Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta

Radiovaticana 15/04/2010 – Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Malta về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 4 này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm mục vụ tại Cộng hòa Malta, nhân dịp Giáo Hội và quốc gia này mừng kỳ niệm 1950 thánh Phaolô bị đắm tầu, lưu lại đảo này 3 tháng rao giảng Tin Mừng và thành lập giáo đoàn tại đây.

Cộng Hòa Malta rộng 315 cây số vuông gồm 6 hòn đảo: Malta là đảo lớn nhất, Gozo là đảo lớn thứ nhì và Comino là đảo nhỏ nhất có rất ít dân cư và chỉ có một khách sạn duy nhất. Trên đảo này cấm không được di chuyển bằng các phương tiện có động cơ. Thế rồi còn có 2 đảo tí hon khác là Vịnh của Thánh Phaolô, chỉ có thể thăm như du ngoạn trong vòng một ngày và đảo tí hon Filfla không có người ở và là vùng thiên nhiên khách du lịch không được thăm viếng.

Liên quan tới tên gọi Malta các học giả đưa ra nhiều giả thuyết. Có học giả cho rằng tên gọi Malta là một kiểu gọi sai từ “malít” trong tiếng Phênixi có nghĩa là “trái núi”, hay từ Do thái “malet” có nghĩa là “nơi ẩn trú chắc chắn”. Tuy nhiên trong nhiều thế kỷ đảo này được gọi là “Melito” có thể là từ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mật ong”, là sản phẩm nổi tiếng của đảo Malta. Có học giả khác nữa thì cho rằng từ “Malta” phải đọc ngược như trong nhiều ngôn ngữ đông phương. Trong trường hợp này Malta trở hành “Atlam” hay “Atlas” vì trong tiếng Hy Lạp chữ “m” dễ bị lẫn lộn với chữ “s”. Nghĩa là tên của đảo bắt nguồn từ sự kiện nó là phần còn lại của núi “Atlante” trong qúa khứ. Người Arập đã dùng tên Malta để gọi đảo này vào năm 822 trước công nguyên. Trong khi tên gọi “Gozo” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “gaudos” phát xuất từ tiếng Phênixi và có nghĩa là “chiếc thuyền nhỏ”.

Vào năm 5.300 trước Chúa Kitô có các nhóm người đầu tiên từ đảo Sicilia tới sinh sống tại Malta. Năm 4.100 người dân xây các đền thờ đầu tiên kính các thần. Trong các năm từ 550-218 người Phênixi tới sinh sống tại đây và đảo trở thành thuộc địa của vua Cartagine. Năm 218 trước Chúa Kitô Malta trở thành một vùng của đế quốc Roma. Năm 60 Tông Đồ Phaolô trên đường bị dẫn giải về Roma bị đắm tầu tại đảo Malta và lưu lại đây 3 tháng. Năm 870 đảo bị Califo Aghlabid chiếm đóng. Năm 1127 vua Roger người Normand đánh chiếm đảo. Trong các năm 1282-1530 đảo nằm trong quyền kiểm soát của người Aragone. Năm 1530 Vua Carlo V tặng đảo Malta cho Dòng thánh Gioan. Năm 1565 đảo bị Suleiman bao vây. Năm 1798 Hoàng đế Napoleon đánh chiếm đảo. Từ năm 1814-1964 Malta trở thành thuộc địa của Anh quốc. Ngày 21 tháng 9 năm 1964 Malta tuyên bố độc lập và trở thành Cộng Hòa tự trị và 10 năm sau ngày 13 tháng 12 năm 1974 trở thành Cộng Hòa Malta.

Cộng Hòa Malta có 443.000 dân cư trong đó có 418.000 là tín hữu công giáo tức chiếm 94.4% tổng số dân. Giáo Hội Công Giáo Malta gồm 2 giáo phận, 85 giáo xứ và 365 nhà thờ. Tín hữu công giáo Malta vẫn hãnh diện nói rằng “Mỗi một nhà thờ cho một ngày trong năm”.

Nhân lực của Giáo Hội gồm 9 Giám Mục, 853 Linh Mục hơn phân nửa là Linh Mục giáo phận, 61 tu huynh, 1.082 nữ tu, 269 tiểu chủng sinh, 91 đại chủng sinh, 43 giáo dân thuộc các tu hội đời và 1.231 giáo lý viên.

Giáo Hội điều khiển 54 trường mẫu giáo và tiểu học với hơn 9.000 học sinh, 24 trường trung học với hơn 8.000 học sinh và 2 đại học với 716 sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều hành 24 nhà dưỡng lão và trung tâm cho người tàn tật, 26 cô nhi viện và vườn trẻ, 9 trung tâm cố vấn gia đình và bảo vệ sự sống và 24 trung tâm giáo dục chuyên biệt và phục hồi.

Trong chuyến viếng thăm kéo dài 26 giờ Đức Thánh Cha chỉ có 3 sinh hoạt chính. Chiều thứ bẩy 17 tháng 4 sau lễ nghi tiếp đón và chào thăm xã giao tổng thống Malta, Đức Thánh Cha đến viếng nhà thờ và Hang đá thánh Phaolô. Đây là nơi thánh nhân đã trú ngụ 3 tháng sau khi bị đắm tầu năm 60. Trong thời gian này thánh nhân đã rao giảng Tin Mừng cho dân địa phương và thành lập giáo đoàn Malta. Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 18 tháng 4 Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại quảng trường Granai Floriana trong thủ đô La Valletta. Vào ban chiều Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ tại hải cảng thủ đô La Valletta, trước khi ra phi trường quốc tế Luqa để trở về Roma.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Malta, dành cho hãng tin ZENIT, về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Caputo, sau bao nhiêu năm phục vụ tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, giờ đây trong tư cách là Sứ Thần Đức Cha chuẩn bị chuyến viếng thăm Malta của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với các tâm tình nào?

Đáp: Khi chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha thì các tâm tình biết ơn và hân hoan là các tâm tình tự nhiên của tất cả mọi người. Trong trường hợp của tôi, tôi chỉ có thể thêm rằng đó là một đặc ân lớn, như kinh nghiệm đầu tiên trong chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh, Chúa Quan Phòng đã giao cho tôi nhiệm vụ mở cửa nhà của Đức Thánh Cha tại Malta cho ngài, là người hành hương của hòa bình và niềm hy vọng theo vết chân của Thánh Phaolô. Chỉ có thể sống ý thức giáo hội của một ơn thánh và đồng thời sờ mó được tầm quan trọng lịch sử của một biến cố chắc chắn sẽ ghi dấu “một khởi đầu” trên con đường của Giáo Hội và xã hội Malta. Tôi nói về tương lai, nhưng thực ra trong sự chờ đợi tức thì của chuyến viếng thăm, trong nhiều cách thế, sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã sống động tại Malta kể từ khi được loan báo. Trước hết thời gian chờ đợi này được lấp đầy bởi việc suy tư và cầu nguyện. Và có thể nói rằng nó đã đem lại các hoa trái. Và điều này lại càng khiến cho các tâm tình biết ơn và hân hoan trở thành sâu đậm hơn.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, Đức Thánh Cha sẽ làm một cuộc hành hương theo vết chân của Thánh Phaolô và tại Rabat người sẽ viếng thăm Hang Động nơi Thánh Phaolô đã tạm trú sau khi bị đắm tầu. Có các chờ mong nào cho Giáo Hội Malta hay không?

 Đáp: Malta là vùng đất tông đồ, và trong nghĩa đó, nó diễn tả một trang của sự rộng mở và sống động của Giáo Hội, mà trong cái nhìn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - như Đức Thánh Cha đã nói trong một buổi tiếp kiến chung tín hữu hành hương - Giáo Hội luôn ngày càng ý thức hơn rằng toàn biến cố Kitô trong nòng cốt của nó là một lịch sử của chứng tá không đứt quãng, bắt đầu từ các Tông Đồ trở đi. Vì thế chuyến viếng thăm sẽ là một cuộc hành hương về nguồn của đức tin, với ý thức rằng mọi chân trời mới, kể cả trong Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba, chỉ có thể được nhận ra từ cội nguồn của nó. Trong giáo huấn của Đức Thánh Cha sự phong phú của việc kế vị tông đồ rạng ngời lên như một điểm sáng lớn và tôi sẽ nói rằng nó như là ngọn đèn có khả năng “soi chiếu các bước chân” dọc dài con đường của một thời đại mới thường bị lạc hướng và đang kiếm tìm ý nghĩa cho mình.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đến Malta để cử hành lễ kỷ niệm 1950 năm Thánh Phaolô đắm tầu. Nhưng tiếng vọng của kỷ niệm 2.000 năm đã khiến cho Đức Thánh Cha tuyên bố Năm Thánh Phaolô vẫn còn sống động, và chúng ta có thể nói rằng trong sự cụ thể của các nơi chốn ghi dấu sự hiện diện của Thánh Phaolô Đức Thánh Cha cũng tới để đóng ấn biến cố lớn lao này của Giáo Hội.

Trước nhiều ý nghĩa rộng rãi của chuyến viếng thăm như thế, chắc chắn là cũng có nhiều chờ đợi, trước hết liên quan tới Giáo Hội địa phương. Cả trong quan điểm này nữa, chuyến hành hương cũng xảy ra thật là đúng lúc. Giáo Hội và xã hội Malta gắn bó chặt chẽ với nhau bởi nhiều điểm của lịch sử chung đang sống một thời gian biến đổi. Tiết nhịp sự biến đổi có thể không ồn ào náo nhiệt so với các phần khác trên thế giới, nhưng toàn vùng Địa Trung Hải đều cho thấy các đặc thái của một sự biến đổi có thể dẫn đưa tới các khúc rẽ quan trọng và định đoạt. Đức Thánh Cha sẽ giúp chúng ta tất cả suy tư và tìm ra các con đường đúng đắn và thích hợp hơn để trả lời cho các thách đố do các thời đại mới đưa ra.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, chuyến viêng thăm của Đức Thánh Cha đã được Giáo Hội và chính quyền Malta chuẩn bị kỹ lưỡng. Tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước Malta như thế nào?

Đáp: Các tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước Malta có thể nói là thân tình thực sự, chứ không phải chỉ là bề ngoài. Sự dấn thân trong việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã minh xác điều này. Hai bên có các liên hệ chặt chẽ với nhau, vì chúng phát xuất từ thực tại Giáo Hội và xã hội chu toàn các vai trò riêng của mình. Malta có rất nhiều cơ cấu đào tạo và trợ giúp bác ái. Trong một nghĩa nào đó có thể định nghĩa Malta là một vùng đất có “tình bác ái phổ biến”, nếu chú ý tới mạng lưới dầy đặc của các tổ chức cộng tác bác ái và trợ giúp, đặc biệt là trợ giúp các người bị thiệt thòi nhất.

Thường khi trong nền tảng của chúng có sự cộng tác giữa các cộng đoàn giáo hội và xã hội dân sự. Ngoài ra Hội Hiệp Sĩ Malta là điểm tham chiếu không phải chỉ cho quốc gia đảo Malta mà thôi, cả khi có thể nói rằng mọi sự bắt đầu từ đảo này. Thế rồi còn có một dữ kiện trực tiếp gắn liền với chuyến hành hương minh giải cho tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước Malta. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là chuyến viếng thăm thứ ba của một Giáo Hoàng trong vòng 20 năm qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm đảo này hai lần trong các năm 1990 và 2001, và Đấng kế vị người sẽ viếng thăm đảo này ngay trước ngày kỷ niệm 5 năm được bầu làm Giáo Hoàng. Đây cũng lại là một sự trùng hợp không chỉ có ý nghĩa mà còn là quan phòng nữa. Ngoài ra cũng không được quên rằng Công Giáo được chính quyền Malta thừa nhận là quốc giáo, và vì thế có thói quen là các vị Tổng Thống Cộng Hòa Malta viếng thăm Đức Giáo Hoàng vào đầu và cuối nhiệm kỳ tổng thống.

Hỏi: Đức Sứ Thần nhận thấy Malta có vai trò nào trong Liên Hiêp Âu châu và trong việc thông truyền các giá trị Kitô cho xã hội Âu châu?

Đáp: Cộng Hòa Malta có vai trò quan trọng trong Cộng đồng Âu châu. Đó là điều không thể nghi ngờ. Các quốc gia lớn không phải chỉ vì có đất đai rộng rãi hay có số dân đông. Sức nặng của lịch sử Malta có thể ảnh hưởng không ít trên Cộng đồng Âu châu, và ảnh hưởng đó càng lớn hơn nữa nếu các quốc gia vùng Địa Trung Hải thành công trong việc diễn tả đầy đủ ơn gọi là cầu nối giữa các thế giới và thực tại khác nhau, cả bên trong cùng một tổ chức.

Việc quy chiếu về “các gốc rễ Kitô” đối với Malta là điều đặc biệt bẩm sinh. Trong nghĩa ấy chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI theo vết chân Thánh Phaolô và việc xác nhận một căn tính cổ xưa và luôn luôn có thể nhận ra. Ngoài ra vị trí địa lý cũng hướng tới chỗ định nghĩa và trong một nghĩa nào đó cập nhật hóa các yếu tố của căn cước ấy: Đảo Malta là vùng đất tiếp đón tự nhiên, vì thế cũng là vùng đất của sự đối thoại và chung sống hòa bình giữa các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Đó là các giá trị mà một xã hội toàn cầu phải có, nhưng thường khi người ta chỉ hiểu toàn cầu trong nghĩa thương mại, và xảy ra là các dân tộc trong lục địa và một vài nền văm minh đóng kín ngày càng có khuynh hướng để các giá trị ấy trong ngoặc. Trái lại, hơn bao giờ hết, ngày nay cần phải cầy xới và nới rộng vùng đất của việc tiếp đón. Và Malta có thể nắm giữ một vai trò rất lớn.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, Đức Thánh Cha sẽ cư ngụ tại Toà Sứ Thần ở Rabat. Tòa Sứ Thần có chuẩn bị cho Đức Thánh Cha vài ngạc nhiên nho nhỏ không?

Đáp: Không phải là ngạc nhiên mà là kinh ngạc. Và có sự kinh ngạc nào lớn lao hơn là biến cố được loan báo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đến giữa chúng tôi? Lịch sử đi qua bên cạnh chúng tôi. Và chúng tôi chỉ còn biết tiếp nhận và phục vụ biến cố ơn thánh này.

(SD 14-4-2010)

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục