Tin Mừng Phục Sinh: một biến cố lịch sử ngoại thường

 

Radiovaticana 07/04/2010 – Sự phục sinh là Tin Mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và cái chết, và mọi môn đệ Chúa đều được mời gọi loan báo cho người khác. Nó là một biến cố tuyệt đối ngoại thường, là hoa trái đẹp nhất và chín mùi của “Mầu Nhiệm của Thiên Chúa”, vượt ngoài khả năng hiểu biết và điều tra của loài người chúng ta. Nhưng nó cũng là một sự kiện “lịch sử”, có thật, có chứng tá và tài liệu. Nó là biến cố xây nền cho toàn đức tin của chúng ta, là nội dung chính yếu và là lý do chính để chúng ta tin.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 7-4-2010. Ngoài các đoàn hành hương Âu châu và Bắc Mỹ, phái đoàn đến từ xa nhất là Australia. Từ Á châu có phái đoàn Nhật Bản. Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đã đi trực thăng từ Castel Gandolfo, nơi ngài đang nghỉ vài hôm sau Tuần Thánh bận rộn, để về Vaticăng gặp gỡ tín hữu.

Vì còn đang trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới sự sống lại của Chúa Kitô khải hoàn chiến thắng sự dữ và cái chết.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Anh chị em thân mến, buổi tiếp kiến chung thứ tư hôm nay tràn ngập niềm vui sáng láng của lễ Phục Sinh. Thật thế, trong các ngày này Giáo Hội cử hành mầu nhiệm sự Sống Lại và sống kinh nghiệm niềm vui lớn lao phát xuất từ tin mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và cái chết. Một niềm vui không chỉ kéo dài trong Tuần Bát Nhật mà trải dài ra trong suốt 50 ngày cho tới Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sau tiếng khóc và sự buồn thương của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và sau sự thinh lặng tràn đầy chờ đợi của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, này đây lời loan báo: “Thật thế, Chúa đã sống lại và hiện ra với Simon” (Lc 24,34). Trong toàn lich sử thế giới đây là tin vui tuyệt diệu, là Tin Mừng được loan báo và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là hành động tối cao không thể vượt qua được của quyền năng Thiên Chúa. Nó là một biến cố tuyệt đối ngoại thường, là hoa trái đẹp nhất và chín mùi của “Mầu Nhiệm của Thiên Chúa”. Nó ngoại thường đến độ không thể nắm bắt được trong các chiều kích vượt ngoài khả năng hiểu biết và điều tra của loài người chúng ta. Tuy nhiên nó cũng là một sự kiện “lịch sử”, có thật, có chứng tá và tài liệu. Nó là biến cố xây nền cho toàn đức tin của chúng ta. Nó là nội dung chính yếu mà chúng ta tin, và là lý do chính để chúng ta tin

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Tân Ước không miêu tả sự Sống Lại của Chúa Giêsu trong việc hiện thực của nó, mà chỉ kể lại chứng từ của những người đã gặp gỡ Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Ba Phúc Âm Nhất Lãm kể lại rằng lời loan báo “Người đã sống lại” ban đầu được vài thiên thần công bố. Tuy nhiên đó là một lời loan báo bắt nguồn nơi Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lập tức giao phó cho các sứ giả của Người để họ thông truyền lại cho tất cả chúng ta. Và như thế chính các thiên thần mời gọi các phụ nữ, mới tảng sáng đã đến mộ Chúa, đi báo tin cho các môn đệ: “Người đã sống lại từ cõi chết, và này đây Người sẽ đi trước anh em đến Galilea, ở đó anh em sẽ gặp Người” (Mt 28,7). Như vậy qua các phụ nữ của Phúc Âm, lệnh truyền đó của Chúa đã đến với tất cả và từng người để họ thông truyền lại cho các người khác cùng tin đó, với lòng trung thành và can đảm, một tin đẹp, vui và đem lại niềm vui.

Phải, các bạn thân mến, toàn đức tin của chúng ta dựa trên việc loan báo liên tục và trung thành “tin mừng” ấy. Và hôm nay chúng ta muốn nói lên lòng biết ơn sâu xa của chúng ta đối với Thiên Chúa, vì biết bao nhiêu hàng ngũ những người đã tin nơi Chúa Kitô và đã đi trước chúng ta, vì họ đã không suy giảm trong việc loan báo Tin Mừng họ đã nhận lãnh. Như thế tin vui Phục Sinh đòi hỏi công tác của các chứng nhân hăng say và can đảm.

 Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh sứ mệnh loan báo Tin Vui Phục Sinh của mọi kitô hữu như sau:

Mỗi một môn đệ của Chúa Kitô, từng người trong chúng ta đều được mời gọi trở thành chứng nhân. Đó là lệnh truyèn chính xác, dấn thân và phấn khởi của Chúa phục sinh. Tin vui cuộc sống mới trong Chúa Kitô phải sáng ngời trong cuộc sống của kitô hữu, phải sinh động và hoạt động nơi người đem nó đến cho người khác, phải thực sự có khả năng thay đổi con tim, và toàn cuộc sống. Nó sống động, trước hết vì chính Chúa Kitô là linh hồn sống động và làm cho sống. Thánh sử Marco đã nhắc cho chúng ta biết điều này vào cuối Phúc Âm của người, khi viết rằng các Tông Đồ “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các vị, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác định lời các vị rao giảng” (Mc 16,20).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Công việc của các Tông Đồ cũng là công việc của chúng ta và của mọi tín hữu, của mọi môn đệ trở thành “người loan báo”. Thật thế cả chúng ta nữa chúng ta cũng chắc chắn rằng ngày hôm nay cũng như hôm qua Chúa cùng hoạt động với các chứng nhân của Người. Đậy là một sự kiện mà chúng ta có thể nhận biết mỗi lần chúng ta trông thấy nảy sinh ra các mầm giống của một nền hòa bình đích thực và lâu bền, nơi dấn thân và gương sống của các kitô hữu và những người thiện chí được linh hoạt bởi sự tôn trọng đối với công lý, bởi việc đối thoại kiên nhẫn, bởi lòng trân trọng xác tín đối với tha nhân, bởi sự vô vị lợi, bởi hy sinh cá nhân và cộng đoàn. Nhưng rất tiếc chúng ta cũng trông thấy trong thế giới này biết bao nhiêu khổ đau, bạo lực, và hiểu lầm. Việc cử hành Mầu nhiệm phục sinh, việc chiêm ngưỡng tươi vui sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và cái chết với sức mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa là dịp thuận tiện để tái khám phá ra và tuyên xưng xác tín hơn sự tin tưởng của chúng ta nơi Chúa phục sinh, Đấng đồng hành với các chứng nhân của lời Người cùng hoạt động với họ. Chúng ta sẽ là các chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh thực sự và đến cùng, khi chúng ta để cho dấu lạ tình yêu của Người tỏ hiện nơi chúng ta; khi các lời nói và nhất là cử chỉ của chúng ta hoàn toàn trung thực với Tin Mừng, khi đó người ta sẽ nhận ra tiếng nói và bàn tay của chính Chúa Giêsu.

Như thế, Chúa gửi chúng ta đi khắp nơi như các chứng nhân của Người. Nhưng chúng ta chỉ có thể là chứng nhân, khi luôn luôn quy chiếu về kinh nghiệm phục sinh, kinh nghiệm mà bà Maria Madalena diễn tả bằng cách loan báo cho các môn đệ khác: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Trong sự gặp gỡ cá nhân này với Đấng Phục Sinh có nền tảng không thể sụp đổ và nội dung nòng cốt đức tin của chúng ta, suối nguồn tươi mát và không thể cạn niềm hy vọng của chúng ta, năng động nồng nhiệt lòng bác ái của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy để cho sức hấp dẫn của sự Phục Sinh xâm chiếm chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ lực chúng ta với sự bầu cử của Người và giúp chúng ta nếm hưởng tràn đầy niềm vui phục sinh, để chúng ta biết đem nó đến cho mọi anh chị em khác.

Đức Thánh Cha đã chào tin hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Nga, Hungari, Croat và Ý. Bằng tiếng Nga Đức Thánh Cha nói: qua hãng thông tấn ITAR-TASS ngài gửi lời chào thân ái và lời chúc mừng lễ mọi tín hữu Nga sống bên trong cũng như bên ngoài nước Nga, tại nhiều nơi trên thế giới. Lễ trọng Phục Sinh năm nay được tín hữu công giáo và chính thống cùng cử hành một ngày là dịp tái củng cố tình huynh đệ và cộng tác lớn hơn trong chân lý và bác ái.

 Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cầu chúc họ sống sự thánh hiến đã nhận lãnh khi chịu phép Rửa tội để trở thành các chứng nhân của Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Ngài xin ánh sáng Phục Sinh soi chiếu và nâng đỡ các anh chị em đau yếu trong các khổ đau của họ. Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết kín múc nơi mầu nhiệm Phục Sinh lòng can đảm để góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội và nền văn minh tình thương với tình yêu trung thành và phong phú của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục