Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa tam nhật thánh

 

Radiovaticana 31/03/2010 – VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 15 ngàn tín hữu hành hương sáng 31-3-2010 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa tam nhật thánh.

Buổi tiếp kiến diễn ra từ lúc 10 giờ 30 dưới bầu trời nắng xuân thật đẹp. Mở đầu ngài dùng xe bọc kính đi giữa các lối đi để ngài chào thăm các tín hữu.. 13 nhân viên an ninh cận vệ thuộc đoàn vệ binh Thụy Sĩ và đoàn Hiến Binh Vatican đi bọc quanh xe, giữa tiếng reo vui của các tín hữu.

 Lên đến thềm Đền thờ được trang trí bằng một thảm cỏ xanh, và trước khi an tọa, ĐTC còn giang rộng hai tay để chào tất cả mọi người. Một linh mục thuộc phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố cuộc tiếp kiến khởi đầu với ĐTC và phần suy tôn Lời Chúa với các bài đọc ngắn bằng 5 thứ tiếng, trích thuật đoạn sách Ngôn Sứ Isaia đọc trong thánh lễ hôm qua nói về Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến

“Sáng mai (1-4-2010) bắt đầu Tam Nhật thánh, 3 ngày cử hành cuộc thương khó, cái chết và cuộc phục sinh của Chúa. 3 ngày thánh này xét cho cùng là một ngày duy nhất, ngày đại lễ mừng Mầu Nhiệm Vượt qua, và họp thành trung tâm của toàn thể năm Phụng Vụ.

“Sáng thứ năm Tuần Thánh, trước khi bắt đầu Tam Nhật Thánh đúng nghĩa, tại các nhà thờ chính tòa của các giáo phận có lễ làm phép dầu, trong đó dầu thánh được thánh hiến: dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và dầu Thánh. Đồng thời Đức Giám mục và các linh mục lập lại những lời hứa khi chịu chức linh mục, điều này có một ý nghĩa đặc biệt trong năm linh mục này, kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Cha Sở họ Ars. Tôi muốn lập lại với tất cả các linh mục lời cầu chúc tôi đã viết ở cuối thư ấn định năm linh mục: “Theo gương thánh Cha sở họ Ars, anh em hãy để cho Chúa Kitô chinh phụ và anh em sẽ là những sứ giả hy vọng, hòa giải và hòa bình trong thế giới ngày nay!”.

“Trong thánh lễ Tiệc Ly vào chiều thứ năm Tuần Thánh, chúng ta cử hành biến cố Chúa lập phép Thánh Thể. Dưới hình bánh và rượu, Chúa Kitô ban Mình và Máu Ngài, và tự hiến như tế vật của Giao Ước mới để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Ngài chấp nhận cái chết trên thập giá mà chúng ta tưởng niệm trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài biến cái chết ấy thành một cử chỉ yêu thương. Chúa tự nguyện chấp nhận đau khổ và chịu chết với tất cả tình thương của Ngài. Thứ sáu Tuần Thánh là một ngày cầu nguyện, ngày canh thức và thinh lặng, không có lễ nghi phụng vụ vui mừng. Trong sự thinh lặng ấy của đêm vọng Phục Sinh, bừng lên bài ca Alleiluia, biểu lộ niềm vui Chúa Kitô Sống Lại. Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta vui mừng vì chiến thắng của Ánh sáng trên tăm tối, của Sự Sống trên sự chết.

Trước khi tóm lược bằng cách thứ tiếng, ĐTC đặc biệt diễn giảng bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn. Chẳng hạn ngài nhắc lại đoạn thư thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu thành Corinto để củng cố họ trong chân lý về mầu nhiệm Thánh Thể, thông truyền cho họ những gì chính thánh nhân đã học được: “Chúa Giêsu, trong đêm bị trao nộp, đã cầm lấy bánh, và sau khi tạ ơn, bẻ ra và nói: “Này là mình Thày cho các con; các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cấm lấy chén rượu và nói: “Chén này là giao ước mới trong Máu Thầy; các con hãy làm việc này mỗi khi các con uống, để nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25). Những lời này biểu lộ rõ ràng chủ ý của Chúa Kitô: Dưới hình bánh và hình rượu, Người hiện diện thực sự với mình được trao ban và máu Người đổ ra như hy tế của Tân Ước. Đồng thời, Chúa thiết lập các Tông đồ và các người kế vị như thừa tác viên của bí tích mà Chúa trao cho Giáo Hội của Người như bằng chứng tột cùng về tình yêu của Người”.

“Trong các nghi thức thứ năm Tuần Thánh, ĐTC nhắc đến nghi thức Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-25). Đối với thánh sử Phúc Âm, cử chỉ này của Chúa tượng trưng toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu và biểu lộ tình yêu của ngài cho đến cùng, một tình yêu vô biên, có khả năng làm cho con người được hiệp thông với Thiên Chúa và làm cho họ được tự do. Vào cuối phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội đặt Mình Thánh Chúa vào mộtnơi riêng đã được chuẩn bị, tượng trưng sự cô đơn của Chúa trong vườn Giệtsimani và nỗi lo âu buồn phiền đến nỗi chết của Chúa Giêsu. Trước Thánh Thể, các tínhữu chiêm ngắm Chúa Giêsu trong giờ cô đơn của ngài và cầu nguyện để mọi tình trạng cô đơn trên thế giới được chấm dứt. Hành trình phụng vụ này cũng là một lời mời gọi chúng ta hãy tìm gặp và sống thân mật với Chúa trong kinh nguyện, nhìn nhận Chúa Giêsu nơi những người cô đơn, canh thức với Chúa và viết công bố ngày là ánh sáng của chính cuộc sống của mình”.

ĐTC nêu bật mối liên hệ giữa Bữa Tiệc Ly và cái chết của Chúa Giêsu. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu trao ban Mình và Máu Người, tức là sự hiện trần thế của Người, chính Người, báo trước cái chết và biến cái chết ấy thành một cử chỉ yêu thương. Vì thế, cái chết tự nó là một sự chấm dứt, sự hủy hoại mọi liên hệ, nay được Chúa biến thành một cử chỉ thông ban chính mình, một dụng cụ cứu độ và công bố sự chiến thắng của tình yêu. Như thế, Chúa Giêsu trở thành chìa khóa để hiểu Bữa Tiệc Ly là một biến cố đy trương sự biến đổi cái chết đau thương thành một hy tế tự nguyện, một thái độ yêu thương cứu chuộc và cứu độ thế giới”.

 Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, đặc biệt được nhắc đến tên có nhóm tín hữu đến từ cuộc động đất ở Haiti, họ thuộc nhóm tiếng Pháp được mọi người nhiệt liệt vỗ tay khích lệ..

Với mọi người hiện diện ĐTC cầu chúc họ Lễ Phục Sinh tốt đẹp và vui tươi, đồng thời khích lệ rằng “Sự tham dự trong tinh thần cầu nguyện các lễ nghi tam nhật thánh này giúp chúng ta ngài càng đi sâu vào mầu nhiệm khổ nạn, chịu chết và sống lại của Chúa và đổi mới chúng ta từ bên trong, để trở thành những người thực sự được cứu độ, thành bạn hữu của Thiên Chúa.

 ĐTC đặc biệt chào thăm hàng ngàn sinh viên từ nhiều nước về Roma tham dự cuộc gặp gỡ đại học UNIV 2010 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức. Ngài nói: “Các bạn thân mến, các bạn đến Roma nhân dịp tuần thánh để cảm nghiệm về niềm tin, tình bạn và để được phong phú về tinh thần. Tôi mời gọi các bạn hãy suy tư về tầm quan trọng của việc học hành nghiên cứu tại Đại học để kiến tạo một “tâm thức Công Giáo hoàn vũ” mà thánh Josémaria vị Sáng lập Opus Dei đã mô tả là “chân trời mở rộng, mạnh mẽ đào sâu những gì sinh động trường tồn trong đạo lý chính thức của công giáo”. Ước gì mỗi người trong các bạn gia tăng ước muốn đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, để làm chứng cho Chúa trong vui tươi nơi mọi môi trường.”

 G. Trần Đức Anh OP


Về Trang Mục Lục