Các giám mục khắp nơi trên thế giới lên
tiếng ủng hộ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
WHĐ / Tin tổng hợp
(7.04.2010) – Các nhà lãnh đạo Công Giáo khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự
hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng bằng những phát biểu đáp lại các cáo buộc của một
số nguồn truyền thông. Các cáo buộc này cho rằng cá nhân Đức giáo hoàng phải
liên đới với các vụ lạm dụng tình dục. Những lời chỉ trích đã đạt đến cao điểm
trong Tuần Thánh. Một vị giám chức nhận xét rằng sự trùng hợp của áp lực truyền
thông với Lễ Phục Sinh không phải là tình cờ.
Trong một cuộc họp báo
tuần trước, Đức Hồng y Nicolas de Jesus Lopez Rodriguez, Tổng giám mục
Santo Domingo nói rằng Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫn kiên quyết, minh bạch
và nghiêm khắc khi phản ứng với các vụ việc, mặc dù một số phương tiện truyền
thông tìm cách “đánh giá thấp thực tế và đưa ra những giải thích gượng ép.”
Đức Tổng giám mục của Cộng
hoà Dominican này nói nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc tấn công của một số
người tại Mỹ và Châu Âu nhằm vào Đức Giáo Hoàng là do Giáo Hội kiên quyết “bảo
vệ sự sống và chống lại tội ác phá thai.”
Hôm Chủ nhật, Đức Giám
mục Felipe Arizmendi Esquivel của giáo phận San Cristobal de Las Casas,
Mexico, đã nói về quy tắc hành động của ĐGH: “Khi ngài làm Tổng giám mục Munich
và sau đó phụ trách Bộ Giáo Lý Đức tin, ngài luôn xử lý các vụ việc một cách vô
cùng tế nhị và có trách nhiệm.”
Đức Hồng Y Norberto
Rivera, Tổng giám mục Mexico, nói rằng Giáo Hội không hề dung túng hay bao
che cho bất cứ hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nào và vì những hành
động của một số linh mục không trung thực và linh mục vi phạm, Đức Giáo hoàng
đã phải đối diện với những lời “phỉ báng và tấn công” mang tính “dối trá và hèn
nhát.”
Đức Hồng y Andre
Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, trong bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu tuần
qua nói rằng qua các thử thách của Giáo Hội vào lúc này, chúng ta cũng phải
nhận thấy các cuộc tấn công của các phương tiện truyền thông đang mừng lễ Phục
sinh theo kiểu của họ bằng cách tập trung các lời phê phán Giáo Hội và đức tin
Kitô giáo trong Tuần thánh.”
Ngài nói tiếp rằng những
người dễ bị tổn thương nhất trong các vụ công kích này là những người “ít được
thông tin hơn và ít tham gia vào đời sống của Giáo Hội”, họ là những người bị
dội bom bởi các thông tin mang tiếng là phê phán nhưng lại chỉ là tuyên
truyền.”
ĐHY quả quyết: “Trong các
nước dân chủ của chúng tôi, Kitô hữu cũng là những công dân như mọi công dân
khác nhưng chắc chắn họ lại không được các phương tiện truyền thông đối xử
ngang bằng với các công dân khác.”
Trong cuộc trả lời phỏng
vấn với tờ La Stampa của Italia, Đức Hồng y Roger Etchegaray nói rằng
“các phê bình và hiểu lầm bao giờ chẳng có và sẽ vẫn luôn có. Nhiệm vụ của
chúng ta là rao giảng lời của Chúa Kitô cho mọi người.”
Ngài thêm rằng “luôn có
những người cho rằng hành động và sửa chữa của chúng ta chưa đầy đủ và thoả
đáng, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã làm vì ích lợi chung với quả tim
trong sáng và đem lại hiệu quả.”
Đức Hồng Y Etchegaray cũng
nhấn mạnh rằng làm theo tấm gương của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI “là cách
thoát ra khỏi cơn bão tố này.”
Tại Việt Nam, Đức cha
Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho, và là chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin
của Hội đồng Giám mục, trong một bài viết đã nói về Đức Giáo Hoàng Bênêđictô
XVI như sau: Ngài là “con người mà hơn phân nửa cuộc đời miệt mài trong công
tác nghiên cứu và suy tư thần học, và sau đó chỉ làm giám mục giáo phận Munich
một thời gian rất ngắn, chưa đủ để sắp xếp và ổn định công việc trong giáo phận
mình, thì đã được chuyển về Rôma lãnh trách nhiệm “bảo vệ đức tin”, và đã hết
mình trong công việc này đến nỗi chấp nhận mang tiếng là “khắt khe”, là “xe
tăng”. Bây giờ thì lại bị gán cho cái tội là “không nghiêm khắc đủ”. “Miệng
đời” quả thật là “điêu ngoa”. Sự điêu ngoa này chỉ có thể hiểu được, nếu nó
phát xuất từ “thần dữ”.
Đức cha Đọc cho rằng “phải
mạnh mẽ lên tiếng thức tỉnh lương tâm các nhà báo, các người làm công tác
truyền thông xã hội.”
Và ngài kết luận: “Đức
Thánh Cha Bênêđictô XVI đích thực là một con người hiền hòa, bình tĩnh, trái
tim dào dạt yêu thương, đầu óc rộng mở lắng nghe, đối thoại, đón nhận với lòng
kính trọng những lời nói thẳng, nói thật. Đức Thánh Cha là một “con người của
chân lý.”