WHĐ / Tin tổng hợp (14.03.2010) - Thứ Sáu 12-03
vừa qua, tại nhà nguyện Redemptoris Mater ở Vatican, trước sự hiện diện của Đức
Thánh Cha và giáo triều, linh mục Raniero Cantalamessa, dòng Phan Sinh, phụ
trách giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đã trình bày đề tài “Giáo dân và linh
mục sống Bí tích Thánh Thể như thế nào?”
Cha Cantalamessa nói: “Giáo dân và linh mục đều
phải sống Bí tích Thánh Thể, bằng cách dâng chính thân mình – tức cuộc sống, và
máu – tức cái chết, hoặc ‘tất cả những gì phải chết’, ‘mọi phủ định sự sống’,
bằng sự kết hiệp với Đức Kitô. Vì thế một ngày sống chính là tiếp nối sức sống
Bí tích Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ”.
Trong bối cảnh của Năm Linh mục, cha Cantalamessa
đã hướng bài giảng của mình về sứ vụ linh mục – những người quản lí các mầu
nhiệm của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi tín hữu Côrintô:
“Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản
lí các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4, 1).
Cha giải thích từ “mầu nhiệm” được hiểu theo nghĩa
“những dấu hiệu cụ thể của ân sủng, của các bí tích”. Cha đã chọn Bí tích Thánh
thể – Bí tích tiêu biểu nhất, để chú giải lời Thánh Phaolô viết trong Thư gửi
tín hữu Côrintô, qua đó làm rõ ý nghĩa về tính chất cơ bản của chức linh mục
Kitô giáo.
Cha Cantalamessa nhấn mạnh về hiến tế mới của Đức
Kitô so với lễ vật do các tư tế trong giao ước cũ dâng lên: “Các tư tế trong
Cựu ước thì dâng hiến vật, còn Đức Kitô dâng chính mình làm hiến vật. Như vậy
có thể rút ra một kết luận rõ ràng: linh mục cũng phải tự hiến dâng chính mình
như Đức Kitô đã làm”.
“Không thể tự bằng lòng với việc dâng Đức Kitô lên
Chúa Cha qua dấu chỉ bí tích là bánh và rượu, mà còn phải tự hiến dâng chính
mình cùng với Đức Kitô lên cho Chúa Cha. Linh mục phải tự hủy trong Đức Kitô,
phải là một Giêsu khác, như Đấng đáng kính Concepción Cabrera de Armida (tức
Conchita), đã từng nói đến”.
Vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng đã rút ra những
bài học thiết thực áp dụng trong đời sống của các linh mục.
Cha trình bày ý nghĩa các từ “mình” và “máu” trong
Kinh Thánh:
“Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, từ ‘mình’ chỉ trọn vẹn
con người, với tư cách của một sinh thể ở chiều kích thể xác (Câu ‘Ngôi Lời đã
trở thành xác phàm’ nghĩa là Ngôi Lời đã làm người, không phải là xương, là cơ
bắp, thần kinh!). Còn từ ‘máu’ không chỉ một bộ phận trong cơ thể con người. Máu
là trung tâm của sự sống. Do đó, đổ máu là dấu chỉ của cái chết”.
“Chúa Giêsu đã cho chúng
ta ‘mình’ của Người, tức sự sống của Người, và đã cho chúng ta ‘máu’, tức cái
chết của Người. Áp dụng với chúng ta, dâng thân mình có nghĩa là dâng thời
gian, nguồn lực thể chất, tinh thần, một nụ cười chính là điển hình cho một
tinh thần đang sống động trong một cơ thể. Dâng máu chính là hiến dâng chính
cái chết. Chết không chỉ là thời điểm cuối cùng của cuộc sống, nhưng là tất cả
những gì đang tiến dần đến cái chết: những đau đớn thể xác, bệnh tật, tình
trạng sự sống trở nên tê liệt, bị xói mòn”.
Cha Cantalamessa sau đó đã
giải thích làm thế nào giáo dân có thể kết hiệp với lễ dâng của linh mục. Theo
cha, giáo dân có thể ‘đọc’ lời truyền phép Này là Mình Thầy và Này là
Máu Thầy bằng cách hiệp thông trong tâm hồn, suy ngẫm, chứ không đọc bằng
miệng: “Vì những lời đọc của giáo dân không có hiệu năng làm cho Mình và Máu
Đức Kitô hiện diện nơi bàn thờ. Lúc này, hành động của người giáo dân không in
persona Christi (trong tư cách Đức Kitô). Giáo dân không đại diện Chúa
Kitô, như linh mục đã được thông truyền chức tư tế thừa tác. Giáo dân chỉ kết
hiệp với Chúa Kitô”.
Cha đặc biệt kêu mời giới trẻ
và người lao động dâng hiến vật của mình lên Chúa:
“Hiến vật của người lao
động dâng lên Chúa chính là thời gian làm lụng, mồ hôi, nỗi nhọc nhằn. Lao động
không phải là sự vong thân, tha hóa con người như những người theo chủ nghĩa
Mác giải thích, nhưng trái lại, chính lao động đang thánh hóa con người, chứ
không như chủ nghĩa Mác quan niệm: lao động kết thúc trong sản phẩm đã được
mang đi bán”.
Đối với giới trẻ, cha
Cantalamessa cho rằng Bí tích Thánh Thể chính là thông điệp cảnh tỉnh quan niệm
lệch lạc hiện nay về thân xác:
“Giới trẻ ngày nay, cả nam
lẫn nữ, mong muốn điều gì? Thân xác, và không gì khác hơn! Não trạng trong thế
giới hiện nay chủ yếu coi thân xác chỉ là một công cụ hưởng thụ khoái lạc. Thân
xác là đồ vật được rao bán, được khai thác bao lâu còn trẻ và còn hấp dẫn, và
sau đó, khi không còn trẻ đẹp và hấp dẫn nữa, sẽ loại bỏ cả con người, vì chẳng
còn đáp ứng được mục đích hưởng thụ khoái lạc. Đặc biệt là thân thể của người
phụ nữ đã trở thành một thứ hàng hóa”.
“Chúng ta hãy dùng chính giây
phút truyền phép để hướng dẫn các Kitô hữu trẻ: ‘Hãy nhận lấy mà ăn, vì này là
Mình Thầy, hy sinh vì các con’. Như vậy thân xác đã được thánh hiến, trở nên
thánh thiêng, không được trở thành mồi ngon của dục tình bản thân hoặc của bất
cứ ai. Cũng không được đem rao bán vì nó đã được dâng lên Chúa. Thân mình đã
trở thành bánh thánh cùng với Chúa Kitô”.
Để kết luận, cha
Cantalamessa nhắc lại: chính Chúa Thánh Thần đã ban cho các linh mục và giáo
dân khả năng dâng lễ vật lên Chúa.
Lễ vật đó chính là bản thân
cuộc sống của mỗi người.