Linh mục, một “nhà giáo”
Huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
nhân dịp chuẩn bị kết thúc năm thánh Linh mục
Web HĐGMVN / ZENIT
(16.04.2010) – Ngày 14-04-2010, tại buổi tiếp kiến chung vào thứ tư hằng tuần,
khi chuẩn bị kết thúc Năm Linh mục, trong bài huấn dụ của ngài, Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI đã nói đến trách nhiệm giảng dạy của linh mục.
Theo Đức Thánh Cha, linh
mục là người thực thi sứ vụ của mình “in persona Christi”, nghĩa là linh
mục có chức năng “chiếu rọi ánh sáng của lời Chúa, ánh sáng vốn là chính Đức
Kitô, trong thế giới của chúng ta, giữa tình trạng xáo trộn và mất phương hướng
của thời đại này”.
Bởi vậy, linh mục phải
giảng dạy “Đức Kitô”, chứ không phải bản thân mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
“Linh mục không giảng dạy các ý tưởng riêng của mình, một nền triết học mà mình
đã thiết lập nên, đã khám phá thấy hay yêu thích; linh mục không nói về mình,
không nói cho mình, với mục đích là tạo nên những kẻ ngưỡng mộ hay thành lập
một phe phái riêng cho mình; linh mục không nói những điều do mình sáng chế ra,
các sáng kiến của mình, nhưng, trong cảnh hỗn độn của các thứ triết học hiện
nay, linh mục phải giảng dạy nhân danh Đức Kitô đang có mặt, giới thiệu chân lý
vốn là chính Đức Kitô, là lời của Ngài, cách Ngài sống và đi lên phía trước”.
“Điều Chúa Kitô nói về
chính Ngài cũng có giá trị đối với linh mục: “Đạo lý Ta dạy không phải là của
Ta” (Ga 7,16), nghĩa là Đức Kitô không tự giới thiệu về bản thân mình, mà, với
tư cách là Con, Ngài là tiếng nói, là lời của Cha”.
Bởi vậy, “Linh mục cũng
luôn phải nói và hành động như vậy: ‘Điều tôi giảng dạy không phải của tôi, tôi
không phổ biến tư tưởng của tôi hay điều tôi ưa thích, mà tôi là miệng, là con
tim của Đức Kitô và tôi làm cho đạo lý duy nhất và chung này, đạo lý đã thiết
lập nên Giáo hội hoàn vũ và tạo nên sự sống vĩnh hằng này, luôn hiện
diện’ ”.
Đức Thánh Cha còn nhấn
mạnh rằng đạo lý ấy là của Đức Kitô sống động và hiện diện: “Khi hành động với
tính cách đại diện của Chúa, linh mục không hành động nhân danh một kẻ vắng mặt
mà là nơi chính Con người của Đức Kitô Phục sinh. Ba nhiệm vụ, - giảng dạy,
thánh hóa và quản lý - thực ra là ba hành động của Đức Kitô Phục sinh trong
Giáo hội của Ngài”.
Trong ba nhiệm vụ này,
“nhiệm vụ giảng dạy có tầm quan trọng đặc biệt”: “Linh mục ‘giảng dạy’ không
bao giờ giới thiệu ý nghĩ của riêng mình, nhưng phải chỉ ra cho con người về
thực tại và sự hiện diện của Thiên Chúa, sinh động và đang hành động trong thế
giới. Linh mục loan báo tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải về chính Người,
mà Truyền thống đã ghi lại và được Huấn quyền đích thực diễn giải từ hai ngàn
năm nay”.
Một đạo lý như vậy, trước
hết, phải trở nên sinh động nơi bản thân linh mục: “Linh mục phải biết nội tâm
hóa và sống đạo lý này cũng như các chân lý của đức tin trong một cuộc
sống thiêng liêng sâu đậm. Linh mục tin, đón nhận và tìm cách sống trước tiên
điều Chúa đã dạy và Giáo Hội đã truyền đạt”.
Đây là nhiệm vụ thường
xuyên của linh mục: “Linh mục luôn là một “nhà giáo”, với niềm xác tín khiêm
tốn nhưng đầy hân hoan của kẻ đã gặp được Chân lý, đã được Chân lý tóm lấy và
biến đổi và chẳng còn có thể làm gì khác ngoài việc loan báo Chân lý ấy”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha
đã nhắc lại là phải lấy cha sở họ Ars làm gương mẫu: “Anh chị em thân mến, Chúa
đã giao cho các linh mục nhiệm vụ làm những kẻ loan báo Lời của Người, Chân lý
có sức cứu độ. Chớ gì sự giản dị và trung thành của Thánh Gioan Maria
Vianney trong việc loan báo này là gương mẫu cho mọi linh mục!”