chiều này bắt đầu cuộc Tĩnh tâm.
Bình Hòa