Kinh
Truyền tin chúa nhật thứ V mùa Bốn mươi
Radiovaticana 21/03/2010 – Trước cuộc cải tổ phụng vụ của công
đồng Vaticanô II, Chúa nhựt thứ Năm Mùa Bốn Mươi được gọi là Chúa nhựt thứ nhứt
mùa Thương khó, kéo dài 2 tuần lễ cho đến lễ Phục sinh. Lịch phụng vụ hiện hành
chỉ còn dành một tuần cho mùa Thương khó, trùng với Tuần thánh, và dành chúa
nhựt thứ Năm Mùa Bốn Mươi tiếp tục các đề tài huấn giáo tuỳ theo chu kỳ. Các
chúa nhựt của chu kỳ A trình bày Chúa Giêsu là nước hằng sống, là ánh sáng, là
sự sống dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Các chúa nhật của chu kỳ C đề cào lòng
nhân từ của Thiên Chúa và kêu gọi con người hãy thống hối dựa theo Tin mừng
thánh Luca. Tuy nhiên, bài đọc của chúa nhựt thứ Năm trích từ Tin mừng thánh
Gioan. Theo các nhà chuyên môn, trong các thủ bản cổ thời, đoạn văn mở đầu
chương 8 thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ ngoại tình đôi
khi được đặt trong Tin mừng thánh Luca đôi khi được đặt trong Tin mừng thánh
Gioan, và mãi đến năm 150 mới mang vị trí cố định như hiện nay. Giọng văn xem
ra là của thánh Luca hơn là của thánh Gioan. Bài huấn dụ trước khi đọc kinh
Truyền tin trưa chúa nhựt được dành để chú giải đoạn văn này, đặc biệt là đã
chú trọng đến ý nghĩa của việc Chúa Giêsu cúi mình xuống dùng ngón tay để viết
lên đất, được thánh Augustinô giải thích như là công tác lập pháp giống như
trước kia trên núi Sinai, Thiên Chúa đã dùng ngón tay để viết bản Lề luật. Bài
huấn dụ đã đưa ra nhiều áp dụng thực tiễn, một đàng là mời gọi các mục tử hãy
giúp các tín hữu khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích thống hối,
đàng khác mời gọi mỗi người hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan
hồng đối với con người. Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI đã
kêu gọi các bạn trẻ đến tham dự buổi cầu nguyện vào chiều thứ năm sắp tới tại
quảng trường thánh Phêrô để chuẩn bị mừng ngày Quốc tế bạn trẻ lần thứ XXV sẽ
được cử hành vào chúa nhựt Lễ lá. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến
Chúng ta đã tới chúa nhựt thứ năm mùa Bốn Mươi. Năm nay phụng vụ
trình bày cho chúng ta đoạn Tin mừng kể lại việc Chúa Giêsu cứu một phụ nữ
ngoại tình khỏi án tử hình (Ga 8,1-11). Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền
thờ, các kinh sư và biệt phái đưa đến một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình; luật Môsê dự liệu hình phạt ném đá đối với tội đó. Họ yêu cầu Chúa Giêsu
xét xử bà với mục đích là để "thử thách Người" và đẩy Người vào ngõ
bí. Tình hình thật là bi đát: mạng sống của bà và kể cả mạng sống của chính
Người tuỳ thuộc vào những lời sắp nói. Thực vậy, những kẻ tố giác giả hình giả
vờ như đang chờ đợi Người xét xử, nhưng kỳ thực họ muốn tố cáo và xét xử chính
Người. Ngược lại, Chúa Giêsu là kẻ "đầy ân sủng và chân lý" (Ga
1,14). Người đọc thấy thâm tâm của mỗi người, Người muốn lên án tội lỗi nhưng
cứu vớt tội nhân, và lột mặt nạ kẻ giả hình. Thánh Gioan muốn nêu bật một chi
tiết, là đang khi các kẻ tố cáo cứ nằng nặc đòi Người lên tiếng, thì Chúa Giêsu
cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất. Thánh Augustinô nhận định rằng cử chỉ ấy
cho thấy Chúa Giêsu là một nhà lập pháp, bởi vì Thiên Chúa đã viết lề luật với
ngón tay trên các tấm bia đá (xc. Chú giải Tin mừng thánh Gioan 33,5). Như thế
đức Giêsu là nhà lập pháp, là chính Công lý. Phán quyết của Người như thế nào?
"Ai trong các ông không có tội thì hãy lấy đá ném bà ta trước đi".
Những lời này chứa đầy chân lý, nó làm sụp đổ bức tường giả hình, và mở rộng
lương tâm đến công lý rộng lớn hơn, công lý của tình yêu, cao điểm của mọi lề
luật (xc Rm 13,8-10). Đó là công lý đã cứu thoát cả ông Saulô, biến đổi ông ta
trở thành thánh Phaolô (xc. Pl 3,8-14).
Sau khi những người tố cáo "lần lượt rút lui, bắt đầu từ những
người gìa nhất", Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ, và đưa bà
vào cuộc đời mới, hướng đến điều lành: "Tôi cũng không kết án chị đâu; chị
về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Đó cũng chính là ân huệ khiến cho
thánh Phaolô thốt lên: "Tôi chỉ còn biết một điều là bỏ lại cái gì đàng
sau lưng, và lao về trước mặt, tôi chạy đến cùng đích, đến giải thưởng mà Thiên
Chúa đã dành cho tôi ở trên trời, trong Đức Kitô Giêsu" (Pl 3,14). Thiên
Chúa chỉ muốn cho chúng ta được điều tốt lành và được sống mà thôi. Thiên Chúa
đã dự liệu cho sức khỏe linh hồn chúng ta nhờ các tác viên của Người, cứu thoát
chúng ta khỏi sự dữ nhờ Bí tích Hòa giải, ngõ hầu không ai bị hư mất nhưng tất
cả có cơ hội để hoán cải. Trong năm linh mục này, tôi muốn khuyến khích các vị
mục tử hãy bắt chước cha sở họ Ars trong tác vụ bí tích giải tội, ngõ hầu các
tín hữu khám phá ý nghĩa và vẻ đẹp của nó, và họ được chữa lành nhờ tình yêu
lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tự ý quên hết tội, ngõ hầu tha thứ
cho chúng ta".
Các bạn thân mến, chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu để đừng xét đoán
và lên án tha nhân. Chúng ta hãy học cho biết tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi
- bắt đầu từ tội lỗi của mình! - và khoan hồng đối với con người. Chúng ta hãy
cầu xin Đức Maria, là Thân mẫu Thiên Chúa, kẻ đã được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi,
là trung gian chuyển cầu ân sủng mỗi tội nhận thống hối.
Bình Hòa