Tổng kết chuyến viếng thăm đảo Chypre
của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
WHĐ / Tổng hợp (8.6.2010)
– Chuyến Tông du của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Chypre diễn ra từ thứ sáu
4-6 và đã kết thúc vào chiều Chúa nhật 6-6-2010. Ba ưu tư và cũng là ba ước
vọng chính của Đức giáo hoàng và của các Kitô hữu tại Chypre đã được đề cập đến
trong chuyến Tông du này: vấn đề đại kết, vấn đề Trung Đông và vai trò làm
chứng của Kitô hữu.
Vấn đề đại kết
Một cuộc viếng thăm mang
tính lịch sử: lần đầu tiên một Giáo hoàng tới đảo, theo lời mời của Đức Tổng
giám mục, của chính quyền tại đây và dĩ nhiên, của cộng đồng nhỏ bé người công
giáo.
Chuyến Tông du này gợi lên
niềm hy vọng lớn về các bước tiến triển của tiến trình hợp nhất giữa Công giáo
và Chính Thống giáo. Vai trò của Đức Tổng giám mục Chính Thống giáo Chrysostomos
II ở Chypre trong tiến trình này đã được đề cập đến trong các bản tin trước. Ở
đây, xin ghi lại lời kêu gọi của Đức giáo hoàng đối với người công giáo tại
Chypre về vấn đề đại kết này.
Tại buổi gặp gặp với cộng
đồng Công giáo tại sân thể thao
trường tiểu học Thánh Maron ở Nicosia, Đức giáo hoàng đã tham dự một nghi lễ
Lời Chúa. Giải thích bài Tin Mừng, Đức giáo hoàng đã nhắc nhở người công giáo
tại Chypre về sứ vụ của họ: “Anh chị em được kêu gọi để sống niềm tin của anh
chị em trong thế giới bằng cách góp tiếng nói và hành động của mình để cổ vũ
các giá trị của Tin Mừng đã được các thế hệ Kitô hữu Chypre truyền lại cho anh
chị em. Chớ gì các giá trị này, vốn đã cắm rễ sâu trong nền văn hóa của anh chị
em cũng như trong di sản của Giáo hội toàn cầu, tiếp tục là nguồn hứng cho
những nỗ lực cổ vũ hòa bình, công lý và sự tôn trọng mạng sống con người và
phẩm giá của các đồng bào. Trong chiều hướng đó, sự trung tín của anh chị em
đối với Tin Mừng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho toàn thể xã hội Chypre.”
(hinh)
Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh đến việc “tìm
kiếm một sự hiệp nhất lớn hơn nữa trong bác ái đối với các Kitô hữu khác và
cuộc đối thoại với tất cả những người ngoài Kitô giáo”, dựa trên giáo huấn của
Công đồng Vatican II. Đức giáo hoàng cũng nhắc nhở các tín hữu công giáo về
cuộc đối thoại liên tôn: “Còn quá nhiều việc phải làm trên thế giới” để có thể
vượt qua gánh nặng của lịch sử, cũng như các khác biệt về chính trị và văn hóa,
tạo nên sự hiểu biết nhau một cách sâu sắc hơn, vì đó là điều kiện của “một nền
hòa bình bền vững.”
Vấn đề Trung Đông
Trong buổi lễ công bố “Tài
liệu làm việc” của Thượng hội đồng các giám mục về Trung Đông, Đức giáo hoàng
bày tỏ niềm hy vọng lớn lao của mình: “Niềm hy vọng lớn của tôi là tất cả các
quyền của anh chị em ngày càng được tôn trọng, kể cả quyền được tự do hành đạo
và tự do tôn giáo và anh chị em sẽ không bao giờ còn là nạn nhân của bất kỳ thứ
kỳ thị nào.”
Đức giáo hoàng kỳ vọng
Thượng hội đồng sẽ “giúp tập trung sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tình trạng
của người Kitô hữu tại Trung Đông đang phải đau khổ vì niềm tin của họ, để có
thể tìm ra những giải pháp đúng đắn và lâu dài cho các xung đột từng gây nên
không biết bao thử thách.”
“Về vấn đề trầm trọng này,
tôi xin lặp lại lời kêu gọi, với tính cách cá nhân, là phải có một nỗ lực quốc
tế, khẩn cấp và đồng bộ, để giải quyết các căng thẳng hiện nay tại Trung Đông,
đặc biệt, tại Thánh Địa, trước khi các xung đột này dẫn đến những thảm họa lớn
hơn nữa.”
Đức giáo hoàng cũng đã
khuyến khích các cộng đoàn Kitô hữu trong vùng: “Bằng nhiều cách khác nhau, anh
chị em đã đã góp phần vào việc phục vụ công ích, chẳng hạn qua giáo dục, qua
việc chăm sóc các bệnh nhân và cứu trợ xã hội. Anh chị em ao ước được sống
trong hòa bình và trong sự hòa hợp với những người láng giềng Do Thái và Hồi
giáo. Nhiều khi, anh chị em là những người thợ xây dựng hòa bình trong diễn
tiến khó khăn của sự hòa giải. Anh chị em đáng được cám ơn vì vai trò vô giá
anh chị em đã thực hiện.”
Đức giáo hoàng cũng nhắc
lại tầm quan trọng của Trung Đông đối với Kitô giáo, từ ngày Abraham được kêu
gọi: “Trung Đông chiếm một vị trí đặc biệt trong tim của mọi người Kitô hữu,
bởi vì Thiên Chúa đã khấng tỏ mình ra lần đầu tiên cho cha ông chúng ta trong
lòng tin. Từ ngày Abraham rời bỏ Ur ở Chalđê để đáp lại lời gọi của Thiên Chúa
cho tới cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, công trình cứu độ của Thiên Chúa
đã được thực hiện đặc biệt qua những con người và dân tộc từ các xứ sở gốc của
anh chị em.
Trước đó, vào những giờ
phút đầu tiên đặt chân lên đảo Chypre, trong cuộc gặp gỡ với các chính trị gia
và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng thống ở Nicosia, Đức giáo hoàng đã gián tiếp
nói đến những nỗ lực cơ bản cần phải thực hiện để giải quyết các cuộc xung đột
hiện nay tại vùng đất này nỗ lực triển khai việc cổ vũ cho chân lý. Theo ngài,
trước tiên, cổ vũ chân lý có nghĩa là hành động với tinh thần trách nhiệm trên
nền tảng của sự hiểu biết rõ về sự kiện để có thể nhìn thấy “những lợi ích của
tất cả các bên liên quan trong một vụ xung khắc nhất định”, từ đó, có được
những quyết định đúng đắn và tạo được sự hòa giải đích thực khi nắm được và
nhận ra tổng thể chân lý về một vấn đề nhất định.
Con đường thứ hai để cổ vũ
sự thật là gỡ bỏ các ý thức hệ chính trị muốn thay thế sự thật. Các kinh nghiệm
bi thảm của thế kỷ XX đã lột trần tính cách vô nhân đạo của sự việc một khi sự
thật và phẩm giá con người bị chối bỏ. Ngày nay, chúng ta cũng từng được chứng
kiến những mưu toan cổ vũ cho những cái gọi là giá trị dưới chiêu bài của hòa
bình, phát triển và nhân quyền. Tại đại hội khoáng đại của Liên Hiệp Quốc, tôi
đã lưu ý tới mưu toan tại một số nơi muốn giải thích lại Bản Tuyên ngôn Nhân
quyền trong mục đích thỏa mãn những quyền lợi riêng tư làm tổn hại tới sự cố
kết nội tại của bản Tuyên ngôn và làm bản Tuyên ngôn xa rời mục tiêu khởi thủy
của nó (x. Diễn văn tại Đại hội Khoáng đại của LHQ, 18-4-2008).
Thứ ba, việc cổ vũ chân lý
đạo đức trong đời sống công cộng đòi hỏi phải có một nỗ lực bền bỉ để thiết lập
nên những đạo luật thiết thực trên nền tảng các nguyên tắc đạo đức của luật tự
nhiên. Khi các chính sách chúng ta ủng hộ được áp dụng trong sự hài hòa với
luật tự nhiên vốn là luật chung cho toàn thể loài người, hành động của chúng ta
khi ấy sẽ lành mạnh hơn và góp phần tạo nên một môi trường của hiểu biết, của
công lý và hòa bình.”
Vai trò chứng nhân của kitô hữu
Trong bài giảng lễ tại nhà
thờ Thánh Giá ở Nicosia với các linh mục, nam nữ tu sĩ, các phó tế và đại diện
các phong trào giáo hội tại Chypre hôm 5-6-2010, Đức giáo hoàng nói đến mục
đích của chuyến Tông du của ngài: “Tôi đến đây với anh chị em hôm nay, đặt chân
mình vào những vết chân của vị Tông đồ Cả, là để làm anh chị em thêm mạnh mẽ
trong đức tin Kitô giáo của anh chị em và để rao giảng Tin Mừng đã đem lại sự
sống và hy vọng cho thế giới..
Tiếp theo đó, Đức giáo
hoàng đã gợi lên ý nghĩa của Thánh Giá của Đức Kitô: “Đúng, Thập giá là một
dụng cụ để trừng phạt, gây đau khổ và thất bại, nhưng đồng thời, Thánh giá cũng
biểu lộ sự biến đổi hoàn toàn, sự lật đổ vĩnh viễn các nỗi thống khổ này: đó chính
là điều đã làm Thánh giá trở thành biểu tượng của hy vọng một cách hùng hồn
nhất thế giới chưa hề được thấy. Thánh giá nói với tất cả những ai đang đau khổ
–những kẻ bị áp bức, những người bệnh tật, những kẻ bị gạt ra ngoài xã hội, các
tiện dân, các nạn nhân của bạo lực– và Thánh giá đem lại cho họ niềm hy vọng
Thiên Chúa có thể biến đổi nỗi khổ đau của họ thành niềm vui, sự cô đơn của họ
thành hiệp thông, cái chết của họ thành sự sống. Thánh giá đem lại một niềm hy
vọng vô bờ bến cho thế giới sa ngã của chúng ta.
“Vì vậy mà thế giới cần
đến Thánh giá. Thánh giá không chỉ là một biểu tượng cho việc sùng kính riêng
tư. Thánh giá cũng không chỉ là dấu hiệu của các thành viên của một nhóm người
riêng biệt giữa lòng xã hội, và, trong cái ý nghĩa thâm sâu nhất, Thánh giá
chẳng dính dáng gì đến việc áp đặt, bằng sức mạnh, một bản kinh Tin kính hay
một triết học. Thánh giá nói về hy vọng, về tình yêu, về sự toàn thắng của sự
bất bạo động trên sự áp bức. Thánh giá nói với chúng ta rằng Thiên Chúa nâng kẻ
khiêm nhu, ban sức mạnh cho kẻ yếu đuối, toàn thắng những chia rẽ và vượt lên
trên hận thù bằng tình yêu thương. Một thế giới không Thánh giá sẽ là một thế
giới không hy vọng, một thế giới trong đó tra tấn và tàn bạo sẽ không còn bị
kềm hãm, trong đó, cái yếu sẽ bị khai thác và lòng tham sẽ có tiếng nói cuối
cùng. Tính vô nhân đạo của con người đối với con người sẽ được bộc lộ ngày càng
khủng khiếp, và bạo lực sẽ là một cái vòng luẩn quẩn không ngõ thoát. Chỉ có
Thánh giá mới có thể chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này của bạo lực. Trong khi
không một quyền lực trần thế nào có thể cứu chúng ta khỏi những hậu quả của tội
lỗi chúng ta, và không một quyền lực trần thế nào có thể toàn thắng bất công tự
căn nguyên, thì sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa Tình yêu đã biến đổi thực
tại tội lỗi và cái chết thành điều ngược lại. Đó là điều chúng ta cử hành khi
chúng ta tôn vinh mình trong Thánh Giá của Đấng Cứu độ chúng ta.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha
cổ vũ cộng đoàn: “Khi chúng ta công bố Thánh giá của Đức Kitô, chúng ta hãy
luôn cố gắng noi theo tấm gương của tình yêu thương vô vị lợi của Đấng đã hiến
mình cho chúng ta trên bàn thờ của Thánh giá, của Đấng vừa là Thày cả vừa là lễ
vật, của Đấng nhân danh Người chúng ta nói và hành động khi chúng ta thi hành
thừa tác vụ chúng ta đã lãnh nhận.” Đức giáo hoàng nói thêm: “Trong tư tưởng và
trong lời cầu nguyện, tôi đặc biệt ý thức được rằng có nhiều linh mục và tu sĩ
tại Trung Đông hiện đang được trải nghiệm về một ơn gọi đặc biệt thôi thúc họ
biến cuộc đời họ theo mầu nhiệm Thánh giá của Chúa. Tại những nơi người Kitô
hữu chỉ là thiểu số, tại nơi họ đang phải trải qua thử thách vì những căng
thẳng chủng tộc và tôn giáo, nhiều gia đình đã quyết định bỏ đi và không ít chủ
chăn cũng bị cám dỗ làm như vậy. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh này, một linh
mục, một cộng đoàn tu sĩ, một giáo xứ vững vàng và tiếp tục làm chứng cho Đức
Kitô sẽ là một dấu chỉ khác thường về hy vọng, không chỉ đối với người Kitô hữu
mà đối với cả những ai đang sống trong vùng. Chỉ nguyên sự hiện diện của họ mà
thôi cũng đã là một tiếng nói hùng hồn của Tin Mừng về hòa bình, của quyết tâm
của người Mục Tử Tốt Lành trong việc chăm sóc đoàn chiên, của sự dấn thân cho
đối thoại, cho hòa giải và cho việc nhìn nhận đầy khoan dung đối với người
khác, không gì lay chuyển nổi của Giáo Hội. Khi vác lấy Thánh giá được trao cho
họ, các linh mục và tu sĩ vùng Trung Đông có thể làm tỏa sáng thực sự niềm cậy
trông vốn là tâm điểm của mầu nhiệm chúng ta cử hành trong phụng vụ hôm nay.”
Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng
Thánh lễ chúa nhật
6-6-2010, tại Trung tâm thể thao Eleftheria ở Nicosia, nhân dịp công bố “Tài
liệu làm việc” (Instrumentum laboris) của Thượng Hội đồng Giám mục về
Trung Đông (10 – 24- 10-2010), được xem là đỉnh điểm của chuyến Tông du.
Chủ đề của Thượng hội đồng
về Trung Đông mang tựa đề: “Giáo hội Công giáo tại Trung Đông: hiệp thông và
chứng tá. ‘Đoàn lũ những kẻ tin chỉ có một tấm lòng, một linh hồn’ (Cv
4, 32)”. Hai mục tiêu chính của cuộc họp này sẽ là: “Làm vững tin và củng cố
các Kitô hữu trong căn tính của họ nhờ Lời Chúa và các Bí tích” và “Khơi dậy sự
hiệp thông giữa các giáo hội sui juris [tự lập], để các giáo hội này có
thể làm chứng về đời sống Kitô hữu một cách đích thực, tươi vui và có sức hấp
dẫn”. Một mục đích khác là cổ vũ sự dấn thân đại kết và đối thoại với người Do
Thái và Hồi giáo “vì lợi ích của toàn thể xã hội” và để “tôn giáo – nhất là của
những ai tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất” luôn trở thành một “mô hình hòa
bình.”
Đức giáo hoàng đã chủ tế
thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô sáng Chúa nhật tại Trung tâm thể thao
“Eleftheria” ở Makedonitissa, Nicosia, vào dịp công bố Tài liệu làm việc của
Hội nghị đặc biệt về Trung Đông của Thượng hội đồng các giám mục. Trong bài
giảng, ngài đã giúp cộng đoàn suy niệm về sự thống nhất các Kitô hữu và về vai
trò của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng đã nói đến ơn gọi của người Kitô hữu tại
vùng đất này: “Chúng ta được kêu gọi vượt lên trên các sự khác biệt để đem lại
hòa bình và hòa giải ở bất cứ nơi nào có xung đột, để loan báo cho thế giới một
thông điệp về niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi để chìa tay cho những ai đang
ở trong cơn túng quẫn, bằng cách chia sẻ một cách đại độ của cải vật chất với
những người thiếu thốn hơn chúng ta.”
Đức giáo hoàng cũng kêu
gọi phải ra khỏi các hàng rào ngăn cách: “Việc triệt hạ các hàng rào ngăn cản
giữa chúng ta và người láng giềng là điều trước tiên phải làm để được vào trong
sự sống Thiên Chúa chúng ta được kêu gọi tới. Chúng ta cần phải được giải thoát
khỏi tất cả những gì giam hãm chúng ta và cô lập chúng ta: lo sợ và nghi kỵ đối
với người khác, tham lam và ích kỷ, để chấp nhận nguy cơ có thể bị tổn thương
một khi chúng ta mở lòng mình cho tình thương yêu.”