Hiện
tình Sudan trước các cuộc bầu cử vào tháng 4 tới đây
Radiovaticana 15/03/2010 – Phỏng vấn Đức Cha Antonio Menegazzo,
Giám Quản Tông Tòa El Obeid, về hiện tình Sudan trước cuộc bầu cử tỗng thống và
quốc hội vào tháng 4 tới đây.
Ngày 25-1-2010 chính quyền Sudan và lực lượng du kích quân thuộc
phong trào “Công Lý và Bình Đẳng” gọi tắt là JEM đã đạt tới thỏa hiệp hòa bình
sau bao nhiêu năm nội chiến. Thỏa hiệp được ký kết chính thức ngày 15-3-2010,
nghĩa là trước khi có các cuộc bầu cử chính trị dự trù vào tháng 4 tới đây.
Theo tổng thống Al-Bashir chiến tranh Darfur đã chấm dứt. Tuy nhiên tình hình
trong vùng vẫn tiếp tục bất an, vì các lực lượng dân quân thuộc các bộ lạc du
mục a rập “Janjaweed” vẫn tiếp tục các vụ cướp phá làng mạc trong vùng Darfur
và có cũng các đảng cướp vũ trang mới nảy sinh.
Trong các ngày này tổng thống Omar Hassan Al-Bashir tiếp tục cuộc
tranh cử cho đảng Quốc Đại tại miền nam Sudan. Trong buổi diễn thuyết tại
Maridi ông đã hứa là nếu tái đắc cử ông sẽ thực hiện nhiều chương trình phát
triển cho các vùng miền Nam Sudan cũng như cải tiến các cơ cấu y tế và học
đường. Ông nhấn mạnh sự kiện gia tăng 40 ghế quốc hội cho các vùng miền Nam Sudan
là kết qủa thỏa hiệp giữa các đảng phái miền Bắc và miền Nam Sudan, phản ánh
trung thực hơn thế quân bình trong nước. Ông cũng hứa nếu tái đắc cử ông sẽ dấn
thân chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Uganda “Quân đội của
Chúa” tại miền Nam Sudan.
Hôm mùng 2-3-2010 tại thành phố Juba 17 đảng phái chính trị Sudan
đã ký nhận luật bầu cử và dấn thân bảo đảm cho cuộc đầu phiếu được diễn ra một
cách trong sáng và hợp pháp, cũng như thực thi các Hiệp định hòa bình ký kết
hồi năm 2005, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hai thập niên.
Sudan rộng hơn 2 triệu 505 ngàn cây số vuông, có hơn 35 triệu dân
thuộc 572 chủng tộc khác nhau gồm 52% gốc da đen, 39% gốc a rập da trắng, và 6%
gốc Beja. Tiếng A rập là ngôn ngữ chính, tiếp đến là tiếng Anh, tiếng Dinka và
200 thổ ngữ khác nhau. 62,8% dân Sudan theo Hồi giáo hệ phái Sunnít; 13,4% theo
Tin Lành và 23,8% theo đạo thờ vật linh. Tín hữu công giáo được hơn 2 triệu
rưỡi.
Từ thế kỷ thứ VI tới thế kỷ XV Sudan sống dưới sự cai trị của vua
Nubia, và đã xảy ra nhiều cuôc nội chiến. Giữa thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV
triều đại Keira hồi giáo hóa Sudan, và biến nó trở thành một vương quốc hồi do
các Sultan cai trị. Tiếp theo đó Sudan bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập
chiếm đóng cho tới khi rơi vào tay người Anh và bị Anh quốc và Ai Cập cùng
thống trị. Người Anh và người Ai Cập dồn nỗ lực vào vào việc phát triển thủ đô
Khartum và các tỉnh miền Bắc và bỏ rơi dân chúng Miền Nam, đặc biệt là vùng
Darfur. Trong số 1.169 dự án phát triển nông nghiệp được chính quyền thuộc địa
tài trợ hồi năm 1955 đã không có dự án nào được dành cho dân chúng vùng Darfur.
Năm 1956 Sudan giành được nền độc lập. Vào giữa thập niên 1960
trong số 2.280 dự án phát triển cũng đã không có dự án nào được dành cho người
dân Darfur. Chính sách cai trị bất công của chính quyền Khartum đối với các
chủng tộc miền Nam Sudan trong thập niêm 1960-1970 đã làm nảy sinh ra hai phong
trào chính trị đòi tự trị: đó là “Mặt trận Sunnít” và “Mặt trận Phục Hưng
Darfur” tranh đấu cho quyền lợi của các bộ lạc phi châu có cuộc sống định cư.
Hai phong trào này gây được thanh thế mạnh đến nỗi ông Ahmed Dreig, lãnh tụ Mặt
trận phục hưng Darfur thuộc sắc tộc Fur, được chỉ định làm thống đốc toàn vùng.
Nhưng sự kiện này khiến cho các nhóm du mục a rập lo sợ. Thế là họ
thành lập phong trào chính trị “Quy tụ A rập” ban đầu chỉ có mục đích bảo vệ
quyền lợi của các nhóm du mục và lôi kéo sự chú ý của chính quyền đối với các
thay đổi môi sinh có nguy hại cho sự sống còn của họ. Nhưng phong trào đã nhanh
chóng biến thành một đảng phái chính trị qúa kích, và một vài vị lãnh đạo phong
trào sẽ trực tiếp hay gián tiếp ủng hộ các vụ tấn kích của các nhóm dân quân a
rập “Janjaweed”.
Vào đầu năm 2003 hai nhóm phiến quân vùng Darfur là “Phong Trào
Công Lý và Bình Đẳng” quy tụ các bộ lạc Kobe và Zaghawa và “Phong Trào Giải
phóng Sudan” quy tụ các bộ lạc Fur, Masalit và Wagi, tố cáo chính quyền Khartum
dành mọi ưu tiên và quyền lợi dễ dãi cho các công dân người A rập và đàn áp các
người không A rập. Năm sau đó “Phong Trào Công Lý và Bình Đẳng” liên minh với
hai nhóm phiến quân sắc tộc miền Đông Sudan là “Sư Tử Tự Do” thuộc bộ lạc
Rashaida và “Hội Nghị Beja”. Năm 2006 Phong Trào Giải Phóng Sudan kết hiệp với
Phong Trào Công Lý và Bình Đẳng trong “Liên Minh các lực lượng cách mạng miền
Tây Sudan”. Thế là chiến tranh Darfur chính thức bùng nổ vào tháng 2 năm 2003
giữa các nhóm dân quân a rập thuộc các bộ lạc du mục Baggara được chính quyền
Khartum yểm trợ và các chủng tộc Fur, Zaghawa và Masalit thành viên của các lực
lượng phiến quân cách mạng nói trên. Chiến tranh đã gây ra cuộc diệt chủng
khiến cho 400.000 người chết và 2 triệu người phải tị nạn.
Năm 2005 ông John Garang, nguyên lãnh tụ Phong Trào Giải Phóng
Sudan, được chỉ định làm phó tổng thống, nhưng ông qua đời trong một tai nạn
máy bay năm sau đó. Tháng 5 năm 2006 chính quyền Khartum ký thỏa hiệp hòa bình
với lực lượng “Quân đội giải phóng Sudan” nhưng hai nhóm phiến quân “Phong Trào
Giải Phóng Sudan” và “Phong Trào Công Lý và Bình Đẳng” từ chối không ký ký nhận
thỏa hiệp. Thỏa hiệp bao gồm việc giải giáp lực lượng a rập du mục võ trang “Janjaweed”,
giải tán các lực lượng phiến quân và gia nhập họ vào quân đội Sudan.
Có 97 tổ chức phi chính quyền và các tổ chức bác ái Kitô giáo hoạt
động trợ giúp người tị nan Sudan. Nhưng cách đây 2 năm chính quyền Khartum đã
trục xuất 14 tổ chức. Trong vùng Darfur từ 30 năm nay cũng có các nữ tu bác ái
và các cha dòng Comboni cũng như nhân viên Caritas Italia hoạt động.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức
Cha Antonio Menegazzo, Giám Quản Tông Tòa El Obeid, về hiện tình Sudan trước
cuộc bầu cử tỗng thống và quốc hội vào tháng 4 tới đây.
Hỏi: Thưa Đức Cha, tình hình Sudan hiện nay ra sao? Hồi cuối tháng
Giêng vừa qua phiến quân và chính quyền đã đạt một thỏa hiệp chung. Có thật là
chiến tranh đã chấm dứt như lời tổng thống Al-Bashir khẳng định hay không?
Đáp: Dĩ nhiên đây là một dấu chỉ tích cực, một bước tiến quan trọng
hướng tới hòa bình. Tuy nhiên nó chưa phải là một sự hòa bình đầy đủ, vì có
nhiều phe phiến quân trong đó có “Phong Trào Công Lý và Bình Đẳng” là nhóm
chính yếu chưa chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng cho tới khi nào chưa có một thỏa hiệp
hoàn toàn với sự tham dự của tất cả các nhóm khác, thì sẽ không thể nói tới một
nền hòa bình đích thực.
Hỏi: Tổng thống Omar Assan Al-Bashir đã tuyên bố rằng chiến tranh
Darfur đã chấm dứt. Có thật thế không hay đây chỉ là một khẩu hiệu nhằm tuyên
truyền cho các cuộc bầu cử sắp tới tại Sudan thưa Đức Cha?
Đáp: Chắc chắn là nó cũng nhắm tuyên truyền một chút cho các cuộc bầu
cử. Dĩ nhiên là các cuộc bầu cử cũng có tầm quan trọng của chúng, nhưng các phe
liên hệ đã có biết bao nhiêu dịp khác trong qúa khứ để làm hòa và đi đến các
thỏa hiệp. Trái lại chỉ bây giờ họ mới bắt đầu và chúng tôi đang tiến tới gần
các cuộc bầu cử chính trị dự trù sẽ diễn ra vào tháng 4 tới đây.
Hỏi: Như thế có nghĩa là chiến tranh trong vùng Darfur vẫn chưa
chấm dứt vì điều này có thể khiến cho sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với
tình hình tại Darfur giảm đi, trong khi trên thực tế nó vẫn rất tế nhị?
Đáp: Chắc chắn rồi. Chiến tranh tại Darfur chưa hoàn toàn chấm dứt, ít
nhất là cho tới khi nào lực lượng dân quân “janjaweed” và các băng đảng vũ
trang gây ra chiến tranh chưa bị giải giáp. Vì các lực lượng này khiến cho toàn
vùng phải sống trong tình trạng bất ổn.
Hỏi: Xin Đức Cha cho biết hiện nay dân chúng trong vùng sống ra
sao?
Đáp: Vâng, cách đây mấy tuần tôi đã đến thăm ba giáo xứ tại Nyala,
Fasher, và Daen. Dĩ nhiên là tình hình có yên hơn một chút, có an ninh và ít
nguy hiểm hơn mấy tháng trước. Nhưng vẫn còn có các vụ tấn kích lẻ tẻ đó đây từ
phía quân đội chính phủ chống lại các lực lượng phiến quân. Vì thế dân chúng
còn phải sống trong các trại tị nạn và sơ hãi không dám trở về làng quê của họ.
Lý do là vì họ luôn luôn có thể bị tấn công bất cứ lúc nào bởi các lực lượng
dân quân a rập “janjaweed”.
Hỏi: Như thế trên bình diện cứu trợ nhân đạo tình hình vẫn còn
nghiêm trọng, có đúng thế không thưa Đức Cha?
Đáp: Đúng vậy. Trên thực tế tình hình vẫn như trước. Cho tới khi nào
người dân chưa có thể trở về làng cũ và tự lực cánh sinh, thì họ vẫn còn tùy
thuộc sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Sau khi một vài tổ chức cứu trợ quốc
tế bị chính quyền Khartum trục xuất, thì dân chúng đã khổ sở hơn, bởi vì các tổ
chức đã bị trục xuất là con tim của phong trào cứu trợ người tị nạn Sudan. Họ
phân phát các phẩm vật cứu trợ và thực sự chú ý tới hạnh phúc của người dân,
đặc biệt là các anh chị em tị nạm.
Hỏi: Có người cho rằng thỏa hiệp này không tự động san bằng con
đường dẫn tới một thỏa hiệp với các nhóm phiến quân trong đó có nhóm “janjaweed”
như Đức Cha đã nhắc tới trên đây. Riêng Đức Cha thì Đức Cha nghĩ sao?
Đáp: Vâng, tôi nghĩ là thỏa hiệp có lẽ có lợi, bởi vì khi thấy các nhóm
phiến quân mới ký thỏa hiệp hòa bình với chính quyền có các đặc lợi, các phiến
quân và các lực lượng khác khác từ từ hiểu tầm quan trọng của hòa bình, vì từ
chiến tranh xung khắc người ta không nhận được gì cả.
Hỏi: Giáo Hội sống các biến cố trong thời điểm này ra sao thưa Đức
Cha?
Đáp: Giáo Hội sống các biến cố này trong lo âu, bởi vì hòa bình cũng có
nghĩa là tự do đi lại, và cũng có nghĩa là có thể làm việc mục vụ nhiều hơn là
những gì đã có thể làm cho tới nay.
(RG 27-1-2010; MISNA 3-3-2010; QUID, Sudan)
Linh
Tiến Khải