Cứng lòng tin
“Hãy đặt ngón tay anh
vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.
Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.”
(Ga 20,27)
Thánh Tôma thường bị lên
án là người cứng lòng tin vì khi các tông đồ khác kể lại cho ông rằng Chúa đã
sống lại và họ đã gặp Chúa, ông vẫn không tin và đòi hỏi phải có chứng cứ về
mặt thể lý do chính ông xác nghiệm thì ông mới tin. Lên án như thế xem ra có lý
nhưng dường như chưa hoàn toàn thuyết phục. Hãy thử đặ một câu hỏi: giả như các
tông đồ khác chưa gặp Chúa Kitô Phục Sinh mà chỉ nghe người khác kể lại, liệu
các ông có tin không? Thánh Marco đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: “Khi Chúa
Giêsu sống lại sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, trước hết Người hiện ra với
Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã
từng ở với Người và nay đang sầu thảm khóc lóc. Nghe bà nói Chúa đã sống lại và
bà đã thấy Người, họ vẫn không tin. Sau đó Chúa lại tỏ mình ra dưới hình dạng
khác cho hai người trong nhóm họ đang trên đường về quê; hai ông trở lại loan
tin cho những người khác nhưng họ cũng không tin các ông” (16,9-13). Như thế,
không hẳn các tông đồ khác đã dễ đón nhận niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh hơn
thánh Tôma. Vì thế không nên vội vã lên án Tôma là người cứng lòng.
Hơn thế nữa, ta lại còn
phải mang ơn thánh Tôma về thái độ có vẻ cứng cỏi của ông: “Nếu tôi không thấy
dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn
tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Phải biết ơn vì nhờ sự
cứng cỏi của thánh Tôma mà ta có được bằng chứng rất cụ thể cho niềm tin vào
Chúa Kitô Phục Sinh: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy.
Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,
27). Nếu không có sự cứng cỏi của Tôma thì những người duy lý ngày nay có thể
lý luận rằng tất cả chỉ là hoang tưởng của đám môn đệ ít học! Nhưng với sự cứng
cỏi của Tôma, người ta không dễ lập luận như thế nữa. Đồng thời khi đó, ta khám
phá ra rằng lời chứng của các tông đồ là đủ rồi, nhất là khi lời chứng đó được
viết bằng chính cuộc sống và cả cái chết của các ngài.
Cuối cùng ta cần phải biết
ơn thánh Tôma nữa vì lời tuyên xưng đức tin tuyệt diệu của ông: “Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con.” Thánh Tôma không chỉ tuyên xưng Chúa Kitô là Chúa
mà còn tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa. Và tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa hàm
nghĩa rằng tất cả những lời Người nói và những việc Người làm đều là chân lý
tuyệt đối, và không ai cũng như không có gì trong cuộc đời này có thể thay thế
vị trí của Chúa Kitô được.
Chiêm ngắm thánh Tôma vừa
giúp ta cảm nghiệm sự gần gũi với ngài vừa làm cho niềm tin nơi ta được sưởi
ấm.
Cảm nghiệm thánh Tôma thật
gần gũi với mình vì chính bản thân ta cũng trải qua những giây phút nghi nan
như thế. Có người Kitô hữu nào dám tự hào mình chưa một lần nao núng trong đức
tin? Thánh Tôma khó chấp nhận sự kiện Chúa sống lại vì điều đó vượt trên kinh
nghiệm và lý luận bình thường của con người: làm sao chết mà có thể sống lại
được? Trong cuộc sống, lại chẳng có những lúc ta nghi ngờ về sự hiện diện của
Thiên Chúa khi phải chứng kiến những cảnh nghịch lý và mâu thuẫn sao: tại sao
kẻ gian ác thì sống phủ phê còn người hiền lành đạo đức thì cứ mãi gian truân?
Có Chúa không? Câu chuyện về Tôma được chọn đọc trong Chúa nhật II Phục Sinh,
được gọi là Chúa nhật về Lòng Chúa thương xót, nhưng thử hỏi khi đời ta phải
nếm trải những gian nan thử thách, ta có thực sự dám tin là Thiên Chúa yêu
thương ta? Thế nên chính sự cứng cỏi của thánh Tôma lại giúp ta thấy ngài thật
“người,” thật gần gũi với mình.
Mà cũng vì thấy ngài gần
gũi với ta nên kinh nghiệm đức tin của ngài sưởi ấm lòng ta. Tôma đã có những
giây phút nghi nan như thế đó nhưng cuối cùng ngài đã thoát ra khỏi đêm tăm tối
của đức tin để thốt lên lời tuyên xưng tuyệt vời “Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con.” Ước gì ta cũng được Chúa đưa ra khỏi đêm tăm tối của đức tin để
bước đi trong niềm tin yêu phó thác trong mọi hoàn cảnh của đời sống.
Nhân
một mẩu tin
Sáng Chúa nhật Phục Sinh
4-4-2010, theo dõi bản Tin tức tiếng Pháp trên đài TV5-Monde (Châu Á), tôi nghe
một mẩu tin khiến tôi rất ngỡ ngàng: người ta quả quyết người giảng lễ tại đền
thờ Thánh Phêrô hôm thứ sáu Tuần Thánh 2-4 đã gây phẫn nộ khi so sánh các chỉ trích nhắm đến Đức Giáo
Hoàng và Giáo Hội công giáo liên quan tới các vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ
em với những lời chỉ trích chống Do
Thái trước kia. Bản tin còn cho thấy hình ảnh Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chủ
sự nghi lễ hôm ấy đang ngồi chăm chú nghe, với lời bình luận: “Ngài không có
phản ứng nào cả”. Tôi rất ngạc nhiên về mẩu tin này bởi vì trước đó tôi đã đọc
bài tường thuật của hãng tin Zenit nói rõ ràng: người giảng lễ, cha Raniero
Cantalamessa nổi tiếng, chỉ trích dẫn lá
thư của một người bạn Do Thái của ngài, chứ không tự mình khẳng định (so
sánh) như bản tin đài Pháp khẳng định. Tôi được biết chính đài BBC đã tung ra
tin đó rất sớm trong ngày 3-4-2010, và dường như cũng “nhẹm” đi chi tiết lá thư
này. Theo tôi, đây là một bằng chứng nữa về sự thiếu trung thực, thiên lệch,
một chiều của nhiều phương tiện truyền thông xã hội Tây phương mà ta thường gặp
trong các bản tin và bình luận của họ liên quan tới Giáo Hội công giáo, đặc
biệt đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mà họ tỏ ra không có chút thiện cảm
nào. (Hầu như điều gì ngài nói hay làm cũng đều bị xoi mói). Điều này không
phải là một phát hiện gì mới mẻ.
Xin được ghi lại một đoạn
trong lá thư mà cha giảng lễ đã trích trong bài giảng:
“Tôi theo dõi một cách ghê tởm những tấn công dữ dội và “đồng tâm” [=
concentrique, nghĩa là hướng về cùng một điểm trung tâm] chống lại Giáo Hội,
Đức Thánh Cha và toàn thể các tín hữu khắp thế giới. Việc sử dụng những cách nói rập khuôn có sẵn, việc chuyển trách nhiệm
và lỗi lầm cá nhân qua tập thể làm cho tôi nhớ lại những khía cạnh đáng xấu hổ
nhất của chủ nghĩa bài Do Thái. Vì thế
tôi mong muốn bày tỏ với cá nhân cha, với Đức Giáo Hoàng và toàn thể
Giáo Hội tình liên đới của tôi trong tư cách là một người Do Thái của đối thoại
cũng như của tất cả những ai trong thế giới Do Thái (và họ là đông đảo) chia sẻ
những tâm tình huynh đệ này. Lễ Vượt Qua của chúng tôi và lễ Phục Sinh của cha
có những yếu tố khác nhau không thể chối cãi nhưng cả hai đều sống trong niềm
hy vọng cứu thế, và chắc chắn niềm hy vọng này sẽ liên kết chúng ta trong tình
yêu của Người Cha chung [là Thiên Chúa]”. [Ghi chú: năm nay có sự
trùng hợp đặc biệt là lễ Vượt Qua của Do Thái giáo và lễ Phục Sinh – cũng có
khi được gọi là lễ Vượt Qua - của Kitô giáo được cử hành trong cùng một tuần
lễ].
Tôi nghĩ có thể người
giảng lễ vì đã quá chú ý tới thiện ý của người bạn Do Thái muốn bày tỏ tình
liên đới với Đức Thánh Cha và người công giáo nên đã không cân nhắc đủ về phản
ứng tiêu cực mà đoạn thư trích dẫn có thể tạo ra nơi dư luận. Ở đây tôi không
muốn bênh vực ngài mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng các bản tin được loan đi sau đó
là thiếu trung thực nếu không phải là có ác ý khi không nói gì tới lá thư này.
Tôi nhắc tới câu chuyện
thời sự này, tự nó không lấy gì làm quan trọng lắm, để có dịp nhìn rộng ra tình
hình nghiêm trọng mà Giáo Hội đang trải qua và để đề cập tới hiện tượng “bài
Kitô giáo” có hệ thống trong các phương tiện truyền thông xã hội phương Tây
hiện nay.
Truớc hết, Giáo Hội công
giáo đang trải qua một thời điểm hết sức khó khăn với những vụ bê bối tình dục
trong hàng giáo sĩ đối với trẻ em bị
phanh phui. Trước đây, vào khoảng 2001-2002 người ta đã bắt đầu nói nhiều tới
loại lạm dụng tình dục này, nhưng chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nơi mà nhiều vụ án đã
khiến cho không ít giáo phận rơi vào tình cảnh hầu như “sạt nghiệp” vì các
khoản tiền bồi thường rất cao phải trả cho các nạn nhân. Nay đến lượt châu Âu
đang là trung tâm của thời sự với các nước Thụy Sĩ, Áo, Đức và đặc biệt là
Ai-len (Ái Nhĩ Lan). Ngày 20-3 vừa qua,
Đức Thánh Cha đã gởi một lá thư rất quan trọng cho Giáo Hội tại Ai-len, trong
đó ngài dùng những từ rất mạnh mẽ như: “gương mù gương xấu”, “những tội ác”, “những
sai lầm”, “những tội trọng”, “hoàn cảnh đau đớn”, “nỗi hổ thẹn”, “sự phản bội”…
Ngài cũng không nương lời trách một số giám mục Ai-len hiện nay và trước kia đã
thiếu sót, có khi thiếu sót nặng nề trong việc áp dụng những quy định của giáo
luật liên quan tới tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài đã đề ra một vài biện
pháp mạnh cho trường hợp Giáo Hội tại nước này, và đó cũng là một cách nhắc nhở
cho Giáo Hội các nơi khác.
Không ai chối cãi tính
chất nặng nề của những vụ bê bối nói trên. Nhưng điều không thể chấp nhận được
là một số phương tiện truyền thông ở phương Tây đang ra sức mô tả Giáo Hội công
giáo như là “tâm điểm của nạn lạm dụng tình dục trẻ em” và “đồng loã với những tên lạm dụng tình dục và
những kẻ bảo vệ chúng” (George Weigel, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ). Họ làm như thế
khi hầu như chỉ tập trung tố giác những bê bối của hàng giáo sĩ công giáo nhưng
ít khi nói về tội phạm này xảy ra thường xuyên ở những môi trường xã hội khác
như môi trường giáo dục và gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy rằng so với các
thành phần xã hội khác, thì số giáo sĩ phạm tội chiếm một tỉ lệ rất thấp. Các
nghiên cứu còn cho thấy rằng ở Hoa Kỳ (và có phần chắc ở những nước khác nữa)
hiện tượng bê bối của linh mục đã xảy ra tập trung vào khoảng từ giữa những năm
60 đến giữa những năm 80 thế kỷ trước, rồi hầu như biến mất sau đó. Mà chúng ta
biết rằng đó là thời gian khủng hoảng hậu Công đồng Vaticanô II, - khủng hoảng
về đức tin, về căn tính của linh mục và tu sĩ, về kỷ luật đời sống của hàng
giáo sĩ (bị buông lỏng), và chính vào giai đoạn đó, số linh mục và tu sĩ hồi
tục đã xảy ra ồ ạt…
Người công giáo có lý mà
nghĩ rằng ở Tây phương hiện nay các ngành thông tin đại chúng với hai mũi nhọn
là đài BBC (Anh) và báo Time (Hoa Kỳ) đang đồng tình tung ra một chiến dịch,
một cuộc phản công nhằm gây mất uy tín cho Giáo Hội công giáo; họ còn muốn trút
lên Đức Thánh Cha trách nhiệm về tình trạng bế bối của các linh mục vì cho rằng
ngài là người đứng đầu Giáo Hội thế giới.
Trong bài giảng Lễ Dầu thứ
nămTuần Thánh vừa qua tại nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Hồng y André Vingt-Trois
Tổng Giám mục địa phận Paris nói:
“Trong lúc chúng ta bắt
đầu cử hành Tam Nhật Thánh thì Giáo Hội ta đang bị buộc tội trước mặt mọi
người. Giáo Hội bị bắt phải gánh chịu tội lỗi của thế giới. Coi nhẹ thực chất của
những sự kiện mà không một ai chối cãi được sự ghê tởm và gương xấu chúng có
thể gây ra, người ta ra sức làm cho Giáo Hội ta – và đặc biệt là các linh mục -
phải chịu trách nhiệm luân lý về những hành vi tình dục với trẻ em đã xảy ra
nhiều thập niên rồi (…) Nhấn mạnh những sự kiện đã cũ và đã được biết từ lâu
như là những tiết lộ mới mẻ, cách làm đó khiến ta phải suy nghĩ về tính lương
thiện trí thức của những kẻ đưa tin và đã đủ để vạch trần mục tiêu thật của họ:
gieo rắc nghi ngờ về tính chính đáng luân lý của Giáo Hội”. Gần cuối bài giảng
vị Hồng y nói: “Trong nước ta là một nước dân chủ, người Kitô hữu còn là những
công dân trọn vẹn, nhưng không chắc họ được đối xử như thế bởi ngành thông
tin”.
Không phải hôm nay người
ta mới thấy thái độ thù nghịch của giới truyền thông Tây phương và một bộ phận
của giới cầm quyền và trí thức khuynh tả đối với Giáo Hội công giáo nói riêng
và Kitô giáo nói chung. Chẳng qua bây giờ là lúc họ chớp được một cơ hội bằng
vàng để phản công mà thôi. Đối với họ, tôn giáo – và ở phương Tây là Kitô giáo - trước sau vẫn là lực lượng kềm hãm sự phát
triển của khoa học và cản trở tính hiện đại. Thành kiến này đưa tới một sự phân
biệt đối xử đối với các giáo hội và quần chúng có tôn giáo, nhiều hay ít tùy
trường hợp. Thật ra không phải Kitô giáo chống lại khoa học và tiến bộ, nhưng
với nó, khoa học và tiến bộ không phải là tất cả, không thể là mục đích phải
đạt cho bằng được với bất cứ giá nào. Chúng chỉ là phương tiện. Mục đích luôn
luôn phải là con người, và không bao giờ được phép nhân danh bất cứ thứ gì để
biến con người thành phương tiện hay thành nạn nhân. Khoa học, tiến bộ, hiện
đại hoá, tăng trưởng kinh tế… chỉ chân chính khi phục vụ lợi ích đích thực của
con người, giúp con người sống hợp với “nhân tính” hơn, xứng với nhân phẩm hơn.
Hiển nhiên là với một chủ trương dứt khoát như vậy, Kitô giáo nhiều khi phải
nói những lời mà nhiều người không thích. Thật là dễ hiểu: nếu không có những
nguyên tắc đạo đức như thế chi phối thì tiện lợi biết bao cho nhà khoa học, nhà
quân sự, nhà cầm quyền, giới làm kinh tế và nhiều người khác.
Nêu lên những bất công của
các phương tiện truyền thông xã hội như trên không phải là để chối bỏ hay bào
chữa cho những lỗi lầm của Giáo Hội, nhất là tội ác lạm dụng tình dục trẻ em đã
xảy ra trong Giáo Hội, nhưng cốt để giúp người công giáo nắm rõ vấn đề và hiểu
rõ tình hình chung của Giáo Hội hơn, một phần đừng để cho mình bị lung lạc bởi
những thông tin một chiều hay ác ý, phần khác tăng cường cầu nguyện cho Giáo
Hội, cho Đức Thánh Cha và mọi vị Mục tử của chúng ta.
Tuần Bát nhật Phục sinh 2010,
Linh mục Nguyễn Hồng
Giáo, OFM