Thông tin hay tấn kích
(Vietcatholic.net 13 Apr 2010 18:18)
Ngày 12 tháng 4 vừa qua, phát ngôn viên Tòa
Thánh, cha Federico Lombardi, lại phải lên tiếng trước các lời cáo buộc phi lý
nhắm vào Đức Bênêđíctô XVI lúc còn là Hồng Y Joseph Ratzinger. Lần này, là tờ
tuần san Stern tại Đức. Tờ này tố cáo Đức Hồng Y Ratzinger, trong vai trò đứng
đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã che đậy các lời tố cáo cha Marcial Maciel về
tội lạm dụng tính dục từ thập niên 1950.
Cha Lombardi cho rằng đây là những lời tố
cáo “nực cười” bởi vì chính Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khởi sự cuộc điều tra
theo giáo luật chống lại cha Maciel. Cha nói: “Quả là nghịch lý, và đối với
người hiểu biết còn nực cười nữa, khi gán cho Đức Hồng Y Ratzinger các trách
nhiệm che giấu hay che đậy bất cứ điều gì. Những ai có hiểu biết đều biết rằng
Đức Hồng Y Ratzinger là người có công khuyến khích cuộc điều tra theo giáo luật
các lời tố cáo chống lại Cha Marcial Maciel, cho tới khi thiết lập được tội lỗi
của ngài một cách chắc chắn”.
“Kết thúc vụ điều tra này với việc buộc
ngài phải rút lui khỏi mọi hoạt động công khai, một biện pháp được đưa ra căn
cứ vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe của ngài (thực tế, ngài đã qua đời sau
đó ít lâu), và việc công bố biện pháp đó trong một thông báo nổi tiếng của
Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cũng là một chứng cớ cho thấy đường lối cứng rắn nhất
quán của Đức Hồng Y Ratzinger, lúc đó đã lên ngôi Giáo Hoàng”.
Nên biết Cha Maciel qua đời hồi tháng 1 năm
2008 và được chôn cất tại quê hương Cotija, Mexico. Kể từ đó, tu hội
Legionnaries of Christ đã từ từ nhận thức được các chi tiết trong cuộc sống và
hành động hai mặt vốn không xứng đáng với một linh mục của vị sáng lập. Đến
tháng 2 năm 2009, thì ai cũng biết cha Maciel đã từng chung sống lâu năm với ít
nhất một người đàn bà và làm cha ít nhất một bé gái. Tháng 12 cùng năm, có phúc
trình rộng rãi cho thấy 80% cuốn “El salterio de mis días” (Sách Thánh Vịnh Đời
Tôi) đã đánh cắp từ hồi ký của nhà chính trị Tây Ban Nha tên là Luis Lucia Lucia,
người đã qua đời năm 1943. Tháng 3 năm nay, tu hội Legion đã chính thức nhìn
nhận sự thực trong các lời cáo buộc tình dục của vị sáng lập và sự hiện hữu của
mối tình gian díu với ít nhất một người đàn bà khác và 2 đứa con trai. Cũng nên
biết khi tin tức nổ ra về cuộc sống hai mặt của cha Maciel, Đức Bênêđíctô XVI
đã đích thân cho khởi sự một cuộc tông tra (apostolic visitation) đối với tu
hội Legion và cuộc tông tra này vừa kết thúc vào tháng qua.
Không thông tin nhưng tấn kích
Những cuộc tấn công phi lý và nực cười như
trên đã làm bực mình cả những người không Công Giáo, như cựu thị trưởng Ed Koch
của New York. Ông Koch vốn là người gốc Do Thái, từng là dân biểu Liên Bang từ
1969 tới 1977 và 3 nhiệm kỳ thị trưởng New York từ 1978 tới 1989. Ôn cho rằng những
cuộc tấn công liên tiếp của báo chí nhắm vào Giáo Hội và Đức Bênêđíctô XVI đã
trở thành các biểu hiện của chủ nghĩa bài Công Giáo. Ông bảo: “Theo tôi, việc
xuất hiện liên tiếp nhiều bài báo nói về cùng một biến cố không còn mang ý định
thông tin nữa, mà nguyên tuyền chỉ là công kích”.
Ông Koch cho hay: xách nhiễu tình dục trẻ
em là điều tởm gớm. Đây không phải chỉ là quan điểm của báo chí, mà là quan
điểm chung của mọi người, bất kể là Công Giáo hay không Công Giáo. Koch quả
quyết chính Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần công khai bày tỏ sự tởm gớm ấy đối với
tội ác này và lòng cảm thương của ngài đối với các nạn nhân.
Theo ông, nhiều người trong báo giới hiện
đang đánh phá Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng hiện nay một cách thỏa thích, đầy ác
ý. “Theo tôi, lý do là vì nhiều người trong báo giới, và cả một số người Công
Giáo hay trong quảng đại quần chúng nói chung nữa, vốn chống lại và bị lên án
bởi các các quan điểm của Giáo Hội, trong đó có việc ngăn cấm phá thai, ngăn
cấm đồng tính luyến ái, ngăn cấm hôn nhân đồng tính, luật buộc linh mục độc
thân, luật không cho phụ nữ thụ phong, không được ngừa thai theo phương pháp
nhân tạo…”
Koch trích dẫn lời người bạn ông là Đức
Hồng Y John O'Connor cho rằng “Giáo Hội không phải là quán bán đồ ăn (salad
bar) nơi bạn có thể lựa chọn theo sở thích. Giáo Hội có quyền đòi các giáo dân
phải thực thi các bổn phận tôn giáo của mình, và có quyền bênh vực các niềm tin
nói chung của mình”. Ông minh xác: đích thân ông, ông không nhất trí với Giáo
Hội về các vấn đề này, nhưng ông cho rằng Giáo Hội “có quyền duy trì các quan
điểm ấy phù hợp với các niềm tin tôn giáo của mình”.
Cựu thị trưởng New York cũng cho rằng
“Người Do Thái Giáo chính thống, cũng như Giáo Hội Công Giáo Rôma, có thể đòi
người ta phải tuyệt đối vâng theo các qui luật tôn giáo. Những ai từ khước
không chịu tuân theo thì cứ tự nhiên rút lui”. Ông tin rằng Giáo Hội Công Giáo
Rôma là một lực lượng phục vụ điều thiện trên thế giới, chứ không phục vụ điều
ác”. Vả lại, “sự hiện hữu của 1 tỷ 130 triệu người Công Giáo hoàn cầu là điều
quan trọng đối với hoà bình và thịnh vượng của hành tinh này”.
Ed Koch khẳng định rằng: “Lẽ dĩ nhiên,
truyền thông nên phúc trình cho công chúng bất cứ sự kiện mới nào liên quan tới
vấn đề xách nhiễu trẻ em. Nhưng tính khách quan và tính khả tín của nó quả có
xuy giảm khi New York Times từ khước không chịu công bố một bài báo chống lại
bài xã luận (op-ed) do Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của New York đề nghị và
thay vào đó, chỉ cho công bố một lá thư gửi chủ bút, dĩ nhiên là ngắn hơn và
kém giá trị hơn một bài báo chống lại bài xã luận của mình”.
Ed Koch còn lột mặt nạ một mưu tính ma mãnh
nhằm bôi lọ người Do Thái Giáo trong chiến dịch tấn kích Đức Giáo Hoàng này của
tờ New York Times, khi nó úp mở trích đăng tờ trung tả La Republica cho rằng
một số người Công Giáo tin chiến dịch chỉ trích Giáo Hội lần này phát sinh từ
nhóm vận động Do Thái Giáo trong tờ New York Times. Theo vị cựu thị trưởng này,
nếu có những người Công Giáo đó thật, thì điều cần nói ở đây là chủ nhiệm tờ
New York Times, Arthur Sulzberger, Jr., không phải là một người Do Thái Giáo,
mà là một người theo phái Episcopalian và tổng biên tập của nó, Bill Keller,
vốn cũng là một Kitô hữu. Nên ông bảo: “Đủ rồi. Vâng, các hành vi khủng khiếp
kia do các thành viên trong hàng giáo sĩ Công Giáo vi phạm. Giáo Hội đã trả
hàng tỷ dollars cho các nạn nhân tại Hoa Kỳ, và sẽ trả hàng triệu, có lẽ hàng
tỷ, dollars nữa cho các nạn nhân như thế trên khắp thế giới. Giáo Hội này đang
cố gắng hết sức để đền tội cho quá khứ của mình bằng cách thừa nhận và thay đổi
các thủ tục để xử lý các linh mục phạm tội ấu dâm”. Ông trích dẫn lời Chúa
Giêsu trong phúc âm Gioan 8:7: “Ai trong các ông không phạm tội, hãy ném viên
đá đầu tiên đi”
Triều đại Đức Bênêđíctô XVI là một thất
bại?
Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson có bài bình
luận sau đây để trả lời bài “Triều đại thất bại của Đức Benêđíctô XVI” của tờ
Der Spiegel, Đức.
Theo ông Anderson, căn cứ ngay vào tiêu
chuẩn thế gian, triều đại của Đức Bênêđíctô XVI vẫn là một triều đại đáng kể.
Ngài đã lãnh đạo Giáo Hội tiến bước bằng cách tập chú vào việc lấy tình yêu đối
thoại với nền văn hóa quanh ta. Hai thông điệp của ngài về đức ái, thông điệp
về đức cậy và tông thư của ngài về Thánh Thể (Chúa Kitô tại tâm điểm đức tin
của ta) đã đưa ta trở lại với sứ điệp nền tảng và sâu xa nhất của Kitô Giáo:
tin, cậy và mến. Kitô Giáo của Đức Bênêđíctô XVI là Kitô Giáo của Các Mối Phúc.
Lý do khiến một số người nhìn ra “một triều
giáo hoàng thất bại” là vì họ chỉ muốn nhìn có thế. Quá nhiều người tại Châu Âu
chỉ muốn thấy triều giáo hoàng này thất bại, mà nào có triều giáo hoàng nào
không bị họ muốn cho thất bại, chỉ vì Giáo Hội đứng án ngữ, ngăn cản nghị trình
duy tục của họ.
Điều họ không thể khoan nhượng là cái nhìn
được Đức Bênêđíctô đưa ra trong thông điệp “Caritas in Veritate” mới đây của
ngài, trong đó, ngài nhắc nhở chúng ta rằng “Không có Thiên Chúa, con người
không biết phải đi đâu, cũng như không hiểu mình là ai” (số 78).
Tuần này, ta sẽ được nghe đọc Phúc Âm trong
đó Chúa Kitô hỏi Thánh Phêrô “Con có yêu Thầy không?”. Thánh nhân trả lời có.
Nhưng ông chỉ có thể trả lời như thế vì Chúa Kitô đã yêu ông trước. Người duy
tục quay lưng lại tình yêu Thiên Chúa. Anh ta từ khước lời mời của Chúa Kitô
đáp trả tình yêu của Người.
Ta nên nhớ rằng hai giới răn trọng nhất của
Chúa Kitô là yêu Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu người lân cận như chính ta. Giới
răn thứ nhất phải dẫn tới giới răn thứ hai. Và loại bỏ giới răn thứ nhất, thì
việc thi hành giới răn thứ hai sẽ không đạt được mục tiêu của nó.
Giấc mơ của xã hội duy tục không tưởng cùng
lắm cũng chỉ là một giấc mơ. Trong thông điệp “Caritas in Veritate”, Đức Giáo
Hoàng Bênêđíctô XVI nhắc lại quan điểm của ngài trong “Deus Caritas Est” rằng
không một quốc gia nào hoàn hảo đến độ loại bỏ nhu cầu đức ái. Ngài viết “được
sinh động hóa bởi đức ái, cam kết dấn thân vào ích chung có một giá trị lớn hơn
là quan điểm chỉ có tính thế tục và chính trị” (số 7).
Ý niệm cho rằng giải pháp cho các vấn đề
của thế giới phải tìm trong Phúc Âm chứ không trong chủ nghĩa duy tục từ lâu
vốn là chủ đề của vị giáo hoàng này. Ngài nhất quán chủ trương rằng Giáo Hội
khác với xã hội thế tục ở điểm này là Giáo Hội không tìm kiếm một sứ điệp chính
trị, nhưng kêu gọi người ta không ngừng hồi hướng. Xã hội nào không dành chỗ
cho Thiên Chúa thì chắc chắn cũng không dành chỗ cho sứ điệp trên và nó sẽ tấn
công người mang sứ điệp ấy, nắm lấy mọi cơ hội để làm ông ta mất uy tín.
Đức Giáo Hoàng, người từng kêu gọi ta thi
hành đức ái trong sự thật, cảnh giác ta rằng kinh tế sẽ xụp đổ, nếu các giá trị
tôn giáo bị loại ra khỏi quảng trường, người từng làm rất nhiều để sửa chữa, để
chỉnh đốn lại hành vi của các linh mục gây gương mù gương xấu, đang bị nhắm bắn
vì ngài tin rằng ta chỉ yêu người lân cận một cách chân chính nếu trước nhất ta
để Chúa yêu ta trước.
Ý niệm trên là điều một số tâm trí duy tục
không thể chịu đựng được. Bởi thế, nó đã nhẩy xổ ra phê phán, vội vàng kết luận
để cố gắng làm ngài mất uy tín. Nhà quán quân về đức ái trong sự thật đã không
nhận được cả bác ái lẫn sự thật từ tay nhiều người trong giới truyền thông.
Ngày nay, có cả một nền văn hóa nghi ngờ
chống lại Giáo Hội Công Giáo, trong đó, bất cứ lời tố cáo nào của người chỉ
trích Giáo Hội cũng được coi là khả tín trong khi không một lượng giải thích
nào để bênh vực Giáo Hội được coi là đầy đủ. Biết làm gì khác để giải thích cái
điên loạn của truyền thông hiện đang chống lại một người vốn đã làm nhiều hơn
bất cứ ai khác để xử lý hữu hiệu những người lạm dụng trẻ em? Chúa Thánh Thần
sẽ tiếp tục hướng dẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thực hiện sự nghiệp vĩ đại được
mọi người chúng ta biết tới, vì việc làm chứng vĩ đại của ngài cho tình yêu
Chúa Kitô.
Tùy ở chúng ta có muốn bước chân theo chứng
tá của ngài không. Ta phải đứng về phía Đức Giáo Hoàng và thưa vâng với tình
yêu Chúa Kitô, rồi sau đó, đem tình yêu ấy đến những người lân cận của ta, đến
xã hội của ta. Ta phải dùng chứng tá của mình mà phúc âm hóa. Các chứng tá
nghèo nàn của một số người, đúng hơn phải nói họ thao túng, họ lạm dụng hơn là
yêu thương, đã bị một số người nắm lấy để làm cho sứ điệp và lối sống Kitô Giáo
trở thành vô giá trị. Đó chính là lý do tại sao gương mù gương xấu lại tai hại
quá thế, nhưng nó cũng cho thấy tại sao việc làm chứng của ta lại quan trọng
như vậy.
Lên tiếng vào năm 2000, Đức Hồng Y
Ratzinger nói rằng nghệ thuật sống “chỉ có thể thông truyền bởi một ai đó có sự
sống, một ai đó là chính phúc âm đã bản vị hóa”. Hiệp sĩ Anderson bảo: ta phải
trở nên phúc âm đã bản vị hóa ấy, và qua việc xin vâng với tình yêu Chúa Kitô,
ta sẽ trải rộng tình yêu chân chính trong sự thật tới người lân cận của ta. Lúc
ấy, thế gian sẽ nhận ra ta là Kitô hữu vì cách thế ta yêu thương nhau, và cách
thế ta yêu thương nhau ấy sẽ là cách thế ta đã được Thiên Chúa yêu thương
trước.
Các thủ tục liên quan tới việc tố cáo
lạm dụng tình dục
Trong khi ấy, Tòa Thánh vừa cho công bố các
thủ tục liên quan đến việc tố cáo các trường hợp linh mục lạm dụng tình dục.
Tài liệu này gồm 14 đoạn, được mô tả không phải là một tài liệu mới có, nhưng
chỉ là tài liệu tóm tắt các thủ tục hiện hành, nhằm giúp các giáo dân và những
người không phải là luật gia giáo luật nắm vững các thủ tục này.
Giữa các tố giác của truyền thông cho rằng
Giáo Hội vốn tìm cách che đậy các vụ tai tiếng, tài liệu này nói rõ: “Luật dân
sự liên quan tới việc phúc trình tội ác cho các thẩm quyền thích hợp phải luôn
luôn được chấp hành”. Về phương diện giáo luật, tài liệu minh xác rằng: “Khi
một giáo sĩ bị phán quyết có tội, thì cả các diễn trình hình luật về phương
diện chế tài và hành chánh có thể kết án giáo sĩ ấy chịu một số hình phạt theo
giáo luật, mà hình phạt nặng nhất là sa thải khỏi bậc sống giáo sĩ”.
Tập tài liệu này cũng cho thấy khi nào một
vụ được trình lên Đức Thánh Cha: “trong những trường hợp rất nặng khi tòa hình
sự dân chính đã kết án một giáo sĩ nào đó phạm tội lạm dụng tình dục vị thành
niên hay khi chứng cớ đã rành rành, thì Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin có thể đệ trình
vụ ấy lên thẳng Đức Thánh Cha với lời thỉnh cầu ngài ban hành một sắc lệnh
“chính thức” sa thải khỏi bậc sống giáo sĩ. Đối với một sắc lệnh như thế, sẽ
không có biện pháp tu chính nào.
“Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin cũng đệ trình lên
Đức Thánh Cha các đơn của chính các giáo sĩ phạm tội xin được miễn chuẩn khỏi
các trói buộc của thiên chức linh mục và ước muốn được trở lại với bậc giáo
dân”.
Dưới đây là nguyên văn tài liệu:
Luật áp dụng là Tự Sắc Sacramentorum
sanctitatis tutela (MP SST) ngày 30 tháng 4 năm 2001 cùng với Bộ Giáo Luật
năm 1983. Đây là tập hướng dẫn có tính dẫn nhập có thể có ích cho các giáo dân
và những người không chuyên môn về giáo luật.
A. Các thủ tục đầu tiên
Giáo phận địa phương điều tra tất cả các tố
cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên. Nếu lời tố cáo xem ra đúng sự thật
thì chuyển vụ việc lên Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin (BTLĐT). Giám mục sở tại chuyển
trình các tín liệu cần thiết cho BTLĐT và cho biết ý kiến về thủ tục phải theo
và các biện pháp đưa ra cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Luật dân sự liên quan tới việc phúc trình
tội ác cho các thẩm quyền thích hợp phải luôn được tuân theo.
Trong giai đoạn đầu tiên này và cho tới khi
kết thúc vụ việc, giám mục có thể áp đặt một số biện pháp phòng ngừa để bảo vệ
cộng đồng, kể cả các nạn nhân. Thực thế, giám mục địa phương luôn có nhiệm vụ
bảo vệ trẻ em bằng cách hạn chế các hoạt động của bất cứ linh mục nào trong
giáo phận. Đây là một phần trong thẩm quyền bình thường mà ngài được khuyến
khích thi hành trong bất cứ phạm vi nào xét là cần để bảo đảm các trẻ em khỏi
bị hại, và giám mục có toàn quyền thi hành quyền này cả trước, trong lẫn sau
bất cứ vụ xử nào theo giáo luật.
B: Các thủ tục do BTLĐT cho phép
BTLĐT nghiên cứu trường hợp do giám mục địa
phương đệ trình và yêu cầu cung cấp thêm tín liệu bổ túc khi cần. BTLĐT có một
số giải pháp sau đây:
B1 Các diễn trình hình sự (penal
processes)
BTLĐT có thể cho phép giám mục địa phương
tiến hành một phiên tòa hình sự pháp lý trước một tòa án Giáo Hội tại địa
phương. Bất cứ kháng án nào trong trường hợp này cuối cùng phải được đệ nạp tại
tòa án của BTLĐT.
BTLĐT có thể cho phép giám mục địa phương
tiến hành một phiên tòa hình sự hành chánh trước một đại diện của giám mục địa
phương có sự trợ giúp của 2 thẩm định viên. Linh mục bị tố cáo được gọi ra để
trả lời các lời tố cáo và để duyệt lại các chứng cớ. Người bị tố cáo có quyền
khiếu nại lên BTLĐT chống lại một phán quyết kết án ngài phải chịu một hình
phạt theo giáo luật nào đó. Quyết định của các vị Hồng Y trong BTLĐT kể là
chung thẩm.
Nếu vị giáo sĩ bị phán quyết là có tội, thì
cả thủ tục hình sự pháp lý lẫn hành chánh đều có thể kết án vị giáo sĩ đó một
số hình phạt theo giáo luật, mà nặng nhất là sa thải khỏi bậc giáo sĩ. Vấn đề
thiệt hại cũng có thể được xử lý trực tiếp trong khi diễn ra các thủ tục này.
B2 Các trường hợp phải trục tiếp trình
lên Đức Thánh Cha (xem trên)
B3 Các biện pháp kỷ luật
Trong trường hợp linh mục bị tố cáo nhìn
nhận các tội của mình và chấp nhận sống một cuộc sống cầu nguyện và thống hối,
thì BTLĐT cho phép giám mục địa phương ban hành sắc lệnh ngăn cấm hay hạn chế
thừa tác vụ công khai của linh mục này. Các sắc lệnh như thế được đặt định với
điều khoản hình sự mang theo hình phạt giáo luật đối với việc vi phạm các điều
kiện của sắc lệnh, không loại trừ việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ. Được phép
khiếu nại hành chánh lên BTLĐT chống lại các sắc lệnh này. Quyết định của BTLĐT
là chung thẩm.
C. Duyệt lại Tự Sắc
Một thời gian trước đây, BTLĐT có tiến hành
việc tái duyệt một số điều khoản trong Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis
tutela, ngõ hầu cập nhật hóa Tự Sắc năm 2001 dưới ánh sáng các năng quyền
đặc biệt do Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô ban cho BTLĐT. Các thay đổi
mang ra thảo luận sẽ không thay đổi các thủ tục nói ở phần A, B1-B3 trên đây.
Vũ Văn An